Wednesday, March 27, 2024

TỪ 'MAI' ĐẾN NỀN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM THẾ KỶ 21 (Doãn Hưng / Saigon Nhỏ)

 



Từ ‘Mai’ đến nền điện ảnh Việt Nam Thế Kỷ 21

Doãn Hưng  -  Saigon Nhỏ

27 tháng 3, 2024

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/dien-anh/tu-mai-den-nen-dien-anh-viet-nam-the-ky-21/  

 

Buổi đi xem ra mắt bộ phim Mai của tôi và cô em văn nghệ trở nên thú vị hơn sau khi phim kết thúc, chúng tôi rủ nhau đi uống một vài ly rượu để nói đủ thứ chuyện về Việt Nam, về nền văn học nghệ thuật trong nước. Xem phim xong, chúng tôi vẫn cảm thấy “thiếu một cái gì đó,” cho nên chuyện phiếm “trà dư tửu hậu” tìm cho ra lẽ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/Phim-Mai-1-1024x768.jpg

Phim MAI chính thức khởi chiếu ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. (Hình: Đ.Trang)

 

Có khi quảng cáo quá đáng về một bộ phim lại gây ra phản tác dụng. Mai được chính thức ra mắt vào ngày 22 Tháng Ba 2024 ở gần 200 rạp trên khắp Bắc Mỹ và Châu Âu, một sự kiện chưa từng có đối với một cuốn phim Việt Nam. Ngày ra mắt ở Quận Cam, rất đông giới nghệ sĩ gốc Việt được mời. Đích thân diễn viên kiêm nhà sản xuất Trấn Thành có mặt cùng diễn viên Hồng Đào có mặt để nói chuyện cùng khán giả. Một sự kiện được người trong nước mô tả là “hoành tráng.”

 

Chắc tại vì vậy mà chúng tôi trông đợi hơi nhiều về bộ phim, cho nên bị hụt hẫng. Chứ nếu ngay từ đầu nghĩ rằng đi xem để “mua vui cũng được một vài trống canh” thì chắc không đến nỗi.

 

Mà ngay cả khi đi xem phim để “mua vui,” chúng tôi vẫn có một căn bệnh nghề nghiệp: xem phim như là một tác phẩm của nghệ thuật thứ bảy. Đừng nghĩ rằng những phim giải trí thuần túy kiểu đấm đá võ thuật, phiêu lưu mạo hiểm, phim hài, phim sến… là không có tính nghệ thuật, cho dù nội dung của chúng không có gì sâu sắc. Với kỹ thuật điện ảnh ngày nay, những cuốn phim võ thuật Trung Quốc, phim hài tâm lý Đại Hàn, phim hành động của Mỹ vẫn làm người xem cảm giác thỏa mãn khi bước ra khỏi rạp, cho dù vài tuần sau đã quên ngay cốt truyện của bộ phim. Nhiều bộ phim giải trí Việt Nam gần đây cũng đạt được điều này.

 

Nghĩ rằng có thể mình có cái nhìn khắt khe về phim ảnh trong nước hay chăng, nên sau khi xem phim tôi có hỏi ý kiến của người bạn từng là một đạo diễn sân khấu có tầm cỡ ở Việt Nam. Bạn tôi giải thích hết sức đơn giản: cổ nhân có câu “Người sao – chiêm bao vậy”! Từ lâu, anh đã không đi xem những “sản phẩm” (không phải là “tác phẩm”) điện ảnh trong nước. Như vậy, chúng tôi không phải là những người duy nhất có suy nghĩ khác với đa số khán giả đi xem khen ngợi bộ phim Mai.

 

Xét về kỹ thuật quay, dàn dựng phim, Mai không thua kém nhiều khi so với phim Hàn Quốc, vốn được nhiều người Việt say mê hiện nay. Ngay từ cảnh quay đầu tiên, đạo diễn đã chọn những góc quay rất sáng tạo, đẹp, thu hút người xem. Máy quay phim đi theo nhân vật Mai, khiến người xem chuẩn bị sẵn sàng đi theo nhân vật vào tận cùng ngõ ngách. Nhưng rồi giống như cảm giác gặp một cô gái đẹp hớp hồn người ta từ cái nhìn đầu tiên, nhưng khi bắt vào câu chuyện thì không còn thấy gì hấp dẫn nữa. “Mai” là như thế! Đây cũng là một điểm chung của khá nhiều phim Việt Nam mà một số khán giả hay gọi là “đầu voi, đuôi chuột.”

 

Những cái đáng xem nằm ngay ở đầu phim, đến phần giữa thì nhạt dần, nhạt dần, đến kết thì làm giống như cho có, ngượng ngạo, thiếu lô-gic. Ngược lại, khi xem những cuốn phim phim giải trí hay, khán giả càng lúc càng bị cuốn vào tình tiết, diễn tiến của phim ngày càng mở ra, cuốn vào, và khán giả chỉ tìm được câu trả lời vào cuối phim. Lôi cuốn đến giờ phút chót. Mai không làm được điều đó.

 

Một điểm đáng nói về kỹ thuật của Mai cũng như nhiều bộ phim Việt Nam khác đó là phần âm thanh.

 

Tại sao phim trong nước thường có âm thanh ồn ào quá, gây khó chịu cho người xem? Tại sao các nhân vật trong phim Việt hay lớn tiếng chửi rủa lẫn nhau như là một cách để thu hút khán giả? Tại sao khi diễn tả tình yêu, cũng phải hét lên: “Tui muốn yêu anh.” Tại vì môi trường trong nước quá ồn ào? Tại vì ngoài đời dân mình cũng hay sử dụng ngôn từ, cường độ âm thanh như thế khi nói chuyện với nhau? Hay tại vì đạo diễn và diễn viên chỉ biết cách dùng âm lượng thay vì vận dụng nội dung và diễn xuất để diễn đạt cao trào? Và liệu cao trào có còn “cao” hay không nếu từ đầu đến cuối đều cùng âm lượng hết cỡ như nhau? Và đó là chỉ mới nói đến âm thanh chói tai, chưa bàn đến âm nhạc.

 

Âm nhạc trong phim (cũng như đối thoại) quá kịch tính, người xem chưa kịp cảm nhận vui buồn thì tiếng nhạc trùm lên đã bắt người xem phim phải hoặc quá “trầm buồn” hoặc quá “vui tươi”, không cho khán giả một khoảng lặng nào để đầu óc và cảm xúc được tự do rong ruổi.

 

Xét về kịch bản, Mai không có một cốt truyện mạch lạc, không thu hút người xem từ đầu đến cuối, cho dù chỉ là truyện giải trí. Kể chuyện là một nghệ thuật. Tác giả có quyền sắp xếp tình tiết sao cho hợp lý, tạo cho người xem nhiều cảm xúc nhất. Kịch bản của Mai không có sự mạch lạc, không có điểm nhấn, và thường có những lúc làm người xem “cụt hứng” vì ngôn ngữ và cách diễn đạt thái quá. Câu chuyện về cuộc đời cô gái masage đáng thương, đầy bi kịch, tưởng như sẽ có được một tình yêu chân thành với một chàng trai nhà giàu, nhưng rồi cũng tan vỡ.

 

Đề tài loại này đã có cách đây hơn nửa thế kỷ, với những vở kịch của Kim Cương làm biết bao nhiêu người phải rơi lệ trên màn ảnh truyền hình. Mai không làm được điều này. Cuộc đời của Mai, mối tình của Mai và Sâu trong phim là những tình tiết chắp vá lại không có chủ đích. Phim như chỉ trôi dần đến đoạn cuối với một kết thúc khá có hậu (Mai trở nên thành đạt, giàu sang) thiếu lôgic.

 

Khóc cũng không được, mà cười cũng khó. Có một cảnh trong phim kéo dài gần một phút, một nhân vật trong phim đánh rắm tới hai lần. Cảnh có hai người, một nam một nữ diễn rất cường điệu về hành động dung tục này, có lẽ để thọc lét khán giả. Cười không nổi! Chẳng lẽ cần phải có những pha thô thiển kiểu này mới là “phim hiện thực xã hội” hay sao? Chẳng lẽ đa số khán giả trong nước thích thú với những kiểu cười như vậy?

 

Mới một năm trước, Trấn Thành giới thiệu bộ phim Nhà Bà Nữ ở Mỹ, cũng là một phim giải trí, nhưng có cốt truyện mạch lạc hơn. Tôi có đi xem, và có được cảm giác thư giãn, thoải mái hơn khi bước ra khỏi rạp nếu so với phim Mai.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/03/Phim-Mai-3.jpg

Đạo diễn Trấn Thành trong ngày ra mắt phim Mai tại Mỹ. (Hình: Đ.Trang)

 

Đi xem một bộ phim, người thích người không là chuyện rất bình thường. Đó là cảm tính của từng cá nhân, không có ai đúng hay sai. Nhưng nếu xem phim như là một tác phẩm của nghệ thuật điện ảnh thì lại khác. Người ta có thể đánh giá một bộ phim có giá trị hay không bằng những tiêu chuẩn chung, giống như giải Oscar với từng giải cho diễn viên, đạo diễn, kịch bản, âm thanh, kỹ thuật quay…

 

Trước khi bắt đầu, Hồng Đào giới thiệu rằng trong lĩnh vực điện ảnh, ở Việt Nam Trấn Thành là một hiện tượng có một không hai, không ai có thể so sánh trong thời điểm hiện tại. Phim của Trấn Thành gần đây thường xuyên được trình chiếu ở nước ngoài, với sự quảng cáo trên truyền thông rất rầm rộ. Đối với nhiều khán giả trong và ngoài nước, Trấn Thành được xem như “đại sứ điện ảnh” của Việt Nam tại hải ngoại.

 

Mai là một “tác phẩm” của “đại sứ điện ảnh Việt Nam?” Cho dù câu trả lời của riêng tôi là không, nhưng cũng khó phủ nhận Mai là đại diện cho thị hiếu chung của đa số người đi xem phim trong nước, và bây giờ có lẽ cả hải ngoại? Dạo một vòng facebook sáng hôm sau buổi công chiếu phim, tôi thấy đa số người Việt quận Cam khen Mai hết lời. Đồng ý rằng Mai cũng có những điểm thành công, nhất là trên khuynh diện bộ phim giải trí được sản xuất theo sát khuynh hướng thương mại và thị hiếu chung chung của thị trường, và nhà làm phim có đủ kỹ thuật quay và dàn dựng hiện đại với dàn diễn viên hùng hậu, một tiến bộ khá rõ.

 

Nhưng cho rằng đây là một phim hay, thậm chí hay nhất? Có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi về sự dễ dãi của khán giả Việt? Như vấn đề đã nhiều lần được đặt ra trong lãnh vực âm nhạc, với các ca sĩ trong nước gầm rú phô diễn kỹ thuật mà không chuyển tải được nội dung, cảm xúc của bài hát, phim Việt còn nặng tính phô trương kỹ thuật, nhét tất cả mọi chiêu, mọi nước bước, đường đi, ý tưởng vào cùng một vở kịch, rồi nhấn hết cỡ âm lượng, dung lượng trấn áp khán giả – hệt như việc đãi ăn một bữa buffet quá no nê, để khách hài lòng với số lượng mà quên để ý đến phẩm lượng.

 

Đến chừng nào thì Việt Nam mới có được những tác phẩm văn hóa nghệ thuật đủ tầm cỡ giới thiệu ra thế giới? Nhìn sang nền điện ảnh của Đại Hàn, Đài Loan, sẽ thấy họ đi xa như thế nào, cho dù về mặt kỹ thuật họ không vượt trội những bộ phim mới của Việt Nam là bao. Đâu là bản sắc của một nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai?

 

Điều gì đang ngăn cản Việt Nam có được những “tác phẩm điện ảnh” đúng nghĩa? Câu trả lời có lẽ là của chung cho mọi lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong nước. Trong một xã hội không có tự do về tư tưởng, sẽ khó lòng cho ra đời những tác phẩm văn hóa nghệ thuật đích thực.






No comments:

Post a Comment