Tuesday, August 27, 2024

LÁ PHIẾU NƯỚC MỸ ĐỐI VỚI BÌNH NHƯỠNG (Trúc Phương / Người Việt)

 



Lá phiếu nước Mỹ đối với Bình Nhưỡng

Trúc Phương / Người Việt

August 26, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/la-phieu-nuoc-my-doi-voi-binh-nhuong/#google_vignette

 

Trong bài phát biểu nhận đề cử ứng cử viên tổng thống, ông Donald Trump đã nhắc đến quan hệ cá nhân thắm thiết với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un và ám chỉ rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn muốn ông trở lại Tòa Bạch Ốc. Vài ngày sau, hãng Thông Tấn Trung Ương Triều Tiên (KCNA) đã “nghiêm túc khiển trách” Trump, nói rằng “bất kể chính quyền nào nhậm chức tại Hoa Kỳ thì bầu không khí chính trị, vốn hỗn loạn bởi cuộc đấu đá nội bộ của hai đảng, vẫn không thay đổi; và do đó, chúng tôi không quan tâm đến điều này.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/Trump-Kim-HaNoi-2019-1536x979.jpg

Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un gặp nhau tại Hà Nội, ngày 28 Tháng Hai, 2019. (Hình: Vietnam News Agency/Handout/Getty Images)

 

 

Khi Trump nhớ Kim

 

Trong thực tế, Kim Jong Un, tương tự gần như mọi nguyên thủ thế giới, chắc chắn quan tâm sát sao kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Như nhận định của The Diplomat, đối với Kim Jong Un, năm năm tới có thể là giai đoạn bất ổn, liên quan ít nhiều chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng, từ các cuộc đàm phán với Seoul đến mức độ gắn bó của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh và Moscow.

 

Bốn năm qua, chính quyền Biden chủ yếu tập trung vào việc gây sức ép với cộng đồng quốc tế để thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Bắc Hàn. Thời Biden, Washington áp dụng đường lối cứng rắn, với nhiều biện pháp nặng tay trong đó có việc chặn các khoản tiền bất hợp pháp mà Bình Nhưỡng có thể sử dụng cho sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Washington cũng thường xuyên đánh động những hành vi vi phạm nhân quyền dưới sự cai trị của Kim Jong Un. Cùng sự hợp tác chặt chẽ với đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản, việc tăng cường răn đe Bắc Hàn là trọng tâm quan trọng trong chính sách của Biden. Giờ đây, Bình Nhưỡng lo ngại họ tiếp tục sống trong tình cảnh khó chịu trước khả năng vào Tòa Bạch Ốc của bà Kamala Harris.

 

Những phát biểu trước đây của Kamala Harris về Bắc Hàn cho thấy bà gần như chắc chắn tiếp nối chính sách cứng rắn tương tự người tiền nhiệm Joe Biden nếu bà đắc cử tổng thống. Tờ Korea JoongAng Daily nhắc lại câu nói của bà Kamala Harris vào Tháng Tám, 2019, khi trả lời câu hỏi của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Nam Hàn (CFR) về khả năng giảm nhẹ lệnh trừng phạt một phần để đổi lấy việc dỡ bỏ một phần chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Bà nói: “Tôi xin bắt đầu như thế này, tôi xin đoan chắc với quý vị rằng tôi sẽ không trao đổi thư tình với Kim Jong Un” (đề cập đến “thư tình,” bà Kamala Harris ám chỉ đến cách nói của Donald Trump khi ông nói mình và Kim Jong Un thường xuyên trao đổi “love letter”).

 

Kamala Harris nhấn mạnh thêm: “Chúng ta không thể chấp nhận Bắc Hàn là một quốc gia có vũ khí nguyên tử. Bằng việc chỉ yêu cầu phi nguyên tử hóa đã cho thấy điều này hoàn toàn là một công thức thất bại. Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để kiềm chế và đảo ngược các mối đe dọa ngắn hạn do Bình Nhưỡng gây ra khi chúng ta hướng tới mục tiêu dài hạn.”

 

Trong chuyến công du Seoul vào ngày 29 Tháng Chín, 2022, Phó Tổng Thống Kamala Harris cũng nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nam Hàn…

 

Nếu Kamala Harris trở thành tổng thống, xu hướng trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn của Washington sẽ được duy trì, gây ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng. Về mặt ngoại giao, việc tăng cường hợp tác an ninh ba bên giữa Washington, Seoul và Tokyo hẳn nhiên cũng không phải là điều tốt cho Kim Jong Un.

 

Gần đây, trước sự “ăn hiếp” của Mỹ, Bình Nhưỡng phải “chạy” sang “ngả ngớn” với Moscow, dù trong thâm tâm, Kim Jong Un có thể nhận thức được rằng liên minh Nga-Bắc Hàn không thể mạnh bằng liên minh song phương Nam Hàn-Mỹ. Kim Jong Un cùng lúc cũng có thể thấy rằng quan hệ đối tác với Trung Quốc, vốn xem Bình Nhưỡng chỉ là một chư hầu đàn em, không khác mấy so với quan hệ giữa Bắc Hàn với Nga.

 

So với Kamala Harris, Donald Trump là kẻ ít gây hại hơn đối với Kim Jong Un. Việc Trump nằng nặc đòi giảm quân số Hoa Kỳ đồn trú tại Nam Hàn là một món quà không thể “sang” hơn của Mỹ dành cho Bắc Hàn. Ngoài ra, tính khí thất thường của Trump, trong khi mù tịt về lịch sử ngoại giao quốc tế, chắc chắn gây ra rạn nứt không chỉ giữa Mỹ với Nam Hàn mà còn giữa Mỹ với Nhật. Điều này có thể gây khó chịu cho chính quyền Tổng Thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol, vốn luôn theo đuổi chính sách dựa trên áp lực khi đối phó Bình Nhưỡng.

 

Ngoài ra, chính quyền Trump có thể làm tổn hại khuôn khổ hợp tác rộng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó tất nhiên có cả tam giác Nam Hàn-Nhật Bản-Hoa Kỳ mà chính quyền Biden đã dày công thành lập.

 

Chính sách của chính quyền Trump trước đây dành cho Bắc Hàn là theo đuổi mục tiêu “phi nguyên tử hóa được chứng thực hoàn toàn – final, fully verified denuclearization, FFVD” – một chính sách tương tự mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trước từng thực hiện, dù với thuật ngữ khác. Tuy nhiên, sự thất thường của Trump cho thấy FFVD không phải là bất di bất dịch.

 

Trump, với tư cách tổng thống, từng có ba cuộc gặp trực tiếp với Kim Jong Un, nhưng tất cả đều xôi hỏng bỏng không, đặc biệt sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội năm 2019.

 

Hơn nữa, trong nhiệm kỳ tổng thống, Trump cho thấy ông luôn sẵn sàng bỏ qua các vấn đề nhân quyền của Bắc Hàn. Bình Nhưỡng chẳng bao giờ muốn cộng đồng quốc tế khuấy động việc họ đàn áp người dân như thế nào. Nhìn chung, nếu Trump tái đắc cử, điều này sẽ giúp Kim Jong Un có thời gian giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và ngoại giao mà họ đang đối mặt.

 

Bình Nhưỡng muốn gì ở Trump 2.0?

 

Tại một buổi lễ quân sự vào ngày 4 Tháng Tám, 2024, Kim Jong Un nói rằng Bắc Hàn nên chuẩn bị kỹ hơn để đối đầu với Hoa Kỳ nếu cần thiết. Nhà lãnh đạo Bắc Hàn cũng nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng có quyền lựa chọn cách đối thoại với Washington.

 

Trước đó, một bài bình luận về mối quan hệ Bắc Hàn-Hoa Kỳ, được hãng Thông Tấn Trung Ương Bắc Hàn (KCNA) phát ngày 23 Tháng Bảy (dẫn lại từ Nikkei Asia ngày 18 Tháng Tám), đã đề cập đến “cảm xúc lẫn lộn” của Kim Jong Un về Trump.

 

Trong khi lên án Hoa Kỳ là “kẻ đối đầu cuồng tín bệnh hoạn,” bài bình luận KCNA thừa nhận rằng vẫn còn “tình bạn cá nhân” giữa Kim Jong Un và Trump, dù rằng “chính sách đối ngoại của một quốc gia và cảm xúc cá nhân phải được phân biệt rõ ràng.”

 

Cách viết và ngôn ngữ của KCNA rất đáng chú ý bởi nó phản ánh suy nghĩ cá nhân của Kim Jong Un. Nó cho thấy Kim Jong Un có thể xem “nỗi nhớ” mà Trump dành cho Kim Jong Un là điều gì đó nằm trong suy nghĩ thật sự của Trump mà Bình Nhưỡng có thể lợi dụng được (trong thực tế, hai người đã trao đổi với nhau 27 lá thư).

 

Bài viết KCNA kết luận: “Sự đối đầu giữ Bắc Hàn-Hoa Kỳ có dừng lại hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hành vi của Hoa Kỳ.”

 

Theo giới quan sát, Bắc Hàn có hai yêu cầu chính.

 

Thứ nhất, Bình Nhưỡng muốn quay ngược lại thời gian, với bản tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Trump-Kim tại Singapore vào Tháng Sáu, 2018, khi Bắc Hàn đồng ý hướng tới phi nguyên tử hóa Bán Đảo Triều Tiên để đổi lấy cam kết an ninh của Hoa Kỳ. Tại buổi họp báo sau cuộc gặp với Kim Jong Un, Trump cho biết ông có ý định dừng các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn khi các cuộc đối thoại Washington-Bình Nhưỡng đang diễn ra.

 

Thứ hai, Bình Nhưỡng muốn các cuộc đàm phán Bắc Hàn-Hoa Kỳ được định vị là các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí, và Bắc Hàn phải được xem là một cường quốc nguyên tử thật sự (“being treated as an established nuclear power”).

 

Mỹ, trong khi đó, từ lâu vẫn duy trì quan điểm rằng việc phát triển nguyên tử của Bắc Hàn là bất hợp pháp và phải chịu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Sở dĩ Bắc Hàn tìm kiếm vị thế một cường quốc nguyên tử thật sự là để họ có thể có đủ tư cách sản xuất vũ khí nguyên tử nếu cần, theo cách tương tự Ấn Độ, Pakistan và Israel.

 

Chính phủ Nam Hàn hiện tại, vốn đang củng cố lập trường chống lại Bắc Hàn, tin rằng Bình Nhưỡng “thường xuyên làm nổi bật sự hiện diện của họ trước bất kỳ cuộc bầu cử tổng thống nào của Hoa Kỳ.”

 

Theo Nikkei Asia, có nguồn cho rằng Bình Nhưỡng đang hoạch định các cuộc đàm phán Bình Nhưỡng-Washington ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ với kết quả… Trump chiến thắng. Nguồn này tin rằng, Kim Jong Un luôn đánh giá Trump là kẻ dễ bị lừa. Bắc Hàn có thể sẽ thực hiện những hành động khiêu khích quân sự quen thuộc trong khi vẫn tiếp tục “quyến rũ” Trump.

 

Cần nói thêm, 2025 là năm cuối cùng trong “kế hoạch năm năm phát triển khoa học quốc phòng và hệ thống vũ khí” của Bắc Hàn, được thúc đẩy theo chỉ đạo của Kim Jong Un. Dự án gồm tăng cường sản xuất vũ khí nguyên tử nhỏ và nhẹ hơn, cùng với vũ khí nguyên tử chiến thuật và “đầu đạn siêu lớn.” Bài phát biểu ngày 4 Tháng Tám của Kim Jong Un đã nhắc lại việc chuyển giao 250 bệ phóng hỏa tiễn đạn đạo chiến thuật cho các đơn vị quân đội tiền tuyến đóng dọc biên giới Bắc Hàn với Nam Hàn.

 

Bắc Hàn đã không tiến hành vụ thử nguyên tử nào trong gần bảy năm kể từ vụ thử thứ sáu vào Tháng Chín, 2017. Theo giới quan sát, tùy thuộc vào cách hành xử của chính quyền Hoa Kỳ khi Tòa Bạch Ốc có tổng thống mới vào Tháng Giêng, 2025, Bắc Hàn có thể tuyên bố hoàn thành “trước thời hạn” kế hoạch năm năm và kêu gọi nối lại đàm phán với Hoa Kỳ.

 

Trong một kịch bản khả thi khác, cho dù tổng thống là Donald Trump hay Kamala Harris, Bắc Hàn có thể thúc giục Hoa Kỳ đàm phán bằng cách tuyên bố sẵn sàng thử nguyên tử, và tiến hành một vụ thử thật sự nếu Washington từ chối yêu cầu. Bất luận thế nào, người mà Kim Jong Un muốn tiếp tục trao đổi “thư tình” vẫn là Trump.

 

“He’d like to see me back too. I think he misses me.” Trump nói cách đây vài tháng, và Kim Jong Un dường như cũng rất mong điều đó.

 

 




No comments:

Post a Comment