Tuesday, June 25, 2024

CHIẾN THUẬT VÙNG XÁM CỦA TRUNG QUỐC 'Ở ĐÂY' VÀ 'NGAY LÚC NÀY' (Trúc Phương / Người Việt)

 



Chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, ‘ở đây’ và ‘ngay lúc này’

Trúc Phương/Người Việt

June 24, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/chien-thuat-vung-xam-cua-trung-quoc-o-day-va-ngay-luc-nay/

 

Ngày 23 Tháng Sáu, 2024, Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định, đất nước của ông sẽ không nhượng bộ “bất kỳ thế lực nước ngoài nào,” trước loạt khiêu khích trắng trợn của Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/06/Hai-Canh-Trung-Quoc-1536x864.jpg

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc vây hãm các tàu nhỏ của ngư dân Philippines trên Biển Đông. (Hình minh họa: Ted Aljibe/AFP via Getty Images)

 

Loạt video và hình ảnh cuộc đụng độ dữ dội được quân đội Philippines công bố cho thấy, ngày 17 Tháng Sáu, 2024, Hải Cảnh Trung Quốc đã tấn công một tàu Hải Quân Philippines, dùng dao và rựa chém lính Philippines khi họ làm nhiệm vụ tiếp tế ở bãi cạn Second Thomas (bãi Cỏ Mây). Sự việc nghiêm trọng đến mức Mỹ, Liên Minh Châu Âu, Nhật, Úc và nhiều nước đều lên tiếng phản đối. Tham mưu trưởng quân đội Philippines Romeo Brawner Jr. gọi hành động của Bắc Kinh là “ăn cướp,” khi Trung Quốc phá hủy thiết bị, đâm thủng xuồng hơi và thậm chí cuỗm điện thoại của thủy thủ Philippines.

 

Đây là một trong những hành động trong khuôn khổ thực thi cái gọi “quy tắc bảo vệ bờ biển” mà Bắc Kinh tự áp đặt và áp dụng từ ngày 15 Tháng Sáu, 2024, cho phép cho các lực lượng của họ có quyền bắt giữ công dân nước ngoài ở Biển Đông.

 

Vài tháng qua, ba lực lượng hàng hải của Bắc Kinh – Hải Quân, Cảnh Sát Biển (Trung Quốc Hải Cảnh) và Dân Quân Biển (Trung Quốc Hải Thượng Dân Binh) – đã tăng cường hoạt động gây rối và bắt nạt ở Biển Đông và Hoa Đông. Cuộc tập trận quân sự lớn của Trung Quốc quanh Đài Loan – gọi là “Liên Hiệp Lợi Kiếm 2024A” (聯合利劍, Joint Sword; được tổ chức ngày 23 Tháng Năm, 2024) – là một ví dụ rõ hơn nữa cho thấy ý định hung hăng, bành trướng và leo thang của Bắc Kinh.

 

Đặt mục tiêu bằng mọi giá giành được sự thống trị khu vực, chiến lược chính của Trung Quốc giờ đây là “chiến tranh vùng xám không hạn chế.” Trong đó, “không hạn chế” hàm ý sẵn sàng khai thác tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, thông tin, luật pháp, năng lượng, đến quân sự,… miễn sao giành được lợi thế so với các nước láng giềng.

 

“Vùng xám” (灰色地帶, “hôi sắc địa đới”) ngụ ý rằng Bắc Kinh sẽ không khai hỏa trước, thay vào đó, chọn hành xử theo cách thể hiện họ là những kẻ… yêu hòa bình và luôn cam kết tất cả cùng phát triển chung. Và “chiến tranh” ở đây hàm nghĩa rằng tất cả hoạt động đều phải giành được ảnh hưởng và quyền kiểm soát, đặc biệt về pháp lý và thông tin.

 

Trong “chiến tranh vùng xám không hạn chế,” Bắc Kinh đặc biệt xây dựng chiến thuật ba gọng kìm vây Nhật, Đài Loan và Philippines. Tomomi Inada – nhà lập pháp kỳ cựu của đảng cầm quyền Nhật – thuật rằng, bà rất tức giận khi chứng kiến cảnh tàu tuần duyên Trung Quốc phát ra cảnh báo bằng tiếng Trung, Nhật và tiếng Anh rằng con tàu khảo sát Nhật mà bà Inada đang có mặt là “vi phạm lãnh thổ Trung Quốc” và “phải rời đi ngay lập tức.” Sự việc xảy ra lúc 4 giờ sáng, một ngày Tháng Tư, 2024, khi Inada (cựu bộ trưởng Quốc Phòng) dẫn đầu một nhóm năm chính trị gia Nhật đến quần đảo Senkaku. Đây là chuyến đi đầu tiên của các chính trị gia Nhật đến Senkaku kể từ năm 2013.

 

Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa hàng hải ở khu vực, với ba mũi nhọn vây kín Senkaku, bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines và quần đảo Kim Môn của Đài Loan. Cả ba nhóm đảo đều được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và nằm trong cái gọi là “Chuỗi Đảo Thứ Nhất” (Đệ Nhất Chuỗi Đảo), gồm Đài Loan, Okinawa và Philippines. Đó là chuỗi đầu tiên gồm các quần đảo lớn ở Thái Bình Dương ngoài khơi bờ lục địa Đông Á và là nơi mà Bắc Kinh cho là tuyến phòng thủ đầu tiên của họ.

 

Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài), trong nhiều thập niên, là nguồn gốc xung đột giữa Tokyo và Bắc Kinh. Bộ Ngoại Giao Nhật khẳng định đây là “một phần lãnh thổ cố hữu của Nhật,” trong khi Bắc Kinh tự nhận quần đảo này là lãnh thổ “không thể chối cãi” của họ.

Lực lượng Bảo Vệ Bờ Biển Nhật cho biết, Trung Quốc liên tục đưa tàu hải cảnh vào lãnh hải Nhật và khu vực tiếp giáp Senkaku. Dữ liệu của Bộ Ngoại Giao Nhật cho thấy, có đến 1,287 tàu Trung Quốc hoạt động trong vùng tiếp giáp Senkaku suốt 352 ngày trong năm 2023.

Trong một vụ khác vào Tháng Tư, 2024, khi ở trên con tàu chở hàng tiếp tế cho ngư dân Philippines ngoài khơi Bãi Cạn Scarborough, phóng viên của Nikkei Asia đã chứng kiến cảnh tàu Hải Cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines. Thoạt đầu, thủy thủ Philippines, vốn quen với hành vi hung hãn của Trung Quốc, chỉ cười nhạo. Nhưng 50 phút sau, súng vòi rồng bắn mạnh hơn, với cường lực “đủ để uốn cong thép.”

 

Cuộc tấn công diễn ra vài giờ, cho đến khi người chỉ huy tàu Philippines chịu không nổi và ra lệnh rút lui. Vụ ngày 30 Tháng Tư vừa kể là phiên bản thu nhỏ của loạt đụng độ gay gắt mà Manila thường xuyên đối mặt khi cố bảo vệ lãnh hải trước tham vọng giành quyền thống trị trên tuyến đường thủy tranh chấp với Trung Quốc. Đã có ít nhất bốn vụ như vậy trong năm nay. Năm 2023, có 10 vụ – theo Cảnh Sát Biển Philippines.

 

Tại Diễn Đàn Quốc Phòng Shangri-La Dialogue (tổ chức ở Singapore, từ ngày 31 Tháng Năm đến 2 Tháng Sáu, 2024), Đổng Quân (Dong Jun), tân bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, đã lớn lối chỉ trích Philippines. Ông ta nói, “một quốc gia nào đó, được các cường quốc bên ngoài khuyến khích,” đã phá vỡ các thỏa thuận và lời hứa song phương, đồng thời “thực hiện những hành động khiêu khích có tính toán.” Đổng Quân cũng không quên mắng mỏ đảng Dân Tiến đương quyền của Đài Loan, cáo buộc họ “xóa bỏ bản sắc Trung Quốc” và theo đuổi “chủ trương ly khai.”

 

Liệu Trung Quốc có thể kiềm chế và kiểm soát được cái gọi là “chiến tranh vùng xám không hạn chế”, để duy trì sự an toàn của khu vực? Trước mắt, diễn biến thực tế cho thấy Bắc Kinh ngày càng trở nên bất chấp. Tàu Trung Quốc liên tục tăng cường “thực thi luật hàng hải” và “tuần tra” thường xuyên khắp Biển Đông, đặc biệt quanh Kim Môn của Đài Loan. Điều này đánh dấu việc phá vỡ hiện trạng vốn tồn tại từ những năm 1990, khi chính phủ Đài Loan thiết lập “các vùng biển hạn chế” gần các đảo Kim Môn và Mã Tổ. Trong nhiều thập niên, tàu hải cảnh Trung Quốc lẫn Đài Loan thường giữ ranh giới bên phía mình.

 

Với Philippines, tại sao thời gian gần đây Trung Quốc chĩa mũi dùi vào nước này? Nguyên nhân là do quan hệ nồng ấm giữa Manila và Washington từ khi Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền gần hai năm trước. Liên tục chọc tức Manila, Bắc Kinh muốn gửi một thông điệp đến Washington rằng ảnh hưởng của Mỹ chẳng là gì; rằng “ở đây” và “ngay lúc này,” Trung Quốc mới là sức mạnh kiểm soát mọi thứ.

 

Tuy nhiên, Washington cũng có thông điệp riêng, nếu không nói là rất nhiều thông điệp. Trung tuần Tháng Năm, 2024, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật, ông Rahm Emanuel, đã đến Yonaguni, một hòn đảo xa xôi của Nhật gần Đài Loan. Yonaguni, lãnh thổ cực Tây của Nhật, nằm cách Đài Bắc 160 km và cách Tokyo 2,000 km. Rahm Emanuel đáp xuống phi trường Yonaguni trên một máy bay của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Đó là hình ảnh tượng trưng cho liên minh quân sự Mỹ-Nhật, sẵn sàng cùng các đồng minh bảo vệ các đảo phía Tây Nam Okinawa, đặc biệt trong trường Đài Loan “có biến.” Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo cho biết đây là chuyến công du đầu tiên tới Yonaguni của một đại sứ Mỹ tại Nhật. Còn nữa, chuyến đi của Emanuel diễn ra ba ngày trước lễ nhậm chức của Tổng Thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te).

 

Qua chuyến đi ngắn của Rahm Emanuel, Washington không chỉ nhắn gửi một điều gì dài dòng; họ thậm chí gần như ngửa bài: Mỹ đã sẵn sàng, “ở đây,” “ngay lúc này,” hoặc “bất cứ lúc nào”!

 

 




No comments:

Post a Comment