Saturday, March 2, 2024

ĐỪNG BỆNH Ở VIỆT NAM! (Trần Thắng / Saigon Nhỏ)

 



Đừng bệnh ở Việt Nam!

Trần Thắng  -  Saigon Nhỏ

2 tháng 3, 2024

 https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/dung-benh-o-viet-nam/

 

Cơ may cho tôi được tìm hiểu thêm về hệ thống y tế Việt Nam đến thật bất ngờ, và đã cho tôi nhiều suy nghĩ về số phận con người.

 

Sau 42 năm sống xa xứ, lần đầu tiên tôi quyết định về Việt Nam “ăn Tết.”

 

Tôi về Sài Gòn 5 ngày trước Tết để sắp sửa trước khi về quê ăn Tết với người thân. Tết ở Sài Gòn năm nay không có không khí như tôi nghĩ. Chợ hoa vắng người, sức mua sắm giảm nhiều vì kinh tế khó khăn và tình trạng thất nghiệp gia tăng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/a6_NFXS.jpg

Ảnh minh họa (báo Thanh Niên)

 

Chuyện không vui xảy ra vào sáng Mùng Một Tết, người thân của tôi té sau khi đi từ nhà tắm ra, và bà bị gãy cổ xương đùi.

 

Sau khi xác định qua chụp hình X-ray, tôi phải liên lạc bạn bè đồng nghiệp và cũng là bạn học thời trung học để lo cho bà đi mổ. Bác sĩ M. học cùng trường và quen thân, là bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình đã tận tình giúp đỡ: giới thiệu bệnh viện và liên lạc bác sĩ mổ giỏi. Anh góp ý nên đi bệnh viện tư ở Sài Gòn.

 

Từ quê lên Sài Gòn mất 4-5 giờ xe. Các bệnh viện chỉ mổ những ca thật cấp thiết vì bác sĩ và y tá (ở Việt Nam gọi là điều dưỡng) nghỉ Tết.

 

Tôi được khuyên đừng đưa bà lên trước Mùng Sáu. Vì bà dùng thuốc loãng máu nên cũng phải đợi. Ở Na-Uy những trường hợp này sẽ phải mổ trong vòng 48 giờ.

 

Bệnh Viện

 

T.A là bệnh viện tư nhân người thân tôi nằm. Thủ tục đầu tiên là nộp giấy chứng minh thư, giấy bảo hiểm sức khỏe, tiền ứng cho tiền phòng. Có nhiều mức giá: phòng sáu, ba, hai hay một người, ngoài ra có phòng VIP. Chúng tôi chọn phòng một người với giá 980,000 VNĐ/ngày. Đặt cọc trước 5 ngày. 

 

Trong phòng có một giường cho bệnh nhân và một giường cho người thân đi “nuôi” bệnh nhân. Vì vợ chồng tôi ở lại, nên mướn thêm ghế bố 30,000 VNĐ mỗi ngày. Tiền phòng bao gồm cháo buổi sáng, ba món trưa và tối cho người bệnh, một lần lau sàn nhà và một lần lấy rác.

 

Thay tấm trải và mền vệ sinh cho bệnh nhân là trách nhiệm người nhà!

 

Điều dưỡng

 

Trách nhiệm điều dưỡng: đưa thuốc cho người nhà để cho bệnh nhân uống, thay băng, thử máu, chích thuốc. Ngoài những việc khác người nhà phải lo cho bệnh nhân. Cây kim chích, băng thay, từng miếng bông gòn đều được tính tiền.

 

-Khi họ vào phòng, họ không giới thiệu họ là ai, phần hành gì.

 

-Khi cần gọi họ đến, nhưng không làm gì, chỉ trả lời là  “sẽ hỏi bác sĩ.”

 

Trong hai ngày đầu họ coi thường chúng tôi lắm. Sau khi mổ xong người thân tôi mê sảng và sốt. Tôi yêu cầu đo nhiệt độ, thử máu và xem xét cho trụ sinh. Họ không làm ngay.

 

-Tôi yêu cầu gặp bác sĩ D., người mổ và người tôi quen.

 

-Điều dưỡng thông báo là bác sĩ bận mổ.

 

Tôi không đồng ý và tôi tự gọi bác sĩ D. xuống ngay. Từ khi bác sĩ thông báo cho họ biết tôi là ai, họ đã làm theo yêu cầu của tôi không cần thông qua bác sĩ D. nữa. Tôi thật sự rất khó chịu tính quan liêu và kiêu ngạo.

 

Bệnh nhân gãy xương và sau khi mổ với cơn đau dữ dội nhưng họ chỉ cho Paracetamol để giảm đau. Tôi phải yêu cầu dùng morfin và chấp nhận trả tiền họ mới cho. Rõ khổ.

 

Bác sĩ

 

Ngoài bác sĩ D. quen biết và biết tôi làm gì, còn những bác sĩ khác thì hỡi ơi!

 

Hôm bà bị mê sảng, có một  bác sĩ đến. Ông vào phòng với một điều dưỡng. Ông không tự giới thiệu mình là ai và vào làm gì. Ông hỏi bệnh nhân tên gì, tại sao vào đây?

 

Khi nghe bị gãy cổ xương đùi, ông ta chỉ xoáy vào việc là có phải do choáng váng, mất thăng bằng và té. Ông chỉ muốn xác định là do tai biến đưa đến té. Ông hỏi có dùng thuốc loãng máu vì sao? Tôi giải thích là do trước đây vài năm có triệu chứng tai biến và khi dùng thuốc loãng máu, triệu chứng không còn sau khi uống thuốc vài phút, từ đó bác sĩ bệnh viện cho dùng tiếp.

 

Ông ta không nhìn tôi mà chỉ chăm chăm hỏi bà cụ. Tôi không thể hiểu ông đang làm gì. Một người đang mê sảng không thể nhớ hay có khả năng trả lời.

 

Tôi phải ngắt lời và hỏi ông là ai? Ông bảo là bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tên S., ông muốn bà cụ phải chụp hình MRI để xác định đã bị tai biến và khi ấy mới tiếp tục dùng thuốc loãng máu. Tôi cũng xin phép tự giới thiệu về mình và giải thích yếu tố phòng hộ ban đầu đủ để bà cụ dùng thuốc loãng máu (tiểu đường, cao áp huyết, triệu chứng tai biến). Xác định có tai biến để dùng thuốc loãng máu là phòng hộ thứ hai.

 

Người mê sảng không thể nằm yên 30 phút để chụp MRI và không bác sĩ nào đi lấy bệnh án người mê sảng khi không nói chuyện với người nhà.

 

Tôi trả lời tôi không đồng ý chụp MRI, tôi tự quyết định cho bà dùng thuốc loãng máu và tôi không cần bác sĩ S. ở đây. Tôi không đồng ý trả tiền cho sự có mặt của bác sĩ.

 

Tôi đã quen với môi trường làm việc bệnh viện Na Uy 30 năm. Khi bệnh nhân nằm viện, mọi thứ đều được bác sĩ, y tá và trợ tá lo. Người thân không được ở lại bệnh viện. Ở Việt Nam hoàn toàn trái ngược. Ở Việt Nam, ba y tá lo cho 30 bệnh nhân cũng không mệt. Bên Na Uy, một y tá lo cho hai bệnh nhân là bù đầu bù cổ.

 

Tôi nghĩ những phòng ba đến sáu bệnh nhân, người thân lo cho bệnh nhân họ sẽ nằm ở đâu. Nằm dưới gầm giường chắc?

 

Cùng là số phận con người và bệnh nhân, nhưng bệnh nhân ở Na Uy được đối xử đàng hoàng và đúng tình con người. Tôi thật sự không thể tưởng tượng hoàn cảnh bệnh nhân ở bệnh viện công ở Việt Nam thì sao?

 

Chi phí tôi phải trả cho năm ngày nằm viện và mổ là 37 triệu VNĐ và bảo hiểm trả 52 triệu VNĐ. Với số tiền gần 80 triệu VNĐ có thể là cả gia tài cho một gia đình.

 

Qua đây tôi càng thương cho số phận những người dân trong nước. Còn nhiều người lo không đủ cho chỗ ở, miếng ăn. Chắc nhiều người lo sợ bị bệnh và người thân bị bệnh. Không có quen biết và kém tài chính sẽ khó khăn lắm.

 

----------

LTS: Tác giả bài viết là bác sĩ Thắng Trần, sống ở Na Uy, trong một lần về thăm quê hương, ông cảm khái kêu lên “đừng bệnh ở Việt Nam” như sự chua xót, chia sẻ suy nghĩ của mình về số phận các người bệnh tại Việt Nam.





No comments:

Post a Comment