Saturday, April 27, 2024

NGUYỄN PHÚ TRỌNG, NGƯỜI CÔ ĐƠN TRÊN ĐỈNH CAO QUYỀN LỰC (Thu Hà / Báo Tiếng Dân)

 



Nguyễn Phú Trọng, người cô đơn trên đỉnh cao quyền lực

Thu Hà

27/04/2024

https://baotiengdan.com/2024/04/27/nguyen-phu-trong-nguoi-co-don-tren-dinh-cao-quyen-luc/  

 

Ngai vàng, quyền lực, vàng son, nhung lụa chưa chắc làm cho người ta hạnh phúc. Trong giấc mơ, dù là lãnh tụ tối cao hay dân cày, niềm vui và nỗi buồn gặp phải, tất cả đều giống nhau.

 

Chinh phục vương quyền

 

Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944 tại Hà Nội. Ông vừa trải qua sinh nhật lần thứ 80. Ông là sinh viên khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1967. Ông có bằng Tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng khi học tập ở Liên Xô, giai đoạn 1981-1983.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/1-100.jpg

Ảnh: Khoảnh khắc vô tư của ông Nguyễn Phú Trọng khi gặp lại người bạn đồng môn thời đại học. Nguồn: Tác giả Thu Hà gửi riêng cho Tiếng Dân

 

Cuộc đời ông Trọng kiên định, theo đuổi chủ nghĩa Mác – Lenin đến mê muội, cũng như giấc mơ vô định về “thiên đường XHCN”.

 

Ông Trọng sống chết với lý luận, điều lệ, nghị quyết, quy chế và vô số thứ “hầm bà lằng” khác, gọi chung là văn kiện. Ông từng công tác tại Tạp chí Cộng sản và rồi trở thành Tổng Biên tập TCCS giai đoạn 1991-1996.

 

Năm 1997, ông Trọng được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khoá 8 và trở thành người đứng đầu Quốc hội năm 2006, sau đó ngoi lên ghế Tổng bí thư khoá 11 vào năm 2011.

 

Từ đầu năm 2012, ông Trọng bắt đầu đấu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để giành quyền lực về phe đảng, khi mà chính phủ của ông Dũng thâu tóm rất nhiều quyền hành thời đó.

Cuối năm 2012, ông Trọng thành công trong việc cho tái lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương, nhằm đối trọng với phe Nguyễn Tấn Dũng.

 

Nguyễn Bá Thanh, bí thư Đà Nẵng, được ông Trọng kéo ra Ba Đình, cho ngồi ghế Trưởng ban Nội chính. Vương Đình Huệ, bộ trưởng Bộ Tài chính, được điều sang nắm vị trí Trưởng ban Kinh tế.

 

Ông Trọng có tham vọng đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ bầu bổ sung vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 7, khoá 11. Thế nhưng phe của ông thất bại thảm hại, khi cả Thanh và Huệ đều rơi đài. Mong muốn quy hoạch Huệ ngồi vào ghế Chủ tịch Quốc hội và Thanh vào ghế Thủ tướng chính phủ trong khoá 12, nhiệm kỳ 2016-2021 của ông Trọng đã bị “cuốn theo chiều gió”.

 

Tháng 1-2016, Nguyễn Phú Trọng loại được Nguyễn Tấn Dũng, để giành suất “nhân sự đặc biệt”, ung dung ngồi lại cái ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 2. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, các cơ quan của Đảng trở thành công cụ chính trong chiến dịch “đốt lò”, chống tham nhũng. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính trở nên quyền lực song hành, phối hợp với Bộ Công an.

 

Phe ông Trọng gia tăng sức mạnh của bộ máy Đảng, tương quan với bộ máy nhà nước và bắt đầu thanh trừng diện rộng.

 

Mở màn là Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, sau đó đến Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình… cùng vô số sĩ quan cấp tướng công an, quân đội, từng là đồ đệ gắn bó trung thành với Nguyễn Tấn Dũng, đều bị Nguyễn Phú Trọng “ném vào lò” hoặc kỷ luật đảng, phế bỏ chức tước, đuổi về vườn…

 

Cả hệ thống chính trị “lên đồng”, tung hô ông Trọng là “người đốt lò vĩ đại”. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và tiêu cực cấp tỉnh, một sáng kiến khác của Nguyễn Phú Trọng, được thiếp lập ở tất cả các địa phương. Nhưng ông Trọng đặt niềm tin không đúng chỗ, bởi đứng đầu các Ban chỉ đạo này lại là các bí thư tỉnh, thành; chúng là các “ông trùm” tham nhũng!

 

Khôi hài ở chỗ, “ông trùm” lại giám sát các cuộc điều tra chống tham nhũng ở cấp địa phương và báo cáo về trung ương. Họ giám sát “hay” đến nỗi, các bí thư tỉnh uỷ, kiêm Trưởng ban này ,lại biến thành “củi”, chui vào “lò của ông Trọng”, như bí thư các tỉnh Bình Dương, Hải Dương, Quảng Nam, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bến Tre…

 

Hai vũ khí chính của ông Trọng là giáo dục đạo đức cho cán bộ, kể cả cán bộ đảng viên cấp cao và … bỏ tù. Có gì đó sai khi đi dạy nhân cách lẫn tư tưởng cho những kẻ 30 đến 40 năm tuổi đảng. Càng sai hơn, khi đem nhà tù ra doạ, nhưng cho phép án tù tỷ lệ nghịch với số tiền mà quan tham nôn ra.

 

Các văn bản giáo huấn của đảng càng dài ra, theo chiến dịch “học tập tấm gương” của thầy Trọng, chứ không phải Hồ Chí Minh. Nguyễn Phú Trọng “say máu”, hả hê trong chiến thắng. Ông ngồi rung đùi, cho xuất bản sách “Kim chỉ nam” của Nguyễn Phú Trọng và nhặt “củi” ném “vào lò”. Ông quên mất rằng, những cao thủ chính trị vẫn miệt mài trong bóng đêm, chờ cơ hội phản công.

 

Vào tháng 4-2019, ông Trọng bất ngờ bị đột quỵ trong chuyến đi kinh lý Kiên Giang. Trong những ngày ông Trọng vắng mặt dài hạn trên chính trường, đã dấy lên những đồn đoán về sức khỏe của ông, cũng như khả năng tranh giành quyền lực trong Đảng.

 

Thoát chết khỏi bạo bệnh, đi không vững, người run bần bật, nhưng ông Trọng vẫn không hề nghĩ đến chuyện rời bỏ và chuyển giao quyền lực. Lúc nào cũng hô hào “ngăn chặn tham vọng quyền lực” nhưng bản thân ông Trọng lại là người khư khư ôm cái ghế cao nhất, không chịu buông ra.

 

Điều lệ Đảng quy định “Tổng Bí thư giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”, nhưng ông Trọng lờ đi. Các ứng viên Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng lần lượt ra đi vì lý do này, lý do kia. Riêng ông Trọng vẫn ngồi ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 3. Bỏ ngoài tai mọi đàm tiếu, chỉ trích trong đảng và dư luận xã hội, có lẽ ông Trọng cho rằng chỉ có ông “tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”.

 

Cô đơn trên đỉnh cao quyền lực

 

Cho đến thời điểm này ông Trọng vẫn không có “đồ đệ chân truyền”. Sở dĩ hai nhân vật Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng được ông nâng đỡ và dìu dắt, chẳng qua ông nhìn thấy ở họ có “tố chất cộng sản” hơn những kẻ khác mà thôi.

 

Huệ và Thưởng kiên định chủ nghĩa Mác- Lenin, có trình độ học vấn, trình độ lý luận rõ ràng, chắc chắn hơn các đồng chí “chuyên tu – tại chức”, các anh “tiến sĩ tội phạm học”, “tiến sĩ hình sự học” và giáo sư… “tra tấn học”. Huệ và Thưởng cũng có bộ dạng sáng sủa, ăn nói lưu loát và nhất là một lòng theo… ông Trọng.

 

Ông Trọng “đốt lò” giỏi, lý luận hay, nhưng “chơi cờ” trong bàn cờ chính trị rất dở. Ông hoàn toàn có thể chuẩn bị người kế nhiệm và chọn thời điểm thích hợp để ra đi trong thế ngẩng cao đầu, nhưng ông đã không làm.

 

Nhiều chính trị gia lão thành đã cảnh báo, việc ông Trọng không quy hoạch, sắp xếp nhanh người kế vị, là sai lầm chết người. Tình huống này có thể dẫn đến tình trạng tranh giành quyền lực một mất một còn, ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước. Khi thiếu vắng các cơ chế kiểm soát và cân bằng, di sản chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng có thể bị đe dọa.

 

Hai nhân vật Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng mà Nguyễn Phú Trọng dành niềm tin tuyệt đối để quy hoạch vào ghế A1 và A2 của vương triều cộng sản cho hai nhiệm kỳ liên tiếp là 2026-2031 và 2031-2036 đã bị bật gốc.

 

Cú “ngã ngựa” của Thưởng và Huệ đau hơn của ba Uỷ viên Bộ Chính trị khác trong khoá 13 như Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh rất nhiều. Cả Thưởng và Huệ đều bị bêu réo trên báo đảng là “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm” và “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.

 

Võ Văn Thưởng sang Bắc Kinh ra mắt Tập Cận Bình vào tháng 10-2023. Đến tháng 3-2024 thì em họ Thưởng bị bắt giam, ngay sau đó Thưởng bị các đồng chí của mình “cưa” ghế.

Vương Đình Huệ sang trình diện Tập Cập Bình vào tháng 4-2024. Kết thúc chuyến đi, vừa về đến sân bay thì Trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt. Nửa tháng sau, Huệ bị truất phế.

 

Hai cánh tay đắc lực luôn xuất hiện cặp kè bên Nguyễn Phú Trọng, đã bị hạ gục. Đây không những là đòn chí mạng mà phe tấn công nhắm vào uy tín của ông Trọng, mà còn dội một gáo nước lạnh vào mặt Tập Cận Bình.

 

Những thuộc hạ một thời mà ông Trọng tự hào là “đội ngũ trẻ trung, ưu tú của đảng” đã rơi rụng gần hết. Ông Trọng giờ xem như đang cô đơn trên đỉnh cao quyền lực.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/2-20.jpg

Nguyễn Phú Trọng bên cạnh hai đồ đệ Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng. Ảnh cắt từ báo Lao Động

 

Hơn 30 năm trước, ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư khoá 6, đã đưa vấn đề “đa nguyên, đa đảng” ra trước trung ương. Ông Bách cho rằng “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử…”.

 

Còn tướng Trần Độ, Ủy viên Trung ương khoá 6, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 7, tuyên bố: “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp”.

 

Dân chúng muốn đảng Cộng sản chia sẻ quyền lực, cạnh tranh công bằng. Dân muốn nhân sự lãnh đạo, điều hành đất nước phải thật sự do dân bầu ra, bằng các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu. Thế nhưng, người đứng đầu đảng chẳng cần đếm xỉa tới.

 

Để cứu vãn, ông Nguyễn Phú Trọng nên làm điều gì đó như các bậc tiền bối nêu trên đã làm. Ít ra họ cũng để lại chút tiếng thơm, lưu tên trong lịch sử như một người cộng sản chân chính. Còn nếu không, ông Trọng sẽ để lại “ngàn năm bia miệng”, qua hình ảnh đi vào thiên thu với sợi xích Huân chương Hữu nghị treo dài trên cổ của ông mà họ Tập đã tặng cho ông trong chuyến đi “khấu đầu” hồi tháng 10-2022!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/3-11.jpg

TBT Nguyễn Phú Trọng đeo Huân chương Hữu nghị trên cổ do Tập Cận Bình tặng. Nguồn: Redian

 




No comments:

Post a Comment