Sunday, April 28, 2024

CÁC ĐẢNG CỰC HỮU CHÂU ÂU, CÔNG CỤ GIÚP TRUNG QUỐC THAO TÚNG KHỐI 27 NƯỚC? (Trọng Thành / RFI)

 



Các đảng cực hữu châu Âu, công cụ giúp Trung Quốc thao túng khối 27 nước ?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 27/04/2024 - 15:21

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20240427-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%B1c-h%E1%BB%AFu-ch%C3%A2u-%C3%A2u-c%C3%B4ng-c%E1%BB%A5-gi%C3%BAp-trung-qu%E1%BB%91c-thao-t%C3%BAng-kh%E1%BB%91i-27-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

 

Mỹ thông qua gói viện trợ 61 tỉ đô la giúp Ukraina chống xâm lược Nga. Nửa năm bế tắc tại Hạ Viện dường như đã được khai thông, đặc biệt sau chuyến đi của chủ tịch Hạ Viện đến tư dinh cựu tổng thống Donald Trump. Phong trào phản đối chiến tranh ở Gaza bùng lên tại nhiều đại học lớn của Mỹ trong bối cảnh Israel tuyên bố chuẩn bị tiến đánh thành phố cực nam Gaza, nơi nương náu của khoảng 1,5 triệu dân tị nạn chiến tranh, bất chấp nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.

 

https://s.rfi.fr/media/display/cb2882d6-0495-11ef-b4f6-005056a90284/w:980/p:16x9/2024-04-27T115006Z_1282019494_RC2YE7AFVI4A_RTRMADP_3_EU-ELECTION-GERMANY-AFD.webp

Áp phích vận động chống Maximilian Krah, đảng cực hữu AfD, với khẩu hiệu ''Trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 9/6, hãy bỏ phiếu chống lại đảng của những kẻ độc tài", Donaueschingen, Đức, ngày 27/04/2024. Trong hình, ông Maximilian Krah mang hai lá cờ Trung Quốc và Nga. REUTERS - Heiko Becker

 

Một người Đức gốc Hoa, ‘‘trợ lý’’ của lãnh đạo đảng cực hữu Đức AfD, nghị viên Châu Âu, ‘‘bị bắt quả tang’’ chuyển giao tài liệu nội bộ của Nghị Viện cho tình báo Trung Quốc. Vẫn về quan hệ châu Âu – Trung Quốc, nhưng liên quan đến kinh tế, hôm 23/04/2024 vừa qua, Nghị Viện Châu Âu thông qua đạo luật cho phép Bruxelles điều tra về các sản phẩm do ‘‘lao động cưỡng bức’’, mang lại 236 tỉ đô la trên phạm vi toàn cầu, vớI hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động tại Trung Quốc là một tâm điểm của đạo luật. Hôm sau, ngày 24/04, Liên Âu lần đầu tiên quyết định điều tra về chính sách của Bắc Kinh ngăn cản doanh nghiệp châu Âu tham gia ‘‘các dự án công’’ tại Trung Quốc, cụ thể là trong lĩnh vực thiết bị y tế, dược phẩm.

 

Ngoài một số sự kiện chính trong tuần trên đây, Tạp chí Thế giới Đó đây xin giới thiệu bộ phim ‘‘Civil War’’ (hay Nội Chiến) của đạo diễn Anh Alex Garland, vừa ra rạp tại Pháp. Bộ phim viễn tưởng ‘‘Nội Chiến’’ - nói về ‘‘tương lai gần’’ của siêu cường số một thế giới - đặt xã hội Mỹ đối diện với những đối kháng nội bộ trầm trọng, có thể dẫn đến chiến tranh huynh đệ tương tàn.

 

 

‘‘Trợ lý’’ gốc Hoa của lãnh đạo AfD lộ mặt: Chấn động chính trường châu Âu

Cho đến nay, đảng cực hữu Đức AfD (Alternative fur Deutschland – tạm dịch là Vì Một Nước Đức Khác), đứng thứ hai về tỉ lệ được lòng dân tại Đức, đã thường xuyên bị cáo buộc nhận tiền của Trung Quốc. Chính trị gia cực hữu Maximilian Krah, lãnh đạo đảng AfD, đã nằm trong tầm ngắm của an ninh Đức từ nhiều năm. Tuy nhiên, việc công dân Đức gốc Hoa Quách Kiến (Guo Jian), 43 tuổi, ‘‘cánh tay phải’’ của nhân vật số một của đảng, bị bắt ngày 23/04 với cáo buộc gián điệp, đã vén lộ mức độ thao túng nghiêm trọng hơn rất nhiều.

 

·        Đọc thêm : Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết chống « can thiệp của nước ngoài »

 

Ngay sau vụ bắt giữ, lãnh đạo đảng Krah buộc phải lui về tuyến sau, tránh tiếp xúc với cử tri, vì lo sợ uy tín của đảng AfD bị chôn vùi cùng với bê bối này. Trong lúc Bắc Kinh lên án ‘‘vu cáo’’ nhằm phá hoại quan hệ Trung Quốc – Châu Âu, đông đảo nghị viên châu Âu kêu gọi tư pháp đưa ra kết luận sớm, nhằm giúp cử tri có đủ thông tin để bầu chọn đúng đảng, đúng người.

 

Đặc phái viên Daniel Vallot tường trình từ Strasbourg :

 

‘‘Viên trợ lý nghị viên này từng là cộng sự của một trong những nhân vật nặng ký của đảng cực hữu Đức AfD, và có thể ông ta đã chuyển cho các cơ quan tình báo Trung Quốc các thông tin liên quan đến những thỏa thuận trong nội bộ Nghị Viện Châu Âu. Theo nghị viên châu Âu thuộc đảng Xanh Terry Reintke, cần khẩn cấp mở điều tra về các vụ tham nhũng và can thiệp nội bộ này.

 

Bà nói: ‘‘Chúng ta biết là kiểu điều tra này đôi khi đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng đối với chúng tôi, điều quan trọng là các công dân châu Âu biết rõ trước khi bỏ phiếu: liệu có tham nhũng hay không, có các can thiệp bên ngoài vào hoạt động của Nghị Viện Châu Âu hay không, từ phía Trung Quốc, hoặc từ phía Nga ? Tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền của Nghị Viện Châu Âu cộng tác với chính quyền các nước liên quan để đưa ra một kết luận về vụ việc này một cách mau chóng nhất, tốt nhất là ngay trước các cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.

Vụ can thiệp vào nội bộ châu Âu mới nhất này diễn ra chỉ ít tuần sau khi tư pháp Bỉ mở điều tra về các vụ hối lộ và can thiệp nội bộ, lần này liên quan đến Nga. Một lần nữa vẫn lại là các nghị viên châu Âu cực hữu.’’

 

https://s.rfi.fr/media/display/b4de1aac-0492-11ef-b816-005056a97e36/2024-04-24T074844Z_181076655_RC2VC7AUZJCL_RTRMADP_3_GERMANY-CHINA-SECURITY-AFD-REACTS.webp

Maximilian Krah, nhân vật số một đảng cực hữu AfD, trả lời báo giới, ngày 24/04/2024, sau khi viên trợ lý gốc Hoa Quách Kiến (Guo Jian) bị bắt. REUTERS - Fabrizio Bensch

 

 

Nga như ‘‘bão tố’’…, Trung Quốc như ‘‘biến đổi khí hậu’’...

 

Hành tung của Quách Kiến gây nghi ngờ từ ít lâu nay. Tháng 10/2023, trang mạng t-online nói đến một nhân vật ‘‘gần gũi’’ với lãnh đạo đảng AfD, chỉ đạo một mạng lưới vận động hậu trường phục vụ quyền lợi của Trung Quốc ngay tại văn phòng của đảng này ở Nghị Viện Châu Âu. Theo thông báo chính thức của cơ quan công tố Đức, ‘‘Q. Kiến làm việc cho tình báo Trung Quốc. Vào tháng 1/2024, bị cáo đã nhiều lần chuyển (cho Bắc Kinh) các thông tin về các đàm phán và quyết định của Nghị Viện Châu Âu. Ngoài ra, người này còn thu thập thông tin về các nhà đối lập Trung Quốc ở Đức’’.

 

Chính quyền Đức gần đây dự báo khả năng can thiệp ghê gớm của Trung Quốc. Theo ông Thomas Haldenwang, giám đốc Cơ quan Liên bang bảo vệ Hiến pháp, đối với Đức, can thiệp của Nga có thể ví như ‘‘cơn bão tố’’, còn tác động của Trung Quốc như ‘‘biến đổi khí hậu’’, tức thầm lặng, trầm trọng và lâu bền hơn rất nhiều (phát biểu năm 2022).

 

Nhà Trung Quốc học Mareike Ohlberg (thuộc Quỹ Marshall), chuyên gia về các hoạt động gây ảnh hưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhấn mạnh đến mục tiêu của Trung Quốc là tấn công vào ‘‘các điểm yếu của nền dân chủ phương Tây’’, thông qua các đảng phái như AfD. Chỉ ra ‘‘các điểm yếu’’ không nhằm mục đích cải thiện, mà để đả phá. Lãnh đạo đảng AfD cũng trở thành cái loa biện minh cho chế độ Bắc Kinh, khi khẳng định các cáo buộc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ chỉ là ‘‘chuyện bịa đặt nhằm gây sợ hãi’’.

 

 

Cực hữu châu Âu và độc tài "cộng sản": Đồng thanh tương ứng

 

Theo quan điểm chính trị truyền thống châu Âu, cộng sản là cánh tả. Hợp tác giữa cộng sản và cực hữu là điều không tưởng. Nhưng ngược lại, theo giới chuyên gia, với nhiều đảng phái cánh hữu, nhất là cực hữu châu Âu, chế độ mang danh ‘‘cộng sản’’ của Trung Quốc lại rất gần gũi. Theo chuyên gia về chế độ Trung Quốc Katjia Drinhausen, viện tư vấn tư nhân Mercator Institute for Chinese Studies, có trụ sở ở Berlin, điều khiến nhiều lãnh đạo đảng cực hữu AfD của Đức bị chinh phục bởi chế độ ‘‘cộng sản’’ Trung Quốc là việc ‘‘đặt lợi ích kinh tế lên trên hết’’, ‘‘quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn’’, ‘‘quyền lực tập trung’’, ''chống tự do tư tưởng cá nhân''.

 

Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế số một của Đức. Quan điểm của đảng AfD, qua lời nghị viên Peter Felser, một giới chức cao cấp của đảng, là quan hệ Đức – Trung phải ‘‘lấy kinh tế và lợi ích quốc gia làm đầu’’, đừng nói chuyện ‘‘đạo lý’’, chuyện ‘‘ý thức hệ chính trị’’. Theo chuyên gia Katjia Drinhausen, chế độ Bắc Kinh tìm cách gây dựng quan hệ với nhiều chính đảng tại Đức, tại châu Âu. Đảng cực hữu AfD đang lớn mạnh nhanh chóng, có thể trở thành đảng cầm quyền, đặt cược vào AfD là rất có lợi.  Truyền thông Pháp cũng ghi nhận việc Bắc Kinh vun trồng quan hệ với đảng cực hữu Pháp Tập hợp Dân tộc (RN) từ nhiều năm nay. Nghị viên châu Âu Hervé Juvin, từng là trợ thủ đắc lực của lãnh đạo đảng RN Marine Le Pen, coi Trung Quốc là ‘‘xứ sở của nhân quyền’’ và ‘‘đứng đầu thế giới về bảo vệ môi trường’’.

 

 

Hàng loạt điều tra: ‘‘Lao động cưỡng bức’’, ‘‘trợ giá sản phẩm’’, ‘‘ngăn cản tiếp cận thị trường’’…

 

Sau một thời gian dài lưỡng lự, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định mở một loạt điều tra nhắm vào các ‘‘cạnh tranh bất chính’’ của Trung Quốc trên thị trường châu Âu trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xe ô tô điện... Trong tuần qua, Bruxelles lần đầu tiên mở điều tra, kể từ khi Liên Âu xác lập các quy định trong lĩnh vực này từ năm 2022, về cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn doanh nghiệp châu Âu tiếp cận ‘‘các dự án công’’ tại Trung Quốc.

 

Theo ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Valdis Dombrovskis, Ủy Ban Châu Âu nghi ngờ Bắc Kinh tạo các rào cản, khiến doanh nghiệp châu Âu không thể tham gia đấu thầu các dự án công của Trung Quốc về thiết bị y tế, do chính sách ‘‘mua tại Trung Quốc’’. Mức độ kỳ thị đối xử đạt tới mức mà doanh nghiệp châu Âu gần như không có điều kiện tham gia thị trường này, trong lúc việc đấu thầu các dự án công của Liên Âu mở cửa đến 95% cho các cạnh tranh quốc tế. Để trả đũa, Bruxelles có thể ‘‘cấm cửa hoàn toàn’’ doanh nghiệp Trung Quốc tham gia lĩnh vực này tại châu Âu.

 

Cũng trong tuần qua, ngày 23/04, Nghị Viện Châu Âu, với đa số áp đảo (555 phiếu thuận, 6 chống, 45 vắng mặt), cũng đã thông qua một đạo luật cho phép Bruxelles điều tra về các sản phẩm, do ‘‘người lao động bị cưỡng bức’’ làm ra, với ít nhất 27,6 triệu nạn nhân trên thế giới, với hơn 3,3 triệu trẻ em, trong đó có hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc.

 

Cùng ngày, Ủy Ban Châu Âu cho biết nhiều cuộc khám xét bất ngờ đã được tiến hành tại các văn phòng của một doanh nghiệp sản xuất và bán ‘‘các phương tiện bảo vệ an ninh’’ trong khuôn khổ điều tra về trợ giá. Bruxelles không cho biết địa điểm cụ thể, nhưng Phòng Thương mại Trung Quốc ở châu Âu lên án các cuộc khám xét ‘‘không thể biện minh’’ tại Hà Lan và Ba Lan nhắm vào một doanh nghiệp Trung Quốc.

 

 

Phong trào sinh viên Mỹ chống chiến tranh tại Gaza 

 

Từ nhiều ngày nay, tại Hoa Kỳ, phong trào phản đối chiến tranh ở Gaza bùng lên trở lại tại nhiều trường đại học hàng đầu như tại đại học Havard, các đại học ở Los Angeles, Boston hay Austin, Texas. Để bày tỏ thái độ phản kháng sinh viên nhiều nơi đã chiếm lĩnh khuôn viên đại học, tương tự như phong trào ‘‘Occupy Wall Street’’, chiếm lĩnh thủ phủ tài chính của nước Mỹ hay phong trào ‘‘Nuit Debout’’ ở Pháp. Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson đe dọa yêu cầu Vệ binh  Quốc gia can thiệp giải tán.

 

Phóng sự ngày 24/04 của thông tín viên Loubna Anaki gửi về từ đại học Columbia, New York, một trung tâm của phong trào:

 

‘‘Đại học Columbia đồng lõa với diệt chủng’’, các sinh viên trường đại học nổi tiếng của thành phố New York hô vang. Các sinh viên này chống lại cuộc chiến tranh tại Gaza, và yêu cầu đình chỉ các chương trình trao đổi giữa Đại học Columbia với Israel.

 

Để tiếng nói của họ được chú ý, các sinh viên quyết định chiếm lĩnh khuôn viên đại học cả ngày lẫn đêm. Một nữ sinh viên giải thích : ‘‘Chúng tôi đã thử bằng mọi cách, biểu tình, thương lượng, đối thoại với ban giám hiệu. Nhưng tất cả đều vô ích. Chúng tôi bắt buộc phải làm mạnh hơn để họ lắng nghe chúng tôi và đáp ứng các đòi hỏi của chúng tôi.’’

 

Các sinh viên càng phẫn nộ hơn khi ban giám hiệu đã yêu cầu cảnh sát New York can thiệp để giải tán khuôn viên đại học hồi tuần trước. Khoảng một trăm sinh viên đã bị bắt đêm hôm đó. Một nữ sinh viên khác kể lại : ‘‘Họ đã dùng vũ lực, họ xâm nhập khuôn viên đại học với vũ khí. Chúng tôi hoàn toàn không cảm thấy được an toàn.’’

 

Việc cảnh sát can thiệp cũng đã bị một bộ phận lớn giảng viên của trường lên án. Khoảng 400 người đã đến đây, trong lễ phục truyền thống của giảng viên đại học, để chính thức bày tỏ sự ủng hộ các sinh viên của mình.

 

Các giảng viên kêu gọi lãnh đạo Đại học Columbia từ chức. Về phần mình, ban giám hiệu viện ra nội quy của trường cũng như các cáo buộc ‘‘bài Do Thái’’ để biện minh cho quyết định yêu cầu cảnh sát can thiệp. Các cáo buộc ‘‘bài Do Thái’’ của ban lãnh đạo nhà trường đã bị các tổ chức sinh viên, trong đó có nhiều hiệp hội sinh viên người Do Thái, bác bỏ’’.

 

 

Vì sao Trump ngả theo phe ủng hộ viện trợ cho Ukraina ?

 

Ngày 20/04/2024 sẽ được ghi nhận như là một thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với nước Mỹ, đang lưỡng lự giữa việc khép mình vào ‘‘chủ nghĩa biệt lập’’ Nước Mỹ Trên Hết (Americain first), hay tiếp tục đảm nhiệm vai trò hàng đầu trong khối ‘‘các nước dân chủ’’ trong cuộc đối đầu với các đế chế độc tài. Hạ Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua khoản viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraina, sau nửa năm bế tắc kéo dài, do thái độ bất hợp tác của các dân biểu Cộng Hòa trung thành với cựu tổng thống Donald Trump. Vì sao rút cục ông Trump đã chấp nhận ngả theo phe ủng hộ viện trợ cho Ukraina ?

 

Thoạt tiên, quyết định này có thể coi là một thất bại của Trump. Tuy nhiên, dù coi đây là một thất bại của cá nhân ông Trump hay không, một điểm chung được nhiều người ghi nhận, đó là ông Trump buộc phải đưa ra quyết định này để tránh cho đảng Cộng Hòa bị chia rẽ tột độ, thậm chí bị tan vỡ, bởi một bộ phận đông đảo nghị sĩ Cộng Hòa, tại Hạ Viện và Thượng Viện ủng hộ viện trợ Ukraina.

 

Theo chuyên gia về lịch sử Mỹ đương đại Olivier Burtin, Đại học Picardie (Pháp), ‘‘Trump hiện đang sa lầy trong vụ xét xử tại New York (vụ xét xử hình sự đầu tiên nhắm vào một cựu tổng thống Mỹ, với cáo buộc che giấu chứng từ các khoản tiền đổi lấy sự im lặng của một nữ diễn viên khiêu dâm về các quan hệ tình ái với bị cáo), khiến ông ta không có thời gian vận động tranh cử…, hoàn toàn không muốn có thêm một cuộc chiến huynh đệ tương tàn mới trong nội bộ đảng Cộng Hòa, sau vụ phế truất chủ tịch Hạ Viện tiền nhiệm thuộc đảng Cộng Hòa hồi năm ngoái’’.

 

Sử gia Oliver Burtin nhấn mạnh, với quyết định này trong hiện tại Trump vẫn khẳng định ‘‘tiếp tục là lãnh đạo của đảng Cộng Hòa’’. Ủng hộ viện trợ Ukraina cũng là một thủ đoạn tranh cử của Trump trong bối cảnh tỉ lệ được lòng dân so với đối thủ Joe Biden hiện đang ngang ngửa, 50/50. Để có cơ hội giành chiến thắng, Trump phải thu hút sự ủng hộ của các cử tri độc lập, mà đa số trong số này ủng hộ viện trợ Ukraina, theo chuyên gia Serge Jaumain, Đại học Tự do Bruxelles. Mà nếu Hoa Kỳ không viện trợ tiếp cho Ukraina trong năm nay, có nhiều nguy cơ Kiev sẽ thua trận Một thất bại như vậy có thể để lại hậu quả lớn cho cá nhân cựu tổng thống và đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.

 

 

Ám ảnh nội chiến: ''Civil War'' lay động cử tri Mỹ ít tháng trước bầu cử

 

Nếu như với không ít người Mỹ, cảnh chiến tranh, hỗn loạn tại Ukraina, tại Gaza, tại Haiti… là chuyện quá xa xôi, thì với đạo diễn bộ phim Civil War vừa ra mắt, chiến tranh là tương lai nhãn tiền ngay trong lòng nước Mỹ. Trong bộ phim viễn tưởng của đạo diễn Alex Garland, nội chiến bùng nổ sau khi tổng thống quyết định tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba bất chấp Hiến pháp. Cùng nhiều bang khác của nước Mỹ, Texas và California quyết định liên minh chống lại chính quyền liên bang. Bộ phim viễn tưởng của Alex Garland gợi lên hình ảnh của chính nước Mỹ hiện tại, ít tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, với nhiều khả năng cựu tổng thống Donald Trump – người cổ vũ cho cuộc tấn công nhà Quốc Hội Mỹ năm 2021 để đảo ngược kết quả bầu cử - trở lại nắm quyền.

 

https://s.rfi.fr/media/display/04f2c02e-68fa-11ec-8ce9-005056a90284/AP21285761424027.webp

Ảnh tư liệu: Cuộc tấn công Quốc Hội Mỹ, đồi Capitole, thủ đô Washington, ngày 06/01/2021. AP - John Minchillo

 

Phim Nội chiến đang thu hút nhiều khán giả nhất trong tuần qua tại Bắc Mỹ. Với The Economist, điều này ắt không lạ. Theo một điều tra năm 2022 được tuần báo Anh dẫn lại, có đến 40% dân Mỹ cho rằng trong thập niên tới, có nhiều khả năng một cuộc nội chiến thứ hai sẽ bùng nổ tại Mỹ.

 

Đối với báo Pháp Les Echos, những ai xem Civil War không thể không nhớ đến hình ảnh ‘‘đám đông giận dữ và cuồng loạn vì thù hận’’ tấn công Quốc Hội Mỹ, và ‘‘nhà điện ảnh người Anh chỉ mở rộng’’ tầm mức của vụ tấn công nhà Quốc Hội Mỹ ngày 06/01/2021, với 5 người thiệt mạng, ‘‘sang một quy mô lớn hơn rất nhiều’’, ‘‘cứ như thể cái ngày mùa đông gây bàng hoàng cách nay hơn ba năm là dấu hiệu báo trước cho một đại cuồng phong tàn khốc chưa từng có’’.

 

Civil War cũng là một bộ phim vinh danh nghề phóng viên. Các nhân vật chính trong phim là nhà báo chiến trường, hết mình cho hai sứ mạng, ‘‘truyền thông tin đến công chúng đương thời và là chứng nhân giúp cho hậu thế’’, và như vậy, khi ‘‘chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng của hiện tại, các nhà báo cũng đồng thời chuẩn bị cho tương lai’’. Trong Nội Chiến, ‘‘thế giới sụp đổ một cách kinh hoàng, nhưng cũng chính từ tro bụi mà nẩy mầm một thế hệ mới, với ánh bình minh le lói của tái thiết và hy vọng tương lai’’. Khán giả coi phim ắt sẽ thấm thía hơn về ý nghĩa của lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đầu tháng 11/2024.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2ef8ed30-0493-11ef-93c4-005056bf30b7/AP24087042433964.webp

Đạo diễn Alex Garland (thứ hai phải sang) cùng các diễn viên, Luân Đôn, ngày 26/03/2024. Scott A Garfitt/Invision/AP - Scott A Garfitt

 

Theo truyền thông Mỹ, phiên thảo luận đầu tiên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 25/04, về yêu cầu truy tố hình sự cựu tổng thống, của công tố viên đặc biệt Jack Smith, do vai trò của Donald Trump trong vụ bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ, để ngỏ khả năng phiên tòa sẽ chỉ diễn ra sau cuộc bầu cử. Nếu tái đắc cử, Trump có khả năng ra lệnh cho bộ Tư Pháp đình chỉ vụ án, hoặc nếu bị kết án, tổng thống ‘‘sẽ có thể tự ân xá’’. Thẩm phán Tòa án Tối cao, Ketanji Brown Jackson, đặt câu hỏi : ‘‘Nếu không bị đe dọa truy tố hình sự, điều gì sẽ cản được tổng thống làm bất cứ điều gì ông muốn… và biến văn phòng tổng thống thành căn cứ địa cho các hành động tội phạm tại quốc gia này ?’’

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Tình báo Trung Quốc khai thác những điểm yếu của châu Âu

 

HUNGARY - HỘI NGHỊ - CỰC HỮU

Phe cực hữu Mỹ - Âu dự hội nghị tại Hungary

 

AMNESTY INTERNATIONAL - NHÂN QUYỀN

Ân Xá Quốc Tế : 2023 là năm thụt lùi về nhân quyền, trật tự quốc tế bên bờ sụp đổ

 





No comments:

Post a Comment