Sunday, May 19, 2024

LẠI THANH ĐỨC, TÂN TỔNG THỐNG ĐÀI LOAN, ĐỐI PHÓ VỚI BẮC KINH NHƯ THẾ NÀO? (Tr. Tiến Minh / Người Việt)





Lại Thanh Đức, tân tổng thống Đài Loan, đối phó với Bắc Kinh như thế nào?

Tr. Tiến Minh  /  Người Việt

May 17, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/lai-thanh-duc-tan-tong-thong-dai-loan-doi-pho-voi-bac-kinh-nhu-the-nao/

 

Ngày 20 Tháng Năm, trong buổi lễ tại Đài Bắc, ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Đài Loan, tiếp quản vị trí của bà Thái Anh Văn vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/A1-Lai-Thanh-Duc-Lai-Ching-te-1536x1025.jpg

Ông ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), tân tổng thống Đài Loan. (Hình minh họa: Annabelle Chih/Getty Images)

 

Sinh ngày 6 Tháng Mười, 1959, ở Vạn Lý Khu-Đài Bắc trong một khu phố nghèo, ông Lại Thanh Đức học y tế công tại các trường đại học ở Đài Bắc, sau đó lấy bằng cao học đại học Harvard University năm 2003. Ông là con út trong gia đình năm người con. Cha ông qua đời trong một vụ tai nạn khai thác mỏ khi ông Lại mới 3 tháng tuổi.

 

Cha mẹ ông Lại Thanh Đức lớn lên dưới thời đế quốc Nhật, nơi cai trị Đài Loan như một thuộc địa, cho đến khi Tokyo đầu hàng vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Hòn đảo sau đó nằm dưới sự kiểm soát của KMT. Năm 1949, sau khi đại bại trước ông Mao Trạch Đông, tàn quân KMT, trong đó có Tướng Tưởng Giới Thạch, chạy sang Đài Loan. Khi ông Mao củng cố quyền lực và thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, những người lưu vong theo chủ nghĩa dân tộc duy trì chính phủ riêng ở Đài Bắc.

 

Thời trẻ, ông Lại Thanh Đức chứng kiến nền chính trị Đài Loan bị thiết quân luật chi phối dưới sự cai trị độc tài của KMT. Ở trường, “quốc ngữ” bị bắt buộc sử dụng là tiếng Quan Thoại; phương ngữ Phúc Kiến của gia đình Lại Thanh Đức bị cấm. Sách giáo khoa dạy sử và văn học Trung Quốc đều được viết từ góc nhìn và quan điểm Hoa lục. Sinh viên được rèn luyện để trở thành “người Trung Quốc gương mẫu” nhằm chuẩn bị cho việc KMT giành lại đại lục từ tay “bọn ăn cướp cộng sản.”

 

Năm 1987, con trai và là người kế nhiệm Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc, dỡ bỏ thiết quân luật và dần thực hiện dân chủ hóa Đài Loan. Ông Tưởng Kinh Quốc, từng là giám đốc tình báo của KMT, chịu áp lực từ Washington khi đồng ý tăng cường hoạt động dân sự trong nước, thả tù nhân chính trị và mở rộng quyền tự do công dân. KMT bắt đầu có lập trường mềm mỏng hơn đối với các cựu thù cộng sản bên kia eo biển. Phần mình, Bắc Kinh cũng chào đón các nhà đầu tư từ Đài Bắc.

 

Khi các đảng chính trị cạnh tranh gay gắt trong các cuộc bầu cử tự do, những người từng kích động ngầm cho dân chủ và độc lập chính thức lộ diện, thành lập đảng Dân Tiến (DPP). Ông Lại Thanh Đức trưởng thành trong bối cảnh chính trị này. Khi còn bé, ông Lại Thanh Đức mê tiểu thuyết kiếm hiệp và mơ trở thành cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cuối cùng, nghe lời mẹ, ông Lại Thanh Đức theo đuổi ngành y, trở thành bác sĩ nổi tiếng chuyên về cột sống. Ông cũng giành được bằng y tế công cộng của Harvard. Sau khi lãnh đạo một hiệp hội bác sĩ, ông được bầu vào Quốc Hội năm 1996.

 

Ông Lại Thanh Đức nổi tiếng là người thẳng thắn và không ngại đối đầu. Năm 2005, người ta từng thấy ông hét vào mặt đối thủ để bày tỏ thất vọng về dự luật ngân sách quốc phòng. Đoạn video được lan truyền rộng rãi đã ghi lại nỗi thất vọng và bất bình của ông Lại Thanh Đức khi ông lên án KMT quá mềm yếu trước Trung Quốc. Ba năm sau, do một vụ bê bối tham nhũng nghiêm trọng trong DPP, KMT giành lại chức tổng thống lẫn đa số ghế trong Quốc Hội. Lập trường Đài Bắc đối với Bắc Kinh trở nên thân mật hơn. Chính phủ KMT không chỉ thúc đẩy thương mại và du lịch nhiều hơn qua eo biển mà còn cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

 

Năm 2017, Tổng Thống Thái Anh Văn bổ nhiệm ông Lại Thanh Đức làm thủ tướng. Hai năm sau, ông từ chức, sau những thất bại giữa nhiệm kỳ của DPP. Trong bài phát biểu từ chức, ông Lại trích một câu trong truyện Kim Dung: “Giang hồ rộng mở, có ngày gặp lại.”

 

Lời chào từ biệt sau những cuộc thư hùng phân định thắng thua long trời lở đất của các cao thủ võ lâm trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đã báo trước một âm mưu chính trị ngoài đời thực: Khi bà Thái Anh Văn suy yếu, ông Lại Thanh Đức đã thách thức bà trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống năm 2020, điều chưa từng có đối với một tổng thống đương nhiệm đối với một thành viên cùng một đảng (DPP). Bà Thái Anh Văn cuối cùng chiến thắng; tuy nhiên, ông Lại giành được khoảng 27% phiếu bầu và được trao vị trí phó tổng thống.

 

Giờ đây, ông Lại Thanh Đức đứng đầu chính trường Đài Loan. Ông sẽ đối mặt những khó khăn gì? Với sự thắng thế của phe KMT trong Quốc Hội, lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức không phải là một sự chuyển tiếp một cách tự tin mà là một quá trình chuyển đổi chính trị khó xử. Ông Lại Thanh Đức nhậm chức vào đúng thời điểm DPP mất khả năng thực hiện nguyện vọng chính trị của những cử tri ủng hộ DPP nhiệt thành nhất.

 

Hơn nữa, sau tám năm nắm quyền, DPP không còn là gương mặt mang lại nhiều năng lượng tươi mới. Trong cuộc bầu cử Tháng Giêng mới đây, các cử tri trẻ đã chọn ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je), ứng cử viên đầy sức lôi cuốn của đảng Nhân Dân Đài Loan (TPP), cựu thị trưởng Đài Bắc. Ông Kha Văn Triết với lập trường hòa giải hơn với Bắc Kinh đã giành được 1/4 số phiếu bầu tổng thống; và đảng TPP của ông cũng giành đủ số ghế Quốc Hội để có thể giữ cán cân lập pháp. Đối thủ KMT của ông Lại Thanh Đức trong cuộc bầu cử, Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), hiện vẫn còn đủ uy tín để thách thức DPP trong tương lai.

 

Cuộc chiến bầu cử giữa DPP, KMT và TPP đã làm nổi bật các vấn đề như giáo dục và nhà ở, cũng như về an ninh quốc gia và thậm chí bản sắc. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết cư dân Đài Loan ngày nay, kể cả con cháu của người đại lục, đều xác định họ là “người Đài Loan” chứ không phải là “người Trung Quốc.” Cử tri Đài Loan đã buộc các nhà lãnh đạo không chỉ ở Đài Bắc mà cả Bắc Kinh phải thích nghi với thực tế chính trị mang nhiều sắc thái hơn.

 

Trước thái độ ngày càng hung hăng đối với Đài Loan của Bắc Kinh, nếu ông Lại Thanh Đức duy trì sự cứng rắn trong chính sách đối ngoại như người tiền nhiệm Thái Anh Văn, Đài Loan sẽ “thuyết phục” được ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm chiếm Đài Loan đều có nguy cơ phá hỏng những kế hoạch khác của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đặc biệt việc hiện thực hóa “Trung Quốc mộng” của ông Tập Cận Bình.

 

Phần mình, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình vào Tháng Mười Hai, 2023, ông Lại Thanh Đức đã trích một câu trong “Binh Pháp” của Tôn Tử: “Cố thiện dụng binh giả, khuất nhân chi binh nhi phi chiến dã, bạt nhân chi thành nhi phi công dã, hủy nhân chi quốc nhi phi cửu dã” (Người giỏi dùng binh không đánh mà vẫn khuất phục được địch quân, vẫn hạ được thành lũy đối phương, phá được đất nước đối phương mà không cần tham chiến lâu dài).

 

Ông Chu Tùng Linh (Zhu Songling), giáo sư nghiên cứu Đài Loan tại Bắc Kinh Liên Hợp Đại Học (Hoa Lục), nói: “Lại Thanh Đức là một nhân vật bốc đồng và có khuynh hướng nghiêng ngả về mặt chính trị, vì vậy chúng tôi không thể loại trừ khả năng xảy ra những diễn biến khó lường trong nhiệm kỳ của ông ấy. Tôi e rằng sẽ có nhiều chuyện rất nguy hiểm.” Ông Chu Tùng Linh cũng dọa rằng việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực luôn là khả năng có thể xảy ra.

Ông Evan S. Medeiros, giáo sư nghiên cứu Châu Á tại đại học Georgetown University, nhận xét: “Bốn năm tới sẽ không có gì ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung và hai bờ eo biển.” Như các nhà phân tích khác, ông Evan S. Medeiros cho rằng sẽ có loạt chiến thuật gây áp lực quen thuộc. Ít nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục thao túng chính trị Đài Loan bằng những thông tin sai lệch, cùng lúc đưa ra củ cà rốt kinh tế, trong khi tiếp tục mở rộng các cuộc tập trận quân sự.

 

Với Hoa Kỳ, chưa bao giờ bằng lúc này, Washington công khai thắt chặt quan hệ với Đài Loan. Năm 2023, chính quyền Joe Biden công bố viện trợ quân sự trị giá $345 triệu cho Đài Loan. Các dự luật tại Quốc Hội Hoa Kỳ cũng thắt chặt quan hệ kinh tế, nới lỏng chính sách thuế và đặt nền tảng cho các biện pháp trừng phạt kinh tế Trung Quốc nếu Bắc Kinh tấn công hòn đảo. Tờ The New York Times tiết lộ: Cố vấn quân sự Mỹ (hầu hết là sĩ quan nghỉ hưu) hiện có mặt ngày càng nhiều ở Đài Loan. Giới chức Đài Loan nói đó là “giáo viên tiếng Anh.”

 

Hạ tuần Tháng Hai, một nhóm thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ đã đến Đài Bắc ngay sau khi Đài Loan có kết quả bầu cử tổng thống. Tháng Tư, Hạ Viện Hoa Kỳ phê duyệt khoản viện trợ quốc phòng trị giá $8 tỷ nhằm “tăng cường khả năng răn đe chống lại chủ nghĩa độc tài ở chuỗi các quốc gia đồng minh ở Tây Thái Bình Dương.”

 

Và ngày 20 Tháng Năm, trong lễ nhậm chức tổng thống của ông Lại Thanh Đức, người ta sẽ thấy:

 

-Bà Laura Rosenberger, chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, một tập đoàn tư nhân, phi lợi nhuận được thành lập theo luật năm 1979 để giám sát các mối quan hệ không chính thức của Mỹ với Đài Loan.

 

-Ông Brian Deese, cựu giám đốc Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia trong chính quyền Biden.

 

-Ông Richard Armitage, cựu thứ trưởng Ngoại Giao dưới thời Tổng Thống George W. Bush.

 

-Ông Richard Bush, thành viên cao cấp tại Viện Brookings, người trước đây từng giữ ghế chủ tịch Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan. (Tr. Tiến Minh) [qd]

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment