Sao phải tăng thuế nhập
cảng hàng Trung Quốc?
Hiếu Chân/Người Việt
May
14, 2024
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/sao-phai-tang-thue-nhap-cang-hang-trung-quoc/
Cuộc
chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khởi động từ thời cựu Tổng Thống Donald
Trump, đã leo thêm một nấc thang mới khi Tổng Thống Joe Biden công bố tăng thuế
lên một số mặt hàng chiến lược nhập cảng từ Trung Quốc.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/A1-Vi-sao-tang-thue-hang-Trung-1536x1024.jpg
Thuế
nhập cảng xe điện Trung Quốc sẽ tăng gấp bốn lần, từ 25% hiện nay lên 100%, khi
vào Mỹ. (Hình: Getty Images)
Chính
phủ Trung Quốc lập tức lên án quyết định của Mỹ và đe dọa sẽ trả đũa. Người
tiêu dùng ở Mỹ thì lo lắng trước viễn cảnh giá cả tiếp tục tăng lên trong lúc lạm
phát đang bào mòn thu nhập của mọi gia đình. Tại sao chính phủ Biden lại ban
hành một chính sách như vậy vào lúc này?
Theo
thông báo của Tòa Bạch Ốc ngày 14 Tháng Năm, các mặt hàng Trung Quốc thuộc các
lĩnh vực “chiến lược” như xe điện, sản phẩm y tế, chất bán dẫn, bình điện xe
hơi, tấm năng lượng mặt trời (solar panel) và các khoáng sản hiếm đều bị tăng
thuế. Thuế nhập cảng xe điện Trung Quốc sẽ tăng gấp bốn lần, từ 25% hiện nay
lên 100%, sản phẩm bán dẫn và tấm pin mặt trời tăng từ 25% lên 50%, sản phẩm
thép và nhôm từ 8% lên 25%…
Bà
Lael Brainard, giám đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia thuộc Tòa Bạch Ốc, nói việc
tăng thuế như vậy là nhằm “bảo vệ các doanh nghiệp và người lao động Mỹ chống lại
cạnh tranh bất chính từ Trung Quốc,” theo NBC News.
Bà
Janet Yellen, bộ trưởng Tài Chính Mỹ, nhiều lần nhấn mạnh, Trung Quốc đang khủng
hoảng thừa, không tiêu thụ hết số hàng hóa làm ra, cho nên họ đang tìm mọi cách
bán tháo ra thị trường quốc tế, gây nguy hiểm cho các nền kinh tế khác. Thêm
vào đó, chính sách đẩy mạnh xuất cảng hàng thừa của Trung Quốc sang thị trường
Mỹ còn đe dọa thành quả của đạo luật IRA (Inflation Reduction Act) mà Quốc Hội
Mỹ thông qua ngày 16 Tháng Tám, 2022, đầu tư hơn $860 tỷ để thúc đẩy sản xuất
ngay tại Mỹ xe hơi điện, bình điện, tấm pin mặt trời và chất bán dẫn. Bà Yellen
nói việc tăng thuế là để hỗ trợ các ngành công nghiệp “xanh” đang bắt đầu phục
hồi tại Mỹ trước làn sóng hàng giá rẻ và cạnh tranh không công bằng của Trung
Quốc.
Quyết
định tăng thuế của ông Biden cũng đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong
chính sách đối với Trung Quốc.
Năm
2018, tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump đã đơn phương áp đặt thuế nhập cảng
(tariff) 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá $300 tỷ như một “đòn bẩy” buộc Bắc
Kinh phải nhượng bộ trong một số lĩnh vực thương mại, chẳng hạn như Trung Quốc
phải tăng nhập cảng hàng hóa của Mỹ để thu hẹp khoản thâm hụt của Mỹ trong buôn
bán giữa hai nước.
Trong
cuộc vận động tranh cử vào Tòa Bạch Ốc năm 2020, ông Biden đã phê phán chính
sách thuế đó là “đánh thuế vào người tiêu thụ” và hứa sẽ xem xét bãi bỏ một phần.
Tuy nhiên, khi đã trở thành tổng thống, ông Biden tiếp tục duy trì các mức thuế
được ông Trump đặt ra bất chấp những yêu cầu của Bắc Kinh.
Bây
giờ, khi cuộc “song đấu” Trump-Biden tái diễn, ông Biden lại đi một bước xa hơn
trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, vừa nhằm thể hiện ông “cứng rắn” hơn ông
Trump, vừa để thu hút lá phiếu của cử tri các ngành công nghiệp chế tạo ở các
tiểu bang như Pennsylvania hoặc Michigan. Khi công bố các mức thuế mới, ông
Biden nói chính quyền của ông “đang kết hợp giữa đầu tư vào nền công nghiệp nội
địa với thuế nhập cảng đánh vào các mặt hàng chiến lược và có mục tiêu.”
***
Thực
ra, chuyện tăng thuế nhập cảng lên hàng hóa Trung Quốc không làm ai ngạc nhiên
vì đã quá trễ. Ai cũng biết suốt mấy chục năm qua, Trung Quốc sử dụng những thủ
đoạn cạnh tranh bất chính để thâu tóm thị trường, gây thiệt hại khủng khiếp cho
nền kinh tế của nhiều nước, không riêng gì Mỹ.
Là
nền kinh tế “phi thị trường” do nhà nước kiểm soát, chính phủ Trung Quốc đã có
nhiều cách thức hỗ trợ các công ty quốc doanh của họ về đất đai, vốn liếng và
chính sách ưu đãi, để các công ty này phát triển thành những “nhà vô địch quốc
gia” (national champions), làm ra nhiều sản phẩm với giá rẻ, bán khắp toàn cầu,
chiếm lĩnh thị trường và đẩy các đối thủ cạnh tranh tới chỗ phá sản.
Thêm
vào đó, Trung Quốc áp dụng biện pháp cưỡng bức nhà đầu tư nước ngoài chuyển
giao công nghệ hoặc ăn cắp công nghệ bằng nhiều cách để phát triển các mặt hàng
mới, tân tiến mà không cần phải đầu tư nghiên cứu chuyên sâu. Trung Quốc còn đề
ra chiến lược “Made in China 2025” với tham vọng chiếm các đỉnh cao về các công
nghệ mới, vượt qua Mỹ và Châu Âu. Kết quả của các chính sách trục lợi này là
hàng hóa “made in China” tràn ngập các thị trường nước ngoài. Cái lợi là người
tiêu thụ có được hàng hóa với giá rẻ hơn nhưng cái hại là nhiều công ty, ngành
công nghiệp của Mỹ và các đồng minh bị phá sản, hàng trăm triệu người lao động
bị mất việc.
“Chính
sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ và ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của
Trung Quốc đã giúp họ kiểm soát từ 70, 80, thậm chí đến 90% sản lượng toàn cầu
các nguyên vật liệu thiết yếu cho các công nghệ, cơ sở hạ tầng, năng lượng và y
tế của chúng ta, tạo ra những rủi ro không chấp nhận được cho các dây chuyền
cung ứng và an ninh kinh tế của nước Mỹ,” bản dữ kiện đi kèm quyết định tăng
thuế cho biết. Trước đây, khi công bố tăng thuế lên hàng nhập cảng từ Trung Quốc,
ông Trump cũng nói “người Trung Quốc ăn hết bữa trưa của chúng ta.”
Phản
ứng với chính sách thuế mới của ông Biden, truyền thông ghi nhận sự ủng hộ của
các chính trị gia đảng Dân Chủ, các nghiệp đoàn, các hiệp hội nhà sản xuất công
nghiệp và cả những nhà hoạt động môi trường. Ở phía phản đối có Ủy Ban Quốc Gia
Đảng Cộng Hòa và Liên Đoàn Các Nhà Bán Lẻ Toàn Quốc. Đảng Cộng Hòa nói biện
pháp tăng thuế của ông Biden chưa đủ mạnh, trong khi các nhà bán lẻ – nhập cảng
và bán hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ – thì kêu gọi ông Biden rút lại quyết
định tăng thuế vì lo ngại nó sẽ “đặt thêm thuế lên hàng hóa nhập cảng mà cuối
cùng người tiêu dùng Mỹ phải chịu.”
***
Các
nhà kinh tế học, kể cả Bộ Trưởng Tài Chính Yellen – một giáo sư kinh tế học nổi
tiếng – đều cho rằng, tăng thuế không phải là một chính sách tốt vì cuối cùng
tiền thuế sẽ được tính vào giá bán mà người tiêu thụ phải trả. Nhưng đối phó với
một đối thủ cạnh tranh đầy những thủ đoạn bất chính như Trung Quốc, các nhà hoạch
định chính sách của Mỹ – và cả Châu Âu – không còn cách nào khác ngoài tăng thuế
để bảo vệ thị trường.
Biện
pháp thuế của cựu Tổng Thống Donald Trump đã không thay đổi được cung cách làm
ăn trục lợi của Trung Quốc, nhưng cũng gây một số khó khăn cho họ, buộc các nhà
sản xuất Trung Quốc phải lánh sang một nước thứ ba – như Việt Nam chẳng hạn – để
che giấu nguồn gốc thật của sản phẩm hầu tránh né mức thuế nhập cảng vào Mỹ.
Số
liệu của Cơ Quan Thống Kê Dân Số (census.gov) ghi nhận sau khi ông Trump tăng
thuế, giá trị xuất cảng của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm dần, từ mức $538 tỷ năm
2018 xuống còn $428 tỷ năm 2023; nhưng cùng thời gian này, nhập cảng các mặt
hàng tương tự từ Việt Nam, Malaysia và các nước Đông Nam Á lại tăng tương ứng,
dấu hiệu về sự chuyển dịch hàng Trung Quốc sang các nước này để né thuế.
Sau thời kỳ
phát triển mạnh, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc công nghiệp cao, mà điển
hình là đang dẫn đầu thế giới trong ngành xe hơi điện, bình điện và pin mặt trời,
đẩy Mỹ, Nhật Bản và Liên Âu vào thế cạnh tranh trực tiếp. Đặt trong bối cảnh rộng
lớn như vậy sẽ thấy quyết định của chính quyền Biden tăng thuế mạnh mẽ lên hàng
công nghệ Trung Quốc là rất đúng, dù đã khá muộn màng. Nếu không hành động dứt
khoát, nền công nghiệp kỹ thuật cao của Mỹ và đồng minh sẽ sụp đổ trước đòn tấn
công của các đối thủ Trung Quốc được chính phủ Bắc Kinh hậu thuẫn; sẽ có hàng
triệu người lao động từ thợ thuyền đến kỹ sư bị mất việc. Cảnh ngộ hiện nay mà
các hãng xe hơi lừng danh như Mercedes-Benz của Đức, thậm chí cả Tesla của Mỹ,
đang đối mặt hiện nay là hồi chuông cảnh tỉnh cho các chính phủ Tây phương phải
nhanh chóng hành động.
Theo
tin truyền thông, quyết định tăng thuế của chính quyền Biden chỉ tác động tới
lượng hàng hóa trị giá khoảng $18 tỷ trong tổng số $428 hàng nhập cảng từ Trung
Quốc; nghĩa là nó sẽ ảnh hưởng không lớn tới túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.
Cũng
như dưới thời ông Trump, Trung Quốc sẽ tìm cách “núp bóng” hoặc “hoàn chỉnh” sản
phẩm ở Việt Nam, Malaysia hoặc Mexico trước khi xuất cảng vào Mỹ để tránh các mức
thuế trừng phạt mà chính quyền Biden vừa công bố.
Mexico
chẳng hạn, vừa có giá nhân công hợp lý, vừa kề cận thị trường tiêu thụ khổng lồ
của Mỹ, lại được hưởng lợi nhờ hiệp định khu vực kinh tế tự do Bắc Mỹ (USMCA, gồm
Mỹ, Mexico và Canada) nên đã được các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc nhắm tới.
Xe hơi, xe điện do Trung Quốc sản xuất hoặc lắp ráp ở Mexico sẽ được nhập cảng
vào Mỹ mà không phải chịu thuế. Trong tương lai gần, Mexico có khả năng trở
thành “cứ điểm” cho các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc và đó là thách thức
không nhỏ cho các công ty xe hơi Mỹ, buộc chính phủ Mỹ vào tháng trước phải phải
yêu cầu Mexico từ chối khoản khuyến khích đầu tư cho các nhà sản xuất xe hơi từ
bên kia Thái Bình Dương.
Chính
sách của Biden chưa đủ cứng rắn nhưng báo hiệu sự thay đổi trong nhận thức của
các chính phủ Mỹ và Châu Âu trước mối đe dọa kinh tế từ Bắc Kinh. Có thể nó sẽ
không làm thay đổi bản chất “biến đối tác thành ăn mày” trong chính sách kinh tế
thương mại của Trung Quốc nhưng chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy, thời Trung Quốc lạm
dụng sự ngây thơ của Tây phương để trục lợi đang qua nhanh. [qd]
No comments:
Post a Comment