Saturday, March 2, 2024

NGÔN NGỮ và THỰC TẾ SỬ DỤNG (Thái Hạo)

 



Ngôn ngữ và thực tế sử dụng

Thái Hạo

01/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/01/ngon-ngu-va-thuc-te-su-dung/

 

“Ga” đổi lại thành “bến” thì đúng rồi, nhưng liệu ghi thành “Bến tàu Bạch Đằng” đã hợp lý chưa? Vì nhiều lý do, cần phải bỏ chữ “tàu” đi, chỉ ghi “Bến Bạch Đằng” là đủ. Tôi cũng cho là như thế và kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình: Thêm chữ “tàu” vào là vừa thừa, vừa phá hỏng một tên gọi lịch sử.

 

Tuy nhiên, đó là xét trong hệ thống ngôn ngữ khép kín, còn khi đi vào thực tế thì phát sinh vấn đề. Theo tìm hiểu của tôi, “Bến Bạch Đằng” là tên gọi dành cho một khu vực rộng lớn, gồm bến cảng và công viên, nó dài tới 1,3 km, rộng 23.400 m², chứ không phải chỉ là một cái điểm lên xuống tàu của tuyến buýt sông mà công ty Thường Nhật đã từng đặt là “Ga tàu thủy Bạch Đằng” – và bây giờ sau khi lắng nghe dư luận, họ đã quyết định đổi lại là “Bến tàu Bạch Đằng”. Lại nữa, trên cái bến rộng lớn kia, ngoài “Bến tàu Bạch Đằng” của công ty Thường Nhật, thì còn những bến khác nữa, ví dụ bến tàu cao tốc (cũng là đường sông).

 

Đến đây, vấn đề đã không còn đơn giản, là “trả lại tên Bến Bạch Đằng cho em” là xong; vì trong cái bến Bạch Đằng rộng lớn kia đang có nhiều bến nhỏ thuộc những hệ thống vận tải khác nhau. Chẳng lẽ bến nào trong bến Bạch Đằng cũng đều ghi là Bến Bạch Đằng?!

 

 

Vậy giải pháp là gì? Cách thứ nhất là thêm danh từ làm định ngữ cho từng bến (nhỏ), như thêm chữ “tàu” hoặc “tàu cao tốc” sau chữ “bến” và trước chữ “Bạch Đằng” => Bến tàu Bạch Đằng/ Bến tàu cao tốc Bạch Đằng, như cách mà công ty Thường Nhật đã lựa chọn cho lần sửa chữa này.

 

Có một cách khác nữa để giữ tên bến Bạch Đằng lịch sử vốn đã trở thành văn hóa trong tiềm thức của người dân, đó là gọi tên mỗi bến gắn với từng công ty vận tải/ hoạt động đường thủy ở khu vực này. Ví dụ, ghi Bến waterbus (tên gọi tuyến buýt sông của công ty Thường Nhật).

 

 

Cả hai cách đều được, nhưng cá nhân tôi ưu tiên hơn cho cách thứ hai, gắn chữ “bến” với tên dịch vụ/ công ty, ví dụ “Bến waterbus”. Cách này vừa giúp giữ được nguyên vẹn tên bến Bạch Đằng và vừa quảng bá được thương hiệu cho chính các công ty vận tải; nó cũng tránh được các tranh cãi, đồng thời bảo tồn được “sự trong sáng của tiếng Việt”.

 

P/S: Những phân tích trên đồng thời cũng cho thấy việc một công ty đặt tên cho cái bến của mình là “Ga tàu thủy” cũng là một nỗ lực để không xâm phạm đến “bến Bạch Đằng”, tuy nhiên nỗ lực ấy đã không được thực hiện theo cách đúng là tôn trọng ngữ nghĩa tiếng Việt. Việc đổi lại là cần thiết, nhưng phải tránh các sai lầm hoặc bất hợp lý khác.

 




No comments:

Post a Comment