Friday, August 2, 2024

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ : TẠO ĐƯỢC DẤU ẤN RIÊNG, THÁCH THỨC LỚN ĐỐI VỚI KAMALA HARRIS (RFI)

 



NỘI DUNG :

Mỹ : Trump bị chỉ trích vì những phát biểu gây tranh cãi về Kamala Harris

Phan Minh  -  RFI

.

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Donald Trump đả kích gay gắt Kamala Harris

Phan Minh  -  RFI

.

Tầm vóc nguyên thủ : Thách thức của bà Kamala Harris

Thụy My  -  RFI

.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Tạo được dấu ấn riêng, thách thức lớn đối với Kamala Harris

Thùy Dương  -  RFI

.

=======================================================

.

.

Mỹ : Trump bị chỉ trích vì những phát biểu gây tranh cãi về Kamala Harris

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 01/08/2024 - 15:32

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240801-m%E1%BB%B9-trump-b%E1%BB%8B-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-v%C3%AC-nh%E1%BB%AFng-ph%C3%A1t-bi%E1%BB%83u-g%C3%A2y-tranh-c%C3%A3i-v%E1%BB%81-kamala-harris

 

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích gay gắt sau những phát biểu gây tranh cãi về Kamala Harris. Hôm qua, 31/07/2024, ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã bày tỏ hoài nghi về nguồn gốc sắc tộc của bà Harris và ám chỉ đương kim phó tổng thống đã “quyết định trở thành người da đen vì lý do chính trị”.

 

HÌNH :

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Nhà báo Da đen Quốc gia (NABJ) ở Chicago, bang Illinois, Hoa Kỳ, ngày 31/07/2024. REUTERS - Vincent Alban

 

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình :

 

Một số người xem đây là một sai lầm chiến lược có thể khiến Donald Trump phải trả giá đắt. Đối với cựu tổng thống, tham gia hội nghị các nhà báo người Mỹ da đen ở Chicago là cách để tiếp cận một nhóm cử tri mà các bên đều muốn lấy lòng. Nhưng cuối cùng, tuyên bố của ứng viên đảng Cộng Hòa đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt.

 

Donald Trump được 3 nhà báo phỏng vấn và từ những phút đầu tiên, cuộc trao đổi đã biến thành màn khẩu chiến. Trước hết, Donald Trump tỏ vẻ nghi ngờ về nguồn gốc sắc tộc của Kamala Harris, ám chỉ bà tự nhận là người da đen chỉ vì lý do chính trị.

 

Donald Trump tuyên bố : “Tôi đã gián tiếp biết bà ấy từ lâu. Bà ấy luôn nêu bật nguồn gốc Ấn Độ của mình. Tôi không hề biết bà ấy là người da đen cho đến cách đây vài năm khi bà ấy quyết định trở thành người da đen.”

 

Đối mặt với các nhà báo đặt những câu hỏi sắc bén hơn những câu hỏi mà ông thường nghe trên Fox News hay các kênh bảo thủ khác, Donald Trump đã không ngần ngại chỉ trích họ, mô tả một trong những nhà báo đó là “đáng tởm”.

 

Nhiều tổ chức của người da đen và người gốc châu Mỹ Latinh cáo buộc ứng viên Cộng Hòa muốn chia rẽ các nhóm thiểu số. Nhiều dân biểu thuộc đảng Dân Chủ cũng đã phản ứng, nhấn mạnh Trump đã có những phát biểu phân biệt chủng tộc.

 

Phát ngôn viên của Nhà Trắng thì chỉ nói ngắn ngọn Kamala Harris là phó tổng thống và bà phải được tôn trọng.

 

---------------------------

 

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Donald Trump đả kích gay gắt Kamala Harris

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 25/07/2024 - 13:38    Sửa đổi ngày: 25/07/2024 - 14:56

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240725-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-2024-donald-trump-%C4%91%E1%BA%A3-k%C3%ADch-gay-g%E1%BA%AFt-kamala-harris

 

Cựu tổng thống Donald Trump hôm qua, 24/07/2024, đã công kích gay gắt đương kim phó tổng thống Kamala Harris trong cuộc vận động tranh cử đầu tiên kể từ khi tổng thống Joe Biden bỏ cuộc. Bà Harris được ông Joe Biden ủng hộ đại diện cho đảng Dân Chủ tranh cử tổng thống Mỹ tháng 11.

 

HÌNH :

Tổng thống Mỹ Joe Biden, phía sau là phó tổng thống Kamala Harris, phát biểu ngày 14/07/2024 tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ. REUTERS - Nathan Howard

 

Theo hãng tin AFP, vận động tranh cử tại bang North Carolina, ông Donald Trump đã cáo buộc bà Kamala Harris ủng hộ việc “xử tử” trẻ sơ sinh do quan điểm của bà về vấn đề quyền phá thai. Cụ thể, ông Trump khẳng định, mà không đưa ra bằng chứng, rằng phó tổng thống Mỹ “muốn cho phá thai vào tháng thứ tám và thứ chín của thai kỳ, cho đến sát thời điểm sinh và thậm chí khi đứa bé đã được sinh ra rồi, đồng nghĩa với việc xử tử đứa bé”. Trước đó, Kamala Harris từng chỉ trích Trump muốn cấm phá thai, bà chủ trương “phụ nữ có quyền tự quyết về cơ thể bản thân”.

 

Cựu tổng thống Mỹ còn tuyên bố: “Bà ấy là một kẻ mất trí cực đoan cánh tả, người sẽ phá hủy đất nước của chúng ta và chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra.” Ông Trump tái khẳng định bà Harris đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và bà “không phù hợp để lãnh đạo đất nước”.

 

Donald Trump cũng cáo buộc bà Harris đã che đậy tình trạng “sức khỏe tâm thần của Biden không ổn định”. Nhà Trắng hôm qua đã phủ nhận việc che giấu tình trạng suy giảm sức khỏe của Biden trước khi ông ra quyết định rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.

 

----------------------------

Tầm vóc nguyên thủ : Thách thức của bà Kamala Harris

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 25/07/2024 - 09:46

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240725-t%E1%BA%A7m-v%C3%B3c-nguy%C3%AAn-th%E1%BB%A7-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-c%E1%BB%A7a-b%C3%A0-kamala-harris

 

Hầu như chắc chắn sẽ được đảng Dân Chủ đề cử, nay bà Kamala Harris phải khẳng định được bản lãnh chính trị, theo Le Monde ngày 24/07/2024. La Croix nhận xét, J.D. Vance, người được ông Donald Trump chọn làm phó, đang thay ông công kích bà Harris.

 

HÌNH :

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris được những người ủng hộ chào đón trong cuộc mít-tinh tranh cử đầu tiên tại West Allis, Wisconsin, Hoa Kỳ ngày 23/07/2024. REUTERS - Kevin Mohatt

 

Bà Kamala Harris trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ, cánh tả đề nghị một cái tên cho chức thủ tướng nhưng tổng thống Emmanuel Macron cho biết sẽ không bổ nhiệm ai trước khi Thế vận hội kết thúc. Đó là hai chủ đề chính trên mặt báo hôm nay.

 

 

Một trận đấu mới Trump-Harris

 

Le Monde nói về « Kamala Harris trước thách thức chuyển biến thành nguyên thủ ». Ngay sau khi ông Joe Biden rút lui, phó tổng thống nhận được rất nhiều người ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Hầu như đã bảo đảm được đề cử của đảng Dân Chủ, nay bà phải khẳng định được bản lãnh chính trị.

 

Trong khi tổng thống Biden vẫn đang cách ly ở Delaware vì bị nhiễm Covid, bà Harris đã thay ông tiếp đón các vận động viên ở Nhà Trắng. Sau đó bà đến thành trì của ông để tiếp nhận ê-kíp tranh cử nay hoàn toàn phục vụ cho bà, cho dù trên trang web vẫn mang tên tổng thống sắp mãn nhiệm, có thêm sự hỗ trợ của một chiến lược gia từng sát cánh với Barack Obama là David Plouffe. Số đại biểu ủng hộ Kamala Harris đã vượt quá con số cần thiết, mối lo một cuộc đấu đá ở đại hội đảng tại Chicago, bang Illinois từ ngày 19/08 dường như không còn nữa.

 

Làn sóng ủng hộ sau thông báo lịch sử của ông Joe Biden không ngừng tăng lên, nhất là từ cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Ảnh hưởng của bà Pelosi rất lớn trong việc thuyết phục tổng thống từ bỏ cuộc đua. Cú sốc từ quyết định của ông Biden tiếp tục gây tác động ngoạn mục nơi các nhà tài trợ, với 81 triệu đô la thu được chỉ trong 24 giờ.

 

Libération nhận xét « Kamara Harris chắc chắn sẽ là được đảng Dân Chủ đề cử ». Một số chính khách trong đảng có lẽ mơ đến một cuộc bầu cử sơ bộ « tốc hành », nhưng trận đấu này không bao giờ diễn ra, họ chẳng có thời giờ chuẩn bị, và nay ấp ủ hy vọng được chọn làm phó. Lần lượt từng tiểu bang, Harris có được lời hứa ủng hộ của đa số trong 4.000 đại biểu sắp họp đại hội đảng. Toàn bộ các thống đốc Dân Chủ, đại đa số dân biểu cấp tiến ở Quốc Hội, và nhiều tổ chức đấu tranh, nghiệp đoàn đều đứng về phía Harris, và những tháng tới bà sẽ rong ruổi khắp nước để tiếp xúc cử tri. Đối với Harris cũng như Trump, một chiến dịch mới bắt đầu. Vẫn còn 105 ngày nữa.

 

 

Lịch sử liệu có lặp lại ?

 

Theo Le Monde, nhiệm vụ nặng nề nhất của Kamala Harris là mang lại giải pháp cho vấn đề lạm phát và nhập cư. Cuộc tranh cử sơ bộ của bà trong đảng Dân Chủ trước đây không để lại dấu ấn gì, cũng như thời gian ngắn ngủi ở Thượng Viện. Thời kỳ bà làm chưởng lý California, phe Cộng Hòa tố cáo « thẩm phán đỏ », trong khi một bộ phận đảng Dân Chủ tỏ ý tiếc về sự cứng rắn của bà cũng như quá thận trọng trong các cải cách. Những rắc rối tư pháp của Donald Trump và dự tính thanh trừng hàng loạt tại Nhà nước liên bang sẽ là cơ hội cho cựu thẩm phán trong vai trò bảo vệ các định chế Mỹ, bên cạnh đó là quyền phá thai.

 

Những lợi thế này cũng như việc bà xuất thân từ California lại là khuyết điểm của Kamala Harris tại các bang Rust Belt. Nhất là sau khi ông Trump đã chọn J. D. Vance, thượng nghị sĩ Ohio vốn tự cho là người bảo vệ thành phần bị bỏ rơi trong toàn cầu hóa. Và nay Kamala Harris còn phải khẩn cấp tìm ra người đứng chung liên danh, cũng như tô điểm thêm hình ảnh vẫn còn lu mờ. Le Monde không quên nhắc nhở, hai vụ rút lui trước đó của các tổng thống Dân Chủ Harry Truman và Lyndon B. Johnson đã dẫn đến chiến thắng của Cộng Hòa.

 

 

J.D. Vance, « đấu sĩ » mới phụ trách tấn công đối thủ Dân Chủ

 

La Croix chú ý đến « J.D. Vance, đấu sĩ mới của phe Cộng Hòa phụ trách việc tấn công bà Kamala Harris ». Lời kêu gọi đoàn kết của Donald Trump sau vụ ám sát hụt không kéo dài được bao lâu. Ông Trump đang cố gắng vào vai mới « thiên sứ », thì người đứng chung liên danh James David Vance đã lao ra tiếp bước với các tuyên bố dữ dội nhắm vào đối thủ.

 

Ngay trong bài phát biểu đầu tiên tại lãnh địa của mình và sau đó ở Virginia, thượng nghị sĩ Ohio đã nhấn mạnh bà Harris « một ngàn lần tệ hại hơn là những gì mọi người đã biết », cho rằng bà « nói dối về năng lực trí tuệ ». Ông đặt vấn đề về tính chính danh : Sinh tại California nhưng cha mẹ gốc Jamaica và Ấn Độ, lẽ ra bà phải hàm ân nước Mỹ nếu muốn lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ nghe bà phát biểu như vậy, đồng thời tố cáo những thất bại của bà về hồ sơ nhập cư.

 

Đây không phải là lần đầu tiên, mà từ 2021 ông Vance đã nói Kamala Harris là một trong « những phụ nữ không con, sống với mèo ». Trước đó, ông Trump nói bà Harris là « điên khùng », và bà trả đũa bằng việc gọi Donald Trump là « kẻ lừa đảo ». Bạo lực ngôn từ lại tiếp diễn.

 

 

Đối phó oanh kích, Ukraina chia nhỏ hệ thống nhà máy điện

 

Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina, đặc phái viên của Le Monde cho biết « Tại Ukraina, các vụ oanh kích có hệ thống của Nga buộc phải có một cuộc cách mạng về sản xuất điện ». Những nhà máy điện khổng lồ thời Xô-viết sẽ phải nhường chỗ cho các đơn vị nhỏ hơn đặt rải rác ở nhiều nơi, với giá thành đắt hơn.

 

Những công trình quy mô bằng bê-tông và thép, tiêu thụ cả núi than đá, đang hấp hối dưới những đợt hỏa tiễn liên tục của Nga từ năm tháng qua. Tại một nhà máy điện không được nêu tên, phóng viên thấy phòng máy có trần bị lủng ở nhiều nơi, vách tường bị biến dạng. Nhà máy đã bị tấn công 10 lần, bắt đầu là drone, sau đến hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo. Loại đạn đạo là đáng sợ nhất, vì chỉ mất có bốn phút để đến nơi, không đủ thời gian chạy đến hầm trú ẩn.

 

Lợi dụng Ukraina thiếu phương tiện phòng không, Nga gia tăng đánh phá khiến 85 % nhà máy nhiệt điện không còn hoạt động được. Không có điện, máy bơm ngưng chạy và sẽ không có nước sạch, tạo mầm mống dịch bệnh. Kinh tế Ukraina bị ảnh hưởng nặng nề, người dân lo sợ cho mùa đông tới. Thế nên, thay vì 20 nhà máy điện lớn, Ukraina chủ trương xây dựng 200 đến 500 nhà máy nhỏ hay hệ thống trữ năng lượng 5 đến 10 mégawatt, được bố trí khắp cả nước theo nhu cầu.

 

 

Tập Cận Bình ưu tiên cho an ninh quốc gia

 

Tại Trung Quốc, Le Monde nhận thấy « Tập Cận Bình đặt an ninh quốc gia lên trên tất cả ». Đường hướng được công bố hôm Chủ nhật sau Hội nghị Trung ương nhấn mạnh Trung Quốc phải chuẩn bị đối phó trước căng thẳng ngày càng tăng lên với phần còn lại của thế giới. Trong suốt bốn ngày, người dân Hoa lục chẳng biết gì về những trao đổi tại khách sạn Jingxi của quân đội ở phía tây Bắc Kinh, nơi 400 ủy viên trung ương và ủy viên dự khuyết họp lại từ 15 đến 18/07. Ba ngày sau khi hội nghị kết thúc, họ mới được biết về lộ trình cho bốn năm tới, do Tập Cận Bình vạch ra, trong đó ưu tiên tối hậu là an ninh.

 

Không có một động thái nào hướng về một xã hội đôi khi tỏ dấu hiệu bất mãn vì kinh tế sa sút. Đảng chỉ muốn « tạo ra một hệ thống phối hợp hiệu quả cao độ và sử dụng khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh quốc gia ». Rõ ràng là Bắc Kinh sẽ không mở cửa thêm, mà chuẩn bị đối mặt với một thế giới có nhiều thay đổi, và « những âm mưu ngăn chặn Trung Quốc ». Ông Tập muốn « nhanh chóng tạo ra những chuỗi kỹ nghệ và cung ứng tự chủ và có thể kiểm soát được ». Đặc biệt là mạch tích hợp cho máy tính, máy công cụ, thiết bị y tế, phần mềm, bên cạnh đó là dự trữ các khoáng sản quan trọng trong trường hợp xung đột.

 

« Mô hình » Trung Quốc nay khác xa với những gì mà Hoa Kỳ và các đồng minh hy vọng khi mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Trong lúc ngày càng nhiều quốc gia - không chỉ phương Tây mà cả những nước bạn bè như Brazil hay Indonesia - lo ngại việc làm bị mất vì cạnh tranh của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn thúc đẩy sản xuất dù đã chiếm đến 31 % hàng công nghiệp thế giới. Việc Trung Quốc mạnh tay trợ giá đã gây ra vô số tranh chấp thương mại với các nước.

 

Bên cạnh đó, đảng cũng hứa hẹn sửa đổi chính sách thuế khóa để giải quyết nợ nần của các địa phương, quan tâm hơn đến nhà ở xã hội, cải cách chế độ hộ khẩu. Tuy nhiên xã hội Hoa lục đừng mong được dễ thở hơn, các cộng đồng thiểu số sắc tộc và tôn giáo vẫn là trung tâm của chiến dịch Hán hóa. Mục tiêu đạt « hòa hợp quốc gia » là năm 2029, nhân 80 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Có nghĩa là ông Tập Cận Bình, người thiết lập lộ trình này, vẫn tự coi là người nắm quyền cho đến lúc đó.

 

 

Cánh tả Pháp với một khuôn mặt vô danh và chương trình phi thực tế

 

Về thời sự nước Pháp, xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos nhận định « Một nữ ứng viên nhưng với một chương trình nguy hiểm ». Cánh tả vào giờ chót đã đề nghị một khuôn mặt hoàn toàn không ai biết đến cho chức thủ tướng, để gây áp lực với tổng thống Emmanuel Macron, chỉ một tiếng đồng hồ trước khi ông phát biểu trên truyền hình. Nhật báo thiên tả Libération đả kích việc « đã có một cái tên nhưng lại bị chối từ ».

 

Sau nửa tháng hết đưa ra ứng viên này đến ứng viên khác và bị bác bỏ ngay trong các đảng liên minh, rốt cuộc Mặt trận Bình dân Mới bất ngờ đề cử bà Lucie Castets, một công chức cao cấp ngành tài chánh. Cánh tả rốt cuộc đã « hòa giải » được giữa các phe cực tả, xã hội và sinh thái chăng ? Les Echos cho rằng dù cánh tả có đưa ra được một cái tên, vẫn không thay đổi gì vì họ không có được đa số tuyệt đối. Mặt trận Bình dân Mới còn cần đến hơn 100 ghế nữa mới đạt được, số ghế của liên minh này chỉ nhỉnh hơn các nhóm khác một ít mà thôi.

 

Theo Les Echos, chương trình của cánh tả không chỉ đáng ngại, mà còn hoàn toàn phi thực tế. Dựa vào một quan điểm đơn giản về kinh tế : bơm vào nhiều tỉ euro cho chi tiêu công tự khắc sẽ có tăng trưởng, cánh tả gây rủi ro cho cán cân thương mại, đầu tư, việc làm, khiến tư bản chạy sang nước khác. Minh họa mới nhất là hôm qua Nước Pháp Bất Khuất (LFI) đề nghị hủy bỏ luật cải cách hưu bổng. Về chính trị, cực tả trông cậy vào sự ủng hộ của đảng cực hữu.

 

Về tài chánh, LFI hy vọng tìm được 24 tỉ euro qua việc trích xuất nhiều hơn từ tiền lương và đánh thuế cao vốn đầu tư. Nhưng nguyên thủ Pháp vẫn mong có thời gian xây dựng một liên minh « trung dung » hơn với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) và các đảng viên xã hội hay sinh thái ôn hòa. Thế vận hội lẽ ra là thời gian tạm ngưng tranh đấu nhưng lại là cuộc chạy đua với thời gian.

 

================================================

 

Bầu cử tổng thống Mỹ: Tạo được dấu ấn riêng, thách thức lớn đối với Kamala Harris

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 25/07/2024 - 15:36

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240725-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-t%E1%BA%A1o-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-d%E1%BA%A5u-%E1%BA%A5n-ri%C3%AAng-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-l%E1%BB%9Bn-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-kamala-harris

 

Trong bài phát biểu với quốc dân được truyền đi từ Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Joe Biden tối thứ Tư 24/07/2024 đã giải thích lý do ông từ bỏ cuộc đua tái tranh cử vào Nhà Trắng, đồng thời khen ngợi phó tổng thống Kamala Harris, người mà ông ủng hộ ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, là một phụ nữ « có kinh nghiệm, mạnh mẽ và có năng lực, một đối tác đáng kinh ngạc, một nhà lãnh đạo » của nước Mỹ.

 

HÌNH :

Phó tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Zeta Phi Beta Sorority, ngày 24/07/2024, thành phố Indianapolis, bang Indiana, Mỹ. AP - Darron Cummings

 

Về phía đảng Cộng Hòa, trước đó một hôm, ngày 23/07, ứng cử viên Donald Trump đã chĩa mũi dùi vào bà Kamala Harris, xem bà là người « sẽ phá hủy » nước Mỹ, là « kẻ dối trá »« theo cánh tả cực đoan »« điên rồ ». Donald Trump đặc biệt chỉ trích phó tổng thống Mỹ về chương trình kiểm soát di dân. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa tự tin khẳng định Kamala Harris sẽ là đối thủ « dễ hạ » hơn so với Joe Biden.

 

Theo nhận định của AFP, được đẩy lên tuyến đầu tranh cử tổng thống sau nhiều năm hoạt động « dưới cái bóng » của Joe Biden, Kamala Harris chỉ còn vài tuần để « tạo dấu ấn » trước một Donald Trump từng có kinh nghiệm 4 năm làm nguyên thủ quốc gia, lại có được sự ủng hộ nhiệt tình từ đảng Cộng Hòa. Cho dù bà có sự ủng hộ của đảng Dân Chủ để ra tranh cử, chắc chắn sự ủng hộ đó chưa thể so với sự hậu thuẫn sâu rộng mà đảng Cộng Hòa dành cho ông Trump sau cả một hành trình dài.

 

Khách quan mà nói, chỉ vừa mới thay thế tổng thống Dân Chủ ra tranh cử sau khi ông phải rút lui một cách thảm hại, bà Kamala Harris đang phải đối mặt với một bài toán nan giải. Làm thế nào để vừa không chối bỏ thành tích của tổng thống Biden, hiện đang có tỉ lệ ủng hộ rất thấp, nhưng đồng thời thổi được một luồng sinh khí mới cho chiến dịch tranh cử khi chỉ còn có hơn 3 tháng nữa là đến « ngày trọng đại ».  

 

Trong hai cuộc vận động tranh cử đầu tiên của bà, ngày 22/07 ở Delaware và 23/07 ở Wisconsin, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã cố gắng cân bằng tình thế tế nhị này. Sau hai lần bày tỏ lòng khâm phục đối với di sản « đáng kinh ngạc » của Joe Biden, nữ ứng cử viên đảng Dân Chủ, 59 tuổi, đã hé lộ những trục chính trong chiến dịch tranh cử của bà, đưa vấn đề quyền phá thai vào trung tâm chương trình tranh cử. Ứng cử viên đảng Dân Chủ tuyên bố sẽ đấu tranh để mang lại cho người phụ nữ quyền quyết định về cơ thể của họ, bởi theo bà, mọi người đều biết rất rõ là, nếu có cơ hội, Donald Trump sẽ ban hành lệnh cấm phá thai ở mỗi bang của nước Mỹ.

 

Kamala Harris cũng khôn ngoan để cho công chúng thấy rõ sự tương phản giữa quá khứ của bà với tư cách là một công tố viên với quá khứ của đối thủ Cộng Hòa, từng bị truy tố tội hình sự. Wendy Schiller, nhà khoa học chính trị tại Đại học Brown của Mỹ, nói với AFP : « Rõ ràng bà đã cố gắng thuyết phục cử tri rằng bà có những phẩm chất cần thiết để trở thành tổng thống ».

 

Tuy nhiên, trở ngại lớn đầu tiên mà cựu nghị sĩ Kamala Harris phải vượt qua là bước vào cuộc đua muộn màng, trong khi Donald Trum đã bắt đầu sớm hơn rất nhiều, kể từ năm 2022, nên đã có nhiều tháng để thành lập ê-kip vận động tranh cử, hiện đang điều hành chiến dịch được xem là rất hiệu quả, như đại hội đảng Cộng Hòa ở Milwaukee đã cho thấy. Trái lại, bà Kamala Harris chỉ là nhân vật « thế chân », chỉ có chưa đầy 4 tháng để một mặt gây dựng hình ảnh ứng cử viên, mặt khác cố làm đảo ngược kết quả thăm dò theo đó tỉ lệ ủng hộ ứng cử viên Dân Chủ thấp hơn nhiều so với đối thủ Cộng Hòa.

 

Rất có thể là để bảo đảm hiệu quả, Kamala Harris vẫn giữ nguyên ê-kip vận động tranh cử giống như Joe Biden, với trụ sở đặt cùng một nơi và logo cũng gần giống nhau. Tuy nhiên, phó tổng thống Kamala Harris sẽ có thể tận dụng lợi thế từ việc huy động được ít nhất 100 triệu đô la trong vòng chưa đầy 48 giờ và huy động 30.000 tình nguyện viên mới để thúc đẩy chiến dịch vận động tranh cử trong những tuần sắp tới.

 

Và không giống như Joe Biden, vốn bị đảng Cộng Hòa chỉ trích là đã già yếu, sức khỏe thể chất và trí tuệ suy giảm, Kamala Harris có thể tận dụng lợi thế tuổi tác : mới 59 tuổi, bà trẻ hơn đối thủ Donald Trump tới gần 20 tuổi. Liệu bà Kamala Harris có thể biến chiến thuật của Donald Trump nhắm vào tuổi tác của đối thủ thành « gậy ông đập lưng ông », bởi vì chỉ kém Joe Biden 4 tuổi, nếu tái đắc cử tổng thống, ai có thể chắc ông Donald Trump sẽ không lâm cảnh « tuổi già sức yếu » lãnh đạo nước Mỹ ?

 

Ê-kíp tranh cử của Kamala Harris cũng đang hướng đến các mạng xã hội, chủ yếu là TikTok, với các video có khả năng lan truyền rất nhanh trên mạng. Một trong số đó có sử dụng lời ca khúc là một bản hit của nghệ sĩ Mỹ Chappell Roan, với hàng chục triệu lượt xem chỉ tính riêng ngày 23/07.

 

Cũng theo AFP hôm qua, chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ, bà đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của giới nhạc pop, từ Charli XCX đến Katy Perry. Siêu sao âm nhạc Beyoncé chưa chính thức lên tiếng, nhưng theo đài CNN, nữ ca sĩ đã cho phép ban vận động tranh cử của Kamala Harris sử dụng ca khúc « Freedom » của cô, mặc dù Beyoncé nổi tiếng là người luôn kiểm soát tác quyền âm nhạc rất chặt chẽ.

 

Nhà khoa học chính trị tại Đại học Brown Wendy Schiller dự báo nếu ban vận động tranh cử của Kamala Harris thu hút được các cử tri da đen, phụ nữ từ các vùng ngoại ô khá giả và nhóm cử tri trẻ dưới 35 tuổi, thì bà sẽ có nhiều cơ hội thắng cử hơn.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

HOA KỲ - CHÍNH TRỊ

Bầu cử tổng thống Mỹ: Kamala Harris bắt đầu chiến dịch tranh cử

 

BẦU CỬ MỸ - TRUMP - HARRIS

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Donald Trump đả kích gay gắt Kamala Harris

 

ĐIỂM BÁO

Tầm vóc nguyên thủ : Thách thức của bà Kamala Harris

 






No comments:

Post a Comment