Hiến
pháp 1967: Bản hiến pháp tiến bộ và dân chủ nhất trong lịch sử Việt Nam
Hoàng Dạ
Lan - Luật Khoa Tạp Chí
APR 26, 2024 2:30 PM
https://www.luatkhoa.com/2024/04/hien-phap-1967-ban-hien-phap-tien-bo-va-dan-chu-nhat-trong-lich-su-viet-nam/
6 điểm nổi bật.
Chuyện vốn đã hiển nhiên đến nhàm: hiến pháp là luật gốc của một
quốc gia, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xác lập luật chơi của hệ
thống chính trị. Nó không chỉ là một tài liệu pháp lý mà còn là một văn bản
định hình văn hóa và giá trị của quốc gia đó.
Trong
thời gian tồn tại của mình, Việt Nam Cộng hòa đã để lại hai bản hiến pháp mang
nhiều giá trị lịch sử và nghiên cứu. Nếu như Hiến pháp 1956 được nhiều người
xem là cơ sở hợp thức hóa sự cai trị độc đoán của chế độ Ngô Đình Diệm do tập
trung quá nhiều quyền lực vào vị trí tổng thống, Hiến pháp 1967 được xem là bản
hiến pháp dân chủ và tiến bộ bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ngày 1/11/1963, chính quyền miền Nam Việt Nam do Tổng thống Ngô
Đình Diệm lãnh đạo bị lật đổ thông qua một cuộc đảo chính quân sự. Cuộc đảo
chính đánh dấu sự kết thúc của nền Đệ Nhất Cộng hòa và dẫn đến một giai đoạn
bất ổn kéo dài bốn năm với các chính quyền quân sự và dân sự được lập ra rồi
sụp xuống liên tục.
Tình trạng bất ổn chính trị chỉ kết thúc khi Quốc hội Lập hiến
gồm 117 đại biểu được thành lập và nhóm họp để soạn thảo hiến pháp mới. Hiến
pháp 1967 là kết quả của quá trình tranh luận và thương thảo sôi nổi của nhiều
nhóm khác nhau trong Quốc hội Lập hiến. Bản Hiến pháp 1967 là viên đá đầu tiên,
đặt nền tảng cho nỗ lực xây dựng một quốc gia dân chủ của nền Đệ Nhị Cộng
hòa.
Tôi may mắn có trong tay những tài liệu quý từ thời lập hiến
1967 để hiểu rõ hơn những trăn trở và suy tư của các nhà lập hiến khi đó. Chẳng
hạn như tài liệu “Thuyết trình về hiến pháp" của Ban nghiên cứu Hiến pháp
Quốc hội Lập hiến Việt Nam Cộng hòa, hay cuốn “Hiến pháp chú thích" của
luật sư Trương Tiến Đạt, xuất bản năm 1967 ở Sài Gòn. Dựa trên những tài liệu
quý vốn không còn được lưu hành rộng rãi này, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc
sáu đặc điểm nổi bật của bản Hiến pháp 1967. [1]
Hiến pháp 1956 |
Hiến pháp 1967 |
Thiên thứ ba - Tổng thống: 18 điều, khoảng 870
từ. Thiên thứ tư - Quốc hội: 22 điều, khoảng 580
từ. Thiên thứ năm – Thẩm phán: 4 điều, 85 từ. |
Chương IV - Hành pháp: 25 điều, khoảng 570
từ. Chương III - Lập pháp: 21 điều, khoảng 940
từ. Chương V - Tư pháp: 9 điều, khoảng 460 từ. |
Hình: So sánh sơ lược Hiến pháp 1956 và 1967 của Việt Nam Cộng
hòa.
1. Chế độ cộng hòa tổng thống
Một trong những vấn đề gây tranh luận gay gắt nhất ở Quốc hội
Lập hiến là lựa chọn mô hình cộng hòa tổng thống hay cộng hòa đại nghị. Bị ám
ảnh với những hậu quả của việc tập trung quyền hành vào vị trí tổng thống dưới
thời Ngô Đình Diệm, nhiều đại biểu ủng hộ chế độ đại nghị. Tuy nhiên, bác sĩ
Phan Quang Đán cùng các lãnh tụ của Đại Việt Quốc dân Đảng là Nguyễn Ngọc Huy
và Đặng Văn Sung ủng hộ chế độ cộng hòa tổng thống. Các ông cho rằng trong một
xã hội nhiều chia rẽ, bất đồng và luôn bị cộng sản Bắc Việt đe dọa, Việt Nam
Cộng hòa cần một tổng thống mạnh do toàn thể quốc dân bầu lên nhằm ổn định
chính trị và đoàn kết các lực lượng quốc gia dưới ngọn cờ chính nghĩa chống
cộng. [2]
Bản hiến pháp cuối cùng là một sự thỏa hiệp giữa hai phe.
Về mặt đại cương, Hiến pháp 1967 thiết lập chế độ cộng hòa tổng
thống. Tổng thống nắm quyền hành pháp và được nhân dân trực tiếp bầu lên theo
lối phổ thông đầu phiếu, có nhiệm kỳ bốn năm và có thể được tái cử một lần.
Tổng thống được trao cho nhiều quyền, bao gồm quyền hoạch định
chính sách quốc gia, đề xuất các dự thảo luật và ban hành các đạo luật, là tổng
tư lệnh tối cao của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và có quyền ký sắc luật tuyên bố
tình trạng báo động, giới nghiêm trên một phần hay toàn lãnh thổ. Thủ tướng là
vị trí có ít quyền lực hơn hẳn. Tổng thống có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm thủ
tướng.
Tuy nhiên, đây không phải là một chế độ tổng thống thuần nhất
với sự phân quyền triệt để giữa hành pháp và lập pháp. So với Hiến pháp 1956,
nhánh lập pháp trong Hiến pháp 1967 được trao nhiều quyền lực hơn, bao gồm
quyền chất vấn và bất tín nhiệm chính phủ. Điều 42 của Hiến pháp 1967 quy định
“Quốc Hội có quyền khuyến cáo thay thế từng phần hay toàn thể Chính phủ với đa
số hai phần ba tổng số Dân biểu và Nghị sĩ”. Kỹ thuật giải tán nội các này được
du nhập từ chế độ đại nghị, mục tiêu là khiến cho chính phủ phải chịu trách
nhiệm trước Quốc hội cũng như tăng cường uy quyền của lập pháp trong mối tương
quan với hành pháp.
Như vậy, nội các do thủ tướng đứng đầu, phải chịu trách nhiệm
trước cả tổng thống và Quốc hội. Điều này khiến cho nội các phải chịu cảnh một
cổ hai tròng, không khác nào một nàng dâu phải phục vụ hai mẹ chồng. [3] Có thể
thấy các nhà lập hiến có dụng ý tạo ra vị trí thủ tướng nhằm san sẻ các nhiệm
vụ hành pháp với tổng thống, vừa đứng mũi chịu sào thay cho tổng thống trong
trường hợp Quốc hội bất tín nhiệm và muốn giải nhiệm chính phủ. Nhiệm kỳ cố
định bốn năm của tổng thống được kỳ vọng tạo ra sự ổn định chính trị, ngay cả
khi chính phủ bị giải tán.
Liên danh tranh cử tổng thống và phó tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
và Nguyễn Cao Kỳ trong cuộc họp báo ngày 2/9/1967, một ngày trước ngày tổng
tuyển cử năm 1967. Ảnh: U.S.Information Agency / Wikipedia.
2. Quốc hội lưỡng viện
Lập pháp nhất viện hay lưỡng viện cũng là một trong những chủ đề
gây tranh luận sôi nổi trong Quốc hội Lập hiến. Cuối cùng, ý kiến lưỡng viện
thắng thế, quyền làm luật được ủy nhiệm cho hai cơ quan là Hạ Nghị viện và
Thượng Nghị viện.
Các nhà lập hiến khi đó biện luận rằng chế độ lưỡng viện giúp
dân có nhiều đại diện hơn, quá trình làm luật được tỉ mỉ, kỹ lưỡng hơn. Chế độ
này cũng giúp giảm bớt tính độc đoán, chuyên chế của cơ quan lập pháp vì viện
này sẽ kiểm soát viện kia. Ngoài ra, các nhóm lợi ích muốn mua chuộc, thao túng
Quốc hội cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì có đến hai viện lập pháp. [4]
Theo Hiến pháp 1967, Hạ Nghị viện gồm một trăm đến hai trăm dân
biểu, được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp theo thể thức đơn danh,
trong từng đơn vị lớn nhất là tỉnh. Thượng Nghị viện gồm ba mươi đến sáu mươi
nghị sĩ, được cử tri toàn quốc bầu lên theo thể thức liên danh đa số. Như vậy
có thể xem Hạ Nghị viện là cơ quan đại diện cho các địa phương, còn Thượng Nghị
viện đại diện cho lợi ích quốc gia.
Dân biểu có nhiệm kỳ bốn năm, trong khi nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu
năm. Việc quy định thời gian nhiệm kỳ khác biệt cho dân biểu và nghị sĩ là một
phương pháp thường được áp dụng ở các nước theo chế độ lưỡng viện. Phương pháp
này đảm bảo khi một viện mãn nhiệm thì vẫn còn viện kia làm việc để sự đại diện
của nhân dân trong chính quyền được liên tục và nhiệm vụ giám sát hành pháp của
lập pháp không bị đứt quãng. [5]
Ngoài ra, Hiến pháp quy định cứ mỗi ba năm phải bầu lại phân nửa
số thượng nghị sĩ. Quy định này giúp Thượng Nghị viện thường xuyên được thay
máu để phản ánh kịp thời những biến chuyển trong nhu cầu và mong muốn của cử
tri, nhưng vẫn giữ được một nửa cũ những người đã có kinh nghiệm nghị
trường.
Trên thực tế, Thượng Nghị viện có 60 ghế, bao gồm sáu liên danh
có số phiếu cao nhất, mỗi liên danh gồm 10 người (xem hình tư liệu). Trong số
60 nghị sĩ được bầu vào Thượng Nghị viện vào năm 1967, tức là cuộc bầu cử đầu
tiên sau khi ban hành hiến pháp mới, có 30 nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm, 30
người còn lại có nhiệm kỳ ba năm. Cách xác định nhiệm kỳ này được tiến hành
theo thể thức rút thăm, ai hên thì được sáu năm, ai xui thì chỉ được ba năm.
Năm 1970, Việt Nam Cộng hòa tổ chức cuộc bầu cử bán phần Thượng viện.
Cả dân biểu và nghị sĩ đều có thể được tái cử chừng nào họ vẫn
được cử tri tín nhiệm. Dân biểu và nghị sĩ không thể kiêm nhiệm một chức vụ
công cử hay dân cử nào khác. Các chức vụ công cử bao gồm mọi vị trí trong bộ
máy nhà nước, ví dụ như bộ trưởng, thẩm phán. Các chức vụ dân cử bao gồm các vị
trí trong chính quyền do quốc dân bầu lên. Sự bất khả kiêm nhiệm giữa các chức
vụ giúp dân biểu và nghị sĩ độc lập trong việc thực hiện sứ mạng của mình cũng
như gia tăng tính minh bạch và công bằng của quy trình lập pháp.
Ngoài ra, Khoản 7 Điều 37 quy định: “Dân biểu, Nghị sĩ và người
hôn phối không thể tham dự những cuộc đấu thầu hay ký hợp đồng với các cơ quan
chính quyền”. Quy định này giúp ngăn chặn các xung đột lợi ích có thể khiến các
đại biểu dân cử đưa ra các quyết định thiên vị và tư lợi cá nhân. Một đại biểu
có các lợi ích tài chính, kinh tế liên quan đến chính quyền thì sẽ không thể
thực hiện nhiệm vụ của mình một cách vô tư, độc lập được nữa.
Có thể thấy các nhà lập hiến đặt trọng tâm vào việc xây dựng một
đội ngũ các đại diện dân cử độc lập, chuyên nghiệp, ngăn chặn xung đột lợi ích
và đảm bảo tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực và quyền lực công.
Hình:
https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/44320480.jpeg
https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/423804283.jpeg
Tiểu sử Liên danh 16 trong cuộc tranh cử Thượng Nghị viện năm
1967. Đứng đầu liên danh là ông Nguyễn Ngọc Huy, sáng lập viên của Đảng Tân Đại
Việt. Khi tranh cử Thượng viện, những ứng viên nổi tiếng nhất thường được xếp
đầu các liên danh để tăng độ nhận diện và thu hút lá phiếu của cử tri. Nguồn
ảnh: The Vietnam Center & Sam Johnson Vietnam Archive (vietnam.ttu.edu).
3. Quyền miễn trừ của đại biểu dân cử
Miễn trừ lập pháp (legislative immunity) là đặc quyền được trao
cho các đại biểu dân cử nhằm đảm bảo tính độc lập của họ và cho phép họ thực
hiện nhiệm vụ lập pháp mà không sợ bị quấy rối hay đe dọa. Nhiều quốc gia trên
thế giới đưa các điều khoản về quyền miễn trừ lập pháp vào hiến pháp và Đệ Nhị
Cộng hòa cũng tiếp thu cách làm này.
Cụ thể, Điều 37 của Hiến pháp 1967 quy định không thể truy tố,
tầm nã, bắt giam hay xét xử một dân biểu hay nghị sĩ vì những phát biểu hay
biểu quyết của họ tại nghị trường. Quyền đặc miễn này bảo vệ nghị sĩ và dân
biểu khỏi việc bị truy tố và xét xử vì các phát biểu và biểu quyết của họ, ngay
cả khi đã chấm dứt pháp nhiệm. Quy định này đặc biệt quan trọng, giúp các đại
biểu tự do phát biểu ý kiến và tham gia vào các hoạt động lập pháp mà không
phải lo ngại về các hậu quả pháp lý hoặc sự trả đũa từ chính phủ.
Hơn nữa, các đại biểu còn có quyền bảo mật nguồn gốc của các tài
liệu mà họ trình bày trước Quốc hội (Khoản 4, Điều 37). Điều này giúp bảo vệ
nguồn tin của các đại biểu, đặc biệt là trong các trường hợp tố cáo hành vi
tham nhũng hoặc lạm quyền của các nhân viên công quyền.
Điều 37 cũng quy định trong thời gian tại nhiệm, trừ trường hợp
quả tang phạm pháp, dân biểu hoặc nghị sĩ không thể bị truy tố, bắt giam hay
xét xử nếu không có sự chấp thuận của 3/4 tổng số dân biểu hoặc nghị sĩ. Quyền
đặc miễn này có tính trì hoãn sự truy tố hay xét xử trong thời gian đại biểu
tại nhiệm, nhưng không xóa bỏ trách nhiệm hình sự hoặc dân sự của đại biểu đối
với hành vi phạm tội của họ.
Có thể thấy Hiến pháp 1967 dành cho dân biểu và nghị sĩ nhiều sự
bảo vệ rất kỹ lưỡng, với mục tiêu bảo đảm tính tự do và độc lập của họ chống
lại mọi hình thức đe dọa hay áp bức có thể xảy ra. [6] So sánh Hiến pháp 1967
với Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, có thể
thấy Hiến pháp hiện nay không coi trọng việc xây dựng một đội ngũ các đại diện
dân cử định hướng chuyên nghiệp, cũng không chú trọng bảo vệ tính độc lập và
hiệu năng giám sát của lập pháp.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1600/2024/04/4392742934-1-1.jpg
Tòa nhà Hạ Nghị viện Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
4. Vai trò của Tối cao Pháp viện
Dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa và giai đoạn quân quản (1964-1967),
tư pháp không giữ được vị thế độc lập và hoàn toàn bị hành pháp lấn áp. Luật sư
Nguyễn Hữu Thống, Phó Chủ tịch Quốc hội Lập hiến 1966-1967, trong một bài
thuyết trình về hiện trạng của ngành tư pháp đã than rằng: [7]
“Hiện nay ngành tư pháp Việt Nam tuy rằng luôn luôn tự cho là
độc lập nhưng thực ra không độc lập chút nào, Thẩm phán công tố cũng như Thẩm
phán tọa xử đều dưới quyền Tổng trưởng Tư pháp, mọi việc tuyển dụng, thăng
thưởng, thuyên chuyển đều do quyết định của Tổng trưởng […] Vì vậy ông Chánh án
chỉ là một công chức của ngành hành pháp, có lẽ vì vậy mà ông Chánh án coi các
công chức cao cấp tại các tỉnh cũng như các sĩ quan là đồng nghiệp với mình,
không nghĩ đến tính cách độc lập của chức vụ Thẩm phán, hay có nghĩ đến cũng
không dám nghĩ nhiều bởi vì tự nhận là độc lập thì cũng vô lý."
Các nhà lập hiến hiểu rõ một hệ thống tư pháp thiếu tính độc lập
cùng với xu hướng lạm quyền của hành pháp trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt
có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo vệ các quyền tự do và tính thượng tôn
pháp luật. Vì vậy, Hiến pháp 1967 đã thiết lập tư pháp như một nhánh quyền lực
thứ ba, ngang hàng với hành pháp và lập pháp.
Theo Hiến pháp 1967, quyền lực tư pháp được ủy nhiệm cho Tối cao
Pháp viện, bao gồm từ chín đến mười lăm thẩm phán. Các thẩm phán này có nhiệm
kỳ sáu năm, do Quốc hội tuyển chọn và tổng thống bổ nhiệm theo một danh sách ba
mươi người do thẩm phán đoàn, công tố đoàn và luật sư đoàn bầu lên.
Tối cao Pháp viện có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và có thẩm quyền
phán quyết về tính hợp hiến của các đạo luật (của lập pháp) cũng như các sắc
lệnh, nghị định và quyết định hành chính (của hành pháp).
Để đảm bảo hệ thống tư pháp được độc lập, Hiến pháp 1967 trao
cho Tối cao Pháp viện ngân sách riêng và quyền lập quy để quản trị ngành tư
pháp. Hiến pháp cũng đặt thẩm phán xử án dưới sự kiểm soát của Tối cao Pháp
viện, thay vì chịu sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp. Các quyết định bổ nhiệm, thăng
thưởng, thuyên chuyển các thẩm phán xử án do Hội đồng Thẩm phán quyết định,
hoàn toàn độc lập với hành pháp.
Có thể thấy so với Hiến pháp 1956, Hiến pháp 1967 đã nâng địa vị
của tư pháp lên một tầm cao mới và giúp kiểm soát quyền lực của hành pháp và
lập pháp một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Điều 81 của Hiến pháp 1967 cũng quy
định rằng Tối cao Pháp viện chỉ có thể tuyên bố một đạo luật là vi hiến khi hội
đủ sự đồng thuận của 3/4 tổng số thẩm phán toàn viện. Túc số này cao hơn nhiều
so với tập quán của nhiều quốc gia khác, thường chỉ yêu cầu một đa số quá bán.
Có thể thấy các nhà lập hiến vẫn có nhiều lo ngại về việc tạo ra “một siêu cơ
quan nắm trọn quyền để trở thành độc tài” và đã đặt ra túc số 3/4 nhằm ngăn
chặn điều này. [8]
https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/image005-1.webp
Các liên danh tranh cử ở miền Nam ra mắt cử tri năm 1967. Ảnh:
Chân Trời Mới/Chưa rõ nguồn.
5. Khuyến khích tiến tới chế độ lưỡng đảng
Các nhà lập hiến nhận định “chánh đảng đóng vai trò thiết yếu
trong chế độ dân chủ”, và tôn trọng quyền tự do lập đảng, nhưng đồng thời
“khuyến khích” việc tiến tới chế độ lưỡng đảng (Điều 99 và Điều 100). Họ cho
rằng chế độ lưỡng đảng, với chỉ hai đảng đủ mạnh để nắm chính quyền, ví dụ như
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở Hoa Kỳ, Công Đảng và Đảng Bảo thủ ở Anh, thì ưu
việt hơn so với hệ thống có nhiều đảng tranh giành quyền lực.
Các nhà lập hiến cho rằng trong chế độ lưỡng đảng, khi đảng cầm
quyền điều hành chính phủ thất bại thì đảng đối lập tất yếu sẽ giành được quyền
lãnh đạo ở kỳ bầu cử tiếp theo, từ đó tạo ra sự ổn định chính trị. Họ không
muốn miền Nam Việt Nam rơi vào sự hỗn loạn như nền Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng hòa
Pháp với các chính phủ được lập ra rồi sụp đổ liên tục do sự thay đổi thường
xuyên của đảng cầm quyền hoặc liên minh các đảng cầm quyền. [9] Tuy Hiến pháp
tán trợ việc tiến tới chế độ lưỡng đảng, văn bản này lại không quy định rõ sẽ
thực hiện điều này bằng phương thức nào. [10]
Hiến pháp 1967 cũng “công nhận sự định chế hóa đối lập chính
trị” (Điều 101). Sở dĩ điều này được đưa vào Hiến pháp là vì các nhà lập hiến
bị mắc kẹt giữa một bên là việc duy trì vị trí tổng thống do toàn dân bầu lên
nhằm giữ sự ổn định chính trị và đoàn kết quốc gia trong hoàn cảnh chiến tranh,
với một bên là nhu cầu bảo vệ các quyền của phe đối lập, tránh việc tái lập chế
độ độc tài gia đình trị như thời Ngô Đình Diệm. [11]
Trong chín năm tồn tại của nền Đệ Nhất Cộng hòa, nhiều tiếng nói
đối lập cũng như các đảng phái chính trị bị đàn áp, vùi dập. Nhiều nhà bất đồng
chính kiến và các chiến sĩ quốc gia bị tù đày, tra tấn, bị gán cho các tội danh
như phản quốc, phá rối trật tự trị an, âm mưu lật đổ chính phủ. [12] Do đó,
nhiều nhà lập hiến cho rằng việc công nhận và hợp pháp hóa đối lập chính trị là
cần thiết nhằm xây dựng một chế độ dân chủ tự do.
Tuy hiểu được trăn trở của các nhà lập hiến, người viết cho rằng
việc xem đối lập là một thực thể cần được định chế hóa như trong Hiến pháp 1967
là thừa thãi. Người viết đồng ý với nhận định dưới đây của luật sư Trương Tiến
Đạt, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội Lập hiến: [13]
“Hễ công nhận quyền tự do lập đảng, lập hội, quyền tự do tư
tưởng, tự do ngôn luận, thì chúng ta cũng buộc phải công nhận sự hiện diện của
những tư tưởng chống đối, những chính đảng đối lập. Trong lãnh vực nghị trường,
đối lập là trạng thái của phe thiểu số. Ở bên ngoài, đối lập là trạng thái của
những chính đảng ở ngoài chính quyền. Tóm lại, đối lập là vị trí của những tư
tưởng chính trị ở ngoài chính quyền, ở trong những tổ chức thiểu số tại nghị
trường […] Do đó, đối lập không phải là một thực thể mà chúng ta cần phải tạo
dựng nên bằng cách định chế hóa, nhưng chỉ là một trạng thái mà chúng ta buộc
phải chấp nhận vì sự đòi hỏi của các nguyên tắc tự do dân chủ.”
https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/732937.jpeg
Người dân Sài Gòn thời Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
6. Các quyền tự do căn bản của công dân
Một nền dân chủ hoàn thiện đòi hỏi nhà nước phải tự hạn chế
quyền lực của mình và tôn trọng các quyền tự do căn bản của công dân, bao gồm
quyền sống, quyền tài sản, danh dự; quyền tự do ngôn luận; tự do tư tưởng; tự
do hội họp; tự do tín ngưỡng; quyền bầu cử và ứng cử; quyền tư hữu; quyền tự do
kinh doanh và cạnh tranh; quyền an toàn nhân thân và quyền biện hộ, v.v. Các
quyền này được cả Hiến pháp 1956 và 1967 thừa nhận và bảo vệ.
Tuy ghi nhận những quyền tự do căn bản của công dân, Hiến pháp
1956 lại trao cho tổng thống nhiều quyền lực để hạn chế các quyền này. Cụ thể,
Điều 98 Hiến pháp 1956 cho phép tổng thống trong pháp nhiệm đầu tiên có thể tạm
đình chỉ các quyền tự do căn bản để “thỏa mãn những thích đáng của an toàn
chung, trật tự công cộng và quốc phòng”. Điều 44 của Hiến pháp này cho phép
tổng thống “ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm
trong một hay nhiều vùng. Các sắc lệnh này có thể tạm đình chỉ sự áp dụng một
hoặc nhiều điều đạo luật tại những vùng đó.” Theo luật sư Nguyễn Hữu Thống và
Nguyễn Duy Cung, với danh nghĩa bảo vệ trật tự trị an và quốc phòng, chính
quyền Ngô Đình Diệm đã lần lượt viện dẫn hai điều luật trên để hạn chế nhiều
quyền tự do của công dân, có thể nói là đã “dùng những đường lối độc tài để
chống lại chế độ độc tài đảng trị” Bắc Việt. [14]
Rút kinh nghiệm từ vết xe đổ của nền Đệ Nhất Cộng hòa, các nhà
lập hiến của Đệ Nhị Cộng hòa đã sử dụng một số kỹ thuật lập hiến để bảo vệ tốt
hơn các quyền tự do này. Ví dụ, Điều 29 của Hiến pháp 1967 quy định trong
trường hợp đặc biệt cần phải hạn chế các quyền công dân căn bản, chỉ có cơ quan
lập pháp mới có thể đề ra các hạn chế đó bằng một đạo luật.
Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra các sự kiện đột ngột về chính
trị, quân sự hay xã hội, cần có sự can thiệp ngay lập tức từ chính quyền, tổng
thống được ủy quyền để tuyên bố tình trạng báo động hay giới nghiêm trên một
phần hay toàn lãnh thổ (Khoản 1 Điều 64). Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình
hình, trong sắc luật của tổng thống, một hay nhiều quyền tự do công dân, ví dụ
như quyền tự do cư trú và đi lại, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do nghiệp
đoàn và đình công, có thể bị hạn chế ít hay nhiều. Tuy nhiên, Hiến pháp 1967
quy định các sắc luật do tổng thống ban hành sẽ phải được Quốc hội phê chuẩn,
sửa đổi hoặc bãi bỏ. Quốc hội phải được triệu tập chậm nhất mười hai ngày kể từ
ngày ban hành tình trạng báo động, giới nghiêm hay khẩn trương (Khoản 2 Điều
64). [15]
***
Tóm
lại, Hiến pháp 1967 của Việt Nam Cộng hòa không chỉ là một bộ khung pháp lý mà
còn là biểu tượng của mong muốn xây dựng một xã hội dân chủ, tự do và công
bằng. Trong bối cảnh chính trị Việt Nam rối ren như hiện nay, khi các phe phái
trong nội bộ Đảng Cộng sản tranh giành quyền lực, việc nghiên cứu những nội
dung cơ bản của Hiến pháp 1967 cũng như những thành công và thất bại của nỗ lực
xây dựng một xã hội dân chủ dưới thời Đệ Nhị Cộng hòa lại càng trở nên bức
thiết hơn bao giờ hết. Hiểu biết và học hỏi từ quá khứ có thể giúp chúng ta rút
ra những bài học quý giá cho kịch bản chuyển đổi thế chế của Việt Nam trong
tương lai.
-----------
Chú thích
1.
Hiến pháp 1967 của Việt Nam Cộng hòa: http://vietnamconghoaphapdinh.com/SUB_HienPhap/HienPhap1303030043.shtml
2.
Veith, G. J. (2021). Drawn swords in a distant land:
South Vietnam’s shattered dreams. Encounter Books.
3.
Trương Tiến Đạt (1967). Hiến Pháp chú thích. Nhà xuất bản
Sài Gòn, trang 205.
4.
Ngô Thanh Tùng (1967). Thuyết trình về lập pháp nhất viện hay
lưỡng viện. Trong Ban nghiên cứu Hiến Pháp Quốc hội Lập Hiến Việt Nam Cộng hòa
(chủ biên), Thuyết trình về Hiến Pháp (trang 27-42). Sở Tài liệu Việt
Nam Cộng hòa.
5.
Xem Trương Tiến Đạt (1967), trang 165.
6.
Bạn đọc có thể tham khảo Trương Tiến Đạt (1967), trang 179-187
để xem phân tích sâu hơn về các đặc quyền miễn trừ lập pháp trong Hiến pháp
1967.
7.
Nguyễn Hữu Thống (1967) Vấn đề tư pháp trong cương vị hiến
chánh. Trong Ban nghiên cứu Hiến Pháp Quốc hội Lập Hiến Việt Nam Cộng hòa (chủ
biên), Thuyết trình về Hiến Pháp (trang 99-100). Sở Tài liệu Việt Nam
Cộng hòa.
8.
Trương Tiến Đạt (1967), trang 318.
9.
Nguyen, R. (2023). Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa: Những được và mất
của thể chế dân chủ. US Vietnam Research Center. https://usvietnam.uoregon.edu/hien-phap-de-nhi-cong-hoa-nhung-duoc-va-mat-cua-the-che-dan-chu
10.
Trong thực tế, hệ thống bầu cử là yếu tố chính ảnh hưởng đến số
lượng đảng phái trong bộ máy chính quyền. Hệ thống bầu cử đa số tương đối hay
đầu phiếu một người thắng (Single Member Plurality), được sử dụng ở Hoa Kỳ và
Anh Quốc, có khuynh hướng tạo ra hệ thống lưỡng đảng. Trong khi đó, hệ thống
đại diện tỷ lệ (Proportional Representation), được dùng tại nhiều quốc gia châu
Âu, có khuynh hướng tạo ra hệ thống đa đảng cạnh tranh. Tham khảo thêm: Nguyễn
Quỳnh Thơ (2023). Từ hệ thống lưỡng đảng đến sự phân cực chính trị gay gắt ở
Hoa Kỳ. Luật Khoa Tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/02/tu-he-thong-luong-dang-den-su-phan-cuc-chinh-tri-gay-gat-o-hoa-ky
11.
Sacks, I. M. (1967). Restructuring Government in South Vietnam. Asian
Survey, 7(8), 515-526. https://www.jstor.org/stable/2642593?seq=12
12.
Nguyễn Long Giao (1967). Định chế hóa đối lập. Trong Ban nghiên
cứu Hiến pháp Quốc hội lập hiến Việt Nam Cộng hòa (chủ biên), Thuyết trình
về Hiến pháp (trang 145-147). Sở Tài liệu Việt Nam Cộng hòa.
13.
Trương Tiến Đạt (1967), trang 347-348.
14.
Nguyễn Hữu Thống & Nguyễn Duy Cung (1967). Các công quyền tự
do căn bản. Trong Ban nghiên cứu Hiến pháp Quốc hội lập hiến Việt Nam Cộng hòa
(chủ biên), Thuyết trình về Hiến pháp (trang 15-26). Sở Tài liệu Việt
Nam Cộng hòa.
15.
Trương Tiến Đạt (1967), trang 278-279.
--------------------------
Đọc thêm:
Bầu
cử năm 1967 ở miền Nam: Dân chủ nhất trong lịch sử Việt Nam?
Timeline:
Lịch sử Việt Nam Cộng hòa
Luật
Khoa tạp chíLuật Khoa tạp chí
8
điều đáng chú ý về Hiến pháp 1956 của Việt Nam Cộng hòa
Chúng
ta có thể học được gì từ bản hiến pháp của nền Đệ nhất Cộng hòa?
Thảm
kịch thuyền nhân: 20 năm biển người giữa Biển Đông
Một
trong những thảm kịch tị nạn dai dẳng nhất trong lịch sử nhân loại.
No comments:
Post a Comment