Saturday, July 27, 2024

CHUYỆN SƠ TÁN / KỲ 3 (Nguyễn Thông / Facebook)

 



Chuyện sơ tán (kỳ 3)  

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

26-7-2024  21:24   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid08EmM3awS2dqt9bxG4YGX664R96mtX7bH5DKVCrAZGcbkDdwu6NWgRDdayFbp3hrzl&id=100024722048900

 

Trẻ con học sinh các trường ngoài phố chia nhau sơ tán về thôn quê thì các thầy cô cũng về theo. Tôi nhớ hồi học cấp 1, trường làng tôi có vợ chồng thầy Sơn cô Quý ở khu Sở Dầu, Thượng Lý chuyển về. Thầy Sơn trán hói, kính cận, còn cô Quý tóc phi dê đúng kiểu phụ nữ nội thành. Thầy cô có hai đứa con trai tên Hà, Giang, chúng sạch sẽ, dễ thương, quần áo lúc nào cũng lành lặn. Cuối năm 1968, Mỹ ngưng ném bom, thầy cô lại chuyển về phố. Trong trận bom tối 16.4.1972 máy bay B52 rải thảm khu Sở Dầu, Thượng Lý, nhà thầy trúng bom, cả thầy cô và một trong hai con đều chết. Tôi không nhớ người thoát chết là Giang hay Hà. Mỹ đánh trở lại đột ngột quá, thầy cô và mọi người không kịp sơ tán như lần trước. Đêm ấy, làng Phúc Lộc xã Hưng Đạo cạnh trận địa pháo sát chân cầu Niệm bị chết hơn 6 chục người. Thương lắm.

 

Năm 1966, đám chúng tôi lên lớp 5, trường cấp 2. Trường cũng có mấy thầy cô sơ tán. Cô Oanh hiệu trưởng, tóc ngắn, xinh đẹp. Cô Cúc người miền Nam tập kết, dạy địa, về trường đem theo cả hai đứa con sinh đôi. Cô hiền hậu, nói giọng Nam nghe rất lạ bởi hồi ấy bọn nông thôn ít khi được tiếp xúc với người miền Nam.

 

Nhân chuyện này, tôi kể thêm ngoài lề: Năm 1988, tôi cho thằng cu con về quê chơi với ông bà nội và gia đình. Thằng bé 4 tuổi cứ thích ra chỗ bà nội ở quầy bán tạp hóa đầu hồi sát đường, ngó nghiêng chỗ này chỗ khác, rồi bi bô đủ thứ chuyện. Một đám học trò cấp 1 người làng Quế ngang qua, ghé vào mua kẹo bột, 1 hào 1 cái. Nghe thằng con tôi bi bô, chúng nó nháy nhau thì thào, tôi ngồi phía trong nghe được. Chúng bảo, đ. mẹ, nó bé tí thế kia mà đã nói được tiếng miền Nam, chúng mày ạ. Bọn hắn ngó thằng bé như người trên giời rơi xuống.

 

Mẹ con cô Cúc và cô Oanh ở trong căn nhà tường đất mái rạ gần gốc nhãn cổ thụ mấy trăm năm, phía sau trường học (vốn là hậu cung của đình làng). Chia làm đôi, cô Oanh hiệu trưởng nên được một nửa, ba mẹ con cô Cúc một nửa, gọi là phòng ở nhưng chỉ gần chục mét vuông. Thế cũng tươm lắm rồi. Chúng tôi thỉnh thoảng ghé chơi, đùa nghịch, bế hai đứa sinh đôi cho cô rảnh lo cơm nước giặt giũ. Khi bộ đội tên lửa về lập trận địa ở thôn Trà Phương, trường cấp 2 phải sơ tán sang thôn Phương Đôi cùng xã, lớp 5 của tôi cũng kéo qua đó, còn lớp 6 và 7 được ưu tiên sơ tán về khu thành phủ cũ, gần chùa Mục Đồng. Xã làm một lớp học sâu dưới đất, chỉ nhô mái phía trên, còn ra vào lớp bằng hào giao thông. Cô Cúc, cô Oanh, các thầy cô ai có xe đạp thì đi xe đạp, phần lớn đều đi bộ hơn cây số. Học trò thì trăm phần trăm “xe căng hải” (xe hai cẳng).

 

Có hôm đang giờ môn địa lý của cô Cúc, báo động. Thầy trò theo lối hào tỏa ra các hầm chữ A và hố cá nhân (có thụt/nùn rơm đậy lại). Pháo cao xạ nổ đì đùng, mảnh đạn phạt bờ tre nhà chị Hiền phó chủ tịch xã rào rào. Báo yên, kéo nhau về lớp. Thằng Hồ Văn Sử dân sơ tán kêu toáng lên giơ bàn tay đầy máu. Hóa ra nó quệt phải một mảnh đạn cao xạ sắc như dao cắm phập vào thụt rơm của nó. Ai cũng nói suýt chết, thằng này cao số. Giờ già rồi, không biết bạn Sử còn hay mất.

 

Tôi có kỷ niệm với cô giáo miền Nam. Hôm ấy mải đánh dậm tuốt tận đầm thôn Tú Đôi xã bên, tôi về muộn, chưa kịp ăn cơm đã tới giờ đi học. Đường sang lớp sơ tán khá xa. Nhưng kẹt nhất là 2 chiếc quần dài cũ vải xanh chéo Nam Định thường bộ nghiêm bộ nghỉ thì hôm ấy cả hai đều đang phơi, còn ướt sũng. Giá anh trai tôi ở nhà thì có thể mượn được quần, nhưng anh ấy đang học lớp 8 trường huyện (cả huyện chỉ có một trường cấp 3), sơ tán tuốt xã Tân Phong gần biển. Quần của thày tôi loại quần nâu lá tọa nên không mặc được.

 

Khi cô Lưu hội phụ nữ đi quyên góp quần áo cũ và giẻ rách để cho bộ đội trận địa làm giẻ lau đạn, nhà tôi chả đóng góp được gì. Quần áo cũ, rách cả, nhưng góp thì lấy gì mà mặc. Bu tôi một mảnh vải bằng bàn tay cũng cất đi để phòng khi cần vá chỗ rách. Lại nhớ mấy bà chè chai đồng nát hằng ngày quẩy đôi quang gánh lần mò từng đường làng ngõ xóm rao “Ai lông ngan lông vịt, đồng nát, tóc rối, dép nhựa rách, giẻ rách bán không”. Đúng cái câu mà sau này đám tôi được học “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” suốt mấy chục năm trời.

 

Tiếc buổi học, tôi đánh liều “diện” quần đùi tới lớp. Đã thế, lại đi muộn, thằng bé cứ thập thò ngách hào giao thông, không dám vào. Cô Cúc nhìn thấy, ra kéo vào. Tan buổi học, đương sự ba chân bốn cẳng ôm vội cặp sách vọt biến. “Vụ án quần đùi” khiến tôi ngượng suốt mấy tuần. Sau 1972 hòa bình, tôi nghe cô Oanh, cô Cúc đã về lại phố, rồi 1975 cô Cúc về Nam, chả bao giờ được gặp lại cô và hai thằng sinh đôi nữa. (còn tiếp)

 

 

                                               *****

 

Chuyện sơ tán (kỳ 2)

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

15-7-2024  lúc 09:32  · 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0EeHvh1EQRgPKQkrwHvJZ9sT8FgyymkvVvx3BPPL4R5MNCm2S7d6Jo76PBZHm4uk9l&id=100024722048900

 

Cuộc sơ tán dân từ thành thị về nông thôn cuối năm 1964 đầu năm 1965 đã làm thay đổi khá nhiều cuộc sống nông thôn miền Bắc. Điều được nhà thơ Tố Hữu gọi là "dập dìu hợp tác", "sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn", "nông thôn có máy làm trâu thay người" chỉ có trong thơ ca, trong sự tưởng tượng của thi sĩ thôi, chứ nông thôn miền Bắc từ ngày giải phóng thật nghèo nàn buồn bã ảm đạm, sau chút náo nức ban đầu. Cứ tầm gà lên chuồng là tất cả chìm vào yên ắng, màn đêm. Dầu hỏa là mặt hàng phân phối, mỗi hộ chỉ được mua 1 lít/tháng, thậm chí cả bao diêm vài chục que cũng phân phối nên thường có chuyện sang hàng xóm "xin lửa". Độ 9 - 10 giờ tối là tắt đèn để tiết kiệm dầu. Gần như người ta rút hết vào nhà, đường làng vắng tanh, ít tiếng nói cười. Điều này tôi biết chắc chắn và chính xác hơn các nhà thơ, hơn Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên vốn chỉ "khép cửa phòng văn hì hục viết".

 

Có dân phố về, vui hẳn. Ít ra họ cũng là "tầng lớp trên" hiểu biết rộng, nhiều, thông thạo sự đời, có văn hóa cao, kinh tế khá hơn, tiền bạc "rủng rỉnh" hơn người bản địa. Quần áo sặc sỡ nhiều màu hơn, nhiều kiểu hơn chứ không như đại chúng nâu sồng hoặc đen. Khi ấy tôi đã gần lên 10, từng tặc lưỡi sao các anh chị ấy nhiều kiểu quần tây sơ mi đẹp thế. Lần đầu tiên tôi biết vải kaki trong khi mình chỉ xanh chéo Nam Định là hết mức. Nhiều chị mặc phin nõn, valide. Các anh để tóc đít vịt, áo chim cò. Nhiều bác nhiều chị tóc phi dê. Ai cũng guốc dép đi hằng ngày, nhiều người còn diện giày. Vài anh có cả dép nhựa Tiền phong trắng quai hậu, chí ít cũng dép nhựa Tái sinh. Hầu hết họ đều biết đàn hát, bọn trẻ con thì thạo nhiều trò chơi, nhất là chơi bi, súng bắn diêm, nuôi cá cảnh, đánh tú lơ khơ. Chúng khác hẳn đám tôi chỉ chơi khăng chơi đáo, bật tường ăn diêm, đánh trận giả. Chúng văn minh hiện đại hơn hẳn, phục lăn.

 

Tối tối, các bác anh chị và đám cùng tuổi tôi thắp đèn ngồi trò chuyện râm ran, các bà các chị đan len, nhào bột mì rán ăn tối. Hình như người thành phố đã quen ăn kiểu công nghiệp, có đủ bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa tối (lót dạ trước khi đi ngủ), không như nông dân chỉ 2 bữa chính là sáng (6 giờ) và chiều (2 giờ), tối nhịn, ôm bụng đói đi ngủ. Người phố, dù phải đi sơ tán, vẫn có cuộc sống mà nông dân mơ ước. Thày tôi bảo, nhưng bà con phải bỏ nhà bỏ cửa đi sơ tán thế này là tội lắm rồi, nên chả đứa nào tị nạnh.

 

Đoàn dân phố sơ tán đầu tiên về làng Trà Phương tôi đông nhất khoảng tháng 9.1964. Khi ấy tôi bắt đầu vào lớp 4, lớp cuối cùng của cấp 1. Nhà tôi đón người chị họ và các cháu con chị cùng về, có cả cặp sinh đôi chưa đầy năm, vui lắm. Hôm sau, tôi vào trong làng coi HTX tổ chức đón một đoàn được sắp xếp cư ngụ xóm trong, tập trung ở sân HTX Thụy Sơn. Trong số ấy, có nhiều bạn sẽ học với lứa chúng tôi suốt mấy năm ròng, từ lớp 4 tới hết lớp 7. Vẫn còn nhớ cả khuôn mặt, dáng vẻ, nụ cười của các bạn phố, những Nguyễn Ngọc Châm, Hoàng Liên Hợp, Hoàng Liên Thái (2 Hoàng này là chị em ruột), Nguyễn Thanh Thủy, Hồ Văn Sử, Trần Đức Hậu, Phạm Ngọc Linh, Nguyễn Văn Bình, Trần Hùng, Dương Thế Hùng... Họ đều xinh đẹp, trắng trẻo, hoạt bát hơn bọn trẻ nông dân chúng tôi nhiều. Chị Hợp còn khoác theo cây đàn ghi ta, rất điệu. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông

 

.

114 BÌNH LUẬN  

 

                                                               ***

 

Chuyện sơ tán Sơ tán

Nguyễn Thông cùng với Nguyễn Thông Cào.

8-7-2024   lúc 21:02  · 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0269eMPYiu7vttuRSo9GU6tVZgFTzUTR1h3yuoWJGnWpj9h2xkYncbh5xJiYAXSWKLl&id=100024722048900

 

Sơ tán là từ rất quen nghe thời chiến tranh trước năm 1975. Khi Mỹ dùng máy bay đánh phá miền Bắc, được "bên thắng cuộc" gọi là "cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ" thì từ "sơ tán" vốn phổ biến hồi chống Pháp lại được nhắc hằng ngày. Tôi ở nông thôn, nơi máy bay Mỹ ít để ý, không phải đi sơ tán, nhưng tận mắt chứng kiến hai cuộc sơ tán vĩ đại của người thành phố về nông thôn. Lần thứ nhất vào tháng 8.1964, lần nhì vào tháng 4.1972. Lần 1 kéo dài 5 năm, lần 2 chỉ nhỉnh hơn 8 tháng. Chừng ấy thời gian cũng đủ trát vào ký ức bao nhiêu cảnh đời, con người, số phận, đủ cả vui buồn.

 

Hồi còn bé, tôi nghe thày bu kể, khi Pháp còn chiếm đóng Hải Phòng, nhiều gia đình nông dân dù ở nông thôn cũng phải tản cư, chuyển từ vùng tạm chiếm sang huyện Vĩnh Bảo hoặc tỉnh Thái Bình là vùng tự do để sinh sống. Thời đó, người ta dùng từ tản cư (tản là di chuyển, tỏa ra, dời đi; cư là ở, cư trú; tản cư là chuyển dời đến chỗ khác để cư trú, sinh sống), cũng có nghĩa như từ di cư, di tản sau này. Sau khi tản cư, nếu cuộc sống bình thường trở lại thì trở về chốn cũ, gọi là hồi cư.

 

Sơ tán, theo giải nghĩa của từ điển Việt, là di chuyển người hoặc của cải từ nơi này tới nơi khác để tránh thiên tai hoặc chiến tranh. Từ Hán Việt, sơ là sự phân tán, chia ra; tán là chia ra, tan ra, rời ra. Chia nhỏ đám đông về nhiều nơi gọi là sơ tán. Thời chống Mỹ ở miền Bắc, có hẳn một bộ phận dân chúng được gọi là "dân sơ tán". Những người này chủ yếu ở thành thị, nhất là những đô thị lớn, trọng điểm, dễ bị bom như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, kéo nhau về nông thôn tạm sinh sống, làm ăn, chờ chiến tranh chấm dứt. Ban đầu họ hy vọng chả mấy lại được về phố. Năm 1966, khi ông Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ, có câu "chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá" thì hầu hết thất vọng, không còn nghĩ tới chuyện về. Có người ở lại nông thôn, lấy trai làng gái làng, mãi về sau mới hồi cư phố.

 

Ngày 5.8.1964, Mỹ bắt đầu cho máy bay, từ miền Nam ra, hoặc từ hạm đội 7 vào, ném bom Hồng Gai (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), những chỗ có bộ đội hải quân, để trả thù vụ tàu Maddox. Vài ngày sau, chính quyền ráo riết đốc thúc nhân dân các thành thị sơ tán về nông thôn, dù chưa bị máy bay Mỹ oanh tạc. Hải Phòng quê tôi trọng tâm của bom bởi thành phố này là đầu mối nhận hàng hóa, vũ khí từ phe anh em môi răng. Dân chúng phải sơ tán triệt để, chỉ trừ những người ở lại trực chiến hoặc bám cơ sở công nghiệp không thể bỏ, như cảng, nhà máy điện, nhà máy nước. Nguyên tắc chung là, ai có họ hàng, bà con ở nông thôn, xã nào huyện nào thì về nhà người thân, còn không cũng cứ về rồi chính quyền xã, hợp tác xã sắp xếp ở từng gia đình. Thì xưa nay dân phố vốn từ nông thôn mà ra. Công nhận dân mình, nông dân mình tốt thật, chả máu mủ ruột rà gì vẫn vui vẻ đón tiếp, tận tình nhường nhà cửa, thu xếp chỗ ăn chỗ ở cho bà con ngoài phố. Gần như không có sự xa lạ, lạnh lùng. Một thời hiếm có về tình người.

 

Phải công nhận các nhạc sĩ rất nhanh nhảu "đi vào cuộc sống". Tôi còn nhớ, lúc ấy đang học cấp 1 (tương đương tiểu học bây giờ), dân sơ tán thậm chí còn chưa thu xếp ổn hẳn, trên đài đã vang lên bài hát "Về đồng quê" động viên lũ trẻ thành phố. Nghe riết, thuộc, rồi nghêu ngao "Về đồng quê em vui chơi học hành/Giúp đỡ gia đình cô bác bà con/Về đông quê em đào mương chống Mỹ/Phân bón gây thật nhiều cho đồng lúa xanh tươi/Lúa lúa ơi, em yêu cây lúa/Lúa nuôi anh bộ đội diệt quân Mỹ xâm lăng/Về đồng quê em chăm học chăm làm/Chăm chỉ luyện rèn để xứng đáng là trò ngoan"..., hoặc bài hát nổi tiếng một thời "Bé bé bằng bông": "Hai má hồng hồng/Cháu đi sơ tán bế em đi cùng/Mẹ mua xe gỗ/Cho bé ngồi trong/Bao giờ chiến thắng em đưa bé về phố đông" (bài này, mấy đứa lếu láo hát chế thành "Bé bé bằng bông/Hai mà bằng đồng/Hai chân bằng sắt/Hai tay bằng chì/Mẹ mua bè chuối/Cho bé tập bơi/Bao giờ chết đuối em đưa bé về áo quan"). (còn tiếp)

 

.

35 BÌNH LUẬN   

 







No comments:

Post a Comment