Sunday, June 30, 2024

BẦU CỬ QUỐC HỘI, "VỞ HÀI KỊCH" CỦA CHÍNH TRƯỜNG PHÁP (Chi Phương / RFI)

 



 

Bầu cử Quốc Hội, « vở hài kịch » của chính trường Pháp

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 29/06/2024 - 14:16

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20240629-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-v%E1%BB%9F-h%C3%A0i-k%E1%BB%8Bch-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ph%C3%A1p

 

Pháp tổ chức vòng một cuộc bầu cử Quốc Hội. Nhiều nước kêu gọi công dân rời khỏi Liban do căng thẳng ở biên giới Israel-Liban. Ý tái khẳng định ưu tiên hàng đầu là chống nhập cư bất hợp pháp. Trung Quốc lấy được mẫu vật từ vùng tối mặt trăng, có giá trị lớn cho khoa học. Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.

 

HÌNH :

Chủ tịch đảng cực hữu Rassemblement National (RN) Jordan Bardella (trái) và Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (phải), đằng sau là bí thư thứ nhất của đảng Xã Hội (PS) Olivier Faure trong cuộc tranh luận trên kênh truyền hình France 2, ngày 27/06/2024. AFP - DIMITAR DILKOFF

 

Vòng một của cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp diễn ra vào cuối tuần này 30/06, thu hút sự quan tâm của công luận Pháp với các dòng người xếp hàng dài trước các sở cảnh sát làm giấy ủy quyền bỏ phiếu, để « thong thả đi nghỉ hè ». Các thăm dò cho thấy số cử tri tham gia bỏ phiếu lần này có thể từ 60 % đến 65% , trong khi tỷ lệ này khoảng 46, 47% tại cuộc bầu cử hồi 2022.

 

Nhìn từ bên ngoài vào, cuộc bầu cử lần này tại Pháp được trang Politico ví như « một chương trình truyền hình thực tế điên rồ », từ thông báo giải tán Quốc Hội của tổng thống Emmanuel Macron, cho đến việc tổ chức bầu cử sớm và nhất là nguy cơ cực hữu lên nắm quyền ở Pháp. Báo Anh The Guardian thì coi đây là vở hài kịch chính trị của tổng thống Emmanuel Macron, « chỉ cần một tuần tranh cử là có thể châm ngòi cho các cuộc nội chiến,… Ngay khi phe theo dân tộc chủ nghĩa được đưa ra sánh sáng, họ nhanh chóng cho thấy là mình không hề biết ai là người đổ thùng rác, làm sao mà nước chảy được từ vòi,…, nhưng trường hợp của Donald Trump đã chỉ ra rằng các cử tri không quan tâm, và sẽ vẫn bỏ phiếu cho họ. »  

 

Tại Đức, những sự kiện xảy ra trên chính trường Pháp là một « cú sốc », đầy bất ngờ. Trả lời RFI Pháp Ngữ, Stefan Kornelius, cây bút của báo Süddeutsche Zeitung cho biết « tại Đức, chính phủ được xây dựng trên nỗi sợ từ chính bản thân chúng tôi, và sẽ không bao giờ dám liều lĩnh như vậy. Cũng chính vì thế mà Hiến Pháp Đức loại trừ khả năng tổ chức bầu cử sớm hoặc giải tán Quốc Hội. Đây rõ ràng là hậu quả từ quá khứ, từ trải nghiệm của chính nước Đức và chúng tôi không thể hiểu người Pháp được. Chúng tôi cũng không tin vào sự ổn định của xã hội Pháp ».

 

 

Nga bớt lo nếu cực hữu lên ngôi tại Pháp

 

Tại Nga, điện Kremlin, vẫn luôn dành sự quan tâm cho đảng cực hữu tại Pháp, đặc biệt theo dõi cuộc bầu cử này, đồng thời đề cập đến thái độ thù nghịch của các lãnh đạo Pháp đối với nước Nga, như nhận định của phát ngôn của tổng thống Nga. Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm thông tin :

 

« Cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp không được báo đài, truyền hình Nhà nước Nga quan tâm nhiều, mà chỉ bắt đầu đưa tin từ thứ Tư tuần này, vào những khung giờ có nhiều người theo dõi. Nước Pháp được mô tả là gặp đầy khó khăn về kinh tế, với một tổng thống và bè cánh của ông bị mất tín nhiệm. Điều mà phía Nga quan tâm nhất là cuộc tranh luận chính trị về chiến tranh Ukraina, và được mô tả như sau : « Cánh hữu không muốn hỗ trợ Ukraina. Đảng của bà Marine Le Pen đã thông báo ủng hộ giải quyết xung đột bằng ngoại giao ». Cánh tả có thể cố gắng đưa nước Pháp khỏi bộ chỉ huy quân sự của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

 

Tổng thống Emmanuel Macron có vẻ như là người duy nhất tin vào thành công của mình và không thể không nhìn thấy có ngọn gió bắt đầu thổi ngược ở châu Âu. Hungary sẽ là nước giữ vị trí chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu trong sáu tháng tới. Tổng thống Viktor Orban đã đề nghị đồng cấp Pháp và thủ tướng Đức Scholz cũng như các lãnh đạo châu Âu khác suy nghĩ về lý do tại sao kết quả bầu cử châu Âu vừa rồi lại đáng thất vọng ».

 

Tại Nga, nói đến cánh hữu là nhằm ám chỉ đến đảng cựu hữu Tập Hợp Dân Tộc. Trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, chỉ duy nhất quan điểm của bà Marine Le Pen, đăng trên báo Telegram, ở Brest, được truyền thông Nga quan tâm : « Về vai trò của tổng thống Macron, lãnh đạo quân đội chỉ là một vị trí mang tính danh dự », phát biểu này được coi là một dấu hiệu rõ ràng với Nga và được báo Nga Izviestia dịch trong số ra ngày 27/05 là « nếu Jordan Bardella trở thành thủ tướng thì tổng thống Pháp không thể gửi quân đến Ukraina ».

 

Nhìn từ châu Phi, cuộc bầu cử lần này cũng khiến nhiều người lo ngại, nhất là những người có thân nhân sinh sống ở Pháp khi chương trình tranh cử của phe cực hữu đưa ra những chính sách bài ngoại, muốn cấm song tịch hoặc cấm người có song tịch làm những vị trí nhạy cảm.

 

Đối với giới nghệ sĩ châu Phi, phe cực hữu nắm quyền có thể tác động đến hoạt động nghệ thuật, vốn đã gặp khó khăn trong việc xin visa lưu diễn ở châu Âu. Trả lời RFI Pháp ngữ, vũ công người Burkina Faso, Serge Aimé Coulibaly cho biết « những năm vừa qua, ngày càng có nhiều hành động phân biệt chủng tộc, chống lại người nước ngoài, đặc biệt là người châu Phi. Chính chúng tôi cũng là nạn nhân, và hậu quả có thể thấy trong các chuyến lưu diễn của chúng tôi ở Pháp ».

 

 

Chống nhập cư bất hợp pháp : Ưu tiên hàng đầu của Ý

 

Tại châu Âu, trong tuần vừa qua, mặc dù các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Liên Hiệp châu Âu đã được xác định và vắng bóng đại diện Ý, nhưng lãnh đạo cực hữu bà Giorgia Meloni sẽ tìm cách để gây ảnh hưởng trong định chế châu Âu, áp đặt quan điểm chống nhập cư. Hôm 26/07, một ngày trước cuộc họp của lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Âu tại Bruxelles (27-28/06), thủ tướng Ý đã tái khẳng định trước Quốc Hội rằng ưu tiên số một của Roma là chống nhập cư và các biện pháp mà Ý đưa ra cần phải được các định chế châu Âu áp dụng.

 

Bà Giorgia Meloni nhận định rằng :« Tình trạng nhập cư bất hợp pháp hàng loạt sẽ không bao giờ chấm dứt nếu các có sự can thiệp chống lại nạn buôn người từ chính những nước xuất xứ của những người di cư và những nước trung chuyển. Dưới tác động từ Ý, châu Âu đã ký thỏa thuận với Ai Cập và Tunisia. Chúng tôi muốn áp dụng các thỏa thuận tương tự với nhiều nước khác. Nghĩa vụ đầu tiên là bảo đảm không có tình trạng di cư. Những người di cư vào Ý hay các nước khác ở châu Âu phải có giấy tờ hợp pháp. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể tạo ra một hình thức hợp tác mới với các nước châu Phi. Đó là cách tiếp cận đầu tiên mà Ý muốn thực hiện với kế hoạch Mattei cho châu Phi. Những người châu Phi không cầu xin thương hại. Họ muốn chúng ta đầu tư và cùng nhau thực hiện các dự án. Họ muốn chúng ta tôn trọng họ và có hành động cụ thể. Về điểm này, Ý có một lợi thế. Chúng ta có vị trí tự nhiên cho phép nước Ý có thể trở thành chiếc cầu nối giữa vùng Địa Trung Hải, châu Phi và châu Âu ».

 

Kể từ khi lên nắm quyền, lãnh đạo cực hữu Ý đã thắt chặt chính sách nhập cư, nhiều lần có thái độ hăm dọa đối với các tổ chức phi chính phủ cứu giúp di dân trên biển, hạn chế các hoạt động của họ qua luật ‘Piantedosi’. Ý cũng đã ký thỏa thuận với Albania, gửi di dân đến nước này. Chính phủ cực hữu của bà còn bị chỉ trích là chỉ cho tàu chở những di dân (được cứu vớt ở biển Địa Trung Hải), cập cảng vào những thành phố do cánh tả lãnh đạo ở miền bắc nước này.

 

 

Căng thẳng tại Liban, nhiều nước kêu gọi công dân di dời

 

Về thời sự Trung Đông, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến căng thẳng leo thang tại khu vực. Nhóm Hezbollah ở Liban, ủng hộ Hamas, đã nhiều lần đụng độ bạo lực với Israel tại biên giới giữa hai nước. Trong tuần qua, nhiều nước đã kêu gọi công dân rời khỏi Liban. Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết thêm thông tin :

 

« Những người Liban lo lắng vì các cuộc giao tranh bạo lực ngày càng gia tăng giữa quân đội Israel và nhóm Hezbollah. Nhiều quốc gia đã kêu gọi công dân không đến Liban vì tình trạng nguy hiểm hiện nay. Hôm thứ Năm vừa qua, Hoa Kỳ và Nga cũng đã kêu gọi công dân không đến xứ sở của cây chi tuyết tùng. Những ngày vừa qua, 6 nước, bao gồm Đức, Canada, Anh Quốc đã kêu gọi công dân của họ rời khỏi Liban.

 

Các cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh bạo lực bùng nổ ở biên giới giữa Liban và Israel. Các cuộc tấn công được hạn chế, các vụ trả đũa có chừng mực giữa hai bên hồi đầu cuộc xung đột, hiện đã trở thành những cuộc đọ súng hàng loạt và bạo lực hơn.

 

Hôm thứ Năm, 27/06, máy bay của Israel đã không kích vào vùng Sohmor, tại vùng đồng bằng Bekaa, cách chiến tuyến 30 km. Nhóm Hezbollah đã đáp trả bằng việc bắn hàng loạt tên lửa vào những vị trí của Israel, gần thành phố Safad, vùng Haute Galilée. Có lúc, 40 đầu đạn được phóng ra đồng thời. Đảng Hassan Nasrallah đã thực hiện 5 cuộc tấn công khác, trong đó có một vụ dùng drone tự sát. Cũng trong cùng ngày, quân đội Israel đã triển khai cuộc tấn công bằng hỏa lực một cách bất thường. Khoảng hai chục địa phương ở Liban đã bị tấn công, 10 trong số đó bị không kích. »

 

 

Đá mặt trăng "giá ngàn vàng" do Trung Quốc mang về Trái Đất

 

Nhìn sang châu Á, tại Trung Quốc, tàu thăm dò mặt trăng Thường Nga 6 (Chang’e-6) đã mang về Trái Đất hôm 25/06 các mẫu thu được từ vùng tối của mặt trăng. Sứ mệnh này đánh dấu cột mốc quan trọng giấc mơ trở thành « cường quốc thống trị không gian », như tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bối cảnh nhiều nước như Nga và Mỹ cũng đang tích cực phát triển các chương trình không gian.

 

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin :

 

« Những tràng pháo tay nổ ra khi những chiếc dù bung ra trên bầu trời ở sa mạc Gobi. Mọi người lại vỗ tay lần nữa khi mô-đun tách khỏi tên lửa, đáp xuống giữa thảo nguyên Mông Cổ. Sau 53 ngày trong vũ trụ, đây là lần thứ hai tàu thăm dò Trung Quốc đưa mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng về Trái Đất. Nhìn từ xa, trên các hình ảnh được phát trên truyền hình, vật thể được gửi về Trái Đất giống như một chiếc mũ cổ bằng đồng, nhưng lại có giá trị ngàn vàng. Các xe tải, trực thăng và các nhân viên mặc áo màu trắng nhanh chóng đến cơ sở Amugulang, một nơi « an toàn » ở Mông Cổ để lấy những mẫu vật từ Mặt Trăng. Đây cũng là dịp để các phương tiện truyền thông của Nhà nước Trung Quốc nhắc lại ba năm vừa qua, cơ quan điều hành không gian Trung Quốc đã phân phát 7 lô đá mặt trăng cho 131 đội ngũ khoa học trên toàn thế giới.

 

Lin Yangting, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu địa chất và địa vật lý Trung Quốc, khẳng định rằng bằng nghiên cứu các mẫu vật mới này, các nhà thiên văn có thể hy vọng khám phá ra tại sao vỏ của mặt trăng ở vùng tối lại dày hơn vùng nhìn thấy được. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là những hạt bụi đó không phải là từ các ngôi sao, mà là từ mặt trăng có thể giúp chúng ta hiểu một hành tinh được hình thành như thế nào ».






No comments:

Post a Comment