Saturday, March 2, 2024

VIỆT NAM SIẾT CHẶT KIỂM SOÁT QUYỀN CỦA CÔNG NHÂN, TỔ CHỨC NGOẠI QUỐC (Người Việt)

 



Việt Nam siết chặt kiểm soát quyền của công nhân, tổ chức ngoại quốc

Người Việt

March 2, 2024

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/csvn-siet-chat-kiem-soat-quyen-cua-cong-nhan-to-chuc-ngoai-quoc/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV)Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) chỉ đạo giới chức kiểm soát công đoàn giữa lúc nước này chuẩn bị mở rộng quyền của công nhân, đồng thời theo dõi chặt chẽ tổ chức ngoại quốc và công dân đi nước ngoài, theo phúc trình của nhóm theo dõi nhân quyền ở Việt Nam, Reuters đưa tin.

 

Trong phúc trình công bố hôm Thứ Sáu, 1 Tháng Ba, nhóm Project 88 ở Bangkok, Thái Lan, cho hay họ có được chỉ thị nội bộ mà Bộ Chính Trị đảng CSVN ban hành Tháng Bảy năm ngoái về những yêu cầu nêu trên.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/TS-csvn-siet-chat-2-1536x1090.jpg

Công an và dân phòng cố ngăn ký giả ngoại quốc chụp hình trước tòa án ở Sài Gòn hôm 10 Tháng Tám, 2011, nơi xét xử ông Phạm Minh Hoàng, nhà giáo và blogger người Pháp gốc Việt, về tội lật đổ chính quyền. (Hình minh họa: Ian Timberlake/AFP via Getty Images)

 

Project 88 nói họ không thể xác minh độc lập chỉ thị đó, nhưng lưu ý nhiều đoạn của chỉ thị được báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin.

 

Trong chỉ thị, CSVN ra lệnh giới chức thực hiện nhiều biện pháp có vẻ trái với cam kết gia tăng bảo vệ công nhân mà nước này đưa ra khi ký thỏa thuận thương mại quốc tế, theo bản dịch một số đoạn trong chỉ thị của Project 88.

 

Chỉ thị yêu cầu giới chức bảo đảm tiếp tục kiểm soát từng chi bộ đảng và bảo đảm chính quyền tiếp tục nắm quyền “ở tất cả các cấp” khi thực thi công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của công nhân mà Việt Nam sẽ chuẩn thuận năm nay sau một chục năm đàm phán với đối tác quốc tế.

 

Mục tiêu của công ước đó là bảo đảm tự do thành lập công đoàn, nhưng chỉ thị của CSVN ra lệnh giới chức “ngăn chặn thành lập tổ chức lao động dựa trên sắc tộc hoặc tôn giáo,” theo bản dịch của Project 88.

 

Văn phòng Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) ở Việt Nam không trả lời yêu cầu của Reuters nhận xét về vụ này.

 

Bộ Ngoại Giao Việt Nam, nơi có nhiệm vụ trả lời thắc mắc của báo chí ngoại quốc, cũng không hồi đáp yêu cầu của Reuters.

 

Chỉ thị nêu trên dường như muốn trấn áp viện trợ của ngoại quốc cho Việt Nam, theo đó, giới chức phải “quản lý chặt chẽ hoạt động hợp tác quốc tế” và từ chối nhận viện trợ cho dự án nhạy cảm, theo bản dịch của Project 88.

 

Chỉ thị còn ra lệnh giới chức đề phòng mối đe dọa cho an ninh quốc gia nảy sinh từ những biện pháp cải tổ có thể giúp nhà đầu tư ngoại quốc dễ dàng thâu tóm cổ phần kiểm soát “trong những lĩnh vực kinh tế trọng yếu.”

 

Chỉ thị cũng nhắc nhở giới chức rằng Việt Nam cấm thành lập tổ chức chính trị độc lập.

 

Phải tăng cường “tình trạng an ninh” ở khu kỹ nghệ, khu dân cư, vùng kinh tế và “nơi có đông công nhân,” theo phúc trình Project 88.

 

Chỉ thị yêu cầu theo dõi chặt chẽ công dân việt Nam đi nước ngoài công tác hay du lịch, theo phúc trình.

 

Giới chức cũng phải gia tăng dùng báo chí để giải quyết nạn bất tuân dân sự, chống “âm mưu phá hoại của thế lực thù địch” và chống lại nạn quảng bá “nền văn hóa ngoại lai không phù hợp với phong tục và truyền thống dân tộc,” theo phúc trình Project 88. (Th.Long) [qd]

 

 



No comments:

Post a Comment