Thursday, July 25, 2024

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG QUA ĐỜI, MỸ MẤT MỘT ĐIỂM TỰA Ở VIỆT NAM? (Thu Hằng / RFI)

 



Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Mỹ mất một điểm tựa ở Việt Nam ?

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 24/07/2024 - 14:26

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240724-t%E1%BB%95ng-b%C3%AD-th%C6%B0-nguy%E1%BB%85n-ph%C3%BA-tr%E1%BB%8Dng-qua-%C4%91%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-m%E1%BA%A5t-m%E1%BB%99t-%C4%91i%E1%BB%83m-t%E1%BB%B1a-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken dự kiến đến Hà Nội dự lễ tang của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày mai, 25/07/2024. Việc ông Blinken có lẽ là quan chức cấp cao phương Tây duy nhất đến đưa tiễn lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, cùng với điện chia buồn nhanh chóng được Washington gửi tới Hà Nội, cho thấy Mỹ trân trọng vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc nâng cấp quan hệ song phương, đồng thời khẳng định vai trò của đảng.

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu : Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón tiếp tổng thống Mỹ Joe Biden tại phủ chủ tịch Việt Nam, Hà Nội, ngày 10/09/2023. AP - Evan Vucci

 

Cố tổng bí thư : « Người đấu tranh cho mối quan hệ sâu sắc » Mỹ-Việt

 

Ngay sau khi có tin tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, tổng thống Joe Biden là một trong những nhà lãnh đạo thế giới gửi điện chia buồn sớm nhất, ngay ngày 19/07/2024. Ông ca ngợi « Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đấu tranh cho mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Hoa Kỳ và Việt Nam » với kết quả là hai nước trở thành « đối tác chiến lược toàn diện » năm 2023. Ngoài ra, « người dân Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng với người dân khắp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ngày nay được hưởng an ninh và nhiều cơ hội hơn nhờ có tình hữu nghị và quan hệ đối tác giữa hai quốc gia chúng ta. Điều đó có được là nhờ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ».

 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper cũng chọn những từ ngữ kính trọng nhất trong thông cáo ngày 19/07 chia buồn với Việt Nam. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được ông đánh giá là « một người lãnh đạo có tầm nhìn, người đã làm cầu nối giữa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cũng như toàn thể cộng đồng quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ ». Mỹ « trân trọng việc Ngài Tổng Bí thư đã đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới » và « sẽ mãi mãi biết ơn sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ».

 

Trong suốt 13 năm lãnh đạo đảng, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không đưa Việt Nam xa rời Trung Quốc và Nga, nhưng vẫn mở rộng hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới, kể cả cựu thù Mỹ, trong khuôn khổ chiến lược « ngoại giao cây tre », cụm từ được ông đặt năm 2016 cho chính sách « Bốn Không » của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Hà Nội có thể giữ thế cân bằng và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông trước thế lực hùng mạnh của nước láng giềng Trung Quốc.

 

Về phía Mỹ, khác với các nước phương Tây, Washington hiểu rõ đảng Cộng Sản là cơ quan quyền lực cao nhất ở Việt Nam và trực tiếp làm việc với đảng, với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người « được coi là một đối tác ngoại giao quan trọng có thể đưa vào mạng lưới (của Mỹ) nhằm răn đe Trung Quốc », theo nhận định của nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston (Boston College, Mỹ), trong bài phân tích trên The Diplomat ngày 23/07.

 

Lần đầu tiên, một tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam đã đến thăm chính thức Hoa Kỳ năm 2015 theo lời mời của tổng thống Barack Obama. Và cũng lần đầu tiên, một tổng thống Mỹ, ông Joe Biden, được tổng bí thư đảng Cộng Sản tiếp đón ở Hà Nội năm 2023. Những sự kiện này khẳng định vai trò của đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng như thành công của ông Nguyễn Phú Trọng « buộc » được Mỹ cam kết không lật đổ đảng.

 

 

Mỹ muốn tiếp tục thắt chặt hợp tác với đảng Cộng Sản Việt Nam

 

Nền « ngoại giao cây tre », nằm trong di sản của ông Nguyễn Phú Trọng, được nhà nghiên cứu Đại học Boston nhận định là thể hiện cho khả năng uyển chuyển của Việt Nam giữ thế cân bằng giữa các cường quốc, nhưng lại có lợi cho Việt Nam. Mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Hà Nội và Washington không hề tác động đến mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh và Matxcơva. Bằng chứng là trong 9 tháng, Việt Nam lần lượt tiếp đón ba nguyên thủ Mỹ, Trung Quốc, Nga. Thông qua việc thắt chặt quan hệ, làm « bạn » với các cường quốc, ông Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của đảng, sự tự chủ của các nước nhỏ, như Việt Nam, tránh để bị các nước lớn « nuốt » trong bối cảnh đa phương hóa như hiện nay.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời là một « mất mát » cho Hoa Kỳ, theo thông cáo của đại sứ Mỹ. Nhưng nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang cho rằng sự kiện này sẽ không « đánh dấu chấm hết » cho tiến trình hợp tác ngày càng vững mạnh giữa hai nước. Mỹ đã hướng ngay đến nhân vật nắm giữ quyền lực nhất ở Việt Nam hiện nay là ông Tô Lâm, được đại sứ Knapper nhấn mạnh là người « đã luôn ủng hộ mạnh mẽ quan hệ song phương giữa hai nước ». Washington « coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong đợi hợp tác chặt chẽ với chủ tịch nước Tô Lâm cùng với tất cả các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc Hội trong thời gian tới ».

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Quan hệ Việt-Mỹ, di sản của « người đốt lò » Nguyễn Phú Trọng ?

 

 

 

 




No comments:

Post a Comment