Xin
Đừng Thổi Phồng Thời Mạt Pháp
Thiện Quả Đào Văn Bình | Nhật Báo Calitoday
June
30, 2024
https://www.baocalitoday.com/breaking-news/xin-dung-thoi-phong-thoi-mat-phap.html
Đã
tử lâu lắm rồi, người Phật tử đã nghe nói về thời mạt pháp. Nhưng mấy lúc gần
đây nhân lỗi lầm của một hai vị sư khi thuyết pháp đã dấy lên một làn sóng nói
rằng Phật Giáo tiêu ma rồi, thời mạt là đây chứ còn đâu nữa khiến hàng Phật tử
hết sức dao động và lo lắng.
Thế nhưng
tại sao giữa thời mạt pháp mà:
-
Chùa Hoằng Pháp, Chùa Giác Ngộ liên tục tổ chức các khóa tu hoặc thuyết pháp hoặc
giao lưu, xuất gia gieo duyên cho vài ngàn người, có khi lên tới cả chục ngàn
bao gồm quý vị cao niên, thanh viên sinh viên và trẻ em?
-
Chùa Đức Hòa thuộc Dĩ An, tỉnh Bình Dương liên tục tổ chức các buổi thuyết
pháp, vừa thiền trà, vừa thảo luận cho mấy trăm sinh viên nam thanh nữ tú. Ngày
xưa chưa mạt pháp, đi chùa chỉ có các cụ già gần đất xa trời. Ngày nay nam
thanh nữ tú tới chùa tu học, nghe pháp và thiền trà – tức hạt giống Phật đã nảy
mầm trong giới trẻ sao nói là mạt pháp?
-
Chùa Vẽ quận Hải An, Hải Phòng với 600 bạn trẻ về tu Khóa Tu Mùa Hè năm nay. Mạt
pháp sao tuổi trẻ yêu Phật Giáo và tới đông như thế?
-
Rồi Tu Viện Quảng Đức ở Úc Châu tổ chức nhiều khóa tu học cho thanh thiếu niên.
Có buổi được chứng minh bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma. Phật Giáo hưng thịnh như thế
sao nói là mạt pháp?
-
Rồi Chùa Viên Giác ở Hannover, Đức “Là ngôi phạm vũ uy nghiêm của
người Việt được thành lập đầu tiên tại Đức Quốc. Chùa là trung
tâm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, xã hội của người Việt
và người Đức tại Hannover. Hằng năm, số Phật tử và đồng
hương người Việt về chùa tu học, nghe thuyết pháp, dự lễ hội … vào
khoảng 80,000 lượt người, người Đức đến chùa sinh hoạt vào khoảng 40,000
lượt người.” (Thư Viện Hoa Sen) Phật Giáo nở hoa ở một quốc gia mà ngày
xưa được gọi là “Trưởng nữ của giáo hội La Mã” sao nói là mạt pháp?
-
Rồi Chùa Điều Ngự, một ngôi chùa có thể nói lớn nhất vùng Orange County,
California là nơi tu học, giảng pháp cho cả chục ngàn Phật tử trong vùng và đã
có lần thỉnh mời Đức Đạt Lai Lạt Ma tới thuyết pháp sao gọi là mạt thế được?
-
Rồi Tử Đảm Hải Ngoại ở Texas, Tu Viện Kim Sơn ở Bắc California, cùng cả trăm
ngôi chùa rải rác khắp nước Mỹ và Gia Nã Đại đã là chỗ dựa tinh thần, xuất gia,
tu học cho cả triệu Phật tử giữa lúc lòng tin vào Tam Bảo mỗi lúc mỗi gia tăng
trong cuộc sống tha hương đầy khó khắn, vậy sao gọi là mạt pháp được?
-
Rồi cả mấy chục trang nhà Phật Giáo ở hải ngoại, nổi bật nhất là Thư Viện Hoa
Sen với nhiều triệu lượt thăm viếng. Nó là mảnh đất quý báu để quý tăng/ni và
thiện tri thức luận đàm và đóng góp trí tuệ của mình cho việc hoằng dương chánh
pháp. Ngày xưa chưa mạt pháp, đâu có diễn đàn, đâu có báo chí. Trước 1975 Miền
Nam có hai tờ Chánh Đạo và Hải Triều Âm của giáo hội sau cũng phải đóng cửa vì
ít độc giả và chi phí quá lớn. Hoằng pháp lớn mạnh như thế sao nói là mạt pháp?
-
Bao nhiêu căn nhà tình thương, cây cầu nhân ái cho các vùng quê nghèo, quán cơm
chay miễn phí để giúp người nghèo mở ra khắp đất nước, chùa là quán trọ cho sĩ
tử ở phương xa. Đây là điển hình nhất của tấm lòng từ bi thấm nhuần tinh thần cứu
khổ của Đạo Phật, sao không thấy, mà nói đó là mạt pháp?
Lời
mỉa mai, bôi lọ và thổi phồng thêm về thời mạt pháp của một số phần tử cực đoan
đã phớt lờ những sự kiện thực tế. Họ lên án và buộc tăng ni phải theo lối sống
cách đây 2600 năm, và không được phép thích nghi với thế hệ mới, cuộc sống mới.
-
Trong khi số lượng Phật tử gia tăng gấp mấy chục lần ngày xưa. Cả triệu du
khách ngoại quốc đến thăm mỗi năm. Không có những danh lam thắng cảnh để họ
chiêm bái, kỷ niệm thì lại nói đất nước lạc hậu. Còn xây chùa to, Phật lớn để
làm địa điểm du lịch tâm linh lại nói đó là mạt pháp. Đúng là giọng lưỡi thế
gian, làm gì cũng bị chê trách.
-
Ni sư nhận tiền để làm Phật sự, nuôi cô nhi, làm từ thiện, duy trì sự sống của
chùa… là mạt pháp. Không nhận tiền cúng dường để chùa nghèo mạt rệp, ni sư phải
đi xin ăn hằng ngày, chùa chiền mục nát rồi ngủ ở gốc cây, gò mả mới là tu theo
chánh pháp.
-
Phải ôm bình bát, đi lang thang, không chùa, không tịnh xá, không tu viện,
không chỗ để giải quyết những nhu cầu tâm linh cho Phật tử. Nếu
không làm như vậy là không tu theo chánh pháp.
-
Không được đi xe hơi hay máy bay dù xa ngàn dặm, mà phải lang thang đi bộ, đi
chân đất…nếu không sẽ là không tu theo chánh pháp.
-
Bệnh tật phải để cho chết như thế mới là tu theo hạnh đầu đà. Không được vào bệnh
viện để chữa trị, nếu không sẽ là không tu theo chánh pháp.
-
Cả trăm giảng sư tăm tiếng thuyết pháp không ngừng nghỉ hoằng hóa độ sinh ròng
rã suốt nửa thế kỷ qua thì không khen ngợi, ghi công. Một hai vị nói năng thiếu
cân nhắc hoặc sai chánh pháp thì thổi phồng lên nói, “Mạt pháp đây rồi”. Vua
chúa còn có khi lầm, học giả uyên bác vẫn bị phê bình thì giảng sư có lỡ giảng
bậy cũng là chuyện thường tình. Đó gọi là “human error” vì con người
chưa thành Phật thì vẫn có lỗi lầm. Điều quan trọng không phải là lỗi lầm mà biết
lỗi lầm có tu sửa hay không.
Trong
một bài viết của Sư Minh Tâm đăng trên trang Phật Giáo Việt Nam năm 2020 nói về
thời kỳ mạt pháp như sau. Mạt pháp hay mạt thế không phải chỉ đến với sự tu
hành và giáo pháp của Đức Phật mà còn đến với hiện tình của thế giới và con người.
Khi đó:
– Chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất, tích lũy để làm giàu, cũng
không tu phúc đức chân chính. Có kẻ còn bắt đầu buôn bán nô tỳ, bắt nô tỳ cày
ruộng trồng trọt, sưu cao thuế nặng. Ngoài ra còn đốt phá rừng, làm tổn hại
sinh mạng chúng sinh, không còn một chút thiện tính từ bi nào nữa.
– Khí
hậu dị thường, thiên tai nhân họa xảy ra thường xuyên, nước hạn hán, ngũ cốc
không chín, bệnh dịch làm chết nhiều người. Covid-19 lấy đi mấy triệu
sinh mạng rồi lại còn cúm heo, cúm gà, cuồng phong, bão tố, lụt lội, bờ sông bờ
biển sạt lở, địa cầu hâm nóng…là những minh chứng của thời mạt thế.
Còn trong
hàng ngũ tăng ni:
–Trong
thời mạt pháp, sẽ xuất hiện rất nhiều tăng nhân giả làm thiện tri thức đưa
chúng sinh lầm đường lạc lối.
Nhưng
cuối cùng Sư Minh Tâm đã kết luận bằng một câu rất chí lý, “Xuất phát từ
lòng từ bi với con người, Phật Thích Ca Mâu Ni đã đưa thiên cơ trọng yếu này
vào các dự ngôn minh xác, lấy đó khải thị người đời sau phải sáng suốt để tự cứu,
thoát khỏi kiếp nạn, và hướng về kỷ nguyên mới của lịch sử.”
Đúng
thế, theo Luật Vô Thường, Đức Phật vì lòng lân mẫn chúng sinh mà khuyên bảo, nhắc
nhở tăng ni và Phật tử đời sau. Giống như cha mẹ, dù con cái đã lớn rồi, hễ đi
đâu xa đều dặn, “Cần thận nghe con”. Đó là vì lòng thương của cha mẹ lúc nào
cũng nghĩ đến con. Phật nói về thời mạt pháp để đời sau phòng ngừa mạt
pháp. Giống như nhà chưa cháy mà đã có lính cứu hỏa.
Quý
vị có đồng ý khi còn sống còn hành động thì còn có lỗi lầm. Chiếc
xe hơi sẽ không bao giờ gây tai nạn khi nó chết hoặc nằm im một chỗ. Nhưng khi
nó vượt qua vạn dặm thì nó có thể gặp tai nạn. Ngày xưa cả nước có vài trăm
tăng ni và vài trăm ngôi chùa nhỏ, nhiều nơi là nhà tranh vách đất. Ngày nay
theo thống kê, Việt Nam hiện có 18,491 ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện, tịnh thất,
niệm Phật đường, tu viện. Và có 54,773 tăng ni. Tín đồ chiếm 60% dân số. Với
con số tăng ni lớn lao như thế làm sao tránh khỏi một số hư hỏng? Cai trị một
tiểu quốc như Tân Gia Ba hay Monaco rất dễ, cai trị một nước 100 triệu dân thì
khó vô cùng. Xin hãy dùng trí tuệ suy xét và cảm thông với những cái bất toàn
trong tăng đoàn. Và dĩ nhiên giáo hội sẽ phải tu sửa. Theo Phật là hành trình
tu sửa liên tục.
Quả
thật hễ nghe nói tới mạt pháp ai cũng sợ. Nhưng mạt pháp do chính chúng ta tạo
ra. Nếu do chúng ta tạo ra thì chúng ta có thể lướt qua được. Bằng cách nào?
Xin thưa bằng cách tu theo chánh pháp, tức tu theo lời Phật dạy.
Trong
pháp hội Viên Giác, ngài Phổ Hiền Bồ Tát đã thưa thỉnh Phật như sau, “Xin ngài
nói cho các chúng bồ tát trong pháp hội và chúng sinh muốn cầu đại thừa thời mạt
pháp, nghe cảnh giới thanh tịnh rồi làm thế nào để tu hành?” Phật đáp: “ Thiện
nam tử, tất cả bồ tát và chúng sinh thời mạt thế phải xa lìa cảnh giới hư dối
huyễn hóa.” (*) Đúng vậy, chính vì vọng chấp vào cảnh giới hư huyễn như tưởng rằng
tiền bạc, danh vọng, địa vị đem lại hạnh phúc cho nên sinh tâm loạn động từ đó
phá pháp, phá giới và đưa tới mạt pháp.
Còn
ngài Phổ Giác Bồ Tát cũng lo ngại về thời mạt thế cho nên cũng đứng dậy thưa thỉnh,
“Bạch Thế Tôn, Chúng sinh thời mạt thế xa cách Phật dần, các hiền thánh ẩn phục,
tà pháp càng thêm lên thì chúng sinh phải cầu hạng người nào? Y theo những pháp
gì? Làm những hạnh gì? Từ bỏ bệnh gì? Phát tâm như thế nào để cho chúng sinh mù
quáng khỏi bị tà kiến?” Phật đáp, “Thiện nam tử, chúng sinh thời mạt
thế nếu định phát tâm lớn thì cầu thiện tri thức. Nếu muốn
tu hành phải cầu người có hiểu biết chân chính, tâm không trụ ở tướng, không chấp
trược cảnh giới Thanh Văn Duyên Giác (tức tu hạnh A La Hán).” (*) Vậy
thì rõ ràng, khi còn các thiện tri thức thì vẫn có thể cứu vãn được thời
mạt pháp. Thiện tri thức ở đây không phải chỉ là các tu sĩ mà là các
nhà trí thức, cư sĩ có tâm lớn, trí tuệ lớn và thông đạt đại thừa, “Dù hiện ở
trần lao làm việc khó nhọc ở đời mà tâm thường thanh tịnh, thị hiện ra các lỗi
lầm để tán thán hạnh thanh tịnh.” (*)
Tóm
lại, thiện tri thức trước biến động của thời cuộc thường tham chiếu Chánh Kiến
và Chánh Tư Duy. Còn phàm phu bình dân thấy chuyện ồn ào thì làm cho
ồn ào thêm để tỏ ra ta đây am hiểu thời thế và biết chuyện”. Còn kẻ làm
truyền thông trên youtupe thì khai thác triệt để kiếm tiền. Tố cáo cái xấu có
thể là người tốt nhưng chưa chắc là người tốt. Người tốt chắc chắn
nhất là người làm việc tốt. Cho nên thiện tri thức rất thận trọng
về lời nói và những gì viết ra. Thời mạt pháp đáng lo nhưng không đáng sợ khi
nhớ lời dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh, “Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã Ba La Mật đa cố,
tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng,
cứu cánh Niết Bàn.”
Chắc
chắn 100 năm nữa cốt tủy của đạo Phật vẫn còn nguyên, nhưng cách tu, cách sống
của tu sĩ trên toàn thế giới sẽ lại thay đổi theo lời dạy “Tùy duyên
nhưng bất biến”. Nó giống như người Việt bây giờ ăn mặc khác hẳn người
Việt cách đây hơn một thế kỷ. Nhưng ngày nay đàn bà con gái có mặc váy đầm, đàn
ông có mặc bộ com-lê thì vẫn là người Việt Nam. Cảnh của thế gian luôn luôn biến
đổi nhưng dù có thay đổi thế nào đi nữa mà Tâm bồ đề kiên cố và sáng như gương
thì Phật pháp vẫn trường tồn.
Thiện
Quả Đào Văn Bình
(*)
Kinh Viên Giác, bản dịch của cụ Thích Huyền Cơ , Hà Nội 1952