Vài
cảm nhận về những tranh cãi xung quanh Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội Mùa Hè Paris
2024
Tối
thứ sáu xem lễ khai mạc Thế Vận hội mùa hè Paris 2024 ở nhà. Xem xong, một cảm
giác lạ lùng xâm chiếm tâm hồn. Một sự thú vị và cả thán phục sau một màn trình
diễn đậm màu sắc, âm thanh, giai điệu, hội hoạ và lịch sử.
Dĩ
nhiên, hơn bốn giờ ngồi tại nhà, mát mẻ, xem trực tiếp trên tivi vẫn có cái hay
khi không bị mưa gió hành hạ như hơn 300 ngàn khán giả phải đội mưa xem trực tiếp
bên hai bờ sông Seine, dài sáu cây số!
Có
thể nói, chương trình mang tên Grande Seine (Seine to lớn) với ý tưởng táo bạo:
lấy sông Seine, biểu tượng của thủ đô Paris, làm một sân khấu to lớn cho cuộc
diễu hành của các đoàn vận động viên đến từ hơn 200 quốc gia.
Các
cuộc diễu hành bằng tàu lớn, tàu nhỏ trên sông là ý tưởng chưa từng có trong lịch
sử các Lễ Khai mạc. Cũng trên sông Seine, là 12 hoạt cảnh, có thể được xem như
những bức tranh, kết thành nội dung của chương trình. Mỗi bức tranh là sự sống
động hài hoà làm nổi bật một khía cạnh liên quan đến lịch sử của Paris, của nước
Pháp và của cả lịch sử Olympic!
Các
hoạt cảnh theo thứ tự: Enchanté, Synchronicité, Liberté, Égalité, Fraternité,
Sororité, Sportivité, Festivité, Obscurité, Solidarité, Solennité và sau cùng
là Éternité như một câu chuyện kể về Paris và nước Pháp.
Ngay
từ phần mở đầu, buổi lễ được xây dựng như một cuộc phiêu lưu xuyên qua Paris,
phá vỡ truyền thống vốn có và mang lại những điều bất ngờ thú vị, thậm chí
tranh cãi. Enchanté đưa người xem khám phá một Paris vui tươi và lộng lẫy, làm
nổi bật những bản đúc liên quan đến Kinh đô Ánh sáng đồng thời phá bỏ chúng. Tấm
bưu thiếp Paris này gợi lên lịch sử, văn hóa, ẩm thực và tinh thần Pháp thông
qua những bức ảnh nuôi dưỡng trí tưởng tượng chung.
Ba
hoạt cảnh Liberté, Égalité và Fraternité minh họa cho khẩu hiệu của nước Pháp:
Tự do, bình đẳng và bác ái.
Hoạt
cảnh Liberté đã gây ra một làn sóng tranh cãi chính tại nước Pháp. Cần hiểu cái
bối cảnh lịch sử mà nhà đạo diễn chương trình muốn thuật lại cho người xem. Hoạt
cảnh Tự do là sự pha trộn giữa cuộc biểu tình Paris của Những người khốn khổ và
cuộc Cách mạng Pháp, giữa sự giải phóng con người, với sự giải phóng thể xác và
tình yêu nơi một thành phố thấm đẫm sự lãng mạn, huyền bí và khát khao.
Conciergerie, nơi ở của các vị vua Pháp vào thời Trung Cổ, bên bờ sông Seine,
đã trở thành nhà tù trong Cách mạng Pháp. Chính nơi này đã trở thành sân khấu
cho hoạt cảnh với hình ảnh hoàng hậu Marie-Antoinette cầm cái đầu của chính
mình và hát bài “Ah ça ira” với sự tham gia của Gojira, ban nhạc rock Pháp. Đó
là bài hát nổi tiếng trong cuộc Cách mạng Pháp.
Hình
ảnh một người phụ nữ bị chặt đầu và cầm chính cái đầu của mình để hát bên một cửa
sổ của cung điện khiến cho không ít người xem bất bình. Phải chăng nước Pháp từng
xoá bỏ mức trừng phạt tử hình/chặt đầu nay lại muốn cổ xuý cho sự bạo lực như
thế trong lễ Khai mạc Thế vận hội?
Trong
phút chốc, ít ai liên tưởng đến Conciergerie, một cung điện [lộng] lẫy nhất
châu Âu thời đó, tọa lạc trên đảo Ile de la Cité, giữa lòng Paris, với tòa tháp
đôi sừng sững bên bờ sông Seine, đã được sử dụng như một nhà tù khét tiếng, nơi
giam giữ nhiều nhân vật lịch sử quan trọng dưới thời Cách Mạng Pháp 1789, trong
đó có hoàng hậu Marie-Antoinette. Bà đã bị chặt đầu và hình ảnh người phụ nữ cầm
cái đầu của mình và hát trong hoạt cảnh Liberté chính là bà hoàng hậu nổi tiếng
đó. Nhắc đến sự Tự do – Liberté, người Pháp phải khơi dậy, với sự tự hào, cuộc
Cách mạng Pháp, và cung điện Conciergerie với sự kiện lịch bà hoàng hậu
Marie-Antoinette bị xử trảm vào ngày 16/10/1793.
Những
giai điệu âm nhạc và không gian muôn màu đã đưa người xem lướt qua một sự kiện
lịch sử quan trọng của Paris và nước Pháp. Bạo lực được thay bằng màu sắc và
giai điệu đã làm mờ nhạt đi một Thời đại Kinh hoàng – Terreur vào năm 1793. Tuỳ
theo sự nhạy cảm cá nhân để cảm thấy có hay không sự cổ xuý cho bạo lực hay sự
châm chọc quá đáng cho một sự kiện lịch sử nhưng rõ ràng, nhà đạo diễn cũng như
các sử gia cố vấn đã chuyển tải thành công, theo ý muốn, sự kiện lịch sử cho
người xem.
Nhưng
hoạt cảnh gây chấn động, gây sốc cho người xem và khiến cho chính Hội đồng Giám
mục Pháp phải lên tiếng chính là Festivité – Hoan lạc. Trong hoạt cảnh này,
khái niệm “muốn thấy/cảm nhận những gì muốn thấy/cảm nhận” là một minh chứng rõ
ràng cho cái mà người xem muốn thấy. Phải chăng đã có sự bôi bác “Tiệc Ly” (La
Cène), bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo Da Vinci về bữa ăn cuối cùng của
Chúa Giê-su với 12 vị thánh tông đồ? Nhiều người bất bình và cả giới chính trị
gia cũng nhảy vào để chỉ trích, lên án hoạt cảnh này. Họ cho rằng các tín đồ
Thiên chúa giáo đã bị sỉ nhục và bôi nhọ bởi màn diễn lố bịch của các Drag
Queen (nam nghệ sĩ nhưng mang phong cách nữ tính) trong hoạt cảnh Hoan lạc với
bức tranh Tiệc Ly đã bị bôi nhọ.
Câu
hỏi cần được đặt ra một cách nghiêm túc là, có hay không sự nhạo báng và xúc phạm
đạo Thiên chúa trong hoạt cảnh này? Ông Thomas Jolly, đạo diễn nghệ thuật của
chương trình và ông Patrick Boucheron, một sử gia và là người đồng đạo diễn lễ
khai mạc đã lên tiếng bác bỏ việc lấy cảm hứng từ bức họa La Cène về Chúa Giê
Su của Leonardo da Vinci. Họ cũng không lấy ý tưởng từ bức tranh “Bữa tiệc Thần
thánh’’ đầu thế kỷ 16 của danh họa Hà Lan Jan Harmensz van Biljart, như nhiều
người khẳng định để xây dựng hoạt cảnh gây nhiều tranh cãi.
Đạo
diễn lễ khai mạc Thế Vận hội Paris giải thích ý nghĩa của nam ca sĩ Philippie
Katerina với cơ thể phủ màu xanh và gần như khoả thân trên bàn tiệc trong hoạt
cảnh. Ông nói đó là hình ảnh của Dionysos, vị thần Hy Lạp thời cổ đại, biểu tượng
của hội hè, của rượu vang và những buổi tiệc. Những nhà đạo diễn muốn tạo nên
hình ảnh bình dị và vui tươi của các hội hè dân dã với Dionysos, biểu tượng của
các vị thần trên đỉnh Olympia, cội nguồn của tinh thần Thế Vận Hội và tinh thần
Olympic.
Thomas
Jolly và bà Daphné Bürki, giám đốc về y phục của buổi lễ đã bộc bạch tâm sự rằng,
ban tổ chức đã phải làm việc trong sự bí mật tuyệt đối. Họ phải thay đổi văn
phòng làm việc liên tục, cứ mỗi hai tuần, trong suốt hai năm, để xây dựng nên một
chương trình cho lễ Khai mạc.
Cá
nhân người viết có cảm nhận rằng “các bộ óc” của ban tham mưu, đạo diễn thừa biết
khả năng tranh cãi sẽ xảy ra cho hoạt cảnh thứ tám. Họ cũng thừa hiểu sẽ có sự
liên tưởng giữa bức tranh nổi tiếng La Cène với sự xuất hiện của vị thần
Dionysos nhưng họ vẫn chấp nhận cái giá sẽ phải trả mang tên Tự do Sáng tạo.
Cho
rằng họ không tiên liệu trước mọi tranh luận là nguỵ biện. Chính Patrick
Boucheron đã gọi đó là “Buổi tiệc thăng hoa – Cène subliminale”.
Trước
mọi sự chỉ trích và phẫn nộ, thậm chí kêu gọi tẩy chay, Thomas Jolly đã nhấn mạnh
mục tiêu tối cao của buổi lễ khai mạc, một sự kiện nghệ thuật chưa từng có, trước
hết là “để sửa chữa, để hòa giải và tái khẳng định các giá trị của nền Cộng hòa
Pháp”. Chương trình với các hoạt cảnh “không nhằm đả kích, hay phỉ báng bất cứ
ai” hay bôi nhọ hoặc bài bác một tôn giáo nào cả.
Nếu
quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy ban lãnh đạo chương trình nghệ thuật cho lễ Khai
mạc tập hợp các cá nhân tài giỏi và trẻ trung. Chính yếu tố trẻ tuổi này đã khiến
họ táo bạo hơn và quyết đoán hơn trong việc xây dựng kịch bản gây nhiều tranh
cãi. Họ táo bạo trong nhận thức và họ phải có nhiều can đảm để chống chọi lại với
mọi làn sóng đả kích đến từ thế giới và cả nước Pháp. Họ thừa biết nhưng vẫn âm
thầm làm việc vì chính họ, chính cái thế hệ trẻ tuổi này, mới là những người nắm
vận mệnh nước Pháp nói riêng và cả thế giới nói chung.
Tất
cả những gì họ trình diễn qua hơn bốn giờ trong lễ khai mạc là mọi sự căm ghét
cay đắng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo cực đoan. Hình ảnh
một nước Pháp đa văn hoá, đa sắc tộc: Trắng, Đen, Vàng và Bơ, với những di dân
hàng năm vẫn chọn nước Pháp làm chốn mưu sinh là nỗi lo lắng khủng khiếp của chủ
nghĩa dân túy. Khi các chính trị gia kêu gào xây tường ngăn cản di dân hay trao
trả những di dân cho một quốc gia thứ ba tại châu Phi thì nước Pháp của đêm
khai mạc vẫn rộng lượng đón chào mọi người để làm nên lịch sử của ngày hôm nay.
Khi
vấn đề giới tính vẫn đang phải đối đầu với những suy nghĩ bảo thủ và tiêu cực
thì nước Pháp lại đưa ra một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ. Nam, nữ hay lưỡng
tính,… vẫn vui chơi một cách hồn nhiên trong cuộc sống ngập tràn hơi thở, quyến
rũ và màu sắc. Không ít người cho đó là sự buồn nôn, tha hoá hay bệnh hoạn của
nước Pháp thì chính nước này lại đang mở rộng vòng tay bao dung vì tất cả,
trong xã hội Pháp nói riêng, và cả thế giới nói chung, đều có quyền bình đẳng để
sống.
Câu
hỏi bản sắc dân tộc, thượng đẳng hay kỳ thị chủng tộc cũng được đưa ra một cách
rõ ràng, táo bạo và dứt khoát trong chương trình nghệ thuật. Khi chọn lựa một
cô ca sĩ hay tên tuổi thể thao huyền thoại của nước Pháp là những người da màu,
đại diện cho nước Pháp, để trình diễn một ca khúc hay châm đuốc Thế Vận hội cho
Đài lửa Olympic mang hình tượng khinh khí cầu, đã thể hiện sự tự do và bác ái
trong nhận thức của xã hội Pháp. Chắc chắn, những kẻ dân túy hay dân tộc cực
đoan sẽ vô cùng khó chịu khi thấy da trắng thượng đẳng bị “bỏ quên” trong ngày
Thế Vận hội.
Chương
trình nghệ thuật sẽ gây tranh cãi, ban tổ chức thừa biết. Không có tranh luận
hay tranh cãi thì đó mới là sự nhàm chán. Nước Pháp và người Pháp luôn đi đầu
trong “cách mạng” từ cải cách xã hội đến tư tưởng. Những biến động, ý tưởng đột
phá về chính trị-văn hoá-nghệ thuật-xã hội tại Pháp của ngày nay, rất có thể sẽ
là trào lưu chung cho các thế hệ mai sau trên thế giới.
Lễ
Khai mạc Thế vận hội Paris 2024 tuy/ của/ do người Pháp thực hiện, tuy nhiên,
ít thấy sự ngạo mạn và trịch thượng của người Pháp khi họ nói về lịch sử và văn
hoá của họ cho thế giới. Có chăng là khát vọng đổi thay và ước mơ sống trong
hoà bình như khẩu hiệu của Liên minh châu Âu: In varietate concordia – Thống nhất
trong đa dạng mà các nhà đạo diễn lễ khai mạc đã nhấn mạnh xuyên suốt buổi lễ.
Cái
sự ngạo mạn đó, người xem có thể thấy, một cách công tâm tại Thế Vận hội Bắc
Kinh 2008. Một chương trình nghệ thuật quy mô và hoành tráng mang khẩu hiệu
“Cùng một thế giới, chung một ước mơ – One World, One Dream” như nhắn nhủ với
nhân loại rằng Trung Hoa sẽ là một thế lực quan trọng dẫn dắt nhân loại trong
tương lai.
Cả
Thế Vận hội 2022 mùa đông ở Bắc Kinh cũng vẫn là màn phô trương sức mạnh và tiềm
lực của “cái rốn nhân loại” với lời kêu gọi “Cùng nhau vì một tương lai chung –
Together for a Shared Future”, một tương lai được bảo đảm bởi Tập Cận Bình và
Trung Hoa.
Và
cả Putin với Thế vận hội mùa đông 2014 tại Sochi cũng chỉ là màn phô trương sức
mạnh với thế giới khi bỏ ra một khối tiền khổng lồ để đạt mục đích. Sự hoài vọng
về một Liên bang Xô-viết hùng mạnh đã khiến Putin, bằng mọi giá, sử dụng thể
thao để gây ảnh hưởng đến thế giới.
Nước
Pháp với Thế Vận hội Paris 2024 không ngạo mạn hay trịch thượng nhưng mong mỏi
chuyên chở những giá trị Tự do, Bình đẳng và Bác ái đến với nhân loại và dẫu có
khơi dậy sự tranh cãi, nhưng không khiêu khích, cũng nhằm đưa ra ánh sáng những
vấn đề mấu chốt của thời đại: Môi trường, tự do chính trị, tín ngưỡng, sắc tộc
và giới tính.
Đó
là những khát vọng của tuổi trẻ thời đại. Dù muốn hay không, dẫu có bảo thủ tuyệt
đối đi chăng nữa nhưng xu hướng chung của thời đại, sẽ là những gì đêm khai mạc
Thế Vận hội Paris 2024 đã trình diễn cho hơn một tỷ người xem qua truyền hình
trực tiếp.
Và
còn gì tuyệt vời hơn khi thông điệp về tình yêu, sau bao biến cố, sóng gió, thù
hận, đau thương, sau cùng vẫn là tình yêu bất diệt dành cho nhau như giọng ca
tuyệt vời của Céline Dion với L’Hymne à l’Amour: Tụng ca Tình yêu.
“…Et
si un jour la vie t’arrache à moi
Si
tu meures que tu sois loin de moi
Peu
m’importe si tu m’aimes
Car
moi je mourrai aussi…”
(Nếu
một ngày cuộc đời giật anh khỏi em
Nếu
anh chết đi trong xa cách
Có
hề chi nếu anh yêu em
Vì
em cũng sẽ chết theo anh).
.
HÌNH
:
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10232725320132441&set=pcb.10232725000204443
https://www.facebook.com/photo?fbid=10232725320332446&set=pcb.10232725000204443
.
No comments:
Post a Comment