Wednesday, August 28, 2024

PARALYMPIC : THẾ VẬN HỘI DÀNH CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT và NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ (RFI)

 



Paralympic : Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật và những dấu mốc lịch sử

 

Đăng ngày: 27/08/2024 - 16:06

https://www.rfi.fr/vi/th%E1%BB%83-thao/20240827-paralympic-th%E1%BA%BF-v%E1%BA%ADn-h%E1%BB%99i-d%C3%A0nh-cho-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-khuy%E1%BA%BFt-t%E1%BA%ADt-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-d%E1%BA%A5u-m%E1%BB%91c-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD

 

Hai tuần sau Olympic, Paris tiếp tục sôi động không khí lễ hội thể thao với Paralympic, cuộc so tài thể thao lớn nhất dành cho những người khuyết tật trên thế giới, giờ đã thành thông lệ được tổ chức ngay sau và cùng địa điểm của mỗi kỳ Thế Vận Hội. Trở lại những mốc lịch sử của phong trào Paralympic.

 

HÌNH :

Sân Champ-de-Mars dưới chân tháp Eiffel đã sẵn sàng cho các trận đấu bóng đá của người khiếm thị tại Paralympic Paris, ngày 18/08/2024 AP - Michel Euler

 

Lịch sử của Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympic  được bắt đầu vào năm 1948 tại một bệnh viện quân y ở thị trấn nhỏ  Stoke Mandeville cách Luân Đôn, Anh Quốc, 60km về phía bắc. Sir Ludwig Guttmann, một bác sĩ thần kinh người Đức, khi đó đang nghiên cứu làm sao đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho những bệnh nhân bị liệt hai chân, những cựu chiến binh trong Thế chiến thứ hai. Cơ sở điều trị chuyên biệt của ông quy tụ các bệnh nhân là các phi công của Lực lượng Không quân Hoàng gia bị chấn thương tủy sống, tất cả đều ngồi trên xe lăn. Đúng thời điểm Thế Vận Hội mùa hè đang diễn ra ở Luân Đôn, ông liền nghĩ tới các môn thể thao.

 

Ông tổ chức cho 16 cựu binh ngồi xe lăn thi đấu với nhau ở môn bắn cung và môn « netball » (biến thể của môn bóng rổ). Bác sĩ Guttman không hề biết, ông vừa mơi khai sinh ra một phong trào thể thao mới. Trong một cuốn sách về ý nghĩa của thể thao trong việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật xuất bản năm 1956, Sir Ludwig Guttman viết : « Cho đến lúc đó, vấn đề vẫn là vô vọng, bởi vì không chỉ cần cứu mạng sống của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị liệt mà còn cần phải đem lại cho họ nhân phẩm để họ trở thành những công dân hạnh phúc và được tôn trọng.”

 

Năm 1952, đại hội thể thao quốc tế Stoke Mandeville lần đầu tiên được khởi xướng. Một đội các cựu chiến binh Hà Lan được mời đến thi đấu với các vận động viên Anh. Đại hội thể thao này sau đó được tổ chức đều đặn hàng năm. Hai năm sau các cuộc so tài được mởi rộng với sự tham gia của 14 quốc gia. Tất cả các vận động viên đều là những người bị liệt hai chân, phần lớn trong số họ đến từ các bệnh viện hay các trung tâm phục hồi chức năng mà giám đốc của họ đã theo gương bệnh viện Stoke Mandeville đưa thể thao vào chương trình điều trị bệnh nhân.

 

Gần một thập kỷ sau đó, vào năm 1960, Đại hội thể thao quốc tế Stoke Mandeville lần thứ  9, được  coi như là Paralympic đầu tiên, được tổ chức tại Roma (Ý), sáu ngày sau khi bế mạc Thế Vận Hội Mùa Hè Roma. Năm nghìn người đã tham dự lễ khai mạc sự kiện thể thao của những người khuyết tật trên sân vận động Acqua Acetosa, với sự tham dự của 400 vận động viên, tất cả đều ngồi xe lăn, đến từ 23 quốc gia. Có 8 môn thể thao trong chương trình thi đấu : Điền kinh, bóng rổ trên xe lăn, bơi, bóng bàn, bắn cung, billar, phi tiêu và đấu kiếm trên xe lăn.

 

Đến kỳ đại hội Tokyo 1964, môn đua xe lăn mới chính thức được đua vào thi đấu. Vào thời kỳ đó, các vận động viên vẫn chưa có các xe lăn chuyên dụng. Họ phải dùng xe tự chế  thủ công vẫn được sử dụng hàng ngày. Những mẫu xe lăn đầu tiên có chút nghiên cứu cải tiến, nhưng vẫn còn đơn sơ, chỉ xuất hiện vào đầu những năm 1980.

 

 

Thời kỳ hình thành quy định luật lệ 

 

Năm 1972, tại Heidelberg (Đức), trước thềm Thế Vận Hội mùa hè Munich, lần đầu tiên các trưởng đoàn và huấn luyện viên gặp nhau để bàn về các quy định áp dụng cho ở từng nội dung thi đấu. Họ đã chọn thành lập các tiểu ban các môn thể thao từ ủy ban tổ chức của Đại hội thể thao Stoke Mandeville. Quyết định này mang lại cho mỗi bộ môn nhiều quyền tự chủ hơn trong quá trình phát triển và mở đường cho việc phân loại các dạng khuyết tật theo môn thể thao trong tương lai. Tại Toronto (Canada), năm 1976, 261 vận động viên cụt chân và 187 vận động viên khiếm thị bắt đầu được phép tham gia thi đấu bên cạnh các vận động viên ngồi xe lăn.

 

Năm 1988, lần đầu tiên Paralympic được tổ chức tại cùng địa điểm với Thế Vận Hội Mùa Hè Seoul (Hàn Quốc). Sự kiện diễn ra hai tuần sau Thế Vận Hội Mùa Hè (15-24/10) với sự tham dự của 3.057 vận động viên của 60 quốc gia.Nhiều quan chức Olympic Seoul đã được tuyển dụng và đào tạo đặc biệt về đặc thù Paralympic để làm việc cho cả hai sự kiện.

 

Thời điểm quan trọng trong lịch sử Paralympic đó là vào ngày 22 tháng 9 năm 1989, Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) được thành lập. IPC là định chế giám sát và điều phối Thế Vận Hội mùa hè và mùa đông cũng như các cuộc thi khác dành cho các vận động viên khuyết tật khác nhau trên toàn thế giới.

 

Năm 2000 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật. Paralympic mùa hè lần thứ XI ở Sydney được chia sẻ nguồn lực với ban tổ chức Olympic. Thành phố chủ nhà và các quan chức trong ban tổ chức phải chịu trách nhiệm về cả hai sự kiện. Sau Thế Vận Hội Sydney, các vận động viên thiểu năng trí tuệ đã bị loại khỏi chương trình Paralympic trong tương lai do đội bóng rổ của Tây Ban Nha gian lận trắng trợn. Ủy ban Paralympic Quốc tế thấy cần phải cải tổ lại hệ thống đánh giá tình trạng khuyết tật tâm thần của vận động viên.

 

 

Kỷ nguyên truyền thông 

 

Vào ngày 19 tháng 6 năm 2001, một thỏa thuận đã được ký kết giữa IOC và IPC để đảm bảo và hỗ trợ cho việc tổ chức Paralympic. Văn kiện khẳng định kể từ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, Paralympic sẽ luôn diễn ra ngay sau Thế Vận Hội Olympic và sẽ sử dụng cùng các cơ sở và địa điểm thể thao, cùng làng vận động viên, cùng mức phí đăng ký và chi phí đi lại. Do đó, mỗi thành phố đăng cai trong tương lai được chọn sẽ phải tổ chức Thế Vận Hội Olympic và Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật.

 

Cũng tại Bắc Kinh, sự phát triển của truyền thông đã được khẳng định  bằng việc Paralympic được phát sóng ở 80 quốc gia, đạt tổng cộng 3,8 tỷ người xem. Sau đó, Thế Vận Hội Luân Đôn 2012 đã đánh dấu một bước ngoặt mới thể hiện sự hòa nhập và niềm tự hào của người khuyết tật. Rio năm 2016 và Tokyo năm 2021 phong trào Paralympic tiếp tục phát triển mạnh.

 

 

Paris sẵn sàng cho Paralympic

 

Paralympic Paris 2024,  diễn ra từ ngày 28/08 đến 08/09 hai tuần sau khi bế mạc Olympic Paris. Khác với Olympic, lễ khai mạc Paralympic diễn ra ngoài trời tại trung tâm thủ đô trên quảng trường Concorde, nhưng không phải trên sông Seine.

 

Màn trình diễn này cũng vẫn do đạo diễn Thomas Jolly , đảm nhiệm với hứa hẹn sẽ dành cho khán giả nhiều «  bất ngờ » thú vị. Các đoàn vận động viên tham dự Paralympic 2024 sẽ diễu hành trên đại lộ Champs Elysée, đến tề tựu trước lễ đài đặt tại quảng trường Concorde. Sau màn diễu hành và trình diễn nghệ thuật là lễ châm đuốc tại vườn Tullerie nằm sát cạnh quảng trường. Đài lửa Thế Vận Hội Paris 2024 lại được thắp lửa Paralympic và bay lên trên bầu trời Paris trong suốt 12 ngày diễn ra sự kiện. Paralympic sẽ khép lại với lễ bế mạc tại sân vận động Stade de France tối ngày 08/09.

 

 

Chương trình thi đấu 

 

Từ ngày 29/08 đến Chủ Nhật 08/09, các vận động viên khuyết tật khác nhau sẽ so tài ở 549 nội dung ở 22 môn thể thao trong đó có nhiều bộ môn trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic đã được thay đổi thể thức, quy định để thích ứng với các vận động viên khuyết tật cũng như nhiều môn chuyên biệt.

 

Sẽ có 20 địa điểm thi đấu đón các cận động viên khuyết tật về so tài tại Paralympic Paris, tập trung về khu vực Paris và các vùng phụ cận.

 

Các đoàn thể thao khuyết tật cũng được đón tiếp tại làng vận động viên đã dành cho Thế Vận Hội Paris đã được cải tạo và lắp đạt thêm thiết bị để đáp ứng được đặc thù sinh hoạt của người khuyết tật.

 

Theo số liệu của ban tổ chức sự kiện, có 4400 vận động viên đại diện cho 180 đoàn thể thao các nước và vùng lãnh thổ tham dự Paralympic Paris. Dự kiến sẽ có khoảng 350 nghìn khán giả là những người khuyết tật dự Olympic và Paralympic Paris. Chính quyền thành phố Paris cũng như vùng Il-de-France đã tiến hành sửa chữa lắp đặt bổ sung các hệ thống thiết bị tại các địa điểm công cộng tạo điều kiện để người khuyết tật có thể dẽ dàng tiếp cận.

 

Để bảo đảm an ninh cho Paralympic Paris, chính phủ Pháp huy động 25 nghìn nhân viên giữ gìn trật tự trong suốt 12 ngày diễn ra sự kiện.

 

Paris đã sẵn sàng đón Paralympic 2024, ngày hội thể thao lớn nhất thế giới của những người đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

 

 




No comments:

Post a Comment