Friday, May 10, 2024

TƯỢNG ĐÀI CHO AI? (Thái Hạo)

 



Tượng đài cho ai?  

Thái Hạo

9-5-2024  23:34   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0w2ozh4j6Pve7xARRp2fJkjyi7cwsbKffSStkLK41yf3QgR56rdYQFqoXUCeCGbMWl&id=100059910855657

 

1.

Hàng chục năm qua, câu chuyện về phong trào “trăm hoa đua nở” của tượng đài chưa bao giờ thôi ồn ào ở nước ta, trong đó Thanh Hóa có thể coi là một “điểm nóng” trong con mắt dư luận. Khi mọi thứ chưa kịp nguội đi thì mới đây, báo chí và mạng xã hội lại xôn xao về việc UBND huyện Quảng Xương có đề xuất gửi Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc xin xây Tượng đài Phà Ghép chiến thắng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 85 tỷ đồng (theo Báo Công Luận) (1).

 

Câu chuyện tượng đài phải đặt trong bức tranh tổng thể của tình hình kinh tế, y tế , xã hội, giáo dục...; đặt trong tình hình dân sinh và an sinh với sự thiếu thốn trường lớp, giáo viên không đủ, bệnh viện xuống cấp hoặc quá tải, môi trường ô nhiễm, giao thông rối loạn..., thì mới thấy hết sự bi hài của nó.

 

Năm 2020, cũng liên quan đến sự kiện huyện Yên Định đề xuất xây tượng đài, Báo Đại Đoàn Kết (cơ quan ngôn luận của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) viết: “Việc xây dựng tượng đài Bà Triệu là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đồng thời là biểu tượng giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau. Chao ôi, với những lý do này thì các huyện khác của tỉnh Thanh Hóa cũng có thể “nại” ra được những lý do tương tự. Vậy thử hỏi tỉnh Thanh Hóa có quy hoạch tượng đài không? Điều đáng bàn hơn là huyện Yên Định gần đây đang “dậy sóng” về chuyện nợ tiền tiếp khách, xây dựng... lên đến 52 tỉ đồng (trong đó Huyện ủy nợ 29 tỉ đồng, UBND huyện nợ 23 tỷ đồng) đến nay chưa được kết luận rõ” (hết trích) (2).

 

Từ nhận định này của báo Đại Đoàn Kết chúng ta cũng có quyền đặt câu, rằng có phải huyện Quảng Xương cũng đang “nại ra” lý do tương tự để xây tượng đài Phà Ghép chiến thắng? Và không chỉ Thanh Hóa hay Quảng Xương, trên khắp cả nước, với “tinh thần” ấy, bất cứ địa phương nào cũng đều có thể vin vào hoặc “nại ra” những lý do như thế để làm tượng đài cho bằng được. Và cứ đà “lạm phát tượng đài” này, đến một ngày ở đâu người dân cũng sẽ thấy những khối bê tông “siêu to khổng lồ” nhưng vô hồn, nhạt nhẽo hiện diện trên khắp mặt đất.

 

Vì sao nói thế? Sau chuyến đi đến các nước văn minh và thăm thú các tượng đài ở đó, PGS - TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chia sẻ với Báo Xây dựng: “tượng đài ở các nước luôn đem đến những cảm xúc, gợi mở sự lắng đọng, suy tư, còn với tượng đài ở Việt Nam hầu hết đều là những khối lớn, hoành tráng nhưng rất ít hồn” (3).

 

Khi Việt Nam còn nghèo, bao nhiêu vấn đề thiết thân của đời sống người dân và sự phát triển của xã hội đang nhức nhối, thì việc đua nhau xây nên những cái gọi là “tượng đài” như thế không những là lãng phí mà còn là vô trách nhiệm và có tội với người dân.

 

2.

Trên báo VietnamNet có bài “Nước Mỹ và những tượng đài do dân, vì dân” cung cấp những thông tin rất đáng suy ngẫm về việc làm tượng đài của một đất nước văn minh. Theo đó, ở Mỹ tượng đài là do người dân xây dựng, nhà nước hầu như rất ít “can thiệp” hay đầu tư tiền của.

 

Vì sao Mỹ làm thế? “Vì chính họ [người dân] mới là người đánh giá nhân vật nào khả kính mang lại giá trị chung khi họ "rút hầu bao". Ví dụ, dân muốn xây tượng đài của vị tổng thống lập quốc vĩ đại Washington thì “tiền của đều do các tổ chức tư nhân kêu gọi đóng góp. Quốc hội Hoa Kỳ đóng góp bằng cách… “hiến” miếng đất”. Đang xây nhưng bị hết tiền, công trình này đã phải dừng lại đến 30 năm sau khi quyên góp được thêm tiền để hoàn thành. “Có người nói đùa, bên Mỹ mà chính khách lấy tiền thuế xây đền đài thì về nhà đuổi gà cho vợ” (4). Cứ theo đây thì có thể đoán rằng, nếu để người dân Nghệ An tự lựa chọn, họ sẽ đặt tượng nhà yêu nước Phan Bội Châu, thay vì tượng Le-nin.

 

Ở Mỹ, tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng là do nước Pháp tặng, chứ không phải nhà nước Mỹ bỏ tiền ra xây. Bức tường đá hoa cương nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam tại National Mall cũng do hội cựu binh Mỹ gây quĩ (4). Cách làm này [để người dân tự lựa chọn, tự bỏ tiền ra xây] thể hiện một tinh thần sâu sắc, rằng tượng đài là những biểu tượng đã và đang sống trong lòng người dân, vì thế họ chọn dựng tượng ai đó là quyền họ, đồng thời họ phải có trách nhiệm tự mình xây lấy, nhà nước không thể dùng thuế dân để thực hiện cái ý chí của nhà nước.

 

Cái hợp lý ở đây là nhân dân yêu mến ai, kính trọng ai, muốn lưu giữ sự kiện nào và đồng thời khả năng của họ tới đâu thì sẽ làm tới đó. Nó thể hiện sự tôn trọng người dân và việc chi ngân sách phải đúng nơi đúng chỗ. Nếu vẫn cứ dùng ý chí của các cơ quan nhà nước để xây tượng đài ồ ạt như hiện nay đang diễn ra, thì thứ nhất nó biểu hiện việc “lợi dụng chức vụ quyền hạn” trong việc sử dụng tiền thuế của người dân; thứ hai nó có thể không phản ánh đúng tinh thần, nguyện vọng và mong muốn của dân về những gì họ tôn kính hay không tôn kính; thứ ba nó có nguy cơ để lại một lượng “rác văn hóa” khổng lồ vì sự xấu xí của các tượng đài này, như nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận định.

 

Tôi nghĩ, đã đến lúc nhà nước cần có quy định và quy hoạch chặt chẽ, chi tiết về việc xây tượng đài, siết chặt việc quản lý, và nhất là trong hoàn cảnh kinh tế xã hội như hiện nay của đất nước thì cần hạn chế tối đa việc xây mới, dù lý do đưa ra là gì đi chăng nữa.

 

Biểu tượng của chiến thắng trong quá khứ phải được thể hiện bằng sự phát triển và thịnh vượng trong hiện tại. Vì thế, không có gì “tuyên truyền” tốt hơn và xây dựng những biểu tượng có thể sống mãi trong lòng dân chúng cho bằng việc tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao và đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người dân.

 

Việc vẫn “kiên định” để tiếp tục xây lên những cái gọi là tượng đài trăm tỉ nghìn tỉ kia chỉ khiến dân ca thán, chán nản và mất hẳn niềm tin. Trong tình hình hiện nay, những bệnh viện lớn bảo đảm việc khám chữa bệnh cho người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp nhất hay những ngôi trường “thân thiện” mà ở đó “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”..., mới chính là những "tượng đài" mà người dân đang cần hơn bao giờ hết. Và nó sẽ trở thành biểu tượng không phai nhạt trong lòng người, có sức sống lâu bền và khả năng “tuyên truyền” không gì địch nổi. Hãy dốc lòng “tuyên truyền” bằng cách ấy, dân sẽ ủng hộ và sau này rất có thể đích thân họ sẽ bỏ tiền ra để tạc tượng các vị.

 

(1) https://www.congluan.vn/thanh-hoa-de-xuat-xay-tuong-dai...

(2) https://daidoanket.vn/tuong-dai-la-de-dan-vui-10154636.html

(3) https://baoxaydung.com.vn/the-gioi-lam-tuong-dai-don-gian...

(4) https://vietnamnet.vn/nuoc-my-va-nhung-tuong-dai-do-dan...

 

Thái Hạo

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=832440985429589&set=a.225469346126759

 

.

108 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment