Friday, April 26, 2024

KÊNH ĐÀO PHÙ NAM TECHO CÓ THỂ CHO TÀU QUÂN SỰ TRUNG QUỐC TIẾN VÀO? (Huyền Trân / BBC News Tiếng Việt)

 



Kênh đào Phù Nam Techo có thể cho tàu quân sự Trung Quốc tiến vào?

Huyền Trân

BBC News Tiếng Việt

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ce9rz4rjpe4o

 

Quan ngại về siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo đối với Việt Nam đang lan sang khả năng quân sự, ngoài những tác động môi trường chưa được Campuchia phản hồi thỏa đáng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/8f71/live/0abafa90-022b-11ef-97f7-e98b193ef1b8.png

Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã lên tiếng trấn an với lý do kênh đào Phù Nam Techo này quá cạn, tàu chiến không lưu thông được, Khmer Times tường thuật hôm 11/4

 

Khả năng dự án Phù Nam Techo vừa phục vụ dân sự vừa phục vụ quân sự gần đây được đề cập trong bài báo Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh trên Tạp chí Phương Đông số 63 tháng 3/2024.

 

Bài viết nêu: "Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này."

 

Bài viết đăng trên tạp chí của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã không nêu cụ thể các chuyên gia nào đã đưa ra nhận định nói trên.

 

Cựu Thủ tướng Hun Sen đáp trả gay gắt nhận định này. Con trai ông là Thủ tướng Hun Manet cũng đã trấn an rằng con kênh đào Phù Nam Techo quá cạn, tàu chiến không lưu thông được, theo Khmer Times tường thuật hôm 11/4.

 

Độ sâu của kênh đào Phù Nam Techo là 5,4 mét.

 

BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với hai chuyên gia quân sự từng công tác trong Hải quân Mỹ về khả năng tàu quân sự Trung Quốc di chuyển vào kênh đào Phù Nam Techo.

 

 

·        Ông Hun Sen kịch liệt bác bỏ khả năng kênh đào Phù Nam Techo và Ream phục vụ hải quân Trung Quốc

10 tháng 4 năm 2024

·        Kênh đào Phù Nam Techo: Mỹ nhấn mạnh phải minh bạch, Việt Nam họp tham vấn chuyên gia

19 tháng 4 năm 2024

·        Hai tàu chiến Trung Quốc thường trực ở quân cảng Ream, Việt Nam có nên lo?

19 tháng 4 năm 2024

 

 

Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia

·        180 km và 1,7 tỷ USDĐộ dài và chi phí ước tính

·        Rộng 100 m ở thượng nguồn

·        Rộng 80 m ở hạ nguồn

·        Độ sâu 5,4 m

·        Thời gian xây dựng 4 năm

Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)

 

 

Kênh đào có quá cạn cho tàu chiến Trung Quốc?

 

Ông Thomas H. Shugart III, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu cấp cao từ Trung tâm An ninh Tân Hoa Kỳ (Center for a New American Security) nói, xét về mặt kỹ thuật thì độ sâu 5,4 mét của kênh Phù Nam Techo đủ cho tàu chiến cỡ nhỏ của Trung Quốc, như tàu hộ tống Type 056A và khinh hạm Type 054A.

 

"Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, đây không phải khả năng quân sự đáng để theo đuổi. Loại tàu như vậy sẽ bị giới hạn nghiêm trọng về sự linh hoạt trên sông hẹp, trong trường hợp xảy ra xung đột thì sẽ trở thành mục tiêu tương đối dễ dàng."

 

"Theo tôi, một khả năng hợp lý hơn là sử dụng kênh để đưa các đơn vị bộ binh tiến vào trong đất liền, rải binh và ngụy trang lực lượng."

 

"Thông thường, hoạt động hải quân trên sông căn bản chỉ giới hạn đối với các loại tàu nhỏ như tàu tuần tra và lực lượng đường sông."

 

"Điều này có nghĩa là con kênh đào này có thể mang lại cho Trung Quốc khả năng chuyển lực lượng bộ binh, đạn dược và các trang thiết bị quân sự khác với quy mô lớn đến thủ đô Phnom Penh, tránh được những hạn chế từ hệ thống đường bộ của Campuchia," nhà nghiên cứu Thomas H. Shugart III nhận định thêm.

 

Từ Hoa Kỳ, Đại tá Carl Schuster cũng đưa ra nhận định về các loại tàu quân sự của Trung Quốc có thể di chuyển trong kênh đào Phù Nam Techo với BBC News Tiếng Việt.

 

Ông Carl Schuster đã có 25 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ. Ông từng công tác trên các tàu chiến và từ năm 1980 chuyển sang lĩnh vực tình báo hải quân, trong đó có vai trò chuyên viên phân tích hoạt động của Hải quân Trung Quốc.

 

Vị trí cuối cùng mà ông đảm trách trước khi rời quân ngũ vào năm 1999 là chủ nhiệm Phòng Tác chiến thuộc Trung tâm Tình báo hỗn hợp Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

 

"Tất cả các loại tàu chiến chính của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) có mớn nước tối thiểu là 6 mét. Tuy nhiên, có thể có các tàu với mớn nước mặn dưới 5,4 mét. Cần lưu ý rằng độ mớn nước tăng trong nước ngọt so với nước mặn," Đại tá Carl Schuster nói với BBC News Tiếng Việt.

 

Mớn nước (draft) của tàu là chiều cao thẳng đứng tính từ đáy tàu đến mặt nước.

 

Ông cũng liệt kê danh sách các tàu quân sự của Trung Quốc có độ mớn nước dưới mức 5,4 mét có thể di chuyển vào trong kênh đào Phù Nam Techo, với nguồn tài liệu tham khảo từ cẩm nang tàu chiến Janes Fighting Ships 23/24 Year Book.

 

Đại tá Carl Schuster lưu ý độ mớn nước được nêu trong danh sách là áp dụng cho nước mặn.

 

"Kênh đào này là nước ngọt, đồng nghĩa độ mớn nước sẽ tăng lên khoảng 10% và buộc bất kỳ loại tàu nào có lượng giãn nước (khoảng 4,5 mét) sẽ phải bỏ bớt hàng tấn trọng lượng hàng hóa trước khi vào kênh đào.”

 

“Cần lưu ý là điểm sâu nhất của đáy tàu phải cách đáy của đường thủy mà nó lưu thông tối thiểu 0,3 mét. Thông thường, các thuyền trưởng sẽ ưu tiên chừa khoảng hở đó ít nhất là 1 mét. Lực đẩy của tàu sẽ bị giảm và hệ thống làm mát sẽ hút bùn đất từ dưới đáy kênh khi khoảng cách này không tới 2 mét," ông chia sẻ với BBC.

 

 

Tàu quân sự trung quốc nào có thể di chuyển vào kênh đào Phù Nam Techo?

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/da12/live/20274e20-022f-11ef-a9f7-4d961743aa47.png

 

 

·        Kênh đào Phù Nam Techo: Mỹ nhấn mạnh phải minh bạch, Việt Nam họp tham vấn chuyên gia

·        19 tháng 4 năm 2024

·        Miền Tây khát: 'Nước giờ còn quý hơn vàng'

·        10 tháng 4 năm 2024

 

 

Trong khi đó, ông Thong Mengdavid, một nhà nghiên cứu địa chính trị tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách Công (IISPP) từ Đại học Hoàng gia Phnom Penh, trả lời trên Khmer Times chuyện phát triển kênh đào Phù Nam Techo là hoàn toàn là vấn đề nội bộ và chủ quyền của Campuchia.

 

Ông cũng chỉ trích bài viết có chi tiết về khả năng lưỡng dụng (dùng cho cả dân sự lẫn quân sự) của Phù Nam Techo của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh.

 

"Những cáo buộc như vậy là vô căn cứ và phi thực tế, khi Campuchia luôn tuân theo nguyên tắc trung lập và không can thiệp, nghiêm cấm sự có mặt của quân đội hay căn cứ quân sự nước ngoài bên trong lãnh thổ của mình," ông này nói.

 

Ông Thong Mengdavid đồng thời cho rằng các nhà làm chính sách của Campuchia cũng cân nhắc đến những chuyển động trong khu vực, mối quan hệ ngoại giao với các nước, và căng thẳng địa chính trị trong khu vực, cụ thể là cuộc đối đầu Mỹ-Trung và vấn đề Biển Đông.

 

Điều 53 Hiến pháp Campuchia cấm cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia .

 

Điều 55 của Hiến pháp nêu sẽ không có bất kỳ hiệp ước và thỏa thuận nào mà không bảo đảm độc lập, chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, tính trung lập và thống nhất quốc gia của Vương quốc Campuchia.

 

·        Ông Hun Manet giải thích việc bổ nhiệm em trai, nói chính phủ cần ‘thanh gươm’ và ‘thẩm quyền tuyệt đối’23 tháng 2 năm 2024

·        Người Việt bị lừa qua Campuchia như thế nào?

26 tháng 8 năm 2022

·         

 

'Không phải tài liệu nào cũng cần nộp cho Việt Nam'

 

Tuyến kênh đào Phù Nam Techo

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/aa2c/live/4b4b4c90-022b-11ef-a9f7-4d961743aa47.png

 

 

Từ tháng 2 đến nay, BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với nhiều chuyên gia Việt Nam và Ủy hội sông Mekong (MRC).

 

Tất cả đều nhấn mạnh rằng Campuchia cần cung cấp thêm tài liệu để họ có thể đánh giá đầy đủ về tác động của dự án lịch sử này, cụ thể là bản nghiên cứu khả thi dự án.

 

Bài viết của Khmer Times hôm 19/4 có nội dung, ông So Naro, Đại diện Thủ tướng phụ trách vấn đề ASEAN của Campuchia cho rằng Campuchia "không có nghĩa vụ pháp lý nộp bất kỳ tài liệu nào" cho chính phủ Việt Nam về các nghiên cứu và xây dựng kênh đào Phù Nam Techo.

 

Ông So Naro cho biết thêm, xét về mặt lý thuyết, Campuchia "không có nghĩa vụ phải xin phép hoặc tham vấn từ bất kỳ nhà nước hoặc thực thể phi nhà nước nào, cũng như các quốc gia khác trong khu vực đối với các công trình xây dựng trên những phụ lưu nằm trong lãnh thổ của mình.

 

Ông này cũng nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2023, Thủ tướng Hun Manet đã thông báo và giải thích cho phía Thủ tướng Việt Nam.

 

Ông So Naro một lần nữa nhấn mạnh đến độc lập của Campuchia và gọi bất kỳ sự công kích nào về dự án này đều là "chuyện nực cười".

 

Ông So Naro nói rằng “nếu chúng ta xây đập trên sông Mekong mới phức tạp, nhưng không phải thế”.

Còn ông Kin Phea, Tổng Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Campuchia, trả lời trên Khmer Times rằng:

 

"Không phải bất kỳ [tài liệu nào] Campuchia cũng phải nộp cho Việt Nam, vì Việt Nam không phải quốc gia duy nhất làm chủ sông Mekong".

 

Campuchia dường như đang huy động sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực dành cho siêu dự án này, và mới nhất là láng giềng "anh em, đồng chí" với Việt Nam

 

Ông Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, đã kêu gọi Lào ủng hộ siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo, nhân chuyến thăm kéo dài 2 ngày (23 và 24/4) của Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đến thủ đô Phnom Penh, theo Khmer Times.

 

·        Miền Tây khát: 'Nước giờ còn quý hơn vàng'

10 tháng 4 năm 2024

·        Con trai út Hun Many làm Phó Thủ tướng, gia đình Hun Sen tiếp tục thống trị chính trường

22 tháng 2 năm 2024

 

 

Nước về ĐBSCL 'có thể giảm hơn 50%'

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/bd1e/live/3ea6bfe0-0241-11ef-97f7-e98b193ef1b8.jpg

Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động đáng kể từ các yếu tố xuyên biên giới như các đập thủy điện ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu, hoạt động lấy nước từ sông Mekong sang nơi khác để canh tác, giao thông thủy ở Lào, Thái Lan. Ảnh chụp một cậu bé dùng nước sạch của gia đình tại tỉnh Bến Tre, vào ngày 19/3/2024.

 

Tác động tiềm tàng của kênh đào Phù Nam Techo đối với dòng chảy của sông Mekong, từ đó ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 21 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, đang ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng lẫn chuyên gia tại Việt Nam.

 

Về phía chính phủ Việt Nam, phản hồi chính thức gần nhất là vào ngày 11/4. Ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã phát biểu trước báo giới rằng: “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo.”

 

Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp tham vấn quốc gia về kênh Phù Nam Techo của Campuchia tại thành phố Cần Thơ vào ngày 23/4 với sự tham gia của các chuyên gia về sông Mekong.

 

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong.

 

Sông Mekong sau khi đi qua thủ đô Phnom Penh của Campuchia thì tách ra làm hai nhánh, Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền), rồi chảy vào Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.

Trong báo cáo sơ thảo đánh giá về dự án Phù Nam Techo được trình bày vào ngày 23/4, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, đưa ra tính toán: Vào mùa khô, sau khi có kênh Phù Nam Techo thì "nước trên sông Tiền và sông Hậu hai phân lưu của sông Mekong về đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm hơn 50%".

 

"Những năm khô hạn như 2026 hay 2024, sự thiếu hụt sẽ tăng trầm trọng hơn. Đây là điều đáng suy nghĩ cho tương lai dòng chảy trên sông Hậu mùa khô, chứ không thể xem là không đáng kể. Chắc chắn là với mực suy giảm theo ước tính như thế này thì khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô và trong các giai đoạn triều cường."

 

Trong báo cáo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng lưu ý các đánh giá hiện tại được đưa ra chỉ mang tính định hướng nhiều hơn định lượng, với lý do sau:

 

"Các số liệu cung cấp còn rất hạn chế và thông tin còn mơ hồ, hồ sơ không có báo cáo dự kiến quy trình vận hành hệ thống kinh, trong khi có những bản vẽ kỹ thuật chi tiết không cần thiết so với các thông tin căn bản về nguồn nước, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo gởi cho MRC chỉ đề cập đến chức năng kinh như một thủy lộ hay kinh giao thông thủy, không có những khẳng định chức năng khác của con kinh có phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, lấy nước cho sinh hoạt và cung ứng cho hoạt động sản xuất công nghiệp hay không và ở mức độ khai thác như thế nào[...]".

 

Cho đến nay, Campuchia vẫn quyết tâm động thổ dự án trong quý 4 năm nay vì sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

 

VIDEO :  "Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả hơn vào Trung Quốc", Thời lượng 13,46

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ce9rz4rjpe4o

·        -

 

--------------------------------

Tin liên quan

·         

Siêu dự án kênh Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả về Trung Quốc?

18 tháng 3 năm 2024

·         

Kênh đào Phù Nam Techo: Mỹ nhấn mạnh phải minh bạch, Việt Nam họp tham vấn chuyên gia

19 tháng 4 năm 2024

·         

Miền Tây khát: 'Nước giờ còn quý hơn vàng'

10 tháng 4 năm 2024

·         

Hai tàu chiến Trung Quốc thường trực ở quân cảng Ream, Việt Nam có nên lo?

19 tháng 4 năm 2024

·         

Kênh Phù Nam Techo: ông Hun Sen muốn Trung Quốc hậu thuẫn, Việt Nam chưa nêu tuyên bố chính thức

1 tháng 4 năm 2024

·         

Kênh đào Phù Nam Techo: Campuchia quyết tâm làm, Việt Nam phản ứng

12 tháng 4 năm 2024

 

-----------------------

Tin chính

·        Kênh đào Phù Nam Techo có thể cho tàu quân sự Trung Quốc tiến vào?

một giờ trước

·        Những dấu hiệu lạ sau vụ bắt ông Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Vương Đình Huệ

25 tháng 4 năm 2024

·        Ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố không buông bỏ VinFast, dùng tiền túi bơm thêm một tỷ USD

25 tháng 4 năm 2024


 

 

 


No comments:

Post a Comment