Wednesday, May 29, 2024

CUỘC ĐẠI CẢI CÁCH CỦA NGÀNH CÔNG AN DƯỚI THỜI TÔ LÂM (Đình Thế Vinh / Luật Khoa tạp chí)

 



Cuộc đại cải cách của ngành công an dưới thời Tô Lâm

Đình Thế Vinh

MAY 28 202411:00 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/05/cuoc-dai-cai-cach-cua-nganh-cong-an-duoi-thoi-to-lam/

 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w600/format/webp/2024/05/To--La-m.jpeg

Nguồn ảnh: Cổng thông tin Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, Học viện Cảnh sát Nhân dân. Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

Dưới thời ông Tô Lâm làm bộ trưởng, ngành công an đã thực hiện một cuộc đại cải cách. Nhân khi ông vừa thôi chức bộ trưởng và đăng quang chức chủ tịch nước hôm 22/5 vừa qua, chúng ta thử nhìn lại một trong những di sản của ông: cuộc 'tinh giản biên chế' ngành công an.

 

Hai văn bản quan trọng liên quan tới chủ đề này là Đề án số 19 và Phương án số 01 của Bộ Công an. Hai tài liệu này không được công khai, nhưng đều được nhắc đến trong các đợt công bố và triển khai thực hiện ở các cơ quan công an cấp dưới. Sau mấy năm, các địa phương đã báo cáo kết quả.

 

Những thông tin này dù ít ỏi nhưng cũng đủ để cho chúng ta thấy số lượng người bị giáng chức, đưa về địa phương, cũng như những vây cánh mọc ra ở cấp cơ sở.

 

Một mặt, số cơ quan ở cấp trung ương và cấp tỉnh được rà soát và tinh gọn lại. Việc bóp gọn lại hệ thống làm giảm số tướng tá cấp trung cần nắm đầu ít đi, như vậy càng tăng cường thêm sức mạnh của người đứng đầu bộ.

 

Mặt khác, số công an cấp cơ sở nở phình ra, mở thêm nhiều tai mắt và hệ thống chân rết ở địa phương.

 

Việc tinh giản bộ máy của Bộ Công an nằm trong một cuộc “đại tinh giản biên chế” các cơ quan chính phủ ở rất nhiều bộ, ngành. Trong đó, Việt Nam cắt giảm tới 25 tổng cục của các bộ và cơ quan ngang bộ. [1] Tuy nhiên, riêng tại Bộ Công an, cuộc tinh giản bộ máy này lại có ý nghĩa chính trị đặc biệt, do đây là một bộ đặc thù, có quyền lực và quy mô vô cùng lớn. 

 

 

Tinh giản bộ máy cấp trên, củng cố quyền lực

 

Năm 2018, Bộ Công an triển khai Nghị định số 01/2018/NĐ-CP “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức” của bộ này. [2]

 

Cần nói thêm một chút về nghị định này. Nếu bạn tìm số nghị định này trên mạng, bạn sẽ thấy nó là một văn bản được ban hành ngày 3/1/2018, quy định về “Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc”, chẳng liên quan gì tới Bộ Công an. Còn trong các bản tin lẫn văn bản chính thức của chính quyền, chẳng hạn văn bản này, bạn sẽ thấy một nghị định cùng số ký hiệu nhưng lại được ban hành ngày 6/8/2018, quy định về Bộ Công an. [3]

 

Nếu để ý, bạn sẽ thấy nghị định số 01 bao giờ cũng được ban hành vào tháng Một của năm, không thể có chuyện tới tháng Tám mới ban hành nghị định đầu tiên trong năm. Đây là chuyện khó hiểu.

 

Quay trở lại với vấn đề chính. Bộ Công an đã nghiên cứu lại thực trạng bố trí cán bộ của các đơn vị cơ quan cấp bộ tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đối chiếu với nhu cầu thực tế, rồi tái cơ cấu các cơ quan này cho phù hợp với mô hình tổ chức mới. [4]

 

Kết quả là một năm sau, tính đến ngày 1/6/2019, các cơ quan của Bộ Công an đã giảm 1.322 người.

Sang năm tiếp theo, Bộ Công an tiếp tục điều động 1.166 cán bộ ở các cơ quan cấp bộ về các địa phương. Những cơ quan cấp bộ này gồm các cục trực thuộc bộ, các học viện, trường đại học của bộ. [5]

 

Thông tin đáng lưu ý là có 24 lãnh đạo, chỉ huy và 55 cán bộ tại cấp bộ đã được luân chuyển về địa phương công tác. Kết quả là trong bốn năm, từ 2018 đến 2021, số cán bộ tại các cơ quan cấp bộ của Bộ Công an đã giảm về mức khoảng 15 - 17% so với toàn lực lượng cả nước. [6]

 

Trước đó, trong vòng 5 năm từ 2015 - 2020, Bộ Công an đã giảm hơn 30.500 vị trí trong biên chế. [7]

 

Về mặt tổ chức lại lực lượng tại Bộ Công an, những thông tin trên gắn liền với một kết quả về nhân sự tại bộ này: giảm sáu tổng cục, một đơn vị tương đương cấp tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục. [8]

 

Ngoài ra, tính đến cuối năm 2019, Bộ Công an đã điều động, bố trí lại 35 lãnh đạo tổng cục sang các đơn vị khác, gồm 27 cục trưởng, giám đốc công an tỉnh; hai phó cục trưởng; hai vị tướng được/bị chuyển đến ban nghiên cứu giúp việc cho bộ trưởng và bốn người nghỉ hưu.

 

Bộ này còn điều động 421 lãnh đạo cục, trong đó có 418 lãnh đạo giữ các chức vụ cục trưởng, phó cục trưởng, giám đốc, phó giám đốc công an địa phương.

 

Kết quả, ông Tô Lâm đã giảm biên chế cơ quan cấp bộ và mở rộng nhân lực cho công an địa phương với 2.669 cán bộ. [9]

 

 

Những thông tin này có ý nghĩa gì? 

 

Bộ Công an Việt Nam là cơ quan có quy mô rất lớn, với các đơn vị trải rộng qua nhiều lĩnh vực, từ tình báo, điều tra tội phạm, an ninh nội địa, đến giao thông, phòng cháy chữa cháy, hải quan.

 

Nếu so sánh với các cơ quan phụ trách về an ninh ở một mô hình dân chủ, Bộ Công an Việt Nam sẽ được tách ra thành nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, hoặc phân chia các cục sang nhiều bộ, ngành khác nhau. Ví dụ, nếu ở Mỹ, thì đó sẽ là Bộ An ninh Nội địa, Cục Tình báo Trung ương (trực thuộc Phủ Tổng thống), Cục Điều tra Liên bang (trực thuộc Bộ Tư pháp), Cục Quản lý Trại giam (trực thuộc Bộ Tư pháp) và nhiều cơ quan khác.

 

Quy mô quá lớn dẫn đến điều gì? Các vị tướng cấp trung, phụ trách các tổng cục, cục, tức là nhánh quyền lực khác nhau, đều có lực lượng của riêng họ. Do đó, quyền lực của các vị tướng cấp trung trở nên lớn không kém gì một vị bộ trưởng phụ trách ngành tương đương ở các nước dân chủ.

 

Thực tế, nhiều tướng tá cấp trung nắm quyền một lực lượng nhất định nói trên có thể làm cho quyền lực bộ trưởng công an bị suy yếu. Vị bộ trưởng không nắm trực tiếp các nhánh quyền lực bị phân mảnh trong bộ mình mà phải thông qua các lãnh đạo của các tổng cục đó. Trong lần cải cách này, Bộ Công an của Đại tướng Tô Lâm đã cắt bỏ sáu tổng cục. [10]

 

Kết quả của việc cắt bỏ các tổng cục trung gian này là gì? Các cấp trung gian của một bộ máy quan liêu khổng lồ vẫn còn đó, nhưng suy giảm quy mô, thông đường cho quyền lực của bộ trưởng đi thẳng xuống các lực lượng bên dưới.

 

 

Mở rộng chân rết cấp dưới

 

Như đã nói ở phần đầu, cuộc “cách mạng” tinh giản biên chế, cắt bỏ 25 tổng cục của các cơ quan cấp bộ của Chính phủ không chỉ diễn ra riêng ở Bộ Công an.

 

Nhưng Bộ Công an không giống như các bộ khác ở một điểm đặc biệt: trong khi cắt giảm các cơ quan trung gian thì Bộ Công an lại mở rộng nhân lực tại các cấp cơ sở. Còn các bộ khác thì suy giảm nhân lực ở tất cả các cấp.

 

Năm 2020, ông Tô Lâm đề xuất tăng gấp đôi lực lượng an ninh cơ sở. Báo Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi đó, cho biết sau khi thống nhất lực lượng an ninh cơ sở thì toàn lực lượng có khoảng 1,5 triệu người. [11]

 

Con số 1,5 triệu người thuộc lực lượng an ninh cơ sở này có nghĩa là gì? Nghĩa là, như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (ông Hoàng Thanh Tùng) nhận xét, thực tế, khi triển khai quy định tại dự luật này thì nhân lực sẽ tăng lên gấp đôi, từ hơn 741.000 người lên 1,5 triệu người.

 

 

So với các ngành khác 

 

"Người dân không đến mức là ăn rồi chỉ vi phạm pháp luật mà chúng ta bố trí lực lượng lớn như thế này, trong khi đó đất nước còn phải đầu tư cho phát triển, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội".

Đó là nhận xét của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ trước vấn đề phình to bộ máy công an cấp cơ sở. [12]

 

Hãy thử so sánh với các ngành khác như y tế, giáo dục.

 

Đối với ngành y, Chính phủ Việt Nam công bố quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021 - 2030, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 33 giường bệnh, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, tăng từ con số 32 giường bệnh và 12,5 bác sĩ hiện nay. [13]

 

Đối với ngành giáo dục, năm 2022, Việt Nam thiếu khoảng 100.000 giáo viên. Sang năm 2023, tình hình nghiêm trọng hơn, thiếu hụt thêm hơn 11.000 người, nâng con số thiếu hụt lên 118.253 giáo viên. [14]

 

Trong khi đang thiếu giáo viên như vậy thì năm học 2022 - 2023, hơn 9.000 giáo viên bỏ việc. [15] Cùng với các nguyên nhân khác, giai đoạn 2015 - 2021, số giáo viên thực tế bị giảm đi lên tới 48.000 người, trong khi đó, số học sinh tăng thêm 2,5 triệu người. [16]

 

Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng, đã có quyết định giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026, tức chỉ được bổ sung khoảng một nửa số giáo viên thiếu. [17]

 

Một vài con số nói trên cho thấy mức đầu tư nhân lực các ngành cốt yếu cho đời sống của người dân như y tế, giáo dục chỉ tăng nhẹ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, ngành công an - một ngành chủ chốt trong bảo vệ sự tồn vong của chế độ, thì càng được củng cố đông đảo.

 

------------

Chú thích:

 

[1] Hằng T, Cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, cắt giảm 25 tổng cục (VietNamNet News 2023): https://vietnamnet.vn/cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-cat-giam-25-tong-cuc-2152243.html (accessed 23 May 2024).

 

[2] congan.com.vn. “Triển khai nghị định của Chính phủ về cơ cấu tổ chức Bộ Công an” Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh, 7 Aug. 2018: congan.com.vn/tin-chinh/trien-khai-nghi-dinh-cua-chinh-phu-quy-dinh-chuc-nang-nhiem-vu-quyen-han-va-co-cau-to-chuc-cua-bo-cong-an_59988.html (accessed 23 May 2024).

 

[3] Xem: https://xuatnhapcanh.gov.vn/sites/default/files/Q%C4%909080.BCA_.pdf

 

[4] [5] [6] Bộ Công an tăng cường sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả’ (Tcnn.vn 2024): https://tcnn.vn/news/detail/53334/Bo-Cong-an-tang-cuong-sap-xep-to-chuc-bo-may-doi-ngu-can-bo-tinh-gon-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua.html (accessed 23 May 2024).

 

[7] Bộ Công an đã giảm hơn 30.500 biên chế trong 5 năm. (2020, October 8). VOV.VN. https://vov.vn/chinh-tri/bo-cong-an-da-giam-hon-30500-bien-che-trong-5-nam-784510.vov

 

[8] Bộ Công an tăng cường sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả’ (Tcnn.vn 2024): https://tcnn.vn/news/detail/53334/Bo-Cong-an-tang-cuong-sap-xep-to-chuc-bo-may-doi-ngu-can-bo-tinh-gon-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua.html (accessed 23 May 2024).

 

[9] Bộ Công an tăng cường sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (Bacgiang.gov.vn 2024) https://snv.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/aRIn3er4plGA/content/bo-cong-an-tang-cuong-sap-xep-to-chuc-bo-may-oi-ngu-can-bo-tinh-gon-hoat-ong-hieu-luc-hieu-qua (accessed 23 May 2024).

 

[10] News V, Cách mạng tinh gọn bộ máy 2018: Bỏ êm 6 tổng cục Bộ Công an, (VietNamNet News 2018): https://vietnamnet.vn/cach-mang-tinh-gon-bo-may-2018-bo-em-6-tong-cuc-bo-cong-an-492790.html (accessed 23 May 2024).

 

[11] Đọc thêm bài viết tại đây: https://thanhnien.vn/bo-truong-cong-an-luc-luong-an-ninh-trat-tu-co-so-khoang-15-trieu-nguoi-185993032.htm

 

[12] Hoàng Thùy, Tranh luận về lực lượng 1,5 triệu người tham gia bảo vệ an ninh cơ sở, (vnexpress.net17 November 2020) https://vnexpress.net/tranh-luan-ve-luc-luong-1-5-trieu-nguoi-tham-gia-bao-ve-an-ninh-co-so-4192941.html (accessed 23 May 2024).

 

[13] Tin-ảnh: N.Dung. (2024, February 28). Việt Nam đặt mục tiêu 15 bác sĩ/vạn dân. Nld.com.vn: https://nld.com.vn/viet-nam-dat-muc-tieu-15-bac-si-van-dan-196240228205038154.htm

 

[14] Xuân Quý, Cả nước thiếu tới 118.253 giáo viên, số lượng ngày càng tăng, Báo Đại Biểu Nhân Dân’ (Báo Đại biểu Nhân dân; 18 August 2023) https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/ca-nuoc-thieu-toi-118-253-giao-vien-so-luong-ngay-cang-tang-i340411/ (accessed 23 May 2024).

 

[15] Năm học 2022-2023, hơn 9.000 giáo viên bỏ việc, (baodautu 2022): https://baodautu.vn/nam-hoc-2022-2023-hon-9000-giao-vien-bo-viec-d194670.html (accessed 23 May 2024).

 

[16] Lê Huyền, Cả nước giảm hơn 48 nghìn giáo viên nhưng tăng 2,5 triệu học sinh (VietNamNet News2022) https://vietnamnet.vn/ca-nuoc-giam-hon-48-nghin-giao-vien-nhung-tang-2-5-trieu-hoc-sinh-2053771.html (accessed 23 May 2024). 

 

[17] Lưu Diễm, Đến năm 2030, cả nước cần bổ sung thêm 358.579 giáo viên, (Giáo dục Việt Nam30 April 2024) https://giaoduc.net.vn/den-nam-2030-ca-nuoc-can-bo-sung-them-358579-giao-vien-post242225.gd (accessed 23 May 2024).

 

 





No comments:

Post a Comment