Tại sao châu Âu chưa thể tự chủ
quân sự?
Stephen M. Walt - Foreign
Policy
Biên
dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
https://nghiencuuquocte.org/2024/02/28/tai-sao-chau-au-chua-the-tu-chu-quan-su/
Châu
Âu đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trên con đường tự chủ quân sự.
Hình : https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2024/02/Picture1.png
Cựu Tổng
thống Mỹ Donald Trump đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh ở châu Âu khi ông phát
biểu tại một cuộc vận động tranh cử rằng ông sẽ khuyến khích Nga “làm bất cứ điều
gì họ muốn” đối với bất kỳ nước nào mà ông cho là không hoàn thành nghĩa vụ quốc
phòng. Các nước châu Âu vốn đã lo lắng về khả năng ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ
thứ hai, và những phát biểu mới nhất này đã khiến mối lo ngại đó tăng cao. Chủ
tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Van der Leyen nói với tờ Financial Times vài ngày
sau đó rằng châu Âu đang phải đối mặt với một thế giới “ngày càng khắc nghiệt
hơn” và “chúng ta phải chi tiêu nhiều hơn, chi tiêu tốt hơn và chi tiêu theo
cách của châu Âu”.
Nhưng câu
hỏi vẫn còn đó: Liệu châu Âu có làm đủ để tự bảo vệ mình không? Những lời phàn
nàn rằng các quốc gia châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào sự bảo vệ của Mỹ và không
sẵn sàng duy trì khả năng phòng thủ phù hợp đã có từ rất lâu, và lời cảnh tỉnh
từ cuộc tấn công của Nga vào Ukraine năm 2022 vẫn chưa tạo ra sự gia tăng đáng
kể về sức mạnh quân sự khả dụng của châu Âu. Trên thực tế, các thành viên NATO
hiện đang chi nhiều tiền hơn và EU gần đây đã phê duyệt thêm 50 tỷ euro hỗ trợ
tài chính cho Ukraine. Nhưng khả năng duy trì lực lượng lớn của châu Âu trên
chiến trường trong hơn vài tuần vẫn còn hạn chế: họ vẫn phụ thuộc vào Mỹ về một
số khả năng trọng yếu, và một số thành viên NATO có lý do để nghi ngờ liệu các
đối tác của họ có thể tương trợ nếu họ bị tấn công, ngay cả khi các nước đó đã
cố gắng.
Giọng điệu
của các quan chức châu Âu chắc chắn đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Bộ trưởng
Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen gần đây cảnh báo rằng Nga có thể thử
thách điều khoản phòng thủ tập thể của NATO “trong vòng ba đến năm năm” và một
nhà ngoại giao cấp cao khác của NATO tin rằng “chúng ta không còn có thể nghĩ rằng
Nga sẽ dừng lại ở Ukraine.” Theo một nhà ngoại giao cấp cao khác, “ý định và khả
năng của Nga” nhằm tấn công một quốc gia NATO vào năm 2030 đã “gần như là một đồng
thuận chung” trong liên minh vào thời điểm này. Do châu Âu có thể mất 10 năm trở
lên để phát triển đủ khả năng của riêng mình, những người theo chủ nghĩa Đại
Tây Dương cứng rắn muốn duy trì sự cam kết của nước Mỹ với châu Âu bất chấp tất
cả các đòi hỏi cạnh tranh lẫn nhau về thời gian, sự chú ý và nguồn lực từ Mỹ.
Vậy Châu
Âu có thể tự chủ về quân sự không? Có hai nhánh lý thuyết nổi tiếng có liên
quan ở đây. Đầu tiên là lý thuyết cân bằng quyền lực (hoặc lý thuyết cân bằng mối
đe dọa), lý thuyết mà tôi đã cố gắng đóng góp một phần. Lý thuyết này dự đoán rằng
một mối đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài đối với an ninh châu Âu – chẳng hạn
như một cường quốc lân cận với quân đội hùng mạnh và tham vọng xét lại trật tự
quốc tế – sẽ khiến hầu hết các quốc gia này hợp lực để ngăn chặn mối đe dọa đó
(hoặc nếu cần thiết, là đánh bại nó). Xung lực này sẽ mạnh mẽ hơn nếu các quốc
gia này hiểu rằng họ không thể phụ thuộc vào bất kỳ ai khác để được bảo vệ. Sự
gia tăng gần đây về ngân sách quốc phòng của châu Âu và quyết định gia nhập
NATO của Thụy Điển và Phần Lan là minh họa hoàn hảo cho xu hướng các quốc gia bị
đe dọa tìm cách cân bằng, và xu hướng này khiến chúng ta lạc quan hơn về khả
năng và thiện chí của châu Âu trong việc tự chịu trách nhiệm hơn về an ninh của
chính mình.
Thật không
may, nhánh lý thuyết thứ hai khiến kết quả lạc quan đó trở nên bất định hơn. Bởi
vì an ninh là một loại “hàng hóa tập thể”, các quốc gia trong một liên minh sẽ
bị cám dỗ “lách luật” hoặc hưởng lợi từ những nỗ lực của những quốc gia khác, với
hy vọng rằng các đối tác của họ sẽ làm đủ để giữ cho họ an toàn và đảm bảo an
ninh, ngay cả khi bản thân họ đóng góp ít hơn. Xu hướng này giúp giải thích tại
sao các thành viên mạnh nhất của một liên minh có xu hướng đóng góp một lượng
không tương xứng cho nỗ lực chung. Nếu các thành viên hàng đầu của liên minh
làm đủ để ngăn chặn hoặc đánh bại một cuộc tấn công, thì sự đóng góp của các
thành viên nhỏ nhất là thừa thãi. Rốt cuộc, liên minh sẽ không mạnh hơn nhiều
ngay cả khi họ tăng gấp đôi nỗ lực. Do đó sẽ sinh ra cám dỗ đóng góp ít hơn vì
tin tưởng rằng các thành viên lớn hơn sẽ làm đủ vì lợi ích riêng của họ. Tuy
nhiên, nếu đủ thành viên sa ngã trước cám dỗ để những người khác chịu gánh nặng
lớn hơn, hoặc nếu những lợi ích ích kỷ khác vượt qua nhu cầu hợp tác, thì liên
minh có thể không tạo ra được khả năng kết hợp và chiến lược phối hợp cần thiết
để đảm bảo an ninh.
Tổng hợp lại,
hai lý thuyết nổi tiếng này nhấn mạnh thế lưỡng nan mà NATO phải đối mặt lúc
này. Tin tốt là các thành viên châu Âu của NATO có tiềm năng sức mạnh tiềm ẩn lớn
hơn nhiều so với Nga. Những nước này có số dân gấp ba đến bốn lần và tổng nền
kinh tế lớn hơn gấp 10 lần so với Nga. Một số quốc gia châu Âu vẫn có ngành
công nghiệp vũ khí tinh vi, có khả năng sản xuất vũ khí xuất sắc và một số quốc
gia (ví dụ: Đức) sở hữu lực lượng mặt đất và không quân hùng mạnh trong giai đoạn
cuối của Chiến tranh Lạnh. Đáng chú ý hơn, chỉ riêng các thành viên châu Âu của
NATO đã chi tiêu cho quốc phòng gấp ít nhất ba lần so với Nga mỗi năm. Ngay cả
khi chúng ta tính đến chi phí nhân sự cao hơn, nỗ lực trùng lặp và các yếu kém
khác, và giả sử năng lực tiềm ẩn đó được huy động và lãnh đạo đúng cách thì
châu Âu vẫn có thừa tiềm năng sức để ngăn chặn hoặc đánh bại một cuộc tấn công
của Nga. Thêm vào đó, quân đội Nga không phải là một gã khổng lồ: Mặc dù hiệu
suất quân sự và năng lực sản xuất quốc phòng của Nga đã được cải thiện đáng kể
kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tại Ukraine, nhưng họ vẫn gặp khó khăn trong việc
đánh bại một quân đội Ukraine nhỏ và thiếu thốn vũ trang hơn. Một đội quân mất
nhiều tháng chỉ để chiếm Bakhmut hoặc Avdiivka thì không thể thực hiện một cuộc
chiến tranh chớp nhoáng thành công chống lại bất kỳ ai khác.
Tin xấu là
nỗ lực kiên trì xây dựng một lực lượng phòng thủ châu Âu có năng lực phải đối mặt
với những trở ngại đáng kể. Trước nhất, các thành viên châu Âu của NATO không
thống nhất về mức độ hoặc thậm chí là vấn đề an ninh chính của họ. Đối với các
Quốc gia Baltic và Ba Lan, rõ ràng Nga là mối nguy hiểm lớn nhất. Tuy nhiên, đối
với Tây Ban Nha hoặc Ý, Nga là một vấn đề xa vời và di cư bất hợp pháp là thách
thức lớn hơn. Trái với một số nhà phân tích, tôi không tin tình trạng này ngăn
cản châu Âu xây dựng một hệ thống phòng thủ hiệu quả chống lại Nga, nhưng nó
khiến các vấn đề về chia sẻ gánh nặng và lập kế hoạch quân sự trở nên phức tạp
hơn. Để Bồ Đào Nha hỗ trợ Estonia nhiều hơn sẽ cần một chút thuyết phục.
Kế đến, những
người muốn châu Âu hành động nhiều hơn rơi vào thế lưỡng nan: Họ phải thuyết phục
mọi người rằng có một vấn đề nghiêm trọng, nhưng họ cũng phải thuyết phục mọi
người rằng việc giải quyết vấn đề sẽ không quá tốn kém hoặc khó khăn. Nếu họ cố
gắng huy động sự ủng hộ cho việc xây dựng lực lượng phòng thủ lớn bằng cách
phóng đại khả năng quân sự của Nga và miêu tả Vladimir Putin như một kẻ điên cuồng
với tham vọng vô hạn, thì thách thức mà châu Âu phải đối mặt có vẻ như không thể
vượt qua và cám dỗ dựa dẫm vào Mỹ sẽ tăng lên. Nhưng nếu sức mạnh và tham vọng
của Nga được cho là khiêm tốn hơn và do đó dễ đối phó hơn, thì sẽ khó thuyết phục
công chúng châu Âu phải hy sinh nhiều ngay lập tực và duy trì nỗ lực nghiêm túc
theo thời gian. Để tự chủ hoạt động hiệu quả, người châu Âu phải tin rằng Nga
nguy hiểm, nhưng họ cũng phải tin rằng họ có khả năng giải quyết vấn đề ngay cả
khi Mỹ giảm đáng kể vai trò. Vì lý do này, khẳng định rằng châu Âu không thể tự
bảo vệ mình để duy trì cam kết hoàn toàn của Mỹ có thể phản tác dụng, nếu điều
đó ngăn cản một nỗ lực nghiêm túc của châu Âu và Mỹ rốt cuộc cũng sẽ giảm bớt
cam kết của mình.
Vấn đề thứ
ba là vai trò mơ hồ của vũ khí hạt nhân. Nếu bạn thực sự tin rằng vũ khí hạt
nhân ngăn chặn các hành vi xâm lược quy mô lớn, thì bạn sẽ nghĩ rằng lực lượng
hạt nhân của Anh và Pháp cùng với “lá chắn hạt nhân” của Mỹ sẽ bảo vệ NATO khỏi
một cuộc tấn công của Nga trong hầu hết mọi trường hợp. (Điều đáng nói là
Ukraine không phải là thành viên NATO). Và nếu vậy, thì nhu cầu xây dựng một loạt
lực lượng thông thường lớn và tốn kém sẽ giảm đi. Tuy nhiên, nếu bạn không tin
tưởng lắm vào độ tin cậy của khả năng răn đe hạt nhân mở rộng, hoặc bạn không
muốn phải đe dọa sử dụng hạt nhân để đáp trả một thách thức ở mức độ thấp, thì
bạn sẽ muốn có sự linh hoạt mà lực lượng thông thường có năng lực sở hữu. Vấn đề
này là một điểm tranh cãi trong NATO suốt Chiến tranh Lạnh, như các cuộc tranh
luận trong nội bộ liên minh về “Phản ứng linh hoạt” trong những năm 1960 và
tranh cãi về “Euromissile” trong những năm 1980 cho thấy. Vấn đề này vẫn có
liên quan cho đến ngày nay, vì sự hiện diện liên tục của vũ khí hạt nhân có thể
khiến một số quốc gia buông lỏng việc phát triển lực lượng thông thường của họ.
Thứ tư,
các quốc gia châu Âu vẫn thích đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng và lực
lượng vũ trang của riêng họ thay vì hợp tác để tiêu chuẩn hóa vũ khí và phát
triển chiến lược và kế hoạch phòng thủ chung. Theo báo cáo năm 2023 của Trung
tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mặc dù tổng chi tiêu quốc phòng của
châu Âu đã tăng mạnh kể từ khi Nga chiếm Crimea vào năm 2014, tỷ lệ dành cho
các nỗ lực mua sắm hợp tác giảm đều đặn cho đến năm 2021 và không bao giờ đạt
được gần 35% mục tiêu do EU đặt ra trước đó. Các nước EU được cho là sở hữu khoảng
178 hệ thống vũ khí khác nhau, nhiều hơn 148 hệ thống so với Mỹ, mặc dù chi
tiêu ít hơn Mỹ. Xu hướng tự lực cố hữu này phung phí lợi thế nguồn lực tiềm ẩn
khổng lồ mà châu Âu có được so với các đối thủ tiềm năng, và có thể là một thứ
xa xỉ mà châu Âu không còn đủ khả năng chi trả.
Trở ngại
cuối cùng – ít nhất là vào thời điểm hiện tại – là sự mập mờ từ lâu của Mỹ
trong việc khuyến khích châu Âu tự chủ. Mỹ thường mong muốn các đối tác châu Âu
mạnh mẽ về quân sự – nhưng không quá mạnh – và đoàn kết về chính trị – nhưng
không quá đoàn kết. Tại sao vậy? Bởi vì sự sắp xếp này tối đa hóa ảnh hưởng của
Mỹ đối với một liên minh gồm các đối tác có năng lực nhưng phụ thuộc.
Washington muốn phần còn lại của NATO đủ mạnh để hữu ích nhưng cũng hoàn toàn
tuân theo mong muốn của Mỹ, và việc tuân thủ sẽ khó duy trì hơn nếu các quốc
gia này trở nên mạnh hơn và bắt đầu có tiếng nói. Mong muốn giữ cho châu Âu phụ
thuộc và ngoan ngoãn đã khiến các chính quyền Mỹ liên tiếp phản đối bất kỳ bước
đi nào có thể dẫn đến quyền tự chủ chiến lược thực sự của châu Âu.
Tuy nhiên,
những ngày đó có thể sắp kết thúc. Không cần phải là người ủng hộ Trump để nhận
ra rằng Mỹ “không thể có tất cả” và cần phải chuyển bớt gánh nặng phòng thủ tập
thể sang các đối tác châu Âu. Nhưng nhưquá khứ đã cho thấy, châu Âu sẽ
không gánh vác trọng trách nếu các nhà lãnh đạo của họ vẫn tin rằng Mỹ sẽ “dốc
toàn lực” trong mọi trường hợp. Điều đáng nhớ là động lực ban đầu cho hội nhập
kinh tế châu Âu vào đầu những năm 1950 được thúc đẩy một phần bởi lo ngại của
châu Âu rằng Mỹ cuối cùng sẽ rút quân khỏi lục địa này và khả năng chống lại Khối
Hiệp ước Warsaw sẽ được củng cố bằng việc tạo ra một trật tự kinh tế châu Âu
hùng mạnh và thống nhất. Xung lực an ninh đằng sau hội nhập châu Âu giảm bớt
khi Mỹ rõ ràng sẽ ở lại, nhưng những nghi ngờ ngày càng tăng về cam kết của Mỹ
sẽ tạo ra động lực dồi dào cho người châu Âu huy động năng lực kinh tế vượt trội
và tiềm năng quân sự tiềm ẩn của họ một cách hiệu quả hơn, hoàn toàn vì lợi ích
của chính mình.
Các quan
chức Mỹ nên khuyến khích sự phát triển này, bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng
vào năm tới. Như tôi đã từng tranh luận trước đây, quá trình trao trả an ninh
châu Âu cho người châu Âu nên được thực hiện dần dần, như một phần của sự phân
công lao động xuyên Đại Tây Dương mới. Giảm phụ thuộc vào Mỹ sẽ khiến châu Âu
cân bằng mạnh mẽ hơn, và tiến chậm nhưng ổn định theo hướng này sẽ cho các đồng
minh của Mỹ thời gian để vượt qua những tình huống khó khăn của hành động tập
thể chắc chắn sẽ phát sinh. Bởi vì các quốc gia châu Âu có tiềm năng quân sự
đáng kể hơn so với Nga, nên họ không cần phải hoàn thành điều này một cách hoàn
hảo để đảm bảo an ninh tuyệt đối.
------------
Stephen
M. Walt là nhà bình luận tại tờ Foreign Policy và là Giáo sư Quan hệ Quốc tế
Robert và Renée Belfer tại Đại học Harvard
Nguồn: Stephen M.
Walt, “Why
Europe Can’t Get Its Military Act Together”, Foreign Policy,
21/02/2024
No comments:
Post a Comment