Monday, July 1, 2024

KHÍ HẬU : NHIỆT ĐỘ BỀ MẶT ĐẠI DƯƠNG CAO Ở MỨC KỶ LỤC HƠN 15 THÁNG (Thùy Dương / RFI)

 



Khí hậu: Nhiệt độ bề mặt đại dương cao ở mức kỷ lục liên tục hơn 15 tháng

Thùy Dương   -  RFI

 Đăng ngày: 30/06/2024 - 13:57

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240630-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu-nhi%E1%BB%87t-%C4%91%E1%BB%99-b%E1%BB%81-m%E1%BA%B7t-%C4%91%E1%BA%A1i-d%C6%B0%C6%A1ng-cao-%E1%BB%9F-m%E1%BB%A9c-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-li%C3%AAn-t%E1%BB%A5c-h%C6%A1n-15-th%C3%A1ng

 

Tính đến ngày 28/06/2024, nhiệt độ mặt nước ở các đại dương tăng cao liên tục đến mức kỷ lục trong 469 ngày liên tiếp. Nhiệt độ nước trên bề mặt các đại dương như vậy duy trì mức cao kỷ lục trong một khoảng thời gian dài chưa từng được ghi nhận: hơn 15 tháng.

 

HÌNH :

Ngoài khơi Kennebunkport, Maine, Hoa Kỳ : ảnh chụp ngày 8/9/2022. AP - Robert F. Bukaty

 

Theo Đại học Maine của Mỹ và cơ quan Khí hậu của Liên Hiệp Châu Âu Copernicus, được RFI Pháp ngữ trích dẫn, hiện tượng này có dấu hiệu giảm bớt từ ngày 28/06, nhưng nhiệt độ vẫn ở mức rất cao và gây lo ngại. Chuỗi ngày nhiệt độ nước bề mặt đại dương tăng liên tục bắt đầu từ tháng 03/2023. Có những ngày nhiệt độ tăng quá 1 độ C so với mức thông thường.

 

Trang mạng về sinh thái Reporterre cho biết, theo NOAA, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA), mực nước mặt đại dương toàn cầu vào ngày 10/03/2024 là 21,2°C, mức nhiệt độ cao chưa từng có vào thời điểm này trong năm. Vào cuối tháng 08/2023, nhiệt độ bề mặt nước Bắc Đại Tây Dương đã vượt quá 25°C, cao bất thường đến hơn 1,3°C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1982-2011.

 

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa giải thích được hoàn toàn nguyên nhân của hiện tượng, nhất là về mức tăng chêch lệch nhiều so với nhiệt độ nước đại dương thông thường, và thời gian kéo dài lâu đến như vậy. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng như vai trò của hiện tượng El Niño được cho là có vai trò không thể phủ nhận.

 

Theo giải thích của Thibault Guinaldo, nhà nghiên cứu về hải dương học không gian tại Trung Tâm Khí Tượng Quốc gia (CNRS-Météo France), biến đổi khí hậu là thủ phạm chính bởi vì các đại dương hấp thụ một phần rất lớn lượng nhiệt dư thừa trong khí quyển, dẫn đến sự nóng lên rõ rệt từ năm này sang năm khác. Điều đáng lưu ý là sự nóng lên của các đại dương có những hậu quả lớn đối với xã hội loài người, hệ thống khí hậu và đa dạng sinh học.






No comments:

Post a Comment