Sunday, June 30, 2024

TẠP CHÍ ẤN ĐỘ GIỚI THIỆU CÁC TRANG WEB GIÚP ĐÀN ÔNG NGOẠI QUỐC 'MUA VỢ' VIỆT NAM (VOA Tiếng Việt)

 



Tạp chí Ấn Độ giới thiệu các trang web giúp đàn ông ngoại quốc 'mua vợ' Việt Nam

VOA Tiếng Việt

07/06/2024

https://www.voatiengviet.com/a/tap-chi-an-do-gioi-thieu-cac-trang-web-giup-dan-ong-ngoai-quoc-mua-vo-viet-nam/7646447.html

 

Tạp chí Outlook ở Ấn Độ đăng một bài dài hôm 6/6 giới thiệu các trang web được xem rất hiệu quả trong việc giúp đàn ông phương Tây hẹn hò qua mạng và kết hôn thành công với phụ nữ Việt Nam. Bài viết có đoạn “Nếu bạn muốn mua một người vợ từ Việt Nam, bạn cần cân nhắc cẩn thận những ưu điểm, nhược điểm của việc đi đến hôn nhân với các cô gái bản địa”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-51e2-08dc8685eeaa_cx1_cy0_cw98_w1023_r1_s.jpg

Ảnh chụp màn hình trang Outlook hôm 6/6.

 

Dưới hàng tít “Những cô dâu Việt Nam đặt mua qua mạng tốt nhất năm 2024”, tạp chí đã hoạt động 29 năm nay ở Ấn Độ liệt kê ra 5 trang web hàng đầu chứa thông tin về các cô gái, phụ nữ Việt Nam đăng quảng cáo về bản thân để tìm chồng ngoại, kèm theo là đánh giá về các điểm tốt hay không tốt của từng trang.

 

Báo chí Việt Nam từng dẫn thông tin từ Bộ Công an cho biết từ năm 2008 đến 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 72% là nữ, và chủ yếu kết hôn với người Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc…

 

Theo Outlook, những ai ở Việt Nam muốn tìm chồng ngoại thường có 3 điểm chung. Thứ nhất là muốn khám phá các tập quán văn hóa, lối sống khác. Tiếp đến là vấn đề mất cân bằng giới tính ở Việt Nam khiến nhiều chị em không tìm được chồng như ý. Cuối cùng là sở thích cá nhân, như có người đơn thuần chỉ thích có mối quan hệ yêu đương xuyên quốc gia, có người thì thích các cá tính hoặc đặc điểm thể chất của đàn ông phương Tây.

 

Tờ tạp chí của Ấn Độ nêu ra những điểm cộng của cô dâu Việt gồm coi chồng ngoại là trung tâm của vũ trụ, thường trẻ hơn chồng và giữ được vẻ bề ngoài trẻ trung trong nhiều năm, khi hẹn hò qua mạng thường mong kết hôn ngay và có độ chung thủy cao.

 

Ngược lại, có một số điểm trừ, đó là đàn ông ngoại quốc khó hiểu hết được một phụ nữ Việt thông qua hẹn hò trên mạng, tốn nhiều công sức để lo việc nhập cư cho người vợ Việt trong tương lai, hai bên có những khác biệt văn hóa mà cả hai đều cần phải điều chỉnh và không phải ai cũng có thể đi lại qua quãng đường dài nên cần nhanh chóng chuyển sang mối quan hệ hai người ở bên cạnh nhau.

 

Bài viết đưa ra số tiền trung bình mà đàn ông ngoại cần chuẩn bị để kiếm được vợ Việt Nam là hơn 16.000 đô la, trong đó lớn nhất là đám cưới tốn từ 8.000-10.000 đô la, visa kết hôn 2.500 đô la, đi chơi quanh thành phố Hồ Chí Minh 1.300 đô la, đi nghỉ mát và ăn nhà hàng 1.100 đô la, vé máy bay cho vợ 700 đô la...

 

Nhiều cách nhìn nhận về người ngoại quốc lấy vợ Việt

 

Phóng viên của VOA thử tìm kiếm trên Google bằng cụm từ khóa “vietnamese mail order brides” (cô dâu Việt đặt mua qua mạng) và nhận được kết quả là ngoài trang Outlook ra, có rất nhiều trang web của nước ngoài cung cấp thông tin hoặc thảo luận về việc mai mối, hẹn hò giữa đàn ông ngoại với phụ nữ Việt Nam, một số trang thậm chí dùng cụm từ “mua vợ Việt”.

 

Bà Trần Thị Vân, 45 tuổi, một cô dâu Việt kể từ năm 2019 ở thành phố Osan, gần thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nói với VOA rằng cần nhìn nhận một sự thật là việc đàn ông Hàn Quốc đến Việt Nam tìm vợ “giống như một sự trao đổi”:

 

“Thông qua các công ty môi giới, họ phải bỏ ra một số tiền. Họ chỉ tìm kiếm trong 3 ngày. Các công ty cho các cô gái đến, gặp nhau xem mặt trong thời gian ngắn thế thôi, không có chung ngôn ngữ, không tìm hiểu và quyết định nhanh, nói là sự mua bán thì cũng quá, nhưng đó là sự trao đổi, vì hai bên không có tình yêu, không có gì cả. Nếu người đàn ông Hàn Quốc chấp nhận được thì họ chi một số tiền nào đó. Nghe buồn quá nhỉ”.

 

Qua tìm hiểu của cá nhân và thông tin trên báo chí Hàn Quốc, bà Vân nói rằng đại đa số các cô dâu Việt đến Hàn Quốc qua các dịch vụ mai mối, chỉ 5 đến 7% - bao gồm một số người lao động, du học sinh và bản thân bà - là tự tìm hiểu, hẹn hò, đi đến hôn nhân với người Hàn.

 

Có lần nói chuyện với bạn bè người Hàn Quốc, khi nghe họ nhận xét rằng việc nhiều công ty đưa đàn ông Hàn đến Việt Nam “tuyển vợ” không khác gì “một hình thức mua một người vợ thôi”, bà Vân thấy “chạnh lòng và buồn” nhưng theo bà “thực ra đó là cách nhìn của người ta”.

 

Khi VOA hỏi cách dùng từ như vậy có đáng bị chỉ trích, bà Vân trả lời: “Cũng không đến mức độ mà lên án đâu vì chúng ta nói là nhìn vào sự thật đấy”.

 

Theo quan sát của VOA, việc báo chí và các trang mạng hẹn hò của nước ngoài dùng từ “mua vợ” để nói về đàn ông ngoại lựa chọn và cưới phụ nữ Việt Nam đã từng thổi bùng lên sự tức giận, cảm giác bị xúc phạm, sỉ nhục trong công chúng Việt Nam không ít lần trong các năm từ 2010 đến 2019, thể hiện trên mạng xã hội và trong một số phóng sự, bài viết trên các trang VnExpress, SOHA, Znews, Tinhte, v.v...

 

Từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Thu Hà, một nhà báo kỳ cựu và tác giả sách về kỹ năng sống, phụ nữ và giới trẻ, nói với VOA sau khi xuất hiện bài viết của Outlook ở Ấn Độ rằng cách dùng từ “mua vợ” khi nói về phụ nữ Việt Nam là “sai, phải lên án”.

 

Bà nhấn mạnh rằng “con người không mua bán được” và lý giải vì sao trong quá trình đi đến kết hôn với một phụ nữ Việt Nam, người đàn ông, bất kể là quốc tịch Việt hay ngoại quốc, thường đứng ra trang trải các chi phí:

 

“Người chồng chi trả cho đám cưới và lo toan cho vợ là nét văn hóa khá lâu của Việt Nam rồi. Đó là nếp suy nghĩ từ khá lâu trong người Việt rằng người đàn ông sẽ cáng đáng tài chính trong gia đình, là trụ cột gia đình. Với người Việt Nam, đó là văn hóa, là sự tôn trọng, yêu thương, bao bọc người vợ, chứ không phải là mua. Phụ nữ Việt Nam không phải là món hàng, hoàn toàn không phải là món hàng”.

 

Theo bà, ngoài những lời phản đối, lên án của các cá nhân người Việt đối với việc các trang nước ngoài dùng cụm từ “mua vợ”, chính quyền và truyền thông Việt Nam cũng nên có các hành động về vấn đề này.

 

VOA liên lạc với ban biên tập của tạp chí Outlook và đặt câu hỏi vì sao họ dùng cụm từ “mua vợ” bị xem là gây xúc phạm, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

 

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, một cựu giảng viên đại học ở Hà Nội, nói với VOA rằng tiếng nói của công chúng và cộng đồng mạng Việt Nam rất quan trọng và có sức nặng để buộc các trang nước ngoài không dùng các từ ngữ xúc phạm, hạ thấp phụ nữ Việt hay đất nước Việt Nam.

 

Bà Ánh đưa ra quan sát cá nhân rằng chính quyền Việt Nam khá dân túy nên khi nổi lên dư luận xã hội, chính quyền sẽ đưa ra lời phản ứng chính thức và thực tế là họ đã từng làm như vậy trước đây.

 

Ý muốn đổi đời

 

Từng thực hiện nghiên cứu về các cô dâu Việt ở Đài Loan trong 6 tháng hồi năm 2019, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh công nhận rằng ý muốn đổi đời về mặt kinh tế là một động cơ chính của nhiều phụ nữ Việt khi tìm cách lấy chồng ngoại, nhất là trong hai thập niên 1990 và 2000.

 

Ngay cả giai đoạn hiện nay, chênh lệch kinh tế giữa Việt Nam và nhiều nước khác vẫn đáng kể. Con số GDP đầu người chính thức của Việt Nam hồi năm 2023 là gần 4.300 đô la, vẫn thấp hơn rất nhiều so với những nước là đích đến chính của nhiều cô dâu Việt.

 

“Khảo sát của tôi cho thấy 70% lấy chồng ngoại là vì lý do kinh tế”, bà Ánh nói. Điều này dẫn đến việc đàn ông Đài Loan từng có những cách nhìn nhận hay thái độ thô lỗ, xúc phạm phụ nữ Việt Nam.

 

Tuy nhiên, theo thời gian, khi các cô dâu Việt có nhận thức và khả năng ngoại ngữ cao hơn, biết liên kết với nhau ở nước ngoài, cũng như được sự giúp đỡ, bảo vệ của các tổ chức xã hội và của các cơ quan chính quyền nước sở tại, vị thế và sự tôn trọng dành cho các cô dâu Việt đã tăng lên nhiều, bà Ánh cho hay.

 

Nữ phó giáo sư-tiến sĩ chỉ ra rằng còn có hai nguyên nhân nữa để nhiều phụ nữ Việt lấy chồng ngoại, đó là ý muốn được đổi đời theo một nghĩa rộng hơn, hay nói cách khác là không phải sống cuộc đời giống như bà, như mẹ của họ; và do sự đi lại, giao lưu quốc tế ngày càng dễ dàng hơn thông qua internet, du lịch, du học mà nhờ đó nhiều phụ nữ thực sự có tình yêu với người nước ngoài và kết hôn.

 

“Nghiên cứu của tôi có lấy dữ liệu từ Sở Di trú Đài Loan và thấy rằng 85-87% cô dâu Việt hài lòng về cuộc sống của họ”, bà Ánh cho biết.

 

Chia sẻ với VOA từ Hàn Quốc, bà Trần Thị Vân nói bản thân bà và những cô dâu Việt khác mà bà quen biết đều hài lòng với cuộc sống hôn nhân, gia đình và nhấn mạnh rằng những người chồng Hàn Quốc hoàn toàn đứng mũi chịu sào, đi làm nuôi vợ con, trả các loại thuế, bảo hiểm, họ được giáo dục về tinh thần trách nhiệm và tính chăm chỉ cao độ.

 

Dưới góc nhìn của mình, bà Vân cho rằng ngày cả khi các cô dâu Việt sang Hàn Quốc vì sự “trao đổi,” “phần được cho các cô vẫn là nhiều”, bên cạnh đó, “một số ít các cô tận dụng nền tảng xã hội, kinh tế, giáo dục ở Hàn Quốc, chăm chỉ học hành, làm việc và có cuộc sống có giá trị”. Bà đánh giá rằng “đó là điều cần được nhấn mạnh, lan tỏa”.

 

Từ trải nghiệm qua công việc, nữ nhà báo-tác giả sách Trần Thu Hà xác nhận rằng nhiều phụ nữ muốn lấy chồng ngoại vì muốn ra đi khỏi một xã hội vốn trọng nam khinh nữ, có nhiều người đàn ông không có ý chí tiến thủ, lười biếng, hay nhậu nhẹt say xỉn, đánh đập vợ con...

 

Bà đưa ra quan sát: “Hiện nay có thể thấy ở Việt Nam các quán nhậu rất đông nam giới, trong khi các lớp học rất đông phụ nữ. Khoảng cách giữa phụ nữ và đàn ông Việt Nam đang xa ra. Phụ nữ thấy ở trong nước không có nhiều người đàn ông hấp dẫn để lập gia đình trong tương lai”.

 

Từ các cuộc phỏng vấn nhiều cô dâu Việt, bà Hà nhận thấy những phụ nữ có hiểu biết muốn lấy chồng ngoại vì ngoài việc muốn gắn bó với những người đàn ông tốt, họ còn có niềm tin là các nước phát triển như Mỹ, Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan… có nền giáo dục và hệ thống an sinh tốt hơn, tương lai của con cái và tuổi già của họ sẽ được bảo đảm hơn.

 

Lấy chồng ngoại, trong đa số các trường hợp, mang lại đời sống và tương lai tốt hơn cho nhiều phụ nữ Việt và con cái của họ, bà Hà nhận xét và cho rằng không những thế, ở một tầm vóc lớn hơn, các cô dâu Việt còn tạo ra các cộng đồng lớn mạnh của người Việt ở nước ngoài và đóng góp nhiều kiều hối cho Việt Nam.

 

Mặc dù vậy, theo bà, mặt trái của xu thế này là Việt Nam bị “chảy máu nhan sắc”, bà Hà nói: “Những phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, có gien tốt mà cứ đi hết thì thiệt cho Việt Nam, trong nước bị mất mát nhiều quá”.

 

Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh lại cho rằng “không có vấn đề gì”. Bà nói thêm: “Các nước châu Á khác cũng thế. Những gì các phụ nữ làm không trái ngược luật pháp quốc tế và Việt Nam. Họ đi để tìm hạnh phúc, để trợ giúp gia đình và thay đổi cuộc sống của chính họ và các cộng đồng. Ở các vùng quê, đàn ông phải thay đổi nếu không sẽ không lấy được vợ”.

 

Bà Trần Thu Hà có chung suy nghĩ, cho rằng khi phụ nữ nâng cao các tiêu chuẩn, đàn ông cũng phải nâng cao theo.

 

Ở nước ngoài, phụ nữ được bảo vệ tốt hơn

 

Về các trường hợp bị lừa đảo, bạo hành xảy ra với các cô dâu Việt, bà Hà và bà Ánh cho rằng chỉ là thiểu số. Theo bà Hà, có sự khác biệt giữa Việt Nam và nước ngoài về những vụ việc như vậy. Ở Việt Nam, người phụ nữ được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, hàng xóm… trong khi họ có thể bị đơn độc khi ở nước ngoài.

 

Ngược lại, ở nước ngoài, khi các nạn nhân báo cáo với các cơ quan chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự, họ điều tra, xử lý nghiêm túc, nhanh chóng. Trong khi đó, từ kinh nghiệm bản thân, bà Hà thấy các cơ quan ở Việt Nam như công an hay hội phụ nữ hành động chưa đủ mạnh, thường thiên về khuyên nhủ, hòa giải.

 

Phản ánh thực tế ở Hàn Quốc, bà Trần Thị Vân nói với VOA rằng đúng là trước đây – khoảng 20 năm – đã có những vụ bạo hành một số cô dâu Việt vì khi đó các cặp vợ chồng không được chuẩn bị để vượt qua các vấn đề khác biệt ngôn ngữ, văn hóa… Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, cả Hàn Quốc và Việt Nam đã có các trung tâm, tổ chức dạy ngôn ngữ, định hướng về văn hóa, xã hội, luật pháp Hàn Quốc cho cả cô dâu Việt lẫn chồng của họ nên hầu như không còn tin tức về bạo hành đối với cô dâu Việt.

 

Bà Vân nói thêm: “Thời nay mà các ông chồng Hàn động chân tay là chúng tôi gọi cảnh sát hoặc trung tâm gia đình đa văn hóa ngay, cảnh sát đến sau vài phút, bắt và giải các ông về đồn. Nếu gặp phải ông chồng tâm lý bất thường, đe dọa, đánh đập, có các trung tâm hỗ trợ giúp các cô dâu lánh nạn, giữ an toàn tính mạng, chờ thu xếp hôn nhân”.

 

Nhà báo-tác giả sách Trần Thu Hà và PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh bày tỏ mong muốn rằng các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam và các nước giúp đỡ nhiều hơn nữa để phụ nữ được an toàn và có nhận thức thiết thực khi họ đi lấy chồng ngoại.

 

VOA: Bài viết này được cập nhật ngày 13 tháng Sáu, thêm vào phần nhận định và các thông tin của các chuyên gia về vấn đề hôn nhân dị chủng tại Việt Nam; và chia sẻ kinh nghiệm làm dâu tại Hàn Quốc của một cô dâu Việt.






No comments:

Post a Comment