Thursday, May 30, 2024

KHÍ THẢI CO2, THỦ PHẠM TÀN PHÁ ĐẠI DƯƠNG : PHÁN QUYẾT "LỊCH SỬ" CỦA TÒA ÁN LIÊN HIỆP QUỐC (Trọng Thành / RFI)

 



Khí thải C02, thủ phạm tàn phá đại dương: Phán quyết ‘‘lịch sử’’ của Toà án Liên Hiệp Quốc

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 29/05/2024 - 16:11

 https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240529-kh%C3%AD-th%E1%BA%A3i-c02-th%E1%BB%A7-ph%E1%BA%A1m-t%C3%A0n-ph%C3%A1-%C4%91%E1%BA%A1i-d%C6%B0%C6%A1ng-ph%C3%A1n-quy%E1%BA%BFt-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-c%E1%BB%A7a-to%C3%A0-%C3%A1n-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c

 

Tòa án của Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên ra phán quyết về tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường biển. Nước biển dâng cao, nước biển bị hâm nóng, bị axít hóa, san hô bị hủy diệt ... là điều ngày càng hiển hiện. Thế nhưng chỉ cho đến phán quyết này, khí thải mới bị một tòa án quốc tế điểm mặt là thủ phạm. Giới quan sát coi vụ khiếu kiện thành công của nhóm các tiểu quốc đảo COSIS là ''chiến thắng của chàng David nhỏ bé trước gã khổng lồ Goliath''.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a71fa0e4-1661-11ea-a64c-005056bf7c53/w:980/p:16x9/NOuvelle-Cal%C3%A9donie-barri%C3%A8re%20corail.webp

Biến đổi khí hậu đe dọa san hô. Ảnh minh họa : Rạn san hô ở Nouvelle-Calédonie, kỳ quan thế giới, được Unesco xếp hạng di sản năm 2008. AFP

 

Hôm 21/05/2024 vừa qua, Tòa án Quốc tế về Luật biển (TIDM) của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại thành phố Hambourg, Đức, đã ra một phán quyết, theo yêu cầu của COSIS, Ủy ban các tiểu quốc đảo về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế (Commission des petits Etats insulaires sur le changement climatique et le droit international), đệ nạp từ cuối năm 2022Theo Le Monde, tất cả 21 thẩm phán của Tòa án đã thống nhất đưa ra nhận định : các loại khí thải gây hiệu nhà kính, đặc biệt là CO2, làm môi trường nước bị hâm nóng và axít hóa, gây nhiều tác hại đến đời sống trong lòng biển, đặc biệt là các loài cá và các hệ san hô. Các đại dương hấp thụ đến 30% lượng khí thải CO2 và hơn 90% nhiệt lượng do khí thải tạo ra, theo các khảo sát khoa học. Sở dĩ nhiệt độ không khí Trái đất "chỉ mới" tăng thêm từ 1,1 đến 1,2°C so với thời tiền công nghiệp là do lòng biển đã hấp thu một lượng nhiệt khổng lồ. Nhưng tiềm năng của biển cả không phải là vô tận.

 

 

Đại dương lâm nguy: Trách nhiệm của các quốc gia phát thải

 

Về phán quyết này, trang nhà của Liên Hiệp Quốc cho biết Tòa án Quốc tế về Luật biển đã yêu cầu các quốc gia ‘‘hành động để bảo vệ môi trường biển’’. Phán quyết đặc biệt nhấn mạnh đến ‘‘tiếp cận phòng ngừa’’ và ‘‘bảo vệ hệ sinh thái’’, với yêu cầu các quốc gia phải tiến hành ‘‘các đánh giá về môi trường và xã hội - kinh tế đối với tất cả các hoạt động có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường biển do biến đổi khí hậu’’. Các hệ quả đối với môi trường biển thường vượt quá phạm vi của một quốc gia, Tòa án Quốc tế về Luật biển yêu cầu chính quyền các nước ‘‘dự báo về các ô nhiễm liên hệ với biến đổi khí hậu, tác động đến các quốc gia và môi trường biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia mình’’.

 

Theo Tòa án Quốc tế về Luật biển, việc thực thi các nghĩa vụ nói trên là điều kiện căn bản giúp ‘‘bảo vệ các hệ sinh thái khỏe mạnh, với mục tiêu đối phó một cách hiệu quả và công bằng với ba cuộc khủng hoảng quy mô hành tinh (biến đổi khí hậu, thiên nhiên bị hủy diệt và ô nhiễm - theo Liên Hiệp Quốc), cản trở việc các quyền con người được thực thi thực sự’’. 

 

Đọc thêm : 193 thành viên Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố chung thừa nhận “đại dương lâm nguy”

 

Tòa án Quốc tế về Luật biển là cơ quan tư pháp độc lập, được thành lập theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (năm 1982). Thông thường Tòa án Quốc tế về Luật biển đưa ra các phán quyết về các tranh chấp liên quan việc xác định ‘‘các ranh giới trên biển’’, bảo vệ và quản lý các nguồn đa dạng sinh học biển… Đây là lần đầu tiên Tòa án này đưa ra phán quyết về tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường biển.

 

 

Lần đầu tiên tòa quốc tế ra phán quyết về biến đổi khí hậu

 

Vì sao phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật biển được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử ? Theo giới quan sát, đây là lần đầu tiên một tòa án quốc tế đưa ra phán quyết về vấn đề biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Đây là một thắng lợi đối với các tiểu quốc đảo, các nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu, với nguy cơ bị nạn nước biển dâng cao nhấn chìm một phần và các hệ sinh thái san hô biến mất, trong lúc bản thân các quốc gia này lại chỉ góp một phần vô cùng nhỏ vào việc tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

·        Đọc thêm : Biến đổi khí hậu - Các đảo quốc tí hon muốn lãnh đạo hành tinh

 

Bất công là vô cùng lớn. Chênh lệch về tương quan lực lượng cũng vô cùng lớn. Giới quan sát ví đây như ''chiến thắng của chàng David nhỏ bé trước gã khổng lồ Goliath'' trong huyền thoại châu Âu thời cổ đại. Về chủ đề này, nhật báo Libération có bài phỏng vấn luật gia Sophie Gambardella, Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, chuyên về luật quốc tế và chuyên gia về quản lý bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh học biển. Bà nhận định phán quyết của Tòa TIDM có ‘‘ý nghĩa biểu tượng rất quan trọng’’, khẳng định ‘‘một bước đột phá thực sự ở tầm quốc tế’’ liên quan đến các tranh chấp về khí hậu.

 

Vấn đề khí thải với đại dương từng được giao cho Cơ quan Hàng hải Quốc tế

 

Cho đến nay, mối liên hệ giữa đại dương và khí hậu rất hiếm khi được dẫn ra trong các thương thuyết quốc tế, cho dù báo cáo của GIEC, cơ quan liên chính phủ về khí hậu, đã đề cập đến vấn đề này năm 2019. Về luật quốc tế, vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã hoàn toàn được ủy thác cho Cơ quan Hàng hải Quốc tế (OMI), định chế của Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề giao thông hàng hải. Rõ ràng vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đến đại đương như vậy đã rất bị coi nhẹ, trong lúc các hậu quả của biến đổi khí hậu đối với biển đã trở nên rất rõ ràng, với việc nước biển dâng cao, nước biển bị axit hóa hay san hô – thường được mệnh danh là ''rừng trong biển'' – bị tẩy trắng.

 

Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển ra đời vào năm 1982 vào lúc nhân loại chưa phải đối phó với đại khủng hoảng khí hậu. Việc toàn bộ các thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật biển ra phán quyết về tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính với môi trường biển, theo luật gia Sophie Gambardella, sẽ mang lại một ''ảnh hưởng quan trọng''. Có thể nói phán quyết này đã ‘‘lấp đi nhiều khoảng trống trong các văn bản luật quốc tế về khí hậu, vốn không nhắc đến rõ ràng vai trò của các quốc gia’’ trong lĩnh vực này.

 

Lấp khoảng trống pháp lý: Xác lập ''cầu nối'' giữa khí hậu và đại dương

 

Phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật biển có khả năng được thực thi hay không ? Phán quyết nói trên của Tòa án Quốc tế về Luật biển mặc dầu không mang tính cưỡng chế, nhưng mở đường cho việc bảo vệ đại dương. Theo luật gia Sophie Gambardella, ‘‘mọi giải thích mới về Công ước (của Liên Hiệp Quốc về Luật biển)’’, liên quan đến khí hậu và đại dương, trong tương lai đều sẽ phải dựa trên phán quyết của tòa TIDM, ‘‘xác lập cầu nối giữa các quy chế pháp lý về khí hậu và các quy chế pháp lý liên quan đến đại dương’’.

 

Phán quyết này chắc chắn sẽ bị các quốc gia dầu mỏ, trong đó có Hoa Kỳ (không tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển) phản bác, nhưng điều này không cản trở việc phán quyết có được ‘‘tính chính đáng cao’’, do việc Tòa đã tham vấn tổng cộng 34 quốc gia (trong đó có Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út…), 4 định chế liên chính phủ (gồm Liên Hiệp Quốc) và nhiều tổ chức phi chính phủ về vấn đề này, trước khi đưa ra phán quyết. 

 

 

Thúc đẩy các vụ kiện về khí hậu

 

Các vụ kiện về khí hậu tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo Liên Hiệp Quốc, từ 884 vụ năm 2017 tăng lên thành 2018 vào năm 2022. Việc người dân tăng cường khiếu kiện về khí hậu sẽ gây áp lực lớn buộc các quốc gia phải có các hành động thực chất và hiệu quả hơn trong việc thực thi các cam kết về khí hậu. Pháp quyết nói trên của Tòa án Quốc tế về Luật biển được nhiều chuyên gia, như luật sư Pyam Akhavan, của nhóm các tiểu quốc đảo COSIS, xem như là một bổ sung quan trọng, giúp tăng cường cơ sở pháp lý cho Hiệp định Khí hậu Paris 2015, buộc các quốc gia phải có cam kết và lộ trình hành động khớp với mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C so với thời tiền công nghiệp, đã ghi trong Hiệp định.

 

Theo Le Monde, phán quyết của Tòa án Luật biển Quốc tế ‘‘có thể được dùng làm cơ sở cho việc xét xử các vụ kiện khí hậu đang diễn ra, hoặc khuyến khích các vụ kiện mới’’. Phán quyết này cũng đồng thời ‘‘có thể có ảnh hưởng đến các định chế tư pháp quốc tế khác’’, như Tòa án Công lý Quốc tế, trong việc người dân kiện các quốc gia về việc không tuân thủ các nghĩa vụ đối với khí hậu. Từ đây đến 2025, Tòa án Công lý Quốc tế, theo một nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (được cả bốn quốc gia phát thải nhiều nhất, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Brazil, bỏ phiếu thuận), có kế hoạch đưa ra một phán quyết về nghĩa vụ khí hậu của các quốc gia.

 

--------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐẠI DƯƠNG - KHÍ THẢI

Đại dương: Chủ đề lớn gần như bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26

 

QUỐC TẾ - KHÍ HẬU

GIEC cảnh báo :« Cứu đại dương để cứu nhân loại »

 

KHÍ HẬU - KHỦNG HOẢNG

‘‘Kiểm tra sức khỏe định kỳ’’: Bệnh tình Trái đất trầm trọng hơn trong năm 2022

 





No comments:

Post a Comment