Wednesday, May 8, 2024

MỐI LO CỦA CÁC DOANH NGHIỆP PHÁP GIAO THƯƠNG VỚI TRUNG QUỐC (Thùy Dương / RFI)

 



Mối lo của các doanh nghiệp Pháp giao thương với Trung Quốc

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 07/05/2024 - 13:19

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240507-m%E1%BB%91i-lo-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-doanh-nghi%E1%BB%87p-ph%C3%A1p-giao-th%C6%B0%C6%A1ng-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

Đối với giới công nghiệp Pháp, điều đáng quan tâm trong chuyến công du Pháp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là liệu ông Tập có đưa ra phát biểu chính thức về thương mại, mở cửa thị trường cho doanh nghiệp phương Tây hay không. Hiện nay, các công ty Pháp làm ăn với Trung Quốc, đang lo ngại về nguy cơ gánh họa do Trung Quốc đáp trả các cuộc điều tra của Liên Âu nhắm vào Trung Quốc, nhất là về bảo hộ, trợ cấp của Nhà nước, bán phá giá.

 

https://s.rfi.fr/media/display/bb8b43fa-0b88-11ef-b362-005056a90284/w:980/p:16x9/2024-05-06T090708Z_3958796_RC2XK7A86FL5_RTRMADP_3_EU-CHINA.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Elysée, Paris, trước cuộc họp với tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, ngày 06/05/2024. REUTERS - Gonzalo Fuentes

 

Cán cân thương mại giữa Pháp và Trung Quốc hiện giờ ra sao ?

 

Báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 03/05 cho biết là giữa Pháp và Trung Quốc, sự mất cân bằng thương mại ngày càng gia tăng. Thâm hụt thương mại của Pháp với Trung Quốc, vốn đã ở mức cao kỷ lục, nay càng thêm nghiêm trọng.

 

Thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc hiện là mức thâm hụt song phương lớn nhất của Pháp. Dù Paris nhiều lần đề ra mục tiêu tái cân bằng cán cân thương mại, nhưng thâm hụt vẫn ở mức cao từ nhiều năm nay. Thâm hụt thương mại Pháp với Trung Quốc lên tới kỷ lục vào năm 2022, 53,6 tỉ euro, năm 2023 có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức 46,3 tỷ euro. Con số này như vậy đã tăng gấp 10 lần sau 2 thập kỷ, kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

 

Theo Hải quan Pháp, hàng nhập từ Trung Quốc chủ yếu là máy tính và thiết bị điện (chiếm gần 30% lượng hàng nhập khẩu) : thiết bị tin học và điện. Hàng dệt may, dù chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu nhưng đang giảm dần, trái ngược với lĩnh vực ô tô mà Trung Quốc hiện giữ vị thế siêu cường.

 

Về phía Pháp, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là trong lĩnh vực chế tạo hàng không - không gian (20% xuất khẩu), các sản phẩm xa xỉ cũng như thực phẩm.

Theo giải thích của Sébastien Jean, giáo sư tại Học Viện Mỹ Thuật và Công Nghệ Quốc Gia CNAM, cộng tác viên cấp cao tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp Ifri, được Les Echos trích dẫn : « Thâm hụt song phương trước hết phản ánh sự mất cân bằng ở nội địa Trung Quốc và việc nước này khắc phục một phần thông qua nhu cầu của nước ngoài, và điều này càng thể hiện mạnh hơn kể từ khi có Covid. Thặng dư thương mại của Trung Quốc về hàng hóa sản xuất năm ngoái đạt 1,8 nghìn tỷ đô la. Đây là dấu hiệu của một nền kinh tế ưu tiên sản xuất hơn là tiêu dùng, và điều này ngày càng gây nhiều vấn đề về kinh tế và chiến lược cho các nước Liên Âu ».

 

Các nhà máy của Trung Quốc hoạt động hết công suất, tạo ra tình trạng dư thừa công suất trong công nghiệp. Do nhu cầu trong nước đình trệ, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm nguồn xuất khẩu lớn. Anthony Morlet-Lavidalie, kinh tế gia của Rexecode, ước tính 3/4 mức tăng trưởng trong sản xuất của Trung Quốc từ năm 2019 đến năm 2023 là nhờ xuất khẩu, và điều này là đáng ngại.

 

Tuy nhiên, theo kinh tế gia Anthony Morlet-Lavidalie, đằng sau thâm hụt thương mại với Trung Quốc còn có một vấn đề đến từ chính khả năng cạnh tranh của Pháp, bởi Pháp cũng bị thâm hụt cán cân thương mại với các đối tác châu Âu. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France), mức thâm hụt của Pháp với Liên Âu năm ngoái cao ngang bằng mức thâm hụt của Pháp với Trung Quốc : hơn 45 tỷ euro.

 

 

Về đầu tư thì sao ?

 

Đầu tư ở cả hai phía đều chững lại. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 12 tại Pháp. Theo dữ liệu gần đây của Banque de France, được Business France công bố, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại Pháp đạt 8 tỷ euro trong năm 2023, con số này vẫn ở mức ổn định, không tăng kể từ năm 2017.

 

Kinh tế gia Anthony Morlet-Lavidalie nhấn mạnh : « Trung Quốc đang chuẩn bị trước cho sự suy giảm dân số và hiện đang nhắm đến các quốc gia có nguồn lao động dồi dào, nhất là các nước mới trỗi dậy ở châu Á » và « nếu có đầu tư vào châu Âu, thì Trung Quốc sẽ hướng tới những quốc gia cởi mở, thân thiện hơn » Pháp, chẳng hạn Hungary và Tây Ban Nha.

Về phía Pháp, các công ty lớn từng đầu tư ồ ạt vào Trung Quốc trong vòng 30 năm qua giờ đây có vẻ lo ngại và thận trọng hơn nhiều. Một hội đồng của các tập đoàn lớn của Pháp, được báo Le Figaro ngày 03/05 trích dẫn, cho biết: « Các tập đoàn lớn của Pháp, bắt đầu từ những tập đoàn mỹ phẩm và hàng xa xỉ, đương nhiên mong muốn tiếp tục xuất khẩu vì họ tin đây là thị trường tiềm năng. Thế nhưng, họ ngày càng rụt rè trong việc tiến hành những dự án đầu tư công nghiệp mới tại Trung Quốc».

 

Kể từ đại dịch Covid-19, với mục tiêu số một là « tránh rủi ro » trong các hoạt động tại Trung Quốc, các tập đoàn Pháp chuyển sang tìm các nguồn cung ứng khác và các phương tiện tăng trưởng khác. Đối với những dự án đầu tư công nghiệp mới, ưu tiên của họ là Đông Nam Á, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Một nhà công nghiệp Pháp cho Le Figaro biết : « Chỉ những tập đoàn lớn cung cấp dịch vụ cho các cơ quan công quyền Trung Quốc và có thể ký được những hợp đồng kéo dài nhiều năm, như Veolia hay Suez, thì mới lạc quan về Trung QuốcTrong khi các ngân hàng vẫn giữ thái độ bình tĩnh, hầu hết các nhà công nghiệp, trong lĩnh vực hàng xa xỉ, thực phẩm và hàng không đều đã bày tỏ mối lo ngại của họ đến phủ tổng thống Pháp ».

 

Quả thực, có những nhà công nghiệp Pháp hoạt động nhiều tại Trung Quốc lo ngại họ sẽ trở thành « những nạn nhân liên đới » mà Bắc Kinh nhắm tới để trả đũa châu Âu trong cuộc xung đột thương mại giữa Liên Âu và Trung Quốc, nhất là ngành xe hơi, thực phẩm, mỹ phẩm, hàng xa xỉ và rượu mạnh.  

 

 

Vì sao các hãng rượu Cognac lo ngại?

 

Cognac được xem là loại rượu mạnh nổi tiếng nhất của Pháp ở nước ngoài và Trung Quốc là một trong những khác hàng chính. Theo Les Echos ngày 03/05, 98% rượu Cognac của Pháp là để xuất khẩu, trong đó ¼ là xuất sang Trung Quốc. 

 

Suốt 4 tháng qua, các nhà sản xuất Cognac của Pháp rất lo ngại vì họ bỗng dưng trở thành « con tin » trong cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Liên Âu, cụ thể là do Liên Hiệp Châu Âu hồi tháng 09/2023 đã mở điều tra về việc lĩnh vực chế tạo xe điện của Trung Quốc được Nhà nước trợ cấp, qua đó bán phá giá và xuất khẩu ồ ạt sang Liên Âu.

 

Bắc Kinh cho rằng Pháp có vai trò quan trọng thúc đẩy Liên Âu gia tăng xung đột thương mại với Trung Quốc, trong khi Đức được cho là có thái độ hòa hoãn hơn. Vì thế, hồi tháng Giêng 2024, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách cho mở điều tra về bán phá giá nhắm vào ngành sản xuất rượu mạnh của châu Âu. Trong lĩnh vực này, 90% là rượu Cognac và Armagnac của Pháp, theo báo Les Echos ngày 03/05. Còn Reuters hôm nay 07/05 dẫn dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, theo đó đến cuối tháng 11/2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,57 tỷ đô la rượu mạnh từ Liên Âu, mà Pháp thì chiếm tới 99,8% tổng lượng rượu mạnh xuất khẩu của Liên Âu.

 

Mặc dù chính quyền Trung Quốc không đưa ra con số cụ thể, nhưng dựa trên kinh nghiệm, các hãng rượu Cognac ước tính, nếu bị tăng thuế quan, con số này tối thiểu sẽ là 25%, làm mất khả năng cạnh tranh của rượu Cognac Pháp trước các loại rượu mạnh khác được bán tại Trung Quốc, chẳng hạn như whisky.

 

 

Tập Cận Bình đã giải tỏa nỗi lo của các nhà sản xuất Cognac của Pháp ?

 

Trước mắt là như vậy. Hãng tin Pháp AFP tối hôm qua 06/05, sau buổi họp trực tiếp giữa hai nguyên thủ Pháp - Trung tại điện Elysée, đưa tin là tổng thống Pháp Macron đã cảm ơn Tập Cận Bình về việc không áp thuế nhập khẩu « tạm thời » nhắm vào rượu Cognac của Pháp. Một cử chỉ mang tính biểu tượng : trong số các món quà nguyên thủ Pháp tặng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một chai rượu Cognac Hennessy X.O. và một bình rượu Cognac « Louis XIII » của hãng Rémy Martin.

 

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên ngành sản xuất rượu của Pháp gánh họa do các xung đột giữa Liên Âu và Trung Quốc. Les Echos nhắc lại là hồi 2014, Trung Quốc đã tăng thuế nhấp khẩu rượu vang Pháp suốt 2 năm để đáp lại cáo buộc của Liên Âu, xuất phát từ Đức, là Trung Quốc bán phá giá pin mặt trời. Gần đây hơn, trong cuộc chiến thương mại giữa hai tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu, chính quyền Mỹ thời Donald Trump cũng có biện pháp tăng thuế quan đối với rượu vang nhập từ Pháp.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Ukraina và thương mại : Pháp không ảo tưởng khi tiếpTập Cận Bình

 

PHÂN TÍCH

Tập Cận Bình thăm Pháp : Không dễ gì dung hòa lợi ích giữa Paris với Bắc Kinh







No comments:

Post a Comment