Friday, March 29, 2024

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY NGA SÁP NHẬP CRIMEA / 18/3/2014 - 18/3/2024 (Đỗ Kim Thêm)

 



Kỷ niệm 10 năm ngày Nga sáp nhập Crimea (18/3/2014 — 18/3/2024)

Đỗ Kim Thêm

27/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/27/ky-niem-10-nam-ngay-nga-sap-nhap-crimea-18-3-2014-18-3-2024/

 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/03/1-30.png

Bản đồ bán đảo Crimea. Ảnh trên mạng

 

Bán đảo Crimea nằm ở khu vực Biển Đen, phía bắc nối liền với nội địa Ukraine; diện tích ước khoảng 26.844 km2; dân số khoảng 2,4 triệu người; riêng tại thủ đô Sewastopol hiện có hơn 386.000 sinh sống. Trong vài thế kỷ qua, nhiều đế chế khác nhau đưa ra yêu sách đòi chủ quyền lãnh thổ của bán đảo này.

 

Từ thời sơ khai, Crimea là mảnh đất mà một phần người Thổ thuộc sắc tộc Krimtataren lập nghiệp và thuộc quyền sở hữu của Đế chế Ottoman, sau này thuộc về Đế chế Sa hoàng Nga và Liên Xô.

 

Mặc dù Điện Kremlin đã chuyển giao Crimea cho Ukraine vào năm 1954, nhưng Nga vẫn còn nhiều ảnh hưởng quan trọng về quân sự, đặc biệt nhất là Hạm đội Biển Đen của Nga neo đậu thường trực tại cảng Sevastapol trong 240 năm qua. Việc canh giữ này thành truyền thống lịch sử và được Moscow biện minh cho yêu sách an ninh của mình đối với Crimea.

 

Kể từ năm 1992, Crimea được chính quyền Ukraine cho hưởng một quy chế tự trị về hành chính, tư pháp và tài chính. Ngoài người Krimtataren là nhóm sắc tộc đa số, thiểu số còn lại là người gốc Ukraine và Nga sinh sống, nhưng Nga ngữ chiếm ưu thế trong hệ thống giáo dục.

 

 

Nga chiếm đóng

 

Sau khi Tổng thống thứ tư của Ukraine là ông Viktor Yanukovych từ chối ký Hiệp định Liên kết với Liên Âu hồi tháng 11/2013, hàng trăm ngàn người dân Ukraine đã xuống đường tại Quảng trường Độc lập Maidan của thủ đô Kyiv để biểu tình, ủng hộ một tiến trình thân thiện với châu Âu. Các cuộc biểu tình này kéo dài, nhưng kể từ tháng 2/ 2014, nhiều cuộc đụng độ bằng bạo lực leo thang, khiến cho khoảng 100 người thiệt mạng. Dưới áp lực nặng nề của những người biểu tình ở Maidan, ngày 22/2/2014, Tổng thống Yanukovych phải trốn khỏi Kyiv và sau đó một chính phủ lâm thời lên nắm quyền.

 

Biến cố chung ở Ukraine đã gây nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của ngưởi dân ở bán đảo Crimea. Điển hình là, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ việc thay đổi quyền lực. Các diễn biến sôi động này không phải là hiện tượng bất thường.

 

Thực ra, trước đó, từ đầu thập niên 1990, đã có các phe nhóm khác nhau ở Crimea luôn tranh cãi về nội dung của yêu sách tự trị và tìm cách định hướng cho tương lai chính trị của họ: Thân Nga hay thân Tây Âu. Nhưng đến ngày 26/2/2014, các cuộc đụng độ bằng bạo lực giữa những nhóm người biểu tình, lên đến đỉnh điểm.

 

Ban đầu, Putin lên tiếng phủ nhận về sự can dự trực tiếp đến nội bộ của Crimea. Sau đó, trong một một bài diễn văn truyền hình, ông công khai thừa nhận ngày 23/2/2014, sau một cuộc họp khẩn cấp với giới lãnh đạo an ninh quốc gia, ông đã ra lệnh: “Chúng tôi buộc phải bắt đầu công việc đòi trả lại Crimea cho Nga“.

 

Từ rạng sáng ngày 27/2/2014, binh sĩ Nga đã lần lượt chiếm đóng các địa điểm chiến lược quan yếu ở Crimea, nhưng các binh sĩ Nga không mang quân kỳ và đeo bất kỳ phù hiệu hay cấp bậc nào trên đồng phục của họ. Họ nhanh chóng kiểm soát tòa nhà quốc hội, các cơ sở chính quyền và treo cờ Nga khắp nơi.

 

Sau khi bị các lực lượng vũ trang chiếm đóng, Quốc hội đã bầu chính trị gia Sergei Aksyonov của đảng Thống nhất Nga làm nhà lãnh đạo cho chính phủ mới. Việc tổ chức bầu cử này không được tổng thống Ukraine đồng thuận, vì không đúng theo hiến pháp Ukraine quy định.

 

Sau khi chiếm đóng, ngày 18/3/2014 Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Hành động này là một sự vi phạm công khai luật pháp quốc tế, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc chiến tranh xâm lược toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà Nga bắt đầu tiến hành kể từ ngày 24/2/2022.

 

 

Cuộc trưng cầu dân ý

 

Ngày 6/3/2014, Quốc hội Crimea quyết định việc sáp nhập Crimea vào Nga. Sau đó, ngày 16/3, Nga chủ động tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó đa số người dân quyết định cho tương lai của Crimea với hai lựa chọn: Một là, sáp nhập Crimea vào Nga, được gọi là “thống nhất” trên giấy bỏ phiếu; hai là, khôi phục hiến pháp năm 1992 mà Crimea là một phần của Ukraine. Giải pháp duy trì hiện trạng – tức vẫn là một lãnh thổ tự trị bên trong nước Ukraine – không được ghi trong lá phiếu.

 

 

Kết quả

 

Trong bối cảnh đó, không ai có thể nghi ngờ về kết quả bỏ phiếu: Theo Ủy ban tổ chức trưng cầu dân ý, hơn 95% cử tri được cho là đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Nga và tỷ lệ cử tri tham gia là 83,1%. Các quan sát viên quốc tế theo dõi cuộc bầu cử đồng thanh bất tín nhiệm kết quả này.

 

Trong một cuộc khảo sát do Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv thực hiện, chỉ có 41% số người bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Nga. Tháng 5/2014, Hội đồng Nhân quyền, cơ quan hỗ trợ cho Tổng thống Nga, công bố một bảng đánh giá khác, họ ước tính, khoảng 50 đến 60% cử tri bỏ phiếu đồng thuận và tỷ lệ cử tri tham gia ước khoảng 30 đến 50% dân số. Ngay sau đó, bản tin này trên trang web của Hội đồng bị xóa.

 

Hai ngày sau khi trưng cầu dân ý, ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin và đại diện chính quyền mới của Crimea ký “Hiệp ước gia nhập” với nội dung thoả thuận việc sáp nhập Crimea vào Nga. Kể từ ngày 21/3/2014, Điện Kremlin công khai tuyên bố Crimea là một phần lãnh thổ của Nga. Từ tháng 4/2014, Vladimir Putin chính thức thừa nhận rằng các binh sĩ Nga chiếm đóng Crimea và chủ động chuẩn bị tất cả cho cuộc trưng cầu dân ý.

 

 

Phản ứng quốc tế

 

Sau khi Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea, các quốc gia phương Tây – gồm các nước Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ – đã liên tục áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước Nga và các thành phần dân sự khác.

 

Ngày 27/ 3/2014, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là không hợp lệ.

 

Vài đồng minh thân cận của Nga, như Syria, Bắc Triều Tiên, Venezuela và Belarus, công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, còn đa số các nước trong cộng đồng quốc tế thì không.

 

Thực tế cho thấy, các phản ứng chính trị của cộng đồng quốc tế là quá yếu; các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây nhắm vào lĩnh vực công nghiệp của Nga không tác hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của Nga. Ngược lại, Nga có cảm tưởng chung là phương Tây đang suy yếu và không đoàn kết để chống Nga, đó cũng là lý do tại sao Nga tiếp tục gây hấn mà không lo sợ bị ảnh hưởng gì.

 

 

Hậu quả

 

Kể từ khi chiếm đóng, hàng chục ngàn người dân đã rời Crimea, trong đó có khoảng 70.000 người Krimtataren. Đồng thời, luồng nhập cư dân Nga sang Crimea gia tăng. Theo ước lượng, có khoảng 800.000 người Nga đã đến định cư tại Crimea.

 

Đối vối người dân Crimea, việc sát nhập là một vết thương cho đến ngày nay vẫn còn rướm máu. Cũng như ở Nga, tự do ngôn luận và hoạt động của phe đối lập ở Crimea bị hạn chế tối đa. Chính quyền mới đàn áp thành phần sắc tộc Krimtataren một cách tàn bạo. Năm 2016, Mejlis, cơ quan đại diện của nhóm người Krimtataren, bị cấm hoạt động với lý do có xu hướng đi theo “chủ nghĩa cực đoan”. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, nhiều nhà báo và nhà hoạt động Krimtataren đã bị bắt giữ, có nhiều trường hợp “bị mất tích không lý do” và chính quyền vẫn chưa bao giờ quan tâm đến việc mở một cuộc điều tra.

 

Giảng dạy bằng ngôn ngữ sắc tộc Krimtataren và Ukraine bị cấm đoán.

 

Nhìn chung, Nga biết kết hợp tất cả các biện pháp đàn áp ở Crimea cũng tương tự như ở Liên Xô. Nga đã biến bán đảo thành một khu vực chuyên chế và vô luật pháp khi công khai vi phạm nhân quyền, cũng nghiêm trọng giống như thời Stalin.

 

Trước đây, Crimea nổi tiếng là một điểm du lịch được du khách yêu chuộng. Ngày nay, tình thế đổi thay, ngành du lịch sụp đổ vì Crimea bị biến thành là một căn cứ quân sự của Nga.

 

Về mặt chiến lược đối với Nga, Crimea có tầm quan trọng, vì Crimea tiếp cận được phần lớn các vùng lãnh thổ khác bên trong nội địa của Ukraine, nhất là xung quanh khu Kherson và Melitopol, đặc biệt khi di chuyển bằng đường bộ. Ngoài ra, việc kiểm soát các tuyến đường biển ở Biển Đen là rất quan trọng cho Nga trong lĩnh vực hậu cần.

 

 

Triển vọng

 

Ngày nay, vị thế của Crimea cũng còn là vô cùng quan trọng đối với Ukraine; vận mệnh của bán đảo này luôn tùy thuộc vào tương lai của chiến cuộc Ukraine và quyết định của Putin.

 

Kết quả cuộc bầu cử ở Nga gần đây cho thấy, Putin và bộ máy tuyên truyền Nga đã thuyết phục được đa số người Nga trong cuộc bầu cử độc diễn: Putin tái thắng cử với tỷ lệ gần 88% phiếu bầu nhằm tạo thêm động lực cho Putin tiếp tục theo đuổi mục tiêu của cuộc chiến.

 

Theo một số nhận định chung, Putin đủ khôn ngoan để nhận định rằng quân đội Ukraine đang suy yếu vì thiếu quân viện của phương Tây, do đó sẽ chuẩn bị một cuộc tấn công mới toàn diện hơn.

 

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, quân đội Ukraine đã gây cho lực lượng Hải quân Nga nhiều tổn thất nặng nề khi kiên quyết phá vỡ hệ thống các cơ sở hậu cần của Nga. Theo các nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Anh, toàn bộ hạm đội Biển Đen của Nga trên thực tế “đã bị tê liệt”.

 

Mặt khác, để đạt được mục tiêu, Nga cũng có thể kéo dài thời gian hơn, mặc dù mức tổn thất của Nga có thể lên cao, cả về nhân lực và vật lực, nhưng chiến phí không là một mối bận tâm chính của Putin, vì dân chúng được tuyên truyền là sẽ tiếp tục hy sinh cho mục tiêu cao cả của việc xâm lăng.

 

Một thuận lợi khác mà Nga đang hy vọng là, kết quả bầu cử Mỹ và mối tình thân thiết của Putin với Donald Trump, nếu Trump thắng cử. Cả hai sẽ quyết định nhanh chóng hơn để kết thúc cuộc chiến Ukraine. Mọi người đang chờ đợi xem châu Âu sẽ có phản ứng thế nào cho phù hợp để ứng phó khi tình hình Ba Lan và Hungary rồi sẽ lâm nguy như Ukraine.

 

 




No comments:

Post a Comment