Xàm
tăng Thích Chân Quang nói những gì, đồng bào có nghe rõ không?
Trúc Phương/Người Việt
May 19, 2024
Hai hiện tượng xã hội liên quan Phật giáo đang bùng nổ dữ dội
ở Việt Nam: Một về Thích Minh Tuệ và một là Thích Chân Quang. Hình ảnh hoàn
toàn đối lập: trong khi Thích Minh Tuệ được xưng tụng thì Thích Chân Quang bị
chỉ trích.
Trước phản ứng gay gắt của dư luận về Thích Chân Quang, ngày
19 Tháng Năm 2024, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (một tổ chức tôn giáo nhà nước)
đã giao Ban Hoằng Pháp Trung Uơng và Văn Phòng II tổ chức buổi làm việc để “kiểm
điểm, chấn chỉnh các nội dung dẫn dụ theo luật nhân quả trong giáo lý Phật giáo
làm hoang mang xã hội” của Thích Chân Quang. Buổi “làm việc” với Thích Chân
Quang được thực hiện tại Thiền viện Quảng Đức ở quận 3, Sài Gòn.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/Thich-Chan-Quang-Bao-Tien-Phong.jpg
Thượng tọa Thích Chân Quang. (Hình: Báo Tiền Phong)
Báo Giác Ngộ dẫn lời Thượng tọa Thích Đức Thiện, phó chủ tịch,
tổng thư ký Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cho biết, “Chúng tôi
xác nhận Thượng Tọa Thích Chân Quang chỉ là trụ trì ngôi chùa Phật Quang thuộc
quản lý của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Thượng Tọa Chân Quang
không còn tham gia các ban ngành của Trung Uơng Giáo Hội cũng như Ban Trị Sự địa
phương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.” Thích Đức Thiện nói thêm, Giáo Hội “đang tập hợp
thông tin, sẽ xử lý theo quy định Tăng sự khi có đủ cơ sở.”
Thích Chân Quang được miêu tả là “một giảng sư nổi tiếng, đã
xuất bản hơn 2,000 đề tài thuyết giảng bằng CD, VCD, DVD có phụ đề nhiều ngôn
ngữ,” cùng nhiều đầu sách. Là trụ trì chùa Phật Quang (còn gọi là Thiền Tôn Phật
Quang, ở núi Dinh, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa -Vũng
Tàu), nhiều năm qua, đặc biệt gần đây, Thích Chân Quang đã trở thành hiện tượng
khi hàng loạt video “thuyết pháp” của đương sự lan truyền khắp “chốn ta bà mạng
xã hội.”
Nói những lời giảng của Thích Chân Quang là “nhảm nhí” dường
như là quá nhẹ. Chúng tệ hại hơn nhiều. Vấn đề ở chỗ, trong các video, người ta
thấy đám đông “Phật tử” luôn chăm chú nghe như nuốt từng lời. Làm thế nào Thích
Chân Quang có thể lôi kéo được đám đông như vậy thật sự là một hiện tượng. Điều
đó chỉ có thể giải thích rằng sự tu và hiểu Phật ở Việt Nam đang xuống cấp trầm
trọng và bi thảm như thế nào. Dưới đây là vài đoạn trích từ những buổi “giảng”
của Thích Chân Quang mà chúng tôi chép lại từ một số video.
Nhân quả trong mắt Thích Chân Quang
- Ví dụ như sống thuận theo đất trời là gì. Ví dụ như có những
lúc thời gian gần đây, trời, thời tiết rất là nóng, rồi có những người thích vô
phòng máy lạnh, thiệt lạnh, thiệt mát sống, ngược lại với cái nóng bên ngoài.
Thầy vẫn nói, những người này hơi ác. Vì sao? Vì không thuận theo luật đất trời.
Trời nóng, mình cứ theo cái nóng mà sống. Trời lạnh, mình cứ
theo cái lạnh mà chịu. Chỉ có cái nó quá sức của mình, quá sức khỏe của mình
thì đúng là mình hơi điều chỉnh. Ví dụ như mình cũng vào cái phòng máy lạnh
nhưng mà đừng bật mát quá. Nhiệt độ cũng cao, cũng xê lệch bên ngoài một chút
xíu thôi, vừa sức chịu đựng thôi, chứ không phải bên ngoài ai cũng nóng, một
mình mình trong phòng thiệt mát, thiệt lạnh. Đó vẫn là một cái ác.
Rồi đến khi trời lạnh, cái mình tắm nước thiệt nóng, vẫn là một
cái ác. Trời lạnh mình tắm nước lạnh tắm không nổi, sợ bệnh đi nhưng mà pha nước
vừa vừa thôi chứ đừng để mà pha nước nó nóng quá, cũng là đi ngược lại với đất
trời, mà cũng ngoảnh mặt quay lưng lại với mọi người.
- Cái võng là cái nơi tiêu diệt hết công đức của chúng sinh.
Thường thường ta nằm võng, ta kê cái chân lên cao phải không ạ. Thì đó. Nhất là
ta nằm trong nhà, ta kê cái chân ra ngoài đường, và nhất là mình nằm gần gần
cho xe qua lại, mình nhìn tất cả mọi người đi qua trên đường trong ngày đó, là
bị mình đưa bàn chân đạp vô mặt hết. Nên bao nhiêu phước mình đổ xuống sông sạch.
- Sư phụ nói cái này, những người thợ hồ để ý giùm sư phụ. Kiếp
xưa đi trong chiến tranh, thấy nhà người ta ra lệnh đốt, đốt mất rồi. Lúc cần để
giết giặc thì coi cái nhà người ta hổng quan trọng, đốt phá mất đi, quan trọng
là giết thằng giặc nằm trong cái nhà đó đó, nhưng mà một cái nhà dễ xây hông?
Như mình thấy mình làm cái nhà ni đó, khổ dễ sợ, bao nhiêu chuyện. Để có một
căn nhà để ở đâu phải dễ.
Nhưng mà đốt cái rẹt xong liền. Hay là bắn cái bùm nó nổ xong
cái nhà người ta liền.
Nhưng mà nếu ta là người, không phải là ác, thì thường những
người đó chuyển thân trở lại làm người thợ xây. Bản thân mình không có nhà ở,
đi xây hết cái nhà này tới cái nhà kia tới cái nhà nọ, mình cứ đi ở thuê. Để
chi vậy? Vì lỡ phá nhà người ta, dù có mục tiêu chính đáng. Còn người phá nhà
người ta mà ác thì chết đọa đi súc sinh liền, không nhà không cửa, trôi lang
thang, đi chỗ này bị con này cắn, đi chỗ kia bị con kia xé, không nhà không cửa
khổ sở.
Còn mình được làm thân người, rồi còn có cái nghề để sống, vì
trong cái lúc phá nhà người ta, tâm mình không phải ác. Vì lý do gì đó. Nên ở
đây không phải là một cái lộc do là mình làm phước mà do là mình trả kiếp trước,
thì mình chết xuống, bị Diêm Vương nói, cái tâm nó không có xấu, mà lúc đó nó
phá nhà, phá nhiều nhà quá, bây giờ phải trả một kiếp sau, hai ba kiếp sau, cho
năm kiếp sau, cứphải làm chi? Phải đi làm thợ hồ và kiếp cuối cùng lên chùa Phật Quang làm thợ xây. Sau đó hết nghiệp,
sướng luôn, sung sướng giàu sang luôn.
- Lạ một cái điều nha. Con người ta có nhu cầu thẩm sâu trong
thâm tâm mình: Khoái đi chơi. Từ nhỏ cũng vậy mà tới lớn cũng vậy. Tiền ít thì
đi chơi ngắn, tiền nhiều thì đi chơi xa. Ai cũng có hết. Là một cái nhu cầu. Mà
cái nhu cầu này, mà không biết kiềm chế, nó biến thành cái quả báo khủng khiếp.
Thầy có một người đệ tử, có một người chị, nằm liệt giường. Cái thầy mới hỏi, hồi
lúc trẻ chị con có hay đi du lịch không. Dạ có, chị con cực kỳ mê du lịch.
Đúng, nhân quả nằm chỗ đó: Đi nhiều quá, đi quá cái phước mình, giờ nằm một chỗ,
không rời khỏi cái giường được. Bệnh phát sinh liền.
- Nó bị tật cái chân
á. Một cái quả này có nhiều loại nhân mình không biết được. Ví dụ như mình phá
cái cầu. Trong chiến tranh, mình sợ giặc đi ngang, cái mình phá cái cầu, thế là
mình bị liệt chân ở ngoài trăm kiếp. Rồi con đường mình đào lỡ dở mình cũng
không lấp đàng hoàng, thấy đường hư bỏ đi luôn.
Kiếp sau cũng bị cái tật chân… Muốn giải cái nghiệp này, thầy
cũng không biết đời trước ra sao; bây giờ phải đi đắp đường nha, ráng tằn tiện
để dành từng đồng từng đồng rồi nhờ lấp từng cái hố gà, ổ gà trên đường, vậy đó
mà từ từ có thể đi được, giải được cái nghiệp đời xưa.
- Ví dụ ta uống nước,
uống nửa rồi bỏ lại, bỏ lại phân nửa rồi ta đi luôn. Thì cái chai nước còn lại,
cái ly nước còn lại không ai uống được nữa, thì ta phải đổ đi, thì đó ta gọi là
phí phạm, dùng không hết, không dùng hết cái công năng của nó. Tức là dùng một
phần rồi bỏ một phần. Ta gọi là, là phí phạm.
Mà cái đó sau này không còn có nước uống nữa. Mà ta hay nói với
nhau như thế nào? Cái người mà phí phạm nước thì kiếp sau làm sao? Sinh vào
trong sa mạc, tìm một cái giọt nước rất là vất vả!
Về cúng dường
- Các Phật tử mà các
nơi, nhất là các vùng ngoài Bắc á, phải làm sao chấm dứt cái tệ tìm cái tiền mà
mệnh giá thấp để mà nhét nhét vào các tượng. Phỉ báng quá, xúc phạm quá. Mà cái
sự phỉ báng và xúc phạm như vậy thì có phước hay tổn phước? Mà nếu tổn phước
như vậy thì có được may mắn không?
Thì như vậy, cái người nào mà cứ cầm tiền mệnh giá thấp mà cứ
nhét trong tượng, năm đó người đó sẽ làm sao? Cực kỳ (bị) xúi quẩy!
- Ví dụ như là mình có
cái nhà sát bên chùa. Há. Mình nhìn qua nhà, qua chùa, thấy chùa chật chội, Phật
tử tới chùa mà chật quá. Thầy nói thẳng một câu là người có tâm đạo thì cúng
luôn cả cái nhà mình cho chùa luôn, dọn đi chỗ khác ở. Cứ ở cái chòi nào đó, ở
bình thường thôi. Cúng hết phần đất, rồi sau này sẽ coi con cháu mình nó giàu.
- Ví dụ anh ta đem hai
bao xi măng vào cúng chùa, giúp chùa xây rồi. Còn nếu không phải là hai bao mà
ta đem 200 bao thì sao? Thì khoảng 20 chục kiếp sau, cái nhà mình phải là nhà
hai tầng. Lúc nào cũng phải được cái nhà đẹp cả, vì ta cúng tới 200 bao xi
măng. Rồi nói, thưa thầy, con bao hết toàn bộ xây chùa luôn, xây hết toàn bộ
cái chùa luôn thì kiếp sau con làm sao? Thì báo “tin buồn”, kiếp sau sẽ làm đại
gia nhà đất, buôn bán nhà đất rất thành công!
Ngoài vô số lời xàm xí, Thích Chân Quang còn đưa ra nhiều
“chân lý” khác:
-Ai hát karaoke nhiều, người đó có nguy cơ chết làm ma câm.
Nhớ giùm nha! Mai mốt mà mình thấy hàng xóm hát karaoke chịu không nổi, mình
làm một cái băng rôn viết chữ trên đó, mình treo cho người ta nhìn, nghĩa là “Sống
hát karaoke, chết làm ma câm!”
-Ở đời này có nhiều người bị lở miệng, bị ung thư miệng, cũng
chỉ bởi vì sao: Đời trước thích câu cá!
-Trồng cà phê để cho người ta uống bị mất ngủ, mai mốt mình mất
ngủ ráng chịu.
-Chúng ta nhớ điều này, là cái sự giàu sang là do may mắn là
chính, chứ không phải cái giàu sang là do ta cố gắng.
-Thì chết làm ma đói đi. Mà ma đói là sao? Ma đói là không có
gì ăn. Mình mà không có gì ăn thì gương mặt mình như thế nào? Teo, tóp, rồi xấu!
Nhớ như vậy! Mình mà còn sống mình đói, mình cũng xấu, chứ nói ma. Ma cũng vậy.
Ma khi họ đói quá thì họ cũng teo tóp rồi xấu. Rồi thêm cái nữa, trong cái cõi
ma, họ hôi. Tại không có xà bông, không có tiền mua xà bông. Đâu có ai cúng xà
bông! Nhớ như vậy. Tất cả các chùa, tất cả các giỗ, tất cả các ngày, không ai
cúng sữa tắm cả. À, đó là lý do, các ma đều hôi!… Người ta nói tiên nữ tỏa
hương thơm. Tại vì tiên nữ họ có phước. Trên cõi trời có cơ sở sản xuất sữa tắm
cao cấp. Còn ma đâu có đâu!
Phải nói là chúng tôi đã rất kiên nhẫn và mất nhiều giờ nghe
những video này và chép lại, để “nói có sách, mách có chứng”. Điều đáng kinh ngạc
nhất là cảnh các “Phật tử” ngồi lắng nghe Thích Chân Quang rồi vỗ tay tán thưởng.
Chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam vậy?! Liên quan Thích Chân Quang, có tin đang
lan truyền, không thể kiểm chứng, cho biết, Thích Chân Quang là cháu của Hồ Chí
Minh.
Ngày xưa, Hồ Chí Minh hỏi, “Đồng bào có nghe tôi nói rõ
không?” Bây giờ, Thích Chân Quang đang đại diện và thay mặt đồng bào nói, “Đồng
bào đã thấy rõ những gì mà cộng sản tàn phá Phật giáo nước nhà.”
No comments:
Post a Comment