Tuesday, July 2, 2024

TẠI SAO PHỤ HUYNH HÀN QUỐC TỰ NHỐT MÌNH TRONG PHÒNG GIAM? (Hyojung Kim / BBC Tiếng Hàn)

 



Tại sao phụ huynh Hàn Quốc tự nhốt mình trong phòng giam?  

Hyojung Kim

BBC Tiếng Hàn

1 tháng 7 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4ngmem7v10o

 

Thứ duy nhất kết nối mỗi căn phòng nhỏ xíu tại Nhà máy Hạnh phúc với thế giới bên ngoài là một lỗ đưa thức ăn trên cửa.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/2267/live/f22c08c0-36b4-11ef-bbe0-29f79e992ddd.png.webp

Các phụ huynh Hàn Quốc tự nguyện ở một mình trong phòng giam

 

Không được sử dụng điện thoại hoặc máy tính xách tay bên trong những căn phòng giam này - nơi chỉ rộng bằng một tủ đựng đồ ở các cửa hàng, và những người ở bên trong chỉ có những bức tường trơ trọi để bầu bạn.

 

Cư dân có thể mặc đồng phục tù nhân màu xanh nhưng họ không phải tội phạm - họ đến trung tâm này ở Hàn Quốc để tham gia "trải nghiệm bị giam cầm".

 

Hầu hết mọi người ở đây đều có con cái hoàn toàn sống thu mình, tách biệt khỏi xã hội.

Và họ đến đây để tự mình tìm hiểu xem cảm giác bị cắt đứt với thế giới sẽ như thế nào.

 

 

Phòng biệt giam

 

Những người trẻ tuổi sống thu mình - giống như con cái của cư dân ở trung tâm nói trên - được gọi là hikikomori, một thuật ngữ ra đời tại Nhật Bản vào những năm 1990 để mô tả tình trạng xa lánh xã hội một cách cực đoan của thanh thiếu niên.

 

Năm 2023, một cuộc khảo sát của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc trên 15.000 người từ 19 đến 34 tuổi cho thấy hơn 5% số người được hỏi đang tự cô lập mình.

 

Nếu con số này đại diện cho toàn bộ dân số Hàn Quốc, điều đó có nghĩa là khoảng 540.000 người đang ở trong tình trạng tương tự.

 

Kể từ tháng 4/2024, các bậc cha mẹ đã tham gia chương trình giáo dục phụ huynh kéo dài 13 tuần do các tổ chức phi chính phủ (NGO) Quỹ Thanh niên Hàn Quốc và Trung tâm Phục hồi Cá voi Xanh tài trợ và điều hành.

 

Mục đích của chương trình là dạy mọi người cách giao tiếp tốt hơn với con cái họ.

 

Chương trình bao gồm ba ngày tại một cơ sở ở hạt Hongcheon-gun, tỉnh Gangwon, nơi những người tham gia dành thời gian trong một căn phòng mô phỏng phòng biệt giam.

 

Chương trình hy vọng rằng việc bị cô lập sẽ giúp cha mẹ hiểu sâu sắc hơn về con cái mình.

 

 

'Nhà tù cảm xúc'

 

Con trai của Jin Young-hae đã tự cô lập mình trong phòng ngủ suốt ba năm nay.

 

Nhưng kể từ khi bản thân bà Jin (không phải tên thật) trải qua thời gian giam mình, bà hiểu hơn một chút về “nhà tù cảm xúc” của cậu con trai 24 tuổi.

 

“Tôi tự hỏi mình đã làm sai điều gì... nghĩ về điều đó thật đau đớn,” người phụ nữ 50 tuổi nói.

 

“Nhưng khi bắt đầu suy ngẫm, tôi đã hiểu rõ hơn,” bà chia sẻ.

 

 

Miễn cưỡng tâm sự

 

Bà Jin cho biết con trai bà luôn là người tài giỏi, và bà cùng chồng đặt kỳ vọng cao vào chàng trai.

 

Nhưng con trai bà thường xuyên ốm yếu, khổ sở trong việc duy trì các mối quan hệ bạn bè và cuối cùng mắc chứng rối loạn ăn uống, khiến việc đi học trở nên khó khăn.

 

Khi bắt đầu học đại học, con trai b dường như học tốt trong một học kỳ. Nhưng một ngày nọ, anh hoàn toàn thu mình lại.

 

Nhìn thấy con trai tự nhốt mình trong phòng, bỏ bê vệ sinh cá nhân và ăn uống khiến lòng bà tan nát.

 

Mặc dù sự lo lắng, khó khăn trong mối quan hệ với gia đình và bạn bè, cùng với sự thất vọng vì không được nhận vào một trường đại học hàng đầu có thể đã ảnh hưởng đến cậu con trai, nhưng con trai bà lại miễn cưỡng tâm sự với mẹ điều gì đã thật sự xảy ra.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e1f2/live/6eb51480-36bb-11ef-bdc5-41d7421c2adf.png.webp

Thuật ngữ hikikomori bắt nguồn từ Nhật Bản

 

Khi đến Nhà máy Hạnh phúc, bà Jin đã đọc những ghi chú do những người trẻ tuổi sống cô lập khác viết.

 

"Đọc những ghi chú đó khiến tôi nhận ra rằng con trai tôi đang tự bảo vệ mình bằng sự im lặng vì không ai hiểu thằng bé," bà nói.

 

Park Han-sil (không phải tên thật) đến đây vì người con trai 26 tuổi của bà đã cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài cách đây bảy năm.

 

Sau khi bỏ nhà đi vài lần, giờ đây an ấy hiếm khi ra khỏi phòng.

 

Bà Park đưa con trai đi gặp chuyên gia tư vấn và bác sĩ - nhưng con trai bà từ chối dùng thuốc tâm thần được kê đơn và trở nên nghiện trò chơi điện tử.

 

 

·        Phụ nữ Hàn Quốc được trợ cấp gần 2 tỷ đồng để sinh con

29 tháng 2 năm 2024

·        Vì sao nhiều trẻ em Nhật Bản không muốn đến trường?

23 tháng 12 năm 2019

·        Nhật Bản: Một trong 10 người từ 80 tuổi trở lên

19 tháng 9 năm 2023

 

 

Mối quan hệ giữa các cá nhân

 

Mặc dù bà Park vẫn đang khổ sở để tiếp cận con trai, nhưng bà đã bắt đầu hiểu rõ hơn cảm xúc của con thông qua chương trình tự giam mình.

 

"Tôi nhận ra rằng việc chấp nhận cuộc sống của con mà không ép buộc cháu vào một khuôn mẫu cụ thể là điều quan trọng," bà nói.

 

Nghiên cứu của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho thấy có nhiều yếu tố khiến người trẻ tự cô lập mình.

 

Theo khảo sát của bộ này ở nhóm tuổi từ 19 đến 34, những lý do phổ biến nhất là:

 

·        Khó khăn trong tìm kiếm việc làm (24,1%)

·        Các vấn đề về mối quan hệ giữa các cá nhân (23,5%)

·        Các vấn gia đình (12,4%)

·        Các vấn đề sức khỏe (12,4%)

 

Hàn Quốc nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới và vào năm 2023, chính phủ đã công bố kế hoạch 5 năm nhằm giải quyết vấn đề này.

 

Các bộ trưởng thông báo sẽ có các cuộc kiểm tra sức khỏe thần kinh do nhà nước tài trợ cho người dân độ tuổi 20-34 định kỳ hai năm một lần.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8b08/live/55f524f0-36be-11ef-bbe0-29f79e992ddd.png.webp

Nhật Bản đang gặp phải vấn đề "hikikomori" kéo dài, nghĩa là cha mẹ đã già vẫn phải nuôi con cái trưởng thành

 

Ở Nhật Bản, làn sóng đầu tiên của những người trẻ tuổi tự cô lập mình vào những năm 1990 đã dẫn đến một nhóm những người trung niên phụ thuộc vào cha mẹ già.

 

Và việc cố gắng hỗ trợ con cái trưởng thành chỉ bằng tiền lương hưu trí đã khiến một số người già rơi vào cảnh nghèo đói và trầm cảm.

 

Giáo sư Jeong Go-woon, thuộc khoa xã hội học của Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), cho biết kỳ vọng của xã hội Hàn Quốc về việc đạt được các cột mốc quan trọng trong cuộc sống vào những thời điểm nhất định càng làm trầm trọng thêm lo lắng của những người trẻ tuổi - đặc biệt là trong thời điểm kinh tế trì trệ và thất nghiệp gia tăng.

 

Quan niệm cho rằng thành tích của con cái là thành công của cha mẹ phần nào khiến cả gia đình chìm sâu vào vũng lầy cô lập.

 

Nhiều bậc cha mẹ coi những khó khăn của con cái là thất bại trong việc nuôi dạy, dẫn đến cảm giác tội lỗi.

 

"Ở Hàn Quốc, cha mẹ thường thể hiện tình yêu và cảm xúc của họ thông qua các hành động và vai trò thiết thực hơn là bằng lời nói," Giáo sư Jeong nói.

 

"Cha mẹ siêng năng làm lụng để đóng học phí cho con cái là một ví dụ điển hình về văn hóa Nho giáo nhấn mạnh đến trách nhiệm của phụ huynh," vị giáo sư nói thêm.

 

Sự nhấn mạnh về sự chăm chỉ lao động này trong văn hóa có thể phản ánh sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc vào nửa sau thế kỷ 21, khi nước này trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới.

 

Tuy nhiên, theo Cơ sở dữ liệu Bất bình đẳng Thế giới, mức độ bất bình đẳng về tài sản của đất nước đã trở nên tồi tệ hơn trong ba thập kỷ qua.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/2d2d/live/b974e040-36c0-11ef-bdc5-41d7421c2adf.png.webp

Một số phụ huynh cho biết họ đã bắt đầu hiểu rõ hơn về con cái bị cô lập của mình kể từ khi tham gia chương trình

 

Giám đốc Trung tâm Phục hồi Cá voi Xanh Kim Ok-ran cho biết quan điểm cho rằng những người trẻ tuổi tự cô lập là "vấn đề gia đình" khiến nhiều bậc cha mẹ cũng rơi vào tình trạng cắt đứt quan hệ với những người xung quanh.

 

Và một số người sợ bị phán xét đến mức họ thậm chí không thể nói chuyện với những thành viên thân thiết trong gia đình về tình trạng của mình.

 

"Các bậc phụ huynh không thể công khai vấn đề khiến họ dần cô lập chính mình. Thông thường, họ chọn ngừng tham gia các buổi họp mặt gia đình trong những ngày nghỉ lễ," bà Kim nói.

 

 

'Dõi theo'

 

Các bậc cha mẹ đến Nhà máy Hạnh phúc để tìm kiếm sự giúp đỡ vẫn đang háo hức chờ đợi ngày con cái họ có thể quay lại cuộc sống bình thường.

 

Khi được hỏi bà sẽ nói gì với con trai mình nếu con bà thoát ra khỏi tình trạng cô lập, đôi mắt bà Jin ngấn lệ.

 

"Con đã trải qua quá nhiều thứ rồi," bà nói, giọng run run.

 

"Thật khó khăn, phải không?

 

"Mẹ sẽ luôn dõi theo con."

 

------------------------------

Tin liên quan

·         

Người theo đạo ở Việt Nam tăng bất chấp tỷ lệ vô thần tăng ở Đông Á

24 tháng 6 năm 2024

·         

Người Việt Nam bị 'lừa' bởi hàng loạt sản phẩm dán nhãn Hàn Quốc

25 tháng 6 năm 2024

·         

Gửi những chai gạo đến Bắc Hàn để cứu đồng bào 'đang chết đói'

30 tháng 5 năm 2024

 





No comments:

Post a Comment