Sunday, March 3, 2024

LIÊN HIỆP QUỐC : CẦN TRỪNG PHẠT TẬP ĐOÀN QUÂN SỰ MIẾN ĐIỆN ĐỂ NGĂN THẢM SÁT THƯỜNG DÂN (Thu Hằng / RFI)

 



Liên Hiệp Quốc : Cần trừng phạt tập đoàn quân sự Miến Điện để ngăn thảm sát thường dân

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 02/03/2024 - 12:23

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240302-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-c%E1%BA%A7n-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-t%E1%BA%ADp-%C4%91o%C3%A0n-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BB%83-ng%C4%83n-th%E1%BA%A3m-s%C3%A1t-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-d%C3%A2n

 

Ba năm sau cuộc đảo chính của tập đoàn quân sự, tình hình tại Miến Điện vẫn là “cơn ác mộng không hồi kết”. Ngày 01/03/2024, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngăn chặn tập đoàn quân sự Miến Điện phạm “tội ác” đối với người dân bằng cách ban hành “những biện pháp cụ thể” hạn chế sự tiếp cận vũ khí, nhiên liệu, ngoại hối.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e6d44ef6-d886-11ee-8580-005056a90284/w:980/p:16x9/AP24032235305545.webp

Người Miến Điện sống tại Thái Lan giương ảnh của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi trong buổi tuần hành trước trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, Thái Lan, ngày 01/02/2024 đánh dấu tròn 3 năm tập đoàn quân sự Miến Điện đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự. AP - Sakchai Lalit

 

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk tố cáo chính quyền của tướng Min Aung Hlaing “lạm dụng quyền lực” nghiền nát mọi hình thức đối lập mà không hề bị trừng phạt, trong khi nền kinh tế thảm hại. Ông nhấn mạnh “cuộc xung đột vũ trang ngày càng tồi tệ và hiện lan rộng gần như khắp cả nước. Ba năm dưới sự điều hành của quân đội đã và sẽ tiếp tục gây ra những tội ác, những đau đớn ở những cấp độ không thể chịu đựng được đối với người dân”.

 

Phát biểu tại trụ sở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve (Thụy Sĩ), một lần nữa ông Volker Türk kêu gọi “cộng đồng quốc tế tập trung sức lực để ngăn ngừa những tội ác nhắm vào người dân Miến Điện, kể cả người Rohingya”.

 

Theo Reuters, giới lãnh đạo quân sự tại Miến Điện vẫn coi cộng đồng thiểu số theo Hồi Giáo là những "kẻ ngoại nhập" và không cấp quốc tịch cho họ. Rất nhiều người Rohingya đã tị nạn ở Bangladesh từ năm 2017 để tránh bị quân đội truy sát. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, “sau hàng chục năm bị đối xử phân biệt, bị trấn áp, bị ép di cư và hàng loạt các vụ vi phạm nhân quyền, người Rohingya hiện chủ yếu bị giam cầm trong các ngôi làng và các trại tập trung”.

 

Quân đội Miến Điện đã đảo chính vào tháng 02/2021, lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Ngoài các nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ, tập đoàn quân sự hiện phải đối phó với nhiều lực lượng vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số. Các cuộc giao tranh đã trở nên ác liệt từ tháng 10/2023.

 

Theo các nguồn tin đáng tin cậy, được ông Türk trích dẫn, hơn 4.600 thường dân, trong đó có hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em, đã bị quân đội Miến Điện sát hại từ tháng 02/2021. Trong số này, khoảng 400 người, trong đó có 113 phụ nữ, đã bị thiêu sống hoặc bị thiêu sau khi bị giết. Tuy nhiên, theo ông, “tổng kết thực tế có thể còn cao hơn nhiều”.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

MIẾN ĐIẾN - HOA KỲ - TRỪNG PHẠT

Mỹ tăng cường trừng phạt Miến Điện ba năm sau đảo chính quân sự

 

PHÂN TÍCH

Ba năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện thêm suy yếu

 

THÁI LAN - MIẾN ĐIỆN - NHÂN ĐẠO

Thái Lan lên kế hoạch thiết lập vùng an toàn nhân đạo với Miến Điện





No comments:

Post a Comment