Thursday, July 25, 2024

NGA BỊ CÁO BUỘC "GIẾT" KHÍ HẬU VÌ GÂY CHIẾN Ở UKRAINA (Thu Hằng / RFI)

 



Nga bị cáo buộc « giết » khí hậu vì gây chiến ở Ukraina

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 24/07/2024 - 12:59    Sửa đổi ngày: 24/07/2024 - 14:50

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240724-nga-b%E1%BB%8B-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-gi%E1%BA%BFt-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-v%C3%AC-g%C3%A2y-chi%E1%BA%BFn-%E1%BB%9F-ukraina

 

Trong cuộc phỏng vấn được AFP công bố ngày 24/07/2024, đồng sáng lập viên tổ chức Ecodefense khẳng định « Nga đang giết chết khí hậu » do cuộc xâm lăng Ukraina.

 

HÌNH :

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong ngày khai mạc Hội nghị Khí hậu Thế giới 2015 (COP21) tại Le Bourget, gần Paris, Pháp, ngày 30/11/2015. REUTERS/Stephane Mahe

 

Là tổ chức bảo vệ môi trường của Nga, Ecodefense cùng với 18 cá nhân đã kiện Nga ra Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu (CEDH) tháng 08/2023 với cáo buộc Matxcơva đang gây ra « thảm họa khí hậu »« phá hoại những nỗ lực của quốc tế » trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo AFP, đây cũng là một trong những nỗ lực của các nhà bảo vệ môi trường để Nga ý thức về hậu quả của cuộc xâm lược Ukraina.

 

Theo Vladimir Slivyak, đồng sáng lập viên Ecodefense, người đã được trao giải Right Livelihood 2021 (tương đương với Nobel về môi trường), nhiều tài liệu về chính sách nội bộ cho thấy Nga dự kiến, ít nhất cho đến thập niên tới, « gia tăng khai thác than, dầu khí », thậm chí có thể tăng thêm 50%. Quyết định này liên quan đến chiến tranh ở Ukraina. Ngoài ra, việc sản xuất thêm xe tăng, vũ khí trong khuôn khổ nền kinh tế chiến tranh để phục vụ chiến trường Ukraina cũng làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Do đó, nhà đấu tranh Nga, hiện phải sống lưu vong, yêu cầu quốc tế có thêm biện pháp trừng phạt, vì « Nga không thể tiếp tục cuộc chiến nếu không bán đủ nhiêu liệu hóa thạch ». Theo ông, « nếu thế giới ngừng mua nhiên liệu của Nga thì có thể sẽ chấm dứt được chiến tranh ngay năm nay ».

 

Tổ chức Ecodefense đã yêu cầu CEDH đẩy nhanh xử lý hồ sơ về Nga, như vẫn làm với những vấn đề liên quan đến khí hậu. Tuy nhiên, tuần trước, tòa đã bác đề nghị này. Dù có ít khả năng Nga quan tâm đến quyết định của CEDH, nhưng ông Vladimir Slivyak cho rằng việc tòa ra phán quyết cũng đã « có ích » cho việc định hình chính sách khi « chế độ độc tài phát xít » Nga sụp đổ.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 kềm chế mức tăng nhiệt độ dưới ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, Matxcơva đã không có bất kỳ nỗ lực nào để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính hoặc giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch.

 

 

 




No comments:

Post a Comment