Saturday, March 2, 2024

THỨ HẠNG TẤM HỘ CHIẾU (Bùi Mẫn / VnExpress)

 



Thứ hạng tấm hộ chiếu    

Bùi Mẫn  -  VNEXPRESS

Kỹ sư cao cấp

Thứ sáu, 1/3/2024, 00:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/thu-hang-tam-ho-chieu-4715888.html

 

Nhiều năm trước, trong ngày cưới của người họ hàng chung, tôi bất ngờ gặp lại Danh từ Việt Nam sang. Danh cho biết để có visa sang Vương Quốc Anh (UK) mẹ Danh phải chuyển quyền đứng tên căn nhà mặt tiền cho Danh.

 

Nhân viên sứ quán UK nhận ra điều này khi xem bản sao sổ hồng và đặt câu hỏi. Danh trả lời thẳng "mẹ tôi phải làm việc này vì các ngài lo tôi không quay lại Việt Nam". Sự thẳng thắn, "đánh bài ngửa" khi phỏng vấn đã giúp Danh có visa Anh Quốc.

 

Tôi cũng biết một Việt kiều khác. Chú này sửa nhà và viết thư bảo lãnh visa du lịch cho người cháu là thợ hồ. Trong khi phỏng vấn, người cháu vô tình nói hớ là ngoài việc thăm người thân, đi du lịch, còn mong muốn giúp chú sửa nhà. Hồ sơ visa vì vậy bị từ chối. Ngoài ra, người chú này có thể bị đưa vào danh sách đen, cả đời không thể bảo lãnh thành công một người thân nào sang Anh Quốc.

 

Tôi có lần giúp điền hồ sơ mời cô của một Việt kiều sang UK thăm cháu. Hồ sơ xin visa của cô bị từ chối, cho dù điều kiện kinh tế khá đảm bảo. Tôi được cho biết, Đại sứ quán UK gởi thư về địa phương để yêu cầu công an xã xác minh và đã phát hiện ra những nội dung trả lời sai thực tế.

 

Qua ba câu chuyện trên, có thể rút ra hai điểm chung. Một là, nơi cấp visa lo lắng người được cấp visa trốn ở lại nước sở tại. Đây là lý do về kinh tế. Hai là tính trung thực, một khía cạnh văn hóa. Những người thiếu trung thực dễ dẫn đến các mối nguy về an ninh cũng như gia tăng tỷ lệ tội phạm, hay các gánh nặng an sinh xã hội.

 

Theo Chỉ số quyền lực hộ chiếu toàn cầu (World Power Index) thì hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 75, có thể được nhập cảnh vào 51 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 19 nước là miễn thị thực và 32 nước có thể làm visa khi đến nơi (visa on arrival). Theo tổ chức Henley and Partners, hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 92 toàn cầu, có thể nhập cảnh 55 nước, cùng hạng với các nước như Ai Cập, Bhutan, Haiti, Cộng hòa Trung Phi. Đứng cuối bảng là Afghanistan, xếp thứ 109.

 

Câu hỏi đặt ra: đâu là các yếu tố then chốt, và làm sao tấm hộ chiếu Việt Nam có được thứ hạng cao như các nước láng giềng, như Brunei (hạng 21), Malaysia (12), hoặc Singapore (1).

 

Theo tôi, tăng trưởng về GDP chưa đủ để bảo đảm quyền lực hộ chiếu. Việt Nam hiện là một trong 35 nước có GDP cao nhất thế giới (hạng 34), theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học và Kinh doanh (Centre for Economics and Business Research - CEBR). Nhưng điều này không giúp hộ chiếu Việt Nam có thứ hạng cao. Trung Quốc có GDP thứ hai thế giới, nhưng xếp hạng hộ chiếu thứ 64, hay Ấn Độ xếp thứ 85, Indonesia (68), Nga xếp thứ (55).

 

Khi tìm tương quan giữa thu nhập bình quân đầu người với xếp hạng hộ chiếu, tôi nhận thấy, nhìn chung, các nước có thu nhập bình quân đầu người cao, thì chỉ số quyền lực hộ chiếu tăng và ngược lại. Tuy vậy, tương quan này có nhiều ngoại lệ. Qatar là nước có thu nhập trung bình đầu người 81.968 USD/năm, nhưng chỉ xếp thứ 55, sau Venezuela xếp hạng 47, là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam. Một ví dụ khác là Saudi Arabia - một nước giàu có khác ở Vùng Vịnh nhưng hộ chiếu chỉ xếp hạng 63.

 

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2024/02/27/1-3909-1709029858.jpg

Thu nhập bình quân đầu người 2023 / Xếp hạng hộ chiếu

 

Vì vậy, còn nhiều yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến xếp hạng hộ chiếu. Theo tôi, đó chính là mối quan hệ giữa các nước, ví dụ chiến tranh lạnh, căng thẳng địa chính trị, các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn, hợp tác kinh tế, chính sách đầu tư, trao đổi văn hóa, công nghệ và đổi mới sáng tạo, và nguyên tắc "bánh ít đi, bánh quy lại" (hay còn gọi là "tương nhượng", reciprocity, trong ngoại giao). Ngoài ra còn kể đến các yếu tố xã hội như tỷ lệ tội phạm và văn hóa người dân của nước đó.

 

Khá nhiều nước có quy mô nhỏ về GDP và thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình cao, nhưng có thứ hạng hộ chiếu rất cao như Hy Lạp xếp thứ 5, Lithuania, Estonia, Latvia, Slovakia, Slovenia xếp hạng 7 đến 9, được miễn thị thực hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong số lý do chính là các nước trên thuộc Cộng đồng chung châu Âu (EU). Mặc định, các nước này được miễn thị thực cho 27 nước thuộc EU. Thế mạnh ngoại giao của EU với các khối và khu vực khác trên thế giới cũng đã giúp các nước EU được miễn thị thực nhiều hơn.

 

Malaysia là một trường hợp thú vị, thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng trung bình, 13.035 USD/ năm, nhưng xếp thứ 12 về hộ chiếu. Từ khi giành độc lập năm 1957, Malaysia hầu như không có chiến tranh hay căng thẳng lớn với các nước. Với chính sách trung lập, không liên kết (Non-Aligned Foreign Policy) Malaysia giữ ngoại giao tốt với "các bên" ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Họ có chính sách ngoại giao và hợp tác tốt với các khối như Tổ chức hợp tác các nước Đạo Hồi (57 nước), Khối Thịnh vượng chung (56 nước), EU (27 nước), châu Mỹ Latin và vùng Caribe (33 nước), OECD (38 nước), ASEAN (10 nước), Đông Á... Malaysia cũng chú trọng vun đắp quyền lực mềm, tăng cường hợp tác kinh tế, và trao đổi văn hóa. Đặc biệt cần kể đến, người dân Malaysia thượng tôn pháp luật; người theo đạo Hồi nhìn chung hiền lành, ít gây ra các các mối quan tâm về an ninh, phạm pháp, hay lưu trú trái phép.

 

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2024/02/27/2-1598-1709029858.jpg

Thu nhập bình quân đầu người / Xếp hạng hộ chiếu

 

Nếu tôi chỉ làm một so sánh hẹp 30 nước có thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 đến 6.000 USD/năm, Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người 4.316 USD/năm có chỉ số hộ chiếu xếp thứ 27 trong 30 nước này (xem đồ thị). Ukraine với thu nhập bình quân đầu người không xa Việt Nam, nhưng xếp hạng 31. Vì vậy, cũng cần kể đến các yếu tố văn hóa, lịch sử, chính trị, và mối quan hệ lâu đời mà các nước châu Âu đã thiết lập với các nước khác trên thế giới, cũng góp phần vào thứ hạng cao về hộ chiếu.

 

Thứ hạng hộ chiếu tương đối thấp của Việt Nam có thể lý giải bởi nhiều yếu tố. Việt Nam đã trải qua chiến tranh với các cường quốc trong thời gian dài. Đất nước bị chia cắt. Sau thống nhất, Việt Nam lại chịu liên tiếp các cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Đất nước cũng chịu các cấm vận, và ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh cho đến những năm 1990. Các yếu tố trên làm gián đoạn và nguội lạnh quan hệ ngoại giao với các nước.

 

Tàn phá sau chiến tranh dẫn đến các làn sóng di cư vì kinh tế, và sự tìm kiếm tị nạn chính trị. Thêm vào đó tai tiếng xấu về cư trú bất hợp pháp, tỷ lệ tội phạm tăng đã làm giảm giá trị "thương hiệu Việt Nam", dẫn đến các chính sách visa khắt khe và có thể cả định kiến mà các nước đã và đang áp đặt cho công dân Việt Nam.

 

Các nỗ lực ngoại giao rộng của Việt Nam chỉ bắt đầu khi đất nước mở cửa và kết thúc cấm vận, vì vậy thành quả về ngoại giao của Việt Nam, các tăng trưởng về kinh tế, cũng như các thay đổi tích cực về xã hội cần thời gian để biến thành trái ngọt.

 

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2024/02/27/3-5138-1709029858.jpg

Điểm số phát triển xã hội  (Social Progress Score) 2022  /  Xếp hạng hộ chiếu 2023

 

Tôi tìm kiếm mối tương quan giữa chỉ số xếp hạng hộ chiếu và chỉ số phát triển xã hội (Social Process Index). Đây là chỉ số đánh giá toàn diện mức độ mà các quốc gia cung cấp các nhu cầu xã hội, môi trường, và phúc lợi cho người dân một cách tổng thể hơn là các chỉ số kinh tế đơn lẻ. Nhìn chung các nước có chỉ số phát triển xã hội cao thì xếp hạng hộ chiếu cũng cao và ngược lại (hình trên). Với điểm số phát triển xã hội là 68,18 (năm 2022), Việt Nam xứng đáng (hay rất có tiềm năng) có được điểm số hộ chiếu cao hơn rất nhiều so với xếp hạng hiện nay. Điều này cho thấy, ở cả mức độ quốc gia và cá nhân, cần nỗ lực rất nhiều để có được thay đổi tích cực về nhận thức của các nước đối với Việt Nam, sao cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và con người Việt Nam hiện nay.

 

Để tăng thứ hạng quyền lực của hộ chiếu, Việt Nam có thể học các nước EU, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singpaore. Ở tầm quốc gia, đó là các chính sách tăng cường quyền lực mềm, hợp tác và ngoại giao, sử dụng sức mạnh của các khối mà Việt Nam là thành viên để đàm phán với các khối, thay vì với từng quốc gia riêng rẻ. Cần nói thêm, chính sách ngoại giao là cực kỳ quan trọng, nhưng chưa đủ. Bằng chứng là Việt Nam đã thiết lập quan hệ chiến lược toàn diện với rất nhiều quốc gia ngoài khối ASEAN, nhưng chưa nước nào trong số này cho phép công dân Việt Nam miễn thị thực.

 

Việt Nam cũng cần xây dựng lại chiến lược phát triển văn hóa quốc gia, (để có các thành tựu về công nghiệp văn hóa như Hàn Quốc), các chính sách giáo dục, rèn luyện ý thức thượng tôn pháp luật và trung thực cho công dân (như Singapore, Nhật Bản).

 

Ở tầm cá nhân đó là việc tự rèn luyện các thói quen coi trọng quốc thể, hình ảnh, và danh dự quốc gia. Khi công tác, du học, hay du lịch ở nước ngoài, cần hành xử như lữ khách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định visa của nước sở tại, không lưu trú quá hạn, tích cực trao đổi văn hóa để quảng bá hình ảnh và tăng cường hiểu biết giữa các quốc gia và Việt Nam.

 

Tôi mong rằng, 10 năm nữa, với các chính sách đúng và nỗ lực bền bỉ của cả Chính phủ và người dân, hộ chiếu Việt Nam sẽ dần cải thiện vị trí và vào top 30 thế giới.

 

Bùi Mẫn

 

---------------------------

'Quyền lực' tấm hộ chiếu

Lâm Vũ

Khi làm thủ tục sang Australia du học, tôi không khỏi buồn vì hộ chiếu Việt Nam 'yếu' quá.

 

 




No comments:

Post a Comment