Monday, July 29, 2024

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC TƯ TƯỞNG DƯỚI THỜI TẬP CẬN BÌNH (The Economist)

 



Chủ nghĩa dân tộc tư tưởng dưới thời Tập Cận Bình

The Economist  

Tạ Kiều Trang, biên dịch

27/07/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/07/27/chu-nghia-dan-toc-tu-tuong-duoi-thoi-tap-can-binh/

 

Tập Cận Bình muốn hệ thống tri thức của Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi các giá trị phương Tây

 

Ở Bắc Kinh cách đây một phần tư thế kỷ, chúng tôi đã chứng kiến một sự kiện hiếm hoi: một tòa án hình sự tuyên bố một bị cáo vô tội. Khi đó, hơn 90% các phiên tòa hình sự ở Trung Quốc kết thúc bằng án có tội. Lần này, bị cáo – kẻ bị buộc tội cướp có vũ trang – được trả tự do. Sự thiếu hụt bằng chứng và việc anh ta từ chối trả lời các câu hỏi của cảnh sát đã đóng vai trò quyết định. Luật sư bào chữa của anh ta cũng lập luận rằng tốt hơn là nên tha bổng một người có tội hơn là mạo hiểm giam giữ một người vô tội.

VIDEO : Chủ nghĩa dân tộc tư tưởng dưới thời Tập Cận Bình

            https://www.youtube.com/watch?v=eIr7oqZ3F4Y

 

Tiếc thay, phiên tòa diễn ra vào tháng 10 năm 1998 đó đã không đặt ra một án lệ nào. Đó là một phiên tòa giả định do chính phủ Anh dàn dựng, với một thẩm phán đội tóc giả cùng các luật sư được mời từ Anh đến và xây dựng một Tòa án Hoàng gia mô phỏng tại một khách sạn ở Bắc Kinh. Chủ tọa phiên tòa là Cherie Booth, một luật sư mà chồng bà, Tony Blair, lúc đó đang thăm chính thức Trung Quốc. Các học giả pháp lý Trung Quốc đóng vai trò là bồi thẩm viên. Khi đó, người viết bài này, một phóng viên trẻ lần đầu công tác tại Bắc Kinh, đã khảo sát khán giả Trung Quốc và nhận được nhiều quan điểm khác nhau. “Ở nước chúng tôi, bị cáo phải trả lời câu hỏi,” một giảng viên học viện cảnh sát gầm gừ. “Đó là nghĩa vụ của anh ta.”

 

Trong thời kỳ còn sôi nổi đó, nhà nước độc đảng Trung Quốc, mặc dù không hoàn toàn tự do, nhưng vẫn hoan nghênh việc tranh luận với thế giới. Để xây dựng một phiên bản chủ nghĩa tư bản của Trung Quốc và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản trong thập niên 1980 và 1990 đã cam kết tạo ra một nền kinh tế “pháp trị”. Các học giả Trung Quốc đã dịch các sách giáo khoa phương Tây về mọi thứ từ luật hiến pháp đến phá sản doanh nghiệp, quy định về độc quyền và chính sách tiền tệ. Các trường đại học và viện nghiên cứu chính phủ đầy ắp các học giả và chuyên gia phương Tây đến giảng dạy. Sinh viên và quan chức trẻ Trung Quốc đổ xô đi du học ở Mỹ, Anh và các quốc gia khác.

 

Ngày nay, các luồng tư tưởng lại chảy theo hướng ngược lại. Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đã kêu gọi các học giả tạo ra một “hệ thống tri thức độc lập của Trung Quốc”, kết hợp các giá trị truyền thống của Trung Quốc với các học thuyết Marxist và tín điều hiện tại của đảng. Lời kêu gọi của ông Tập không chỉ đơn thuần là các chiến dịch chính thức lâu nay nhằm phản kháng bất cứ khi nào người nước ngoài đặt dấu hỏi về sự khôn ngoan hay thiện chí của các chính sách và hành động của Trung Quốc. Thay vào đó, các học giả được khuyến khích tránh cái bẫy giả định là tranh luận với người phương Tây, những người đánh giá Trung Quốc dựa trên các chuẩn mực ngoại lai. Từ giờ trở đi, có thể tuyên bố rằng một đất nước Trung Quốc tự tin nên tự bảo vệ mình bằng chính các lý thuyết và thước đo thành công của người Trung Quốc. Các học giả về kinh tế, lịch sử, luật pháp và khoa học chính trị – nhiều người trong số họ được đào tạo ở phương Tây – đang cố gắng thích nghi với thử thách này.

 

Bề ngoài, các lập luận về cách nghiên cứu và tìm hiểu nền kinh tế Trung Quốc nghe có vẻ thuần túy kỹ thuật. Yao Yang, một nhà kinh tế học phát triển tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng “phần lớn nghiên cứu kinh tế ở Trung Quốc là vô dụng” vì các học giả chọn các chủ đề hấp dẫn các tạp chí kinh tế nước ngoài, nhưng lại không phù hợp với điều kiện thực tế ở Trung Quốc. Dù là chủ đề về nợ chính quyền địa phương, chính sách công nghiệp, đổi mới hay nhân khẩu học, Giáo sư Yao – người đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Wisconsin-Madison – cho rằng các nhà nghiên cứu áp dụng các mô hình kinh tế vĩ mô “chuẩn” (tức là phương Tây) vào Trung Quốc “không hiểu được Trung Quốc”. Ông đưa ra một số ví dụ. Nhiều người nước ngoài cho rằng sự già hóa dân số và thu hẹp lực lượng lao động sẽ làm suy tàn nền kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, ông nói, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng sự thu hẹp này sẽ được bù đắp bởi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.

 

Tuy nhiên, đây không chỉ là một cuộc tranh cãi về mô hình. Đây còn là một cuộc đấu tranh về các giá trị. Ví dụ, Giáo sư Yao trích dẫn các nghiên cứu cho rằng sự thành công trong sự nghiệp của các doanh nhân hay quan chức Trung Quốc là do sức mạnh của các mối quan hệ cá nhân. “Đó không phải là bức tranh toàn cảnh,” giáo sư nói. Ông nhấn mạnh rằng hệ thống quan liêu Trung Quốc cũng, thậm chí là phần lớn, là một chế độ trọng dụng nhân tài. Ông cáo buộc các học giả hạ thấp năng lực của các quan chức với mục đích chứng minh “hệ thống Trung Quốc là tham nhũng”. Ông không phải là một người chống phương Tây cực đoan. Nhưng ông tin rằng quá nhiều học giả phương Tây đang chờ đợi, một cách vô ích, để nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ vì hệ thống chính trị của nó. Ngược lại, ông nói rằng các nước đang phát triển biết rằng họ có nhiều điều cần học hỏi từ “kinh nghiệm phong phú” của Trung Quốc về vai trò lãnh đạo của nhà nước trong nền kinh tế.

 

Trong lĩnh vực tư pháp, quãng thời gian khi các công tố viên Trung Quốc tìm đến các đồng nghiệp phương Tây để thảo luận về các khái niệm tố tụng nước ngoài, hoặc các học giả tranh luận về hiến pháp quốc gia có thể áp dụng như thế nào để kiểm soát hoặc cân bằng quyền lực nhà nước, giờ chỉ còn là quá khứ. Năm 2018, ông Tập tuyên bố thẳng thừng rằng Trung Quốc không bao giờ được áp dụng “chủ nghĩa hiến pháp”, tư pháp độc lập hay các ý tưởng nguy hiểm khác của phương Tây.

 

Vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, một số người ở Trung Quốc “sùng bái” pháp quyền của phương Tây, theo lời Tian Feilong, giáo sư luật tại Đại học Dân tộc Trung Quốc và là một người ủng hộ có ảnh hưởng về việc áp đặt các hệ thống chính phủ và luật pháp “ái quốc” hà khắc lên Hồng Kông. Nhưng theo thời gian, ông chỉ ra, các học giả Trung Quốc nhận ra rằng các khái niệm về pháp luật của phương Tây không thể “giải thích hiệu quả” lý do tại sao sự cầm quyền của Đảng Cộng sản là chính danh. Các lý thuyết tự do của phương Tây cũng không thể giải thích tại sao Đảng cần chỉ đạo hoạt động của thị trường khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển. Vì các lý thuyết phương Tây không phù hợp với thực tiễn Trung Quốc, nên cần có các lý thuyết Trung Quốc. Ngày nay, áp lực gia tăng từ Mỹ càng củng cố thêm nhu cầu về một hệ thống pháp luật phản ánh “nền văn minh, lịch sử và truyền thống chính trị” của Trung Quốc.

 

Khi được hỏi liệu Trung Quốc ngày nay có còn coi trọng bất kỳ nguyên tắc pháp lý nào mà phương Tây gọi là phổ quát (universal) hay không, Giáo sư Tian trả lời có, với một điều kiện quan trọng. Theo ông, Trung Quốc đặt sự phát triển một cách ổn định và lợi ích tập thể, trật tự công cộng, hài hòa xã hội và an ninh quốc gia lên trên các quyền lợi cá nhân. Giờ đây, Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ tầm nhìn khôn ngoan đó của mình. Giáo sư Tian tự hào khẳng định rằng các chính phủ từ khắp Nam bán cầu đang cử các phái đoàn đến học hỏi về cách quản trị “hiệu quả và đáng trân trọng” của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của một “đảng cầm quyền mạnh mẽ”. Ông hy vọng rằng phương Tây, một ngày nào đó, sẽ học cách tôn trọng phương thức của Trung Quốc.

 

Còn trước mắt, tỷ lệ kết án hình sự của Trung Quốc đã lên tới 99,95%. Người nước ngoài có ý kiến về vấn đề này nên biết giữ im lặng.

 

 






No comments:

Post a Comment