Wednesday, April 3, 2024

"HỘI CHỨNG LA HABANA" : MÀN BÍ MẬT ĐÃ ĐƯỢC VÉN LÊN (Thụy My / RFI)

 



“Hội Chứng La Habana” : Màn bí mật đã được vén lên

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 03/04/2024 - 14:22

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240403-h%E1%BB%99i-ch%E1%BB%A9ng-la-habana-m%C3%A0n-b%C3%AD-m%E1%BA%ADt-%C4%91%C3%A3-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-v%C3%A9n-l%C3%AAn

 

« Hội chứng La Habana » gây thương tổn cho nhiều nhà ngoại giao Mỹ lâu nay vẫn là một bí ẩn không có lời giải. Le Figaro ngày 02/04/2024 cho biết theo ba cơ quan truyền thông từ nhiều năm qua đã bỏ công điều tra, đơn vị 29155 của tình báo quân đội Nga (GRU) chính là thủ phạm.

 

https://s.rfi.fr/media/display/b6a8aa30-f12a-11ee-8006-005056bf30b7/w:980/p:16x9/spy_01.webp

Ảnh minh họa : Camera an ninh được cảnh sát Luân Đôn trích xuất ngày 05/09/2018 cho thấy một người được nhận diện là Alexander Petrov tại phi trường Gatwick (Anh). Theo nhóm điều tra Bellingcat, người này là Alexander Mishkin của tình báo quân đội Nga (GRU), một trong hai nghi can đã đầu độc Sergei Skripal. AP - Metropolitan Police

 

Vén màn bí mật về « Hội chứng La Habana »

 

Về « Hội chứng La Habana » nơi các nhà ngoại giao Mỹ, một bí ẩn lâu nay không có lời giải, Le Figaro cho biết theo điều tra của ba cơ quan truyền thông từ nhiều năm qua, một đơn vị tình báo quân đội Nga chính là nguyên nhân.

 

Nhà báo Roman Dobrokhotov tối Chủ nhật đã thông báo « Hãy đón đọc cuộc điều tra của chúng tôi đêm nay, còn ly kỳ hơn phim bộ Netflix ». Sáng sớm thứ Hai, một bài viết của The Insider hợp tác với kênh CBS và nhật báo Der Spiegel, đã vén lên bức màn bí mật về « hội chứng La Habana ». The Insider chỉ thẳng trên dòng tít lớn « Làm thế nào GRU biến các nhà ngoại giao Mỹ thành người tàn tật nhờ vũ khí bí ẩn ». Ba tên tuổi lớn của báo chí điều tra đã tham gia, trong đó có nhà báo nổi tiếng Christo Grozev, người đã nói lên sự thật về vụ FSB đầu độc Alexei Navalny và nhận diện các thủ phạm trong vụ Serguei Skripal.

 

Từ mười năm qua, vài chục nhà ngoại giao và sĩ quan tình báo Mỹ bị « hội chứng La Habana » (phát hiện lần đầu tiên tại Cuba) với những triệu chứng nôn mửa, chóng mặt, mất trí nhớ, không thể định hướng...và trong nhiều trường hợp bị tổn thương thần kinh nặng nề. Cuộc điều tra cho thấy có sự liên hệ với đơn vị đặc biệt 29155 thuộc tình báo quân đội Nga (GRU). Đơn vị này được biết đến trong vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal và làm nổ kho chứa vũ khí ở Cộng hòa Séc.

 

 

Những bằng chứng tố cáo tình báo quân đội Nga

 

Một nạn nhân bị « hội chứng La Habana » tháng 11/2014 ở Frankfurt khẳng định nhìn thấy Egor Gordienko, một sĩ quan của đơn vị 29155 ở trước nhà mình trước khi xảy ra các triệu chứng. Vợ của một nhà ngoại giao Mỹ ở Tbilissi cũng bị hội chứng này, đã kịp chụp được hình một người đứng canh trước nhà gần một chiếc xe hơi. Đó là Albert Averianov, con trai của thủ trưởng đơn vị 29155, Andrei Averianov, cả hai đang « đi công tác » ở Gruzia.

 

The Insider công bố một văn bản cho thấy người phó của Andrei Averianov là Ivan Terentiev, một kỹ sư quân đội đã thiết kế công nghệ tạo ra các vụ « tấn công bằng âm thanh », và được thưởng 100.000 rúp nhờ công trình này !Viện hàn lâm Y học Quân sự thân cận với GRU thì nghiên cứu về hậu quả « hội chứng La Habana ». Mới đây, một viên chức cao cấp của Lầu Năm Góc đã là nạn nhân khi dự thượng đỉnh Vilnius tháng 6/2023.

 

Đương nhiên là Nga chối phắt. Nhưng tầm cỡ quốc tế của vụ này với một ngàn đơn kiện của các nạn nhân, vài chục nhà ngoại giao mất khả năng làm việc, cho thấy một chính sách phá hoại quy mô, liên quan đến nhiều cơ quan ngoại giao từ La Habana cho đến Trung Quốc, Belgrade, Frankfurt.

 

The Insider nhấn mạnh việc chính quyền Washington lâu nay nghiêng về giả thiết tâm lý, bác bỏ khả năng có bàn tay nước ngoài, bất chấp ý kiến của cộng đồng tình báo. Cựu nhân viên tình báo Mỹ Greg Edgreen cho rằng nếu nhìn nhận Kremlin nhúng tay vào việc xâm hại các nhà ngoại giao Mỹ, vi phạm luật quốc tế và nguyên tắc bảo hộ ngoại giao, coi như Nga đang gây chiến với Mỹ. Tổng biên tập The Insider, ông Timur Olevsky viết sau vụ này « thật đáng xấu hổ cho Thượng Viện khi chận viện trợ Ukraina ».

 

 

Kinh tế xuống dốc, Bắc Kinh cố trấn an các nhà đầu tư

 

Tại châu Á, Les Echos nhận định « Đang xuống dốc, Trung Quốc tìm cách trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc ». Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm mất 8 % trong năm 2023, thấp nhất kể từ ba năm qua. Riêng trong hai tháng đầu năm nay, đã giảm đến 20 %.Nếu dùng phương pháp tính toán khác là nhập luôn số lợi tức tái đầu tư, thì giảm đến 80 % trong năm 2023, thấp nhất từ 30 năm qua, tình trạng này đặt ra câu hỏi về sức thu hút của thị trường Hoa lục.

 

Bên cạnh những con số thống kê, các cuộc thăm dò cho thấy không khí kinh doanh đang xuống cấp. Bắc Kinh bèn loan báo giảm nhẹ việc hạn chế chuyển dữ liệu sang nước ngoài, và một kế hoạch gồm 24 biện pháp nhằm tạo điều kiện cho việc tham gia thị trường và cải thiện dịch vụ cho các công ty ngoại quốc.

 

Về phía các tập đoàn đa quốc gia không thực sự muốn ra đi, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng. Bà Andréa Buchin thuộc một công ty luật khẳng định, không có những trường hợp đáng kể về việc rời bỏ Hoa lục, nhưng đầu tư mới đã chậm lại. Còn những ai đang ngấp nghé bước vào thì vô cùng thận trọng, thường liên doanh với một đối tác Trung Quốc, một cách thức đã lỗi thời trong những năm gần đây.

 

Les Echos cũng nhận thấy « Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang tăng lên ». Bộ trưởng tài chánh Mỹ Janet Yellen tuần trước đã nói thẳng : « Sản xuất thừa của Trung Quốc ảnh hưởng đến giá cả và mô hình kinh tế, làm hại cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ ». Bà nói thêm rằng đã nghe « các nhà lãnh đạo những nước đang phát triển » có nhận xét tương tự. Theo Virginie Maisonneuve của Allianz GI, chiến lược của Bắc Kinh là nâng cấp chất lượng kỹ nghệ và tận dụng lực lượng lao động, vì kể từ năm 2050, 39 % dân số sẽ về hưu.

 

 

Trung Quốc đứng trước các nghịch lý

 

Trên khía cạnh địa chính trị, theo Les Echos, Trung Quốc đang « đối mặt với những nghịch lý » của chính mình. Tờ báo nhắc nhở dù chiến tranh ở Ukraina và Gaza đang chiếm lĩnh thời sự, nhưng không nên quên sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - tuy ít kịch tính hơn, nhưng đang ảnh hưởng lên tương lai thế giới.

 

Tập Cận Bình vừa kêu gọi đầu tư và nhấn mạnh 30 % tăng trưởng kinh tế thế giới là nhờ Trung Quốc, nhưng có vẻ không được hưởng ứng. Làm thế nào vừa thu hút các nhà kinh doanh ngoại quốc lại vừa xích lại gần nước Nga của Putin về ngoại giao lẫn chiến lược ? Làm thế nào tố cáo không khí chiến tranh lạnh do Washington áp đặt, mà lại thúc đẩy dân tộc chủ nghĩa ngày càng hung hăng trên Biển Đông ?

 

Trung Quốc cần phải chọn lựa giữa việc tái lập tăng trưởng với khiêu khích sô-vanh nước lớn. Tập Cận Bình nói rằng nên tự hào là người Trung Hoa, nhưng ca ngợi sự vĩ đại hoặc tính ưu việt của văn minh Trung Hoa có cái giá của nó, nhất là tại châu Á, làm các láng giềng ưu tư. Theo những nguồn đáng tin cậy, Hoa Kỳ và Nhật Bản đang tiến gần đến việc siết chặt thêm hiệp ước an ninh quân sự đã ký cách đây 60 năm, nhằm đối phó với tham vọng Trung Quốc.

 

 

Thương mại không tương thích với dân tộc chủ nghĩa

 

Cũng như ở châu Âu - nước Nga của Putin đã biến quan hệ với Đức thành vấn đề an ninh - Trung Quốc của Tập Cận Bình đang khiến Nhật Bản phải đầu tư lớn cho quốc phòng. Thái độ chủ hòa của hai nước bại trận trong Đệ nhị Thế chiến dần thay đổi trước sự hiếu chiến của hai chế độ toàn trị lớn trong thời đại chúng ta.

 

Phải chăng Trung Quốc đang giúp Nhật Bản và Hàn Quốc hòa giải với nhau ? Vẫn chưa đến mức đó, nhưng về mặt văn hóa, các thăm dò dư luận cho thấy giới trẻ Nhật dưới 35 tuổi hướng về Séoul nhiều hơn Los Angeles, Luân Đôn hay Paris. Quyền lực mềm của âm nhạc Hàn Quốc, được quyền lực cứng của Trung Quốc trợ lực, có thể giúp Tokyo xích lại gần Seoul. Chính sách hiện nay khiến Bắc Kinh tự cô lập mình ở châu Á, đồng thời khó tái lập lòng tin nơi các nhà đầu tư trên thế giới.

 

Les Echos cho rằng Tập Cận Bình phải chọn lựa giữa tăng trưởng và vũ lực, thương mại và dân tộc chủ nghĩa. Người ta nói rằng Trung Quốc đã can ngăn Matxcơva dùng vũ khí nguyên tử hù dọa, nhưng chưa đủ. Bắc Kinh còn phải chứng tỏ một cường quốc về nhiều phương diện như Trung Quốc phải khác Nga. Người Mỹ hiểu rằng châu Á vốn chiếm phân nửa dân số và tăng trưởng kinh tế thế giới, nên ưu tiên chiến lược không phải là châu Âu hay Trung Đông mà là đối địch với Trung Quốc để duy trì vị trí của mình tại châu lục này.

 

 

Thổ Nhĩ Kỳ : Thất bại lịch sử của Erdogan

 

Đảng của tổng thống Recep Tayyip Erdogan thua cuộc trong bầu cử địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ là đề tài rất được các báo chú ý. Libération nhận thấy « Đối lập ca khúc khải hoàn, tận dụng khủng hoảng », tương tự với Les Echos « Đối lập tặng một cú đòn cho Erdogan ». Le Figaro nói về « thất bại lịch sử » của ông Erdogan. La Croix nhận định cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua đã mang lại một thông điệp rất rõ ràng. AKP, đảng Hồi giáo bảo thủ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan không còn thống trị, thậm chí ở cấp địa phương còn lật ngược thế cờ.

 

Sau cuộc bầu cử, người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải dụi mắt khi nhìn vào bản kết quả khó tin. Không chỉ ở thủ đô Ankara và trung tâm kinh tế Istanbul mà còn tại các thành phố lớn trên toàn quốc, đảng CHP (Cộng hòa Nhân dân) đã chiến thắng. Các nhà quan sát cho rằng đây là thất bại nặng nề nhất kể từ 2003. Bản thân ông Erdogan cũng nhìn nhận một « bước ngoặt ». Báo chí thân chính quyền chạy tít « Một làn gió mới thổi đến », còn báo chí đối lập nói thẳng là « Một cuộc cách mạng thông qua lá phiếu ».

 

Số người tham gia ít đi cho thấy việc ủng hộ phe Erdogan giảm sút, và làm nổi bật Ekrem Imamoglu, thị trưởng Istanbul, nhân vật đối lập chính và sẽ là ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2028. Tuy vui mừng trước sức kháng cự của người dân cường quốc khu vực này, hãy còn quá sớm để nói về mùa xuân dân chủ. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quốc gia độc tài, nơi các tổ chức phi chính phủ, báo chí bị giám sát và hạn chế hoạt động.

 

 

Người Việt tiếp tục vượt biển Manche sang Anh

 

Le Monde cho biết số di dân dùng « small boat » đi từ Pháp qua Anh từ đầu năm nay đã lên đến 4.600 người, và cảnh sát tin rằng con số này sẽ tăng mạnh vào mùa xuân. Chỉ riêng trong ngày 20/03, đã có 514 đến được bờ biển Anh quốc trên 10 chiếc ca-nô. Trong số các di dân sang được Anh bằng « small boat » trong năm 2024, người Afghanistan nhiều nhất, tiếp đến là người Iran và người Việt Nam. Ba quốc tịch này chiếm gần phân nửa số người vượt biên bằng những chiếc ca-nô thường là quá tải, trung bình đến 46 người một chiếc, làm tăng nguy cơ bị đắm.






No comments:

Post a Comment