Monday, June 24, 2024

RÀ SOÁT VIỆT NAM VỀ KỲ THỊ PHỤ NỮ (CEDAW) : CÁC CHỦ ĐỀ CHÍNH (Hải Di Nguyễn / Mạch Sống Media)

 



Rà soát Việt Nam về kỳ thị phụ nữ (CEDAW): Các chủ đề chính

Hải Di Nguyễn

Mach Song Media

POSTED ON THỨ NĂM, 07 THÁNG 3 2024 11:49

https://machsongmedia.org/doisong/phunu/2122-ra-soat-viet-nam-ve-ky-thi-phu-nu-cedaw-cac-chu-de-chinh.html

 

Ngày 19/2/2024 vừa qua tại Thụy Sỹ, để chuẩn bị cho phiên rà soát Việt Nam về vấn đề quyền phụ nữ, Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (Committee on the Elimination of Discrimination against Women, viết tắt là CEDAW) của Liên Hiệp Quốc đã gặp mặt và lắng nghe các tổ chức XHDS.

 

Ngày 5/3, Ủy ban CEDAW đã công bố danh sách các chủ đề chính để rà soát nhà nước Việt Nam.

 

https://machsongmedia.org/images/Di_speaking_at_CEDAW_2024_cropped.jpg

Cô Hải Di Nguyễn phát biểu tại phiên họp ngày 19/2/2024. 

 

Các luật phân biệt đối xử

 

Nhắc lại các quan sát kết luận trong lần rà soát trước, Ủy ban CEDAW yêu cầu nhà nước Việt Nam cập nhật về việc sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều luật mơ hồ hoặc phân biệt giới tính.

 

Ví dụ là trong Bộ luật Lao động 2019, Điều 13 không nhắc đến lao động tự do và lao động gia đình không được trả lương, chủ yếu là phụ nữ, và Điều 169 duy trì chênh lệch 2 năm trong tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ; trong Bộ luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Điều 2 nói “giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ” và Điều 3 có ý chấp nhận tập quán về hôn nhân và gia đình, định nghĩa là quy tắc “được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.”

 

 

Tiếp cận công lý

 

Ủy ban CEDAW yêu cầu thông tin về: khả năng phụ nữ và trẻ em gái được trợ giúp pháp lý miễn phí trong những trường hợp bạo lực và phân biệt giới tính, buôn người, và bóc lột; các biện pháp được thực hiện để tuyển dụng và đào tạo phụ nữ làm công việc trả lời đường dây nóng, trợ giúp pháp lý, và hòa giải viên; số vụ điều tra, truy tố, và kết án những trường hợp bạo lực về cơ sở giới với phụ nữ, và đền bù cho nạn nhân; các bước được áp dụng để bảo đảm không ưu tiên hòa giải hơn việc truy tố thủ phạm bạo hành; số lượng điều tra, truy tố, và kết án các trường hợp tham nhũng trong tư pháp. 

 

 

Cơ chế quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ

 

Nhắc lại mối quan ngại về việc thiếu phân chia trách nhiệm rõ ràng và phối hợp hiệu quả để bảo đảm bình đẳng giới, Ủy ban CEDAW yêu cầu nhà nước Việt Nam làm rõ vai trò của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, và Hội Phụ nữ trong vấn đề quyền phụ nữ.

 

Ủy ban cũng nhắc tới những mục tiêu chưa đạt được trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011-2020) như: tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp; thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, và việc làm; tỷ lệ lao động nữ ở nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề; bảo đảm bình đẳng giới gia đình; buôn người xuyên biên giới, v.v.

 

 

Các phụ nữ đấu tranh về nhân quyền

 

Ủy ban CEDAW yêu cầu nhà nước Việt Nam cho biết các bước đã thực hiện để tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức vì quyền phụ nữ và những người bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ, và yêu cầu họ điều tra tất cả những trường hợp sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ tùy tiện các nhà báo nữ và nhà hoạt động nữ bảo vệ nhân quyền.

 

 

Định kiến giới tính

 

Dựa trên thông tin rằng phụ nữ tiếp tục dành gấp đôi thời gian so với nam giới cho việc nhà, Ủy ban yêu cầu nhà nước Việt Nam cho biết các bước đã thực hiện để thúc đẩy chia sẻ bình đẳng trách nhiệm gia đình giữa phụ nữ và nam giới; và xác định nguyên nhân gốc rễ của chênh lệch nam nữ trong thời gian dành cho các việc nội trợ, đặc biệt với phụ nữ dân tộc thiểu số, phải làm việc chăm sóc không được trả lương.

 

 

Bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ

 

Ủy ban CEDAW yêu cầu nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về số lượng các cuộc điều tra, truy tố, kết án, và mức án với các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt bạo lực tình dục, với phụ nữ; và các biện pháp đã thực hiện để giải quyết vấn đề quấy rối tình dục ở trường học, nơi làm việc, và nơi công cộng.

 

Ngoài ra, họ cũng nhắc đến việc phải nâng cao nhận thức cộng đồng; dẹp bỏ thói quen im lặng và khuynh hướng đổ lỗi cho phụ nữ bị bạo hành.

 

 

Buôn bán phụ nữ và mại dâm

 

Ủy ban CEDAW nhắc đến nạn buôn người, đặc biệt mang thai hộ và hôn nhân cưỡng bức, và tình trạng lôi kéo, quảng cáo sai sự thật nhằm mục đích buôn bán lao động.

Họ yêu cầu Việt Nam cho biết số lượng các cuộc điều tra, truy tố, kết án, và mức án cho thủ phạm các vụ buôn người, bao gồm các quan chức thông đồng với kẻ buôn người.

Ngoài ra, Ủy ban lưu ý việc hình sự hóa mại dâm và bắt giữ tùy tiện cũng như hành vi bạo lực với các phụ nữ và trẻ em gái bán dâm.

 

 

Phụ nữ trong chính trị

 

Ủy ban CEDAW ở đây nhắc tới việc phụ nữ phải được quyền bình đẳng tham gia trong các cấp lãnh đạo.

 

 

Giáo dục

 

Ủy ban yêu cầu Việt Nam cho biết các biện pháp đã thực hiện để tăng tỷ lệ nhập học và hoàn thành bậc học, cũng như cải thiện kỹ năng đọc viết và tính toán cơ bản của các trẻ em gái, đặc biệt các nhóm thiệt thòi như trẻ em gái khuyết tật, trẻ em gái không được đăng ký khai sinh, trẻ em gái bản địa và dân tộc thiểu số; ngăn chặn tình trạng trẻ em gái bỏ học để đi làm hoặc do mang thai sớm và kết hôn sớm; tạo điều kiện để các bé gái mang thai và người mẹ trẻ trở lại đi học sau khi sinh con.

 

Ngoài ra là các biện pháp khuyến khích phụ nữ học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học.

 

 

Việc làm

 

Ủy ban CEDAW yêu cầu Việt Nam đưa thông tin về các biện pháp đã thực hiện để xóa bỏ phân biệt giới tính trong thị trường lao động; giải quyết khoảng cách về lương giữa nam và nữ; ngăn chặn việc bóc lột phụ nữ; bảo đảm điều kiện làm việc cho phụ nữ về giờ làm việc, an toàn và vệ sinh lao động.

 

 

Y tế

 

Ủy ban yêu cầu có thông tin về khả năng tiếp cận của phụ nữ với các dịch vụ y tế, sức khỏe tâm thần, xét nghiệm và điều trị ung thư cổ tử cung và các bệnh truyền nhiễm.

Họ cũng hỏi về giáo dục giới tính, dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục, biện pháp tránh thai, và dịch vụ phá thai an toàn.

 

 

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

 

Ủy ban hỏi về phụ nữ trong hội đồng quản trị và các vị trí quản lý; vay doanh nghiệp và hỗ trợ kinh doanh cho phụ nữ.

 

 

Phụ nữ ở nông thôn

 

Ủy ban muốn có thông tin về các biện pháp giải quyết những vấn đề như mức lương trung bình của phụ nữ là thành viên hợp tác xã thấp hơn nam giới; khả năng tiếp cận đào tạo nghề và kỹ thuật của phụ nữ nông thôn còn hạn chế; gánh nặng không cân xứng về việc nội trợ và công việc chăm sóc với phụ nữ nông thôn, v.v.

 

Ngoài ra, họ cũng hỏi về số vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu đất đai do phụ nữ nộp đơn, các biện pháp để bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội sinh kế và nhà ở mới khi bị cưỡng bức di dời và tái định cư; và các bước thực hiện để điều tra vụ bắt giữ và giam giữ tùy tiện các nữ nông dân biểu tình ôn hòa ngày 5/5/2020, khi bị lệnh ngừng canh tác ở Kiên Giang.

 

 

Các nhóm phụ nữ bị thiệt thòi

 

Về phụ nữ và trẻ em gái bản địa và thuộc các dân tộc và tôn giáo thiểu số, Ủy ban CEDAW yêu cầu nhà nước Việt Nam cho biết các bước đã thực hiện để chống tảo hôn và mang thai sớm; giảm tình trạng không quốc tịch của phụ nữ thuộc dân tộc thiểu số, như phụ nữ H’mông; và điều tra các cáo buộc sách nhiễu, đe dọa, và cưỡng chế với phụ nữ thuộc các nhóm thiểu số, như phụ nữ người Thượng theo đạo Tin lành và phụ nữ Khmer Krom theo đạo Phật.

 

Về phụ nữ sử dụng ma túy, Ủy ban yêu cầu Việt Nam đưa thông tin về số lượng phụ nữ và trẻ em gái bị tước đoạt tự do trong các trung tâm cai nghiện bắt buộc; các biện pháp để bảo đảm phụ nữ sử dụng ma túy không bị giam giữ tùy tiện; các biện pháp để giải quyết các nhu cầu cụ thể của phụ nữ dùng ma túy trong trại giam.

 

Họ cũng hỏi về số lượng phụ nữ bị kết án tử hình vì các tội liên quan đến ma túy, và số lượng tù nhân nữ bị giam giữ, bao gồm phụ nữ mang thai và phụ nữ có con. 

 

 

Biến đổi khí hậu

 

Ủy ban CEDAW hỏi về sự tham gia của phụ nữ trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

 

Hôn nhân và quan hệ gia đình

 

Ủy ban yêu cầu Việt Nam cho biết các biện pháp thực hiện để ngăn chặn tảo hôn và thực thi nghiêm ngặt độ tuổi kết hôn tối thiểu là 18, không ngoại lệ, và bảo đảm quyền phụ nữ kết hôn chỉ khi họ hoàn toàn và tự do đồng ý.

 

Ngoài ra là việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho thẩm phán, luật sư, các cơ quan thực thi pháp luật và hành pháp, để họ ý thức được quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, cũng như vai trò của chính họ trong việc bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình.

 

 

Đó là những vấn đề chính Ủy ban CEDAW nêu ra, được thiết lập dựa trên nhiều nguồn thông tin, trong đó có các bản báo cáo của các tổ chức XHDS và qua buổi họp tiền kiểm điểm với đại diện một số tổ chức XHDS.

 

Bản thân BPSOS đã gửi 3 bản báo cáo chung với các tổ chức Người Thượng vì Công lý, Liên minh Nhân quyền Người H’mông, Liên hiệp Chư Môn đệ Cao Đài, Thân hữu của Thiền Am, và Bảo vệ Đức tin và Công lý tại Việt Nam, và ngày 19/2/2024 vừa qua đã gửi hai đại diện tham gia buổi họp tiền kiểm điểm tại Geneva.

 

Nhà nước Việt Nam sẽ phải trả lời bằng văn bản trước khi tham dự phiên rà soát về vấn đề quyền phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay ngày giờ phiên rà soát vẫn chưa được quyết định.

 

 

------------------

 Bài liên quan:

 

CEDAW: LHQ nghe NGO báo cáo về vấn đề quyền phụ nữ ở Việt Nam

 

“Tột cùng của sự khắc khổ”: câu chuyện những phụ nữ trong gia đình bà Cấn Thị Thêu

 

CEDAW: Việt Nam che đậy nạn buôn người và bạo lực với phụ nữ







No comments:

Post a Comment