Tuesday, May 14, 2024

CHỈ VIỆN TRỢ CỦA HOA KỲ SẼ KHÔNG CỨU ĐƯỢC UKRAINE (Jack Watling  -  Foreign Affairs)

 



Chỉ viện trợ của Mỹ sẽ không cứu được Ukraine

Jack Watling  -  Foreign Affairs  

11/05/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/05/11/chi-vien-tro-cua-my-se-khong-cuu-duoc-ukraine/

 

Để tồn tại, Kyiv cần phải xây dựng các lữ đoàn mới và buộc Moscow phải đàm phán.

 

Sau nhiều tháng trì hoãn, việc Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine đã tạo ra cho Kyiv một phao cứu sinh cần thiết. Tuy nhiên, chỉ gói viện trợ này thôi thì không thể giải quyết những vấn đề lớn hơn của Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Lực lượng Ukraine đang bảo vệ tiền tuyến trải dài khoảng 600 dặm ở phía nam và phía đông của đất nước, và sự trì trệ kéo dài ở Washington đã khiến quân đội Ukraine bị dàn mỏng nghiêm trọng. Làn sóng vũ khí và đạn dược của Mỹ sẽ làm tăng đáng kể chi phí cho cuộc tấn công mùa hè sắp tới của Nga. Gói viện trợ cũng cung cấp cho các lực lượng Ukraine đủ vật tư để hỗ trợ cho việc lên kế hoạch quân sự có hệ thống hơn cho mùa hè và mùa thu.

 

Tuy nhiên, việc chấm dứt chiến tranh theo những điều khoản thuận lợi cho Ukraine sẽ đòi hỏi nhiều hơn việc đơn thuần chỉ cung ứng trang thiết bị mới. Hơn hai năm kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, mục tiêu của Moscow trong cuộc chiến vẫn không thay đổi: Điện Kremlin tìm cách khuất phục Kyiv. Những hỗ trợ mang tính không ổn định và sự trì hoãn chính trị từ phía các đối tác quốc tế của Ukraine đã khiến kết cục đó trở nên ngày càng khả thi hơn. Nếu Ukraine muốn ngăn chặn chiến thắng của Nga trong dài hạn, họ sẽ cần một chiến lược toàn diện. Điều này đồng nghĩa với một chương trình huấn luyện, trang bị và huy động lực lượng mới. Điều đó có nghĩa là thuyết phục Điện Kremlin rằng việc tiếp tục cuộc chiến sẽ ngày càng trở nên rủi ro đối với Nga theo thời gian. Cũng có nghĩa là thiết lập một vị thế đủ mạnh để Ukraine có thể tự mình đặt ra các quy tắc của một nền hòa bình lâu dài.

 

Không có nhiệm vụ nào trong số này là đơn giản, và không có nhiệm vụ nào có thể hoàn thành chỉ trong một đêm. Ukraine và các đối tác quốc tế cũng không thể lãng phí thời gian trong việc xây dựng một kế hoạch tiến lên phía trước. Mỹ và các đồng minh NATO sẽ cần đưa ra các cam kết dài hạn rõ ràng; buộc Nga đàm phán sẽ đặc biệt khó khăn. Nhưng những lựa chọn khác còn tồi tệ hơn nhiều. Nếu không có một chiến lược tổng thể như vậy, thời gian xung đột có thể kéo dài, nhưng quỹ đạo của nó sẽ không thay đổi.

 

 

Vật lộn với bom lượn

 

Kể từ mùa thu năm 2023, tình hình chiến trường của Ukraine ngày càng xấu đi. Phần lớn là do thiếu hụt đạn dược, quân đội Ukraine buộc phải nhường lãnh thổ cho quân đội Nga, thường là sau khi chịu thương vong đáng kể. Nga đã tập trung khoảng 470.000 quân ở Ukraine và có ý định sử dụng số quân này để cố gắng hoàn thành việc chinh phục Donbas trong khoảng thời gian còn lại của năm 2024. Các lực lượng Nga đang tập trung tấn công các thị trấn quan trọng ở phía đông. Chiếm đóng được chúng sẽ cho phép Nga đe dọa các trung tâm hậu cần chính của Ukraine ở trong và xung quanh khu vực Donetsk.

 

Những thảo luận về các cuộc tấn công mới của Nga có thể gợi lên hình ảnh các đơn vị xe tăng tấn công phòng tuyến Ukraine, đột phá và sau đó cố gắng khai thác những thành quả đó sâu vào các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát để cắt rời các đơn vị Ukraine. Nhưng hiện tại, Nga không có khả năng thực hiện những chiến dịch như vậy, và cũng không có ý định làm như vậy. Sau hơn hai năm chiến tranh, đội ngũ sĩ quan chuyên nghiệp của Nga đã phải chịu tổn nhất nhân mạng nặng nề, khả năng lên kế hoạch và đồng bộ các cuộc tấn công quy mô lớn của họ bị hạn chế. Các cuộc tấn công của Nga chủ yếu bao gồm các cuộc tấn công liên tiếp ở cấp tiểu đội và đại đội, dẫn đến tiến công chậm chạp với thương vong nặng nề.

 

Tuy nhiên, hiện tại Nga có lợi thế pháo binh hơn Ukraine gấp mười lần. Với việc thông qua gói viện trợ mới của Mỹ, lợi thế đó có thể sẽ giảm xuống còn ba chọi một ở một số khu vực, điều này sẽ làm tăng tỷ lệ thương vong của Nga. Nhưng Nga có một số cách để kéo quân đội Ukraine vào các cuộc chiến cũng gây thiệt hại nặng nề tương tự. Ví dụ, lực lượng Nga đã sử dụng bom lượn cải tiến với hiệu quả tàn phá nặng nề. Đây là những quả bom FAB-500 do Liên Xô thiết kế – những quả bom nặng nửa tấn – được trang bị cánh và bộ dẫn đường và được máy bay Nga ném từ phía sau phòng tuyến Nga. Với phạm vi khoảng 65 km, chúng có thể dễ dàng tấn công các thị trấn Ukraine, làm sập đổ các tòa nhà và buộc dân chúng phải tản cư.

 

Do đó, quân đội Ukraine thường xuyên bị buộc phải huy động lực lượng đáng kể để bảo vệ các vị trí đơn lẻ tốn kém, đơn giản là để bảo vệ các khu dân cư thoát khỏi tầm bắn bom lượn của Nga. Lấy ví dụ như Chasiv Yar, một thị trấn nhỏ trên một dãy núi quan trọng ở vùng Donetsk phía đông. Nếu nó thất thủ, lực lượng Nga sẽ giành được vị trí thuận lợi để pháo kích các thị trấn ở Donbas và các tuyến tiếp tế quan trọng của Ukraine. Do đó, quân đội Ukraine đang cố gắng trong tuyệt vọng để giữ vững thị trấn này, ngay cả khi tình hình tác chiến trở nên bất lợi hơn. Thách thức này được khuếch đại bởi hệ thống phòng không quá tải của Ukraine, tình trạng hiện nay cho phép máy bay Nga tiến gần tiền tuyến, làm tăng độ chính xác của việc ném bom. Thật không may, Ukraine càng cần các hệ thống tên lửa đất đối không để bảo vệ các thành phố của mình, thì họ càng đặt các lực lượng mặt đất ở tiền tuyến vào tình thế nguy hiểm.

 

Giải pháp cho thách thức này thường được các nhà chiến lược quân sự gọi là “phòng thủ tích cực” (active defense), sử dụng các cuộc phản công quy mô nhỏ để phá vỡ nỗ lực củng cố các bước tiến của kẻ tấn công. Ví dụ, nếu lực lượng Nga chiếm được vị trí quan trọng ở Chasiv Yar, quân đội Ukraine có thể sử dụng các cuộc phản công để cô lập vị trí đó, khiến người Nga không thể cố thủ và tiến lên. Nhưng Ukraine có rất ít lực lượng dự bị và đã mất nhiều phương tiện tác chiến cần thiết để khai thác những điểm yếu của Nga ngay sau khi họ chiếm các vị trí. Do thiếu lực lượng dự bị để phản công, Ukraine phải chấp nhận phương án tối đa hóa thương vong của Nga cho mỗi vị trí họ chiếm đóng, từ đó làm chậm tốc độ tiến quân của Nga.

 

Trong những điều kiện như thế, ngay cả việc thông qua dự luật viện trợ của Mỹ cũng chỉ có thể thay đổi một phần cục diện chiến trường. Sự trì hoãn kéo dài ở Washington đồng nghĩa với việc sẽ mất thời gian để khắc phục phần lớn thiệt hại mà Ukraine phải hứng chịu. Kyiv sẽ mất thêm đất đai vào tay Nga trong mùa hè này. Vấn đề là mất bao nhiêu và quân đội Ukraine có thể khiến Nga phải trả giá đắt như thế nào cho những thành quả đạt được.

 

 

Cần bổ sung thêm nhân lực mới, và hạn chế thương vong

 

Bên cạnh việc cung cấp đạn dược ngay lập tức, hiệu quả lớn nhất của gói viện trợ mới của Mỹ chính là sự chắc chắn. Sau nhiều tháng mà thời gian và số lượng viện trợ của Mỹ vẫn đang trong tình trạng bất định, giờ đây Ukraine sẽ có đủ thông tin rõ ràng về nguồn lực quân sự trong sáu tháng tới để cho phép họ lập kế hoạch chiến lược rộng hơn.

 

Điều quan trọng nhất là cần phải thành lập các đơn vị mới. Để làm được điều đó, Ukraine sẽ cần huy động thêm nhân lực, cải thiện hệ thống đào tạo để duy trì lợi thế chất lượng so với các đơn vị Nga và trang bị đầy đủ cho những tân binh này. Cho đến nay điều này là không thể thực hiện được. Do thiếu trang thiết bị và vũ khí, đồng thời không thể dự đoán liệu có thêm viện trợ hay không và khi nào, giới lãnh đạo quân sự Ukraine buộc phải ưu tiên tất cả trang thiết bị cho lực lượng quân đội đang ở tiền tuyến. Quy mô gói viện trợ của Mỹ – và sự hỗ trợ thêm từ các đối tác châu Âu – đồng nghĩa với việc giới lãnh đạo quân sự Ukraine giờ đây có thể thực hiện một kế hoạch cụ thể để huấn luyện và trang bị thêm cho quân đội. Ngược lại với những giả định phổ biến, Ukraine không thiếu người để động viên. (Theo một phân tích gần đây, có thể có thêm vài triệu người Ukraine có khả năng nhập ngũ). Điều Ukraine thiếu là một hệ thống tuyển mộ và đào tạo hiệu quả để đưa những người đã sẵn sàng vào lực lượng và trang bị cho họ. Những vấn đề này có thể và phải được giải quyết.

 

Các chỉ huy Ukraine cần phải thành lập các lữ đoàn mới thay vì chỉ đơn giản là khôi phục lại quân số của các đội hình hiện có. Quân đội hiện tại không đủ số lữ đoàn để luân phiên toàn bộ lực lượng ra khỏi tuyến đầu. Thay vào đó, các lữ đoàn riêng lẻ đã phải luân phiên các tiểu đoàn kiệt sức ra khỏi vùng giao tranh để nghỉ ngơi ngắn ngày – một chiến lược cung cấp thời gian nghỉ ngơi nhưng không cho phép huấn luyện tập thể cho toàn lữ đoàn, vì ban chỉ huy lữ đoàn và trang thiết bị hỗ trợ vẫn ở tiền tuyến. Do đó, điều quan trọng là Ukraine phải xây dựng và huấn luyện thêm các lữ đoàn ngay bây giờ để có thể thực hiện phòng thủ tích cực vào mùa thu. Theo thời gian, những đơn vị mới này sẽ nâng cao khả năng phản công của Ukraine.

 

Quân đội Ukraine do đó phải tiến hành huy động theo ba giai đoạn. Đầu tiên, họ phải ngay lập tức huy động lực lượng thay thế cho lực lượng hiện có trên chiến trường. Nhưng sau đó họ phải tái tạo lực lượng dự bị để cho phép các đơn vị hiện có luân chuyển, và sau đó xây dựng các đơn vị mới có khả năng tiến hành tấn công. Giai đoạn đầu là dễ giải quyết nhất. Thiết bị là yếu tố hạn chế đối với giai đoạn hai. Đối với giai đoạn ba, yếu tố hạn chế nhất là huấn luyện sĩ quan. Điều này có thể được giải quyết, nhưng nó phải được thực hiện ngay lập tức nếu Ukraine muốn thành lập lực lượng cần thiết vào mùa thu.

 

Nga có thể sẽ trở nên nguy hiểm nhất vào những tháng cuối năm 2024. Đến thời điểm đó, sau nhiều tháng hứng chịu các hoạt động tấn công của Nga, quân đội Ukraine sẽ bị kéo giãn, năng lực phòng không của họ sẽ cạn kiệt. Nga có thể sẽ có đủ quân để xoay vòng các đơn vị của mình để cho phép các cuộc tấn công liên tiếp vào mùa thu.

 

Nhưng năng lực của Nga không phải là không có giới hạn. Moscow đã đưa ra một số lựa chọn về công nghiệp và quân sự có thể hạn chế tiềm năng tấn công của họ trong năm 2025. Thứ nhất, Nga đã quyết định không mở rộng sản xuất nòng pháo, do đó sẽ có ít pháo mới có sẵn vào năm tới. Dựa trên tỷ lệ tổn thất hiện tại, kho dự trữ xe bọc thép của Nga cũng có thể sẽ bị cạn kiệt vào nửa cuối năm 2025. Điều này có nghĩa là quân đội Nga sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các trang thiết bị mới được sản xuất thay vì trang thiết bị tân trang lại từ kho dự trữ hiện có, gây ra hạn chế nghiêm trọng cho khả năng bổ sung các hệ thống vũ khí tổn thất trong trận chiến. Đồng thời, bắt đầu từ cuối năm 2024, sản xuất vũ khí của châu Âu sẽ bắt đầu tăng đều đặn khi các khoản đầu tư được thực hiện vào năm ngoái và những tháng đầu năm nay bắt đầu gặt hái kết quả. Do đó, đến năm 2025, các vấn đề về nguồn cung có thể sẽ ít cấp tính hơn đối với Ukraine và nghiêm trọng hơn đối với Nga – nếu Ukraine có thể cầm cự cho đến lúc đó.

 

Với tầm nhìn dài hạn này, thách thức đối mặt với Ukraine và các đồng minh của họ trở nên rõ ràng. Các ưu tiên hàng đầu phải là đảm bảo không chỉ cuộc tấn công mùa hè của Nga gây hao tổn chi phí cao cho Moscow mà còn đảm bảo quân đội Ukraine thực sự hiện diện để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo vào mùa thu – và lý tưởng nhất là thiết lập một tiền tuyến ổn định vào đầu năm 2025. Chỉ từ vị trí như vậy, Ukraine mới có thể giành lại quyền chủ động. Việc đạt được mục tiêu đó phụ thuộc phần lớn vào tốc độ huy động và trang bị lực lượng của Ukraine. Thứ duy nhất mà họ thiếu một cách tuyệt vọng là thời gian.

 

 

Đưa Nga đến bàn đàm phán

 

Ngay cả khi Ukraine có thể ngăn chặn đà thắng của Nga bằng cách huấn luyện, trang bị và triển khai nhanh chóng các lực lượng mới, thì những bước đi này tự chúng sẽ không tạo ra con đường để chấm dứt xung đột. Về cơ bản, điều này là do các đối tác quốc tế của Kyiv xây dựng lập luận ủng hộ dựa trên mục tiêu đơn giản hơn là duy trì khả năng chiến đấu của Ukraine thay vì buộc Nga phải đàm phán theo các điều khoản thuận lợi.

 

Mỹ và các đồng minh châu Âu cần nhận ra rằng việc giúp Ukraine vô hiệu hóa các cuộc tấn công của Nga không giống với việc đưa Ukraine vào một vị thế đàm phán vững chắc. Điện Kremlin mong muốn các cuộc đàm phán dựa trên diễn biến hiện tại của cuộc chiến: họ tin rằng một khi các cuộc đàm phán diễn ra, những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây sẽ đồng ý với gần như bất cứ điều gì, coi bất kỳ thỏa thuận nào đạt được là thành công, ngay cả khi nó không bảo vệ được Ukraine trong dài hạn. Và yêu cầu của Nga vẫn như cũ: đầu hàng trên thực tế. Để Moscow thực sự đàm phán, phải ép nước Nga đối mặt với tình huống mà xung đột kéo dài hơn nữa sẽ tạo ra mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với chính nước Nga. Chỉ khi đó, Ukraine mới có thể đạt được những nhượng bộ có ý nghĩa.

 

Nga vốn đã phải đối mặt với một số điểm nóng. Trước nhất, tổn thất trên chiến trường của Nga đối với các hệ thống quan trọng – chẳng hạn như phòng không – là vấn đề, bởi vì các hệ thống đó tạo thành bức tường thành phòng thủ thông thường của Nga trước NATO. Trang bị cho Ukraine khả năng gây hư hại hoặc phá hủy các tài sản uy tín của Nga là lợi ích to lớn của NATO. Thứ đến, Nga sẽ không thể chi trả cho cuộc chiến vô thời hạn. Các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ là một trong những công cụ để gây thiệt hại cho tính thanh khoản tài chính của chế độ, và chúng ít hiệu quả hơn các lựa chọn khác. Thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga có thể sẽ có tác động lớn hơn nhiều. Mặc dù phương Tây có nhiều lý do để tránh hỗ trợ trực tiếp các cuộc tấn công như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là Ukraine không nên thực hiện chúng.

 

Thứ ba, mặc dù công chúng Nga phần lớn ủng hộ cuộc chiến, nhưng vẫn có những bức xúc sâu sắc với chính phủ Nga có thể được khai thác. Cho đến nay, các chính phủ phương Tây đã không tích cực theo đuổi các hoạt động thông tin chống lại chính phủ Nga, một phần vì chúng được coi là leo thang và một phần vì chúng không được dự đoán sẽ có hiệu quả ngay lập tức. Ngược lại, Nga đã tiến hành các chiến dịch thông tin tích cực trên khắp châu Âu với ý định gây mất ổn định phương Tây.

 

Sự bất đối xứng này cần được khắc phục. Lo ngại của phương Tây về việc chiến tranh thông tin có thể châm ngòi cho leo thang là không thuyết phục: Điện Kremlin kiên quyết tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ vì vấn đề Ukraine, và đây là cũng là thái độ của Nhà Trắng. Hơn nữa, Điện Kremlin từ lâu đã cho rằng phương Tây đã tiến hành các chiến dịch thông tin rộng rãi nhằm chống lại họ từ năm 2011, mặc dù điều này không đúng. Do đó, bất kỳ rủi ro leo thang tiềm ẩn nào của các chiến dịch như vậy đều đã được tính đến. Bên cạnh đó, hầu hết các con đường leo thang của Điện Kremlin thực sự không liên quan đến việc chống lại các chiến dịch đó. Xét theo tình hình này, phương Tây còn có thể làm nhiều việc hơn nữa. Về lâu dài, các chiến dịch thông tin tốt hơn và nhiều hơn có thể nâng cao nhận thức của Moscow về những rủi ro trong nước do cuộc chiến tranh tốn kém của họ gây ra.

 

 

Cải thiện “hỏa lực”

 

Do hiện tại đang bị lép vế, Ukraine chưa có khả năng đưa ra các điều khoản đàm phán thuận lợi để chấm dứt chiến tranh. Ngừng bắn có thể khiến Nga tái thiết lập sức mạnh quân sự, trong khi Ukraine không thể duy trì lực lượng của mình ở quy mô hiện tại. Hơn nữa, Kyiv có thể sẽ nhận được ít hỗ trợ hơn cho việc tái thiết nếu dự đoán về  sự thù địch của Nga trở thành hiện thực trong tương lai gần. Tái thiết Ukraine sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư từ khu vực tư nhân, và mối đe dọa về một cuộc xung đột mới sẽ khiến bất kỳ khoản tài chính nào như vậy trở nên rủi ro. Để đảm bảo Ukraine có thể đàm phán với niềm tin rằng họ có thể đạt được hòa bình lâu dài, các đối tác quốc tế của Kyiv sẽ phải đưa ra những đảm bảo an ninh đáng tin cậy. Vì Ukraine không thể đề xuất những đảm bảo đó, nên các đối tác quốc tế của họ sẽ phải là người thực hiện bước đầu tiên.

 

Cuối cùng, bất kỳ kết thúc thành công nào của cuộc chiến cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng răn đe Nga một cách thuyết phục của NATO. Tư thế đó đòi hỏi liên minh không chỉ phải triển khai đủ lực lượng để chống lại mối đe dọa từ Nga mà còn phải thiết lập năng lực sản xuất đủ giữa các thành viên để duy trì dòng chảy ổn định của đạn dược trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến khác. Việc thiết lập nguồn cung này sẽ là cần thiết bất kể chiến tranh kết thúc như thế nào. Trong ngắn hạn, việc mở rộng sản xuất đạn dược sẽ rất cần thiết cho khả năng đánh bại quân đội Nga của Ukraine. Nếu Ukraine xoay xở để kéo dài cuộc xung đột và chiến tranh kết thúc có lợi cho họ, các đối tác của họ sẽ cần đạn dược để củng cố tính tin cậy của các đảm bảo an ninh. Mặt khác, nếu Nga đạt được mục tiêu của mình, thì số đạn dược này sẽ cần thiết để bảo đảm an ninh tương lai của NATO.

 

Gói viện trợ quân sự của Mỹ đã được thông qua đúng lúc để ngăn chặn sự sụp đổ của Ukraine. Nhưng để thực sự thay đổi chiều hướng của cuộc chiến, nó sẽ cần đi kèm với một chiến lược toàn diện hơn nhiều để chấm dứt cuộc chiến trong thành công. Và điều đó phải đến từ Washington, các đồng minh NATO của họ và chính Kyiv.

 

-------------

Jack Watling là Nghiên cứu viên cao cấp về Chiến tranh trên bộ tại Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia, một think tank có trụ sở tại London.

 

 

Nguồn: Jack Watling, “American Aid Alone Won’t Save Ukraine”, Foreign Affairs, 02/05/2024

 

 

 




No comments:

Post a Comment