Thursday, May 2, 2024

ĐÔNG NAM Á HỨNG CHỊU ĐỢT NẮNG NÓNG BẤT THƯỜNG (Thùy Dương / RFI)

 



Đông Nam Á hứng chịu đợt nóng bất thường    

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 01/05/2024 - 12:16

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240501-%C4%91%C3%B4ng-nam-%C3%A1-h%E1%BB%A9ng-ch%E1%BB%8Bu-%C4%91%E1%BB%A3t-n%C3%B3ng-b%E1%BA%A5t-th%C6%B0%E1%BB%9Dng  

 

Trong những ngày qua, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Miến Điện, Bangladesh… đã hứng chịu một đợt nóng bất thường và kéo dài nhiều ngày, nhiệt độ cảm nhận được thậm chí lên tới 50 độ C, chẳng hạn ở Bangkok.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ba5b53d2-068b-11ef-a63c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2024-04-28T063218Z_1426106018_RC2UE7AHABVW_RTRMADP_3_THAILAND-WEATHER2.webp

Một cặp vợ chồng người dân Bangkok, Thái Lan, mở nhiều quạt máy để làm giảm bớt cái nóng kinh hồn, ngày 27/04/2024. © REUTERS/Chalinee Thirasupa

 

Theo AFP ngày 30/04/2024, các kỷ lục về nóng đã được ghi nhận ở nhiều nơi trong trong vùng Đông Nam Á, khiến chính phủ nhiều nước phải ra lệnh đóng cửa trường học, nhiều triệu em nhỏ không được đi học. Theo giới chuyên gia, hiện tượng thời tiết El Nino là nguyên nhân. El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu càng làm cho các đợt nóng trở nên thường xuyên hơn, mạnh hơn và kéo dài hơn.

 

Tại Thái Lan, nhiệt độ tại nhiều tỉnh đã lên tới 44 độ C. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những người dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn những người già mắc bệnh mãn tính và những người nghèo nhất, không có điều kiện sử dụng máy điều hòa nhiệt độ và thường phải lao động nhiều giờ bên ngoài, như bán hàng rong, chạy xe công nghệ … Ở nông thôn, nắng nóng và hạn hán đe dọa mùa màng và thu nhập của nông dân.

 

Tại Philippines, chính phủ thông báo tạm ngưng các buổi học trực tiếp tại 47.000 trường công lập. 

 

Từ Cebu, thành phố miền trung Philippines, thông tín viên Juliette Pietraszewski ngày 30/04 gửi về bài phóng sự :

 

Trời nóng bức kinh khủng, cánh cổng của các trường công đang đóng. Vị phụ huynh học sinh này cho biết con trai ông hiện học trực tuyến chứ không đến trường : « Đối với các trường công lập ở Cebu thì học sinh không phải đến tận trường để học vì thời tiết nóng bức. Các phòng học không đáp ứng đủ điều kiện, mà học sinh thì lại đông ».

 

Gần một nhóm sinh viên đang ngồi dưới bóng râm, một vài em nhỏ không đi học đang chơi đùa với nhau, dưới sự giám sát của các anh chị. Một sinh viên nói : « Các em nhỏ này là cháu của một sinh viên cùng lớp chúng tôi. Nếu nhiệt độ tăng quá cao, các em ấy sẽ không đến trường, nếu nhiệt độ giảm thì các em sẽ đi học trở lại ».

 

Hôm nay, nhiệt độ cảm nhận là 39 độ C. Một sinh viên tên là Jasmina đi men theo các bức tường để đến trường, khuôn mặt đầy vết kem chống nắng. Cô nói : « Hôm nay thời tiết đúng là không thể chịu nổi. Nhiều người kêu nhức đầu. Những sinh viên huyết áp cao  chịu ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều khi họ phải gửi giấy xin nghỉ học ».

 

Và hiện giờ, theo dự báo thời tiết, nhiệt độ vẫn chưa có dấu hiệu tạm thời dịu xuống.

 

Nhìn sang Nam Á, Bangladesh ghi nhận tháng Tư 2024 là tháng Tư nóng nhất, tính từ năm 1948, khi nước này bắt đầu có thống kê nhiệt độ. Một chuyên gia khí tượng thủy văn của Bangladesh cho AFP biết là đợt nóng hiện nay diễn ra trên 80% lãnh thổ. Đây là đợt nóng diện rộng và kéo dài liên tục chưa từng có. Toàn bộ các trường đều phải đóng cửa. Theo dự báo, phải từ ngày mai, 02/05, trở đi, nhiệt độ mới bắt đầu có dấu hiệu giảm

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

CHÂU Á - BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai năm 2023

 

CHILÊ - CHÁY RỪNG

Nam Mỹ hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt

 

QUỐC TẾ - KHÍ HẬU

Sau hè - thu nắng nóng kỷ lục, chưa bao giờ mùa đông lại ấm như vậy

 

 





No comments:

Post a Comment