Saturday, June 1, 2024

BÁO CÁO NHÂN QUYỀN 2023 CỦA LIÊN HIỆP CHÂU ÂU : VIỆT NAM ÍT CÓ TIẾN BỘ NHƯNG THỪA ĐÀN ÁP (RFA)

 



Báo cáo nhân quyền 2023 của EU: Việt Nam có ít tiến bộ nhưng thừa đàn áp

RFA
2024.05.31

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/eu-report-says-vietnam-has-few-improvements-but-excessive-suppression-05312024043415.html

 

Liên minh Châu Âu (EU) vừa công bố báo cáo về tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023, dù đã nêu ra được một số vi phạm nhân quyền của Chính phủ Hà Nội nhưng vẫn khiến giới hoạt động thất vọng.

 

Hôm 29/5, EU công bố bản Báo cáo Nhân quyền và Dân chủ trên thế giới trong năm 2023, trong phần về Việt Nam đề cập đến việc chính quyền đàn áp giới bất đồng chính kiến, người hoạt động và chuyên gia môi trường cùng các tôn giáo độc lập, cũng như các vận động của khối này nhằm giúp Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền.

 

 

Ít tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền

 

Báo cáo của EU nói không gian dành cho xã hội dân sự ở Việt Nam trong năm vừa qua ngày càng bị thu hẹp với việc chính quyền gia tăng đàn áp đối với người hoạt động và các blogger cho dù quốc gia độc đảng này ở Đông Nam Á đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ).

 

Khối 27 quốc gia ở Châu Âu nói Việt Nam có rất ít tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền trong khi tuỳ tiện bắt giữ và kết án giới hoạt động và blogger.

 

Không những các nhà hoạt động và chuyên gia môi trường là mục tiêu trấn áp hàng đầu mà nhiều luật sư bào chữa trong các vụ án chính trị còn bị buộc tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ” với hình phạt hà khắc trong Bộ luật Hình sự khiến một số luật sư phải đi tị nạn ở quốc gia khác.

 

Ngoài ra, các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo tiếp tục là nạn nhân của sự sách nhiễu của chính quyền địa phương.

 

Cũng theo báo cáo, Chính phủ Việt Nam trong năm 2022 ban hành Nghị định số 53 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng tiếp tục tiếp tục làm xói mòn quyền tự do ngôn luận thông qua việc ủy ​​quyền truy cập dữ liệu người dùng theo các điều khoản được xác định là mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự công cộng.

 

Bên cạnh đó, khối này có nhiều khoản tài trợ cho Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; quyền của người dân tộc thiểu số (bao gồm cả quyền về đất đai); quyền trẻ em; kinh doanh và nhân quyền,...

 

Một nhà hoạt động xã hội dân sự làm việc cho tổ chức phi chính phủ có đăng ký ở Hà Nội cho biết EU nỗ lực hỗ trợ các tổ chức địa phương nhưng nhiều dự án cho các tổ chức xã hội dân sự bị chính quyền trung ương và địa phương từ chối, không cấp giấy phép. Bà nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

 

“EU đã nỗ lực cùng các tổ chức quốc tế và địa phương để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên các khoản tài trợ của EU và các quốc gia thành viên thông qua các tổ chức quốc tế và trong nước cho khối xã hội dân sự chưa hiệu quả do các thủ tục phê duyệt của chính quyền Việt Nam rất phức tạp, thậm chí là rào cản trong việc thực hiện các dự án.”

 

 

Giới bất đồng chính kiến hoan nghênh nhưng thất vọng

 

EU cũng nêu một số mặt tích cực về nhân quyền ở Việt Nam, như việc Chủ tịch nước đã ký ân xá cho 29 tử tù cho dù Nhà nước không công bố số người bị kết án tử hình và số người bị thi hành án trong năm 2023, hay dự luật về chuyển đổi giới tính đã được trình lên Quốc hội và được đưa vào chương trình nghị sự trong tháng 10 năm nay.

 

Báo cáo cho hay EU tập trung vào việc tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, xã hội dân sự và dân chủ, quyền bình đẳng và đa dạng (giới tính, người khuyết tật, LGBTI), quyền của thanh thiếu niên và trẻ em, quản lý công bằng và pháp quyền một cách công bằng…

 

Ngoài ra, họ cũng tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm trợ giúp các nhà hoạt động nhân quyền, yêu cầu được phép quan sát các phiên tòa xét xử những người bảo vệ nhân quyền và yêu cầu tiếp cận trợ giúp pháp lý, trợ giúp y tế và thăm viếng gia đình cho các tù nhân.

 

Vấn đề nhân quyền cũng thường xuyên được lồng ghép trong các cuộc thảo luận song phương giữa Liên minh châu Âu với Chính phủ Việt Nam. 

 

Một nhà hoạt động ẩn danh ở thành phố Hồ Chí Minh nói qua tin nhắn gửi cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 31/5:

 

“Nếu so bản báo cáo nhân quyền của EU, với những kết luận của EU về thẻ vàng đánh bắt thủy hải sản, trở ngại về cam kết biến đổi khí hậu, cũng như số phận của những người vận động môi trường ở Việt Nam... đang bị cầm tù từ mối quan hệ giữa EU-Việt Nam, bất kỳ ai cũng đều thấy rõ sự lên tiếng chỉ là sơ sài, chỉ nhằm để vượt qua một kỳ kiểm tra hàng năm, mà vốn EU và Hà Nội đã từng lớn tiếng cam kết xem những yếu tố về quyền con người, quyền của người lao động là quan trọng trong việc làm ăn.”

 

Người này cho rằng tuy báo cáo của EU về Việt Nam mang tính trình diễn nhưng cũng nêu được một phần nhỏ về vi phạm nhân quyền ở trong nước, và hy vọng “một lúc nào đó Nghị viện châu Âu sẽ đem ra mổ xẻ" khi mối quan hệ hai bên không còn "cơm lành canh ngọt.”

 

Một nhà hoạt động ở Hà Nội không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn cũng có chung nhận định. Theo ông, EU cần xem lại việc Chính phủ Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), đặc biệt yêu cầu về nghiệp đoàn độc lập, thêm yêu cầu "cải thiện nhân quyền hay phóng thích tù nhân lương tâm cho mỗi gói viện trợ mới".

 

Theo hiệp định này thì Việt Nam được trễ 2-3 năm trong việc thông qua luật công đoàn, nhưng đã quá 5 năm Quốc hội vẫn chưa được chuẩn thuận dự luật này, thay vào đó lại là Chỉ thị mật 24 của Bộ Chính trị với yêu cầu không để hình thành các tổ chức nghiệp đoàn có tính chất tôn giáo, dân tộc, không để các nghiệp đoàn đó liên kết với nhau.

 

Báo cáo thể hiện EU ủng hộ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc sửa đổi Bộ luật Lao động Việt Nam cũng như phê chuẩn tất cả các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và việc thực hiện chúng.

 

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng cho biết trong các trại giam, các tù nhân bị cưỡng bức lao động cho dù Việt Nam đã ký Công ước chống lao động cưỡng bức (Công ước 105 của ILO).

 

Hoan nghênh báo cáo nhân quyền của EU về Việt Nam, ông cũng đề nghị EU cần thực tế hơn, và có chế tài nếu Hà Nội vi phạm. Ông nói:

 

“Trên thực tế, đã bốn năm rồi kể từ ngày mà Công ước cơ bản số 105 được thông qua thì hiện nay các tù nhân trong các cơ sở giam giữ tại Việt Nam vẫn đang bị cưỡng bức lao động: đi làm thì không được trả lương và thiếu nhiều đồ bảo hộ cần thiết.”

 

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về báo cáo nhân quyền Việt Nam 2023 của EU, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời email của RFA.

 

Hồi năm 2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từng chỉ trích báo cáo của Cơ quan Đối ngoại Liên minh Châu Âu là thiếu khách quan. Các báo hàng năm của tổ chức này cũng bị các tờ báo của Bộ Công an công kích với nội dung tương tự.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói đã thành công tại phiên Kiểm điểm định kỳ ở Liên Hiệp Quốc bất chấp nhiều chỉ trích

Việt Nam nói Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ không chính xác

Việt Nam không có những thay đổi đáng kể về thực hành nhân quyền trong năm 2023

Việt Nam kêu gọi các nước ủng hộ tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Công an Hà Nội bắt tạm giam nhà báo Nguyễn Vũ Bình

 

 




No comments:

Post a Comment