Friday, May 31, 2024

PHÒNG THỦ CHUNG : CHÂU ÂU KHÓ TỪ GIẢ "NGƯỜI ANH CẢ" HOA KỲ (Minh Anh / RFI)

 



Phòng thủ chung: Châu Âu khó từ giã “người anh Cả” Hoa Kỳ

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 30/05/2024 - 15:38

 https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20240530-ph%C3%B2ng-th%E1%BB%A7-chung-ch%C3%A2u-%C3%A2u-kh%C3%B3-t%E1%BB%AB-gi%C3%A3-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-anh-c%E1%BA%A3-hoa-k%E1%BB%B3

 

Chiến tranh Ukraina sẽ đưa phòng thủ chung châu Âu đi về đâu? Việc Nga xâm lược Ukraina đã thúc đẩy các nước Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, vốn dĩ là một đặc quyền của từng nước. Nguồn tài trợ cho quân sự trong khối cũng vì thế đã tăng mạnh trong hai năm từ 5,6 tỷ euro lên thành 17 tỷ. Tuy nhiên, tranh luận về chính sách phòng thủ chung châu Âu luôn dai dẳng khi mà vũ khí Mỹ vẫn chiếm ưu thế tại châu Âu.

 

.

Thượng đỉnh Saint-Malo 1998 : Nền tảng thực sự

 

Ngược dòng thời gian, Hiệp ước Maastricht năm 1992 đánh dấu sự ra đời một chính sách đối ngoại và an ninh chung (PESC), trong đó bao gồm cả chính sách an ninh và phòng thủ châu Âu (PESD). Tuy nhiên, theo ông Philippe Setton, cựu chánh văn phòng chuyên trách về Liên Hiệp Châu Âu của bộ Ngoại Giao Pháp, hiện là đại sứ Pháp tại Tokyo, thượng đỉnh Anh – Pháp ngày 03-04/12/1998 ở Saint Malo (miền bắc nước Pháp) là nền tảng thực sự cho phòng thủ chung châu Âu.

 

Tổng thống Pháp Jacques Chirac trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Anh thời bấy giờ là Tony Blair có tuyên bố : « Vào thời điểm thực hiện hiệp ước Amsterdam, thách thức lớn sắp tới chính là sự khẳng định của Liên Hiệp Châu Âu trên trường quốc tế thông qua một chính sách đối ngoại thật sự và một nền phòng thủ mà châu Âu có khả năng tự thực hiện khi cần thiết. »

 

Cũng theo giải thích của ông Philippe Setton, trong kỳ thượng đỉnh đó, giới chức Anh Quốc đã chấp nhận ý tưởng phát triển một hệ thống phòng thủ châu Âu trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu. Nhà ngoại giao này không quên nhắc rằng phòng thủ châu Âu là chủ đề muôn thuở trong các phát biểu chính trị tại Pháp.

 

« Điều mà họ muốn, trước hết là kéo dài tham vọng dự án châu Âu thông qua lĩnh vực quốc phòng. Đó cũng là vì Pháp muốn tận dụng sự tán đồng của Anh và nói chung, là tận dụng sự đồng ý của Mỹ, đặc biệt là chính quyền tổng thống Bill Clinton thuộc đảng Dân chủ. Tổng thống Mỹ đã tán đồng, hay ít ra là có một quan điểm khá khoan dung về việc phát triển một trụ cột châu Âu. »

 

.

Những công cụ tài chính và pháp lý

 

Hiệp ước Lisboa năm 2007 có chính sách về an ninh và phòng thủ chung (PSDC), quy định điều khoản bảo vệ lẫn nhau và cho phép hành động chung. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014, rồi các cuộc tấn công khủng bố tại Pháp, Bỉ và Đức trong các năm 2015 và 2016, đánh dấu một bước chuyển lớn đầu tiên. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu lúc bấy giờ là Jean-Claude Junker đề nghị thành lập một quỹ châu Âu cho phòng thủ, kích hoạt nghiên cứu và cách tân trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu nhằm xây dựng một nền phòng thủ châu Âu vững chắc.

 

« Kể từ đó, công nghiệp vũ khí và nghiên cứu là những năng lực vượt ngoài khuôn khổ quốc gia, phòng thủ châu Âu sẽ phát triển ngoài PSDC, vốn dĩ thuộc phạm trù liên chính phủ. Phòng thủ châu Âu giờ thuộc về thẩm quyền Ủy Ban và Nghị Viện Châu Âu thông qua ngành công nghiệp, nghiên cứu, thị trường nội địa và mua sắm công », theo như giải thích của nhà nghiên cứu Elsa Bernard, giáo sư về Luật công, Đại học Lille, với kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24.

 

Từ năm 2019, Liên Âu lần lượt có các công cụ để xúc tiến chính sách phòng thủ như thành lập Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Không gian (DEFIS), Quỹ Châu Âu về Quốc phòng (FED) ra đời năm 2021 với một nguồn ngân sách là 9,4 tỷ euro (giai đoạn 2021 – 2027) ; Quỹ Hòa bình Châu Âu (FEP) năm 2021 mà ngân sách ban đầu là 5,6 tỷ nay được nâng lên thành 17 tỷ euro.

 

Chiến tranh Ukraina bùng phát là một bước ngoặt lớn cho phòng thủ chung châu Âu. Xung đột còn khẳng định hơn nữa nhận thức về lỗ hổng công nghiệp và công nghệ quốc phòng của khối. Tháng 3/2022, khối 27 nước thành viên công bố « la bàn chiến lược », ghi nhận sự cần thiết của việc « tăng cường tự chủ chiến lược của châu Âu ».

 

Năm 2023, Liên Âu thông qua hai quy định : EDIRPA, khuyến khích mua sắm chung trong lĩnh vực quốc phòng và ASAP, xúc tiến sản xuất đạn pháo, tên lửa bằng chính ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Một năm sau, tháng 3/2024, Ủy Ban Châu Âu đưa ra quy định mới EDIP, kèm theo một « chiến lược công nghiệp châu Âu về phòng thủ » (EDIS) nhằm « đầu tư nhiều hơn, tốt hơn, cùng nhau và tại châu Âu ». Do vậy, các cuộc đàm phán cho ngân sách 2028-2035 sẽ là thách thức to lớn, mang tính quyết định cho Nghị Viện Châu Âu mới, theo như nhận định của nhà nghiên cứu Elsa Bernard với France 24.

 

 

Thế mạnh vũ khí của Mỹ

 

Liệu rằng với những công cụ tài chính và pháp lý này, châu Âu có thể đạt được mục tiêu đề ra là một nửa hệ thống quốc phòng được mua tại châu Âu, và chấm dứt tình trạng nghịch lý là 2/3 sản xuất trang thiết bị quân sự châu Âu được xuất khẩu ra ngoài khu vực và 2/3 trang thiết bị quốc phòng của các nước thành viên Liên Âu là nhập khẩu từ bên ngoài ? Đây chính là những điểm khúc mắc gây trở ngại cho việc thiết lập một hệ thống phòng thủ chung.

 

Ngay khi chiến tranh Ukraina bùng nổ, thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo tăng ngân sách quốc phòng và đặt mua 35 chiếc F-35 của Mỹ. Mới đây nhất là Ba Lan, ngày 27/05/2024, tuyên bố mua tên lửa hành trình tầm xa của Mỹ với tổng trị giá hợp đồng là 667 triệu euro để tăng cường năng lực phòng thủ, đối phó mối đe dọa Nga. Theo ông Peter Wezeman, chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu về Hòa bình (SIPRI) ở Stockholm, sự việc cho thấy ngành công nghiệp vũ khí trên thế giới vẫn « do Mỹ thống trị » (Les Echos ngày 23/11/2023).

 

Điều này thể hiện rõ trên bảng sắp hạng các hãng vũ khí lớn trên thế giới. Các tập đoàn vũ khí lớn của Mỹ chiếm các vị trí đầu bảng, tiếp theo là Trung Quốc, trong khi các hãng lớn tại châu Âu bắt đầu từ thứ hạng 11 trở đi. Thế mạnh này của Mỹ được giải thích bởi chiến lược sáp nhập các doanh nghiệp vũ khí trong những năm 1990 – 2000, hình thành 5 đại tập đoàn hiện nay là General Dynamics, Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman và Raytheon.

 

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Jean-Pierre Maulny, trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), với nhật báo kinh tế Les Echos, Hoa Kỳ còn có một công cụ khác rất hiệu quả, viết tắt là FMS, để có thể thực hiện nhanh chóng các hợp đồng bán vũ khí cho các nước khác:

 

« Hoa Kỳ có thể bán vũ khí từ chính phủ cho chính phủ nhờ vào cơ chế Bán hàng Quân sự Nước ngoài (Foreign Military Sales – FMS), chứ không phải doanh nghiệp sẽ đi bán. Trên thực tế, chính phủ Mỹ sẽ trực tiếp trích từ kho dự trữ thiết bị để cung cấp cho châu Âu, trong khi ở hệ thống châu Âu, chúng ta có cơ chế được gọi là quy định về thị trường quốc phòng và an ninh, khiến hệ thống mua bị chậm lại. »

 

Nếu khả năng giao hàng nhanh, nguồn dự trữ lớn là những nguyên nhân đầu tiên giải thích cho sự lệ thuộc của châu Âu vào nguồn cung vũ khí từ Mỹ, thì yếu tố chính trị giữ một vai trò không nhỏ. Tháng 6/2020, phát biểu tại Học viện Quân sự West Point (New York), tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump có tuyên bố : « Chúng ta không phải là hiến binh của thế giới ».

 

Washington thông báo muốn giảm đáng kể phần đóng góp của Mỹ cho ngân sách của NATO và châu Âu đã thấu hiểu thông điệp đưa ra, theo như nhận định của Jean-Pierre Maulny: « Về cơ bản, theo một cách nào đó, người ta đang mua sự bảo hộ của Mỹ cũng do bởi một bộ phận người dân châu Âu vẫn lo sợ rằng Mỹ sẽ rút khỏi châu Âu, bởi vì đối với Mỹ, kẻ thù của họ, đối thủ cạnh tranh của họ không phải là Nga, mà chính là Trung Quốc. »

 

 

Những rào cản, đối thủ cạnh tranh khác

 

Châu Âu không có hệ thống phòng thủ chung còn là vì mỗi nước có một nền công nghiệp riêng, vốn được nhà nước bảo hộ thông qua các hợp đồng mua sắm vũ khí, do vậy rất có ít sự cạnh tranh giữa những doanh nghiệp trong khối. Cũng theo vị trợ lý giám đốc IRIS, có rất ít sự phối hợp giữa các hãng sản xuất vũ khí. Theo ông, số doanh nghiệp sản xuất xe bọc thép còn nhiều hơn cả số các hãng sản xuất xe ô tô.

 

« Nguy cơ cạnh tranh giữa các công ty luôn hiện hữu. Những tập đoàn này trong quá trình thực hiện hợp tác sẽ tỏ ra thận trọng, không muốn trao đổi về công nghệ, tìm cách tranh giành phân phối công nghiệp. Nếu có một sự hợp tác, đó chẳng qua là hợp tác giữa các công ty, còn sự hợp tác giữa các công ty vũ khí chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi nào có hai công ty sáp nhập thành một. »

 

Tất cả những khó khăn trên cũng không đồng nghĩa với việc không có sự hợp tác nào giữa các nước thành viên. Châu Âu có nhiều chương trình hợp tác sản xuất vũ khí chung từ cuối những năm 1990, đầu năm 2000, nhưng để đi đến hiện thực lại tốn quá nhiều thời gian, như trường hợp của chuyên cơ vận tải A400M, có thể di chuyển quân, hậu cần, thả dù binh sĩ và trang thiết bị, cũng như  tiếp tế trên không.

 

Jean-Pierre Maulny nhắc lại từ khi bắt đầu có những thông số kỹ thuật đầu tiên cho đến khi đưa ra thị trường, chương trình sản xuất A400M mất đến 20 năm, một quãng thời gian quá lâu. Ngoài Hoa Kỳ, nhiều nước khác cũng bắt đầu dòm ngó đến thị trường vũ khí châu Âu như Hàn Quốc chẳng hạn.

 

Theo các số liệu mới nhất, trong quãng thời gian có ba năm 2020-2022, một mình Hàn Quốc chiếm đến hơn 10% sức mua vũ khí của Liên Hiệp Châu Âu, đạt doanh thu từ 3 tỷ lên thành 15 tỷ, trong khi trong khối Pháp cũng là một nhà xuất khẩu vũ khí lớn, đứng sau Mỹ và Nga.

Tương lai phòng thủ chung châu Âu sẽ đi về đâu ? Trong khi chờ lời giải đáp, nhiều dự án mới đang hình thành như hợp tác Pháp – Đức cho thế hệ xe tăng đời mới MGCS, sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hay chương trình thiết kế chung chiến đấu cơ SCAF cho năm 2045, nhờ vào hỗ trợ từ quỹ 7,9 tỷ euro của Liên Âu.

 

Câu hỏi đặt ra : Cái giá có được của việc biến những dự án trên thành hiện thực là một sự độc lập cho phòng thủ. Liệu châu Âu có can đảm đánh đổi ? Một điều chắc chắn: Phòng thủ châu Âu là một trong bốn chủ đề tranh luận chính cho kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu 06-09/06/2024 !

 

------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHÂU ÂU - PHÒNG THỦ

Thượng đỉnh EU : 27 nước vẫn bị chia rẽ vì chiến lược phòng thủ chung

 

PHÂN TÍCH

Do Putin, Liên Âu phải cụ thể hóa chiến lược phòng thủ chung

 

PHÁP - LIÊN ÂU - AN NINH

Pháp sẵn sàng đưa « vũ khí hạt nhân » vào chính sách phòng thủ chung châu Âu

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment