Friday, July 5, 2024

'CÁI ĐÓ MỸ' và KHAO KHÁT NỀN GIÁO DỤC DÂN TỘC THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA (Lê Vạn Hoa / Luật Khoa tạp chí)

 



'Cái đó Mỹ' và khao khát nền giáo dục dân tộc thời Việt Nam Cộng hòa

Lê Vạn Hoa   -   Luậ Khoa tạp chí

JULY 05 202410:05 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/07/cai-do-my-va-khao-khat-nen-giao-duc-dan-toc-thoi-viet-nam-cong-hoa/

 

Giáo chức Miền Nam luôn trăn trở tìm đường để phát triển nền giáo dục của dân tộc.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w600/format/webp/2024/07/Gia-Long.png

Một lớp học tại trường Nữ trung học Gia Long. Nguồn: Viet-Nam Bulletin - Secondary Education in Viet-Nam/ manhhai/ Flickr.

 

Bài viết này tổng hợp một số thông tin có liên quan đến nền giáo dục trung học dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Trong đó, các tư liệu đa số được chọn lọc và biên tập lại từ công trình của tác giả Trần Thái Hồng, với tên “Khảo sát hiện trạng giáo dục trung học tổng hợp tại Việt Nam”, luận thuyết đệ trình Hội đồng bằng cao học giáo dục, trường Đại học Sư phạm, Viện Đại học Sài Gòn. Đây cũng là công trình nghiên cứu toàn diện về giáo dục trung học tại miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa.


 

Vào năm 1954, ước tính có 53.001 học sinh theo học các trường trung học và con số này chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số 1.740.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 toàn Miền Nam Việt Nam. Nhưng đến năm 1971, đã có tới 840.953 học sinh trung học, tương đương 33% trên tổng số 2.547.000 thanh thiếu niên ở độ tuổi này. [1]

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2024/07/AD_4nXcqs5kHKjFeDbtxfUzHPbc3IzD6N0dy3nrvq1-IqL0_Ly4EjyX6YCL2S2QQea73hS9htaCfzvALGhoJ0up5RJp0jQgsv5IOAhFqWGz4ScL3ySkFgkE_zoBq6-_uT2fbU5IzTz7_YVbcvdvfsYibPT-8Z_s.jpeg

Thống kê số học sinh đến độ tuổi đi học ghi tên tại các trường trung học. Ảnh: Tư liệu.

 

Đồng thời, đến thời gian này, Miền Nam có các trường trung học kiểu mẫu thuộc ba trường Đại Học Huế, Sài Gòn, Cần Thơ và 16 trường trung học khác.

 

Để đạt được những thành tích phát triển, các nhà giáo dục miền Nam lúc ấy phải vật lộn giữa hai khuynh hướng:

 

Một là tìm cách lột bỏ những tàn dư của hệ thống giáo dục cũ với "chương trình nặng về lý thuyết, có tính cách từ chương, nhồi sọ, nặng về thi cử, cốt học để đậu, đậu để kiếm cơm, xa thực tế, thiếu địa phương tính, không sử dụng thiên nhiên địa phương để quan sát khoa học tại chỗ, không thực dụng, không hướng nghiệp". [2] Điều này dẫn đến sự ly khai với hệ thống giáo dục cũ.

 

Hai là theo ảnh hưởng của Hoa Kỳ - đồng minh thân cận của chính quyền và cũng là bên tài trợ nhiều nguồn lực cho nền giáo dục đương thời.

 

Năm 1959, Việt Nam Cộng Hòa ký hợp đồng với Hoa Kỳ để phát triển chương trình huấn luyện giáo chức về những môn thực nghiệp cho công cuộc cải tiến giáo dục trung học tại Việt Nam. Chương trình này kéo dài 10 năm, từ năm 1962 đến 1972 và Đại Học Ohio ở Athens, Ohio được Mỹ chọn làm đại diện hợp tác.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/2024/07/AD_4nXdLjV3ts-sIm4stQOI3_ZunEYljwQFh23NkeA3ULGRsyyEXanBaRaP3biU_qT23neAtBbdQaa74iiCYRAt7fVpZF5Go6PgXnKIOjddcd3rgZD0ng8QlxRLNnjrxho1AeU8-ZD8d7D-e4ZgIDeGJlYc2yWcw.jpeg

Số nhân viên và thời gian phục vụ của phái đoàn Đại Học Ohio. Ảnh: Tư liệu.

 

Phái đoàn Đại Học Ohio có mặt tại Việt Nam với 33 cố vấn thường xuyên, sáu cố vấn ngắn hạn; trung bình mỗi người phục vụ 24,5 tháng. Qua chương trình phối hợp này, phía Việt Nam gửi 70 người sang học về giáo dục Mỹ, trong đó có 65 người tốt nghiệp.

 

Tổng kết 10 năm hợp tác giữa hai bên, người thẩm định chương trình hợp tác Raph D. Purdy đã viết bản báo cáo, trong đó dẫn lời của một giáo chức nhận xét thẳng thắn: "Đại Học Ohio gởi sang đây một ít cố vấn trong thời gian độ vài năm; rồi thì các vị cố vấn này trở về Hoa Kỳ. Nếu chúng tôi gởi người sang học tại Ohio, học xong rồi trở về; các ứng viên này ở đời với chúng tôi". [3] Giáo chức này đã nêu rất rõ ý thức của họ về hiệu quả và sự bền lâu của việc trao đổi hai bên.

 

 

https://lh7-us.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXePeoFSXH_jtwdJqifLsEYuvh86xjsJa1D5yyWOPXyaZzZ2wuT4Y9Z1ZQscWUyojgZofWRp4HG7yPtC9J0RjY75jNXrfDD8H3C0rTPombIC13i60QZvEHevsGPsDch__s8bXTu6_DGxYObnU_rtiDwUAJo?key=UGdH2Ow6WldH1iPZhW-w0Q

“Khảo sát hiện trạng giáo dục trung học tổng hợp tại Việt Nam” của Trần Thái Hồng. Ảnh: Tư liệu.

 

 

"Cái đó Mỹ"

 

Báo cáo của Purdy nói rõ thêm: Với quá khứ đau thương vì bị đô hộ trong ngàn năm, cùng với sự tranh đấu kiên trì cho nền độc lập và sự tự chủ của mình, người Việt Nam hết sức hoài nghi sự viện trợ và trợ giúp của bất cứ ngoại cường nào. Người Việt Nam không muốn để mất các thành quả mà họ khổ công mới đạt được vì bất cứ một tư tưởng hay một chính phủ nào mà tư tưởng hay chính phủ ấy không được họ tán đồng. [4]

 

Ông Purdy cũng học được một câu cửa miệng của người Việt bản xứ và đưa vào bản báo cáo: "cái đó Mỹ".

 

Tác giả hiểu rằng, "cái đó Mỹ" đối với người Việt thời ấy mang hàm nghĩa là "ít giá trị". [5] Các nhà giáo dục Việt Nam không thể chấp nhận nền giáo dục trung học bị mang tiếng là một "sản phẩm của Mỹ", là "theo lối Mỹ".

 

Trong khi đó, trong quần chúng cũng tồn tại một tâm lý "sợ hãi về một cuộc chế ngự ngấm ngầm, có thể là chế ngự về tư tưởng, về vật chất, về ý thức hệ chánh trị, hay là tất cả các cái trên hợp lại" khi có sự trợ giúp của ngoại bang. [6]

 

Giáo sư Dương Thiệu Tống, người từng giảng dạy tại trường Đại Học Huế, Đại Học Sài Gòn và là người có công dẫn dắt công cuộc cải tiến giáo dục trung học Miền Nam, khẳng định về cách thức tổ chức và chương trình của trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức là "công trình cộng tác và phối hợp của Đại Học Sài Gòn và trường Trung Học Kiểu Mẫu trong sáu năm qua, không phải là công trình của riêng các cố vấn Hoa Kỳ.[...] Nếu có sự hiểu lầm rằng các cố vấn Hoa Kỳ đã gây dựng nên chương trình này sẽ là điều sỉ nhục lớn lao cho các nhà giáo dục Việt Nam trong quá khứ và hiện tại". [7]

 

Tác giả Trần Thái Hồng kết luận trong phần nghiên cứu của mình: "Sự hiện diện của phái đoàn cố vấn giáo dục của Đại Học Ohio đã tỏ ra không hữu ích cho công cuộc phát triển giáo dục Việt Nam mà ngược lại còn gây những phản ứng tâm lý bất lợi cho sự ngộ nhận là giáo dục trung học tổng hợp là sản phẩm của Mỹ". [8]

 

Những ghi nhận trên cho thấy giới giáo chức Miền Nam đã có tinh thần kháng cự với ngoại lai, biểu hiện trong việc tiếp nhận rất cẩn trọng mô hình giáo dục Mỹ. Họ đề ra sứ mệnh về việc tránh bị Mỹ hóa, bảo vệ dân tộc tính, gắn chặt giáo dục với hiện trạng và văn hóa của đất nước. Đó là sự khát khao có một nền giáo dục dân tộc.

 

-----------------

Chú thích

 

[1] Trần Thái Hồng, "Khảo sát hiện trạng giáo dục trung học tổng hợp tại Việt Nam", Luận thuyết đệ trình Hội đồng bằng Cao học Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Viện Đại học Sài Gòn 1973, tr.3

 

[2] Nguyễn Chung Tú, “Những khuyết điểm của nền giáo dục hiện tại”, Bài thuyết trình đọc tại Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964, Sài Gòn, 1964.

 

[3] Ralph D. Purdy, “Kiểm thảo và hoạch định về nền giáo dục trung học tại miền Nam Việt Nam", Sài Gòn: USAID, Education Division, 1971, tr.95. 

 

[4] [5] [6] Purdy, tr.32

 

[7] Dương Thiệu Tống, “Sự diễn tiến của chương trình Trung học Tổng hợp tại Việt Nam", Bài Thuyết trình đọc trong hội thảo Giáo dục Trung học Tổng hợp Toàn quốc, Sài Gòn, 1971. 

 

[8] Trần Thái Hồng, Khảo sát hiện trạng giáo dục trung học tổng hợp tại Việt Nam, Luận thuyết đệ trình Hội đồng bằng Cao học Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Viện Đại học Sài Gòn 1973, tr.226.

 

 

 

------------------

Đọc thêm:

Giáo dục Nam – Bắc Việt Nam – Kỳ 1: Nền tảng và khác biệt

Một chuyến hành trình khám phá nền giáo dục của hai đất nước Việt Nam, thời kỳ 1955 - 1975.

Luật Khoa tạp chí      Huỳnh Công Đương

 

Giáo dục Nam – Bắc Việt Nam – Kỳ 2: Từ “thợ dạy” đến “tự do cá nhân”

Hai hệ thống khác biệt tạo ra những con người rất khác biệt.

Luật Khoa tạp chí  Huỳnh Công Đương

 

 

 




No comments:

Post a Comment