Tuesday, May 28, 2024

SỨ MẠNG BẤT KHẢ THI CỦA THỦ TƯỚNG TRUNG QUỐC LÝ CƯỜNG (Trúc Phương / Người Việt)

 



Sứ mạng bất khả thi của Thủ Tướng Trung Quốc Lý Cường

Trúc Phương/Người Việt

May 27, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/su-mang-bat-kha-thi-cua-thu-tuong-trung-quoc-ly-cuong/

 

Ngày 26 Tháng Năm 2024, Thủ Tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida có mặt tại Seoul để dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với Tổng Thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol – lần đầu tiên được tổ chức sau hơn bốn năm và lần thứ chín của ba bên. Một số nhà quan sát cho rằng, việc tái khởi động hội nghị thường niên cấp cao là dấu hiệu tích cực cho sự hợp tác giữa ba nước láng giềng Đông Bắc Á, khi cả ba đối mặt những bất ổn kinh tế gây ra bởi chiến tranh (Nga-Ukraine) và loạt biến động chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, sứ mạng của Lý Cường không đơn giản như vậy.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/Ly-Cuong-Trung-Quoc-1536x1024.jpg

Cuộc gặp ba bên tại Seoul, Nam Hàn, hôm 27 Tháng Năm. Từ trái, Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida, Tổng Thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol và Thủ Tướng Trung Quốc Lý Cường. (Hình: CHUNG SUNG-JUN/POOL/AFP via Getty Images)

 

Trong cuộc họp báo chung ngày 27 Tháng Năm 2024, Lý Cường nói rằng Trung Quốc muốn hợp tác với Nam Hàn và Nhật về các vấn đề kinh tế, đặc biệt chuỗi cung ứng, đồng thời khởi động lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do ba bên. Tổng Thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol nói rằng ba nhà lãnh đạo đồng ý thúc đẩy trao đổi văn hóa, thiết lập chuỗi cung ứng và cùng nhau giải quyết các vấn đề chung về môi trường, y tế… Phần mình, Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida cho biết ba nước đều muốn chia sẻ trách nhiệm đối với hòa bình khu vực, đồng thời Nhật sẽ chủ trì vòng tiếp theo của hội đàm ba nước. Những phát biểu này chỉ là đãi bôi ngoại giao.

 

Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ Tháng Mười Hai 2019, khi hội nghị ba bên được tổ chức tại Thành Đô, Trung Quốc, với sự tham dự của (cố) Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, (cố) Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và (cựu) Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Hơn bốn năm qua, tình hình chính trị thế giới đã thay đổi nhiều. Quan hệ giữa ba nước cũng khác trước, chẳng hạn giữa Seoul với Bắc Kinh và giữa Seoul với Tokyo… Bang giao song phương Seoul-Tokyo ngày nay cũng khác. Thế đối đầu Nhật-Hàn đã chuyển sang hợp tác. Seoul và Tokyo đã cùng đi trên con thuyền ngoại giao với Washington.

 

Trong khi đó, sự hiện diện toàn cầu của Trung Quốc bắt đầu giảm. Uy tín chính trị Bắc Kinh đang suy yếu. Bắc Kinh rõ ràng mong muốn sử dụng khuôn khổ ba bên để củng cố an ninh và nền kinh tế đang giảm của họ. Và vấn đề lớn nhất đối với Trung Quốc bây giờ là làm giảm ảnh hưởng Mỹ trong đồng minh Seoul-Tokyo.

 

Tại cuộc gặp ngoại trưởng Trung-Hàn ở Bắc Kinh ngày 13 Tháng Năm 2024, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng kêu gọi Seoul “thận trọng hơn” trong việc hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật, điều mà họ Vương nói rằng chẳng có ý nghĩa gì cả, trừ việc Mỹ thọc gậy bánh xe với mục đích kiềm chế Trung Quốc. Bắc Kinh cũng cảnh báo Tokyo nên hủy những kế hoạch hợp tác quân sự với Mỹ, từ việc mua 400 hỏa tiễn hành trình tầm xa Tomahawk đến việc cho phép sửa chữa và bảo trì tàu chiến Mỹ ở Nhật. Việc mở rộng các cuộc tập trận quân sự giữa Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản tất nhiên cũng khiến Trung Quốc không hài lòng.

 

Sau cuộc hội đàm lần này, có thể sứ giả Lý Cường ra về tay không. Kém hơn hẳn so với Thủ tướng tiền nhiệm Lý Khắc Cường, Lý Cường không đủ sức lôi kéo được Tokyo lẫn Seoul. Những chi tiết ban đầu cho thấy Tokyo và Seoul chẳng có biểu hiện gì nhân nhượng Trung Quốc.

 

Sau cuộc hội đàm với Lý Cường vào Chủ Nhật 26 Tháng Năm 2024, Thủ Tướng Fumio Kishida nói với giới báo chí rằng ông đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, Hong Kong và khu vực Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc; rằng Nhật Bản luôn theo dõi chặt chẽ tất cả diễn biến và hoạt động quân sự Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Thủ tướng Kishida cho biết thêm ông cũng yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm nhằm vào thủy sản của Nhật (được áp đặt sau khi Nhật xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima).

 

Cần nhắc lại, cả Seoul lẫn Tokyo đã phớt tỉnh không màng sự chỉ trích và sự hậm hực của Bắc Kinh khi một số nhà lập pháp Hàn và Nhật đến Đài Bắc để dự lễ đăng quang của tân Tổng Thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) ngày 20 Tháng Năm. Phản ứng trước “thái độ khiêu khích” này, Trung Quốc kêu gọi Nam Hàn thực hiện “các hành động thiết thực” để bảo vệ lợi ích chung trong quan hệ song phương, đồng thời “nghiêm túc kêu gọi” Nhật ngừng “kích động và thao túng chính trị” trong vấn đề Đài Loan.

 

Xét về mức độ ảnh hưởng với Tokyo và Seoul, Bắc Kinh đang ngày càng thất thế so với Washington. Bất chấp những gút mắc lịch sử, Nhật Bản và Nam Hàn trong thực tế đều chia sẻ các giá trị dân chủ. Quan trọng hơn hết, Nhật-Hàn-Mỹ đều có chung những mối đe dọa an ninh. Không chỉ vấn đề Triều Tiên, chính sự bành trướng quân sự không che giấu của Bắc Kinh đã đưa Seoul, Tokyo và Washington xích lại gần nhau. Sự hợp tác chặt chẽ đã thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của cả ba nước.

 

Với Tổng Thống Biden, việc liên minh với Úc, Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn và Thái Lan là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Về mặt quân sự, Nhật và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn xung đột trên bán đảo Triều Tiên lẫn eo biển Đài Loan.

 

Với Tổng Thống Yoon Suk Yeol, việc cải thiện quan hệ ba bên với Mỹ và Nhật đang mang lại nền tảng vững chắc nhất có thể để đối phó Trung Quốc. Tiếng nói của Seoul với Bắc Kinh hẳn nhiên trở nên mạnh mẽ hơn khi hòa nhịp với Washington và Tokyo, hơn là riêng lẻ. Seoul bắt đầu nhận ra rằng họ bị thiệt thòi khi cả hai sáng kiến quan trọng ở Đông Á đều không có mặt họ. Đó là “Đối Thoại An Ninh Bộ Tứ” (Quadrilateral Security Dialogue – gồm Úc, Ấn Độ, Nhật và Hoa Kỳ) và (sáng kiến) “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” do Nhật thiết kế. Do vậy, việc tham gia cùng Tokyo và Washington sẽ không chỉ củng cố các chính sách của Nam Hàn nhằm ngăn chặn Triều Tiên mà còn giúp Nam Hàn đóng vai trò then chốt hơn trong nhiều lĩnh vực, từ chuỗi cung ứng đến hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực.

 

Với Thủ Tướng Fumio Kishida, hợp tác ba bên chắc chắn tốt hơn cho “ngoại giao thực dụng”, như ông từng mô tả cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Nhật trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào Tháng Sáu 2022. Nhật đối mặt với một môi trường an ninh khu vực đầy thách thức hơn bao giờ hết kể từ Thế chiến thứ hai. Phản ứng mạnh mẽ của Kishida đối với cuộc chiến Ukraine (áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và kiểm soát xuất khẩu sâu rộng đối với Moscow cũng như việc hỗ trợ hết mình cho Kyiv) đã lật ngược tình thế một cách hiệu quả trong chính sách đối ngoại nhiều năm của Nhật.

 

Trong bối cảnh này, sứ mạng (lôi kéo Nhật và Nam Hàn) của Thủ Tướng Lý Cường trong cuộc hội đàm ba bên tại Seoul ngày 26 và 27 Tháng Năm 2024 là gần như vô nghĩa. Chính sách ngoại giao ngang ngược của Bắc Kinh nhiều năm qua đã khuôn định nên nhận thức mới của Nhật và Hàn. Bắc Kinh không thể thay đổi được nhận thức chung của Tokyo và Seoul khi chính Bắc Kinh tự tạo ra hình ảnh họ là mối đe dọa của các nước lân bang.

 

Nhật và Hàn đã gần nhau và gần với Hoa Kỳ hơn bao giờ hết. Cách đây một năm, ngày 7 Tháng Năm 2023, Tổng Thống Yoon Suk Yeol và Thủ Tướng Fumio Kishida đã hội đàm ở Seoul. Được miêu tả là đánh dấu sự khôi phục hoàn toàn các chuyến thăm ngoại giao giữa hai nước, trong cuộc gặp, Tổng Thống Yoon Suk Yeol nhắc lại rằng hai nước đã không thực hiện các chuyến thăm song phương chính thức suốt 12 năm, nhưng chỉ sau chuyến công du của ông tới Tokyo vào Tháng Ba 2023, hai nước đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh trong chưa đầy hai tháng. Hai bên công bố kế hoạch nối lại việc chia sẻ thông tin tình báo quân sự, đồng thời tái đàm phán việc trở thành đối tác thương mại ưu đãi của nhau. Phần mình, Thủ Tướng Kishida nói, “tình hình quốc tế xung quanh chúng ta đã khiến hợp tác giữa Nhật Bản và Nam Hàn trở nên không thể thiếu.”

 

Không có gì gây khó chịu cho Bắc Kinh bằng việc hai gương mặt sừng sỏ nhất nhì Châu Á này lại gắn bó với nhau. Cùng với nhau, và cùng với Mỹ, họ sẽ gây cản trở rất lớn cho thiết kế chiến lược của Bắc Kinh đối với Đài Loan nói riêng và Châu Á- Thái Bình Dương nói chung.





No comments:

Post a Comment