Friday, February 2, 2024

VIỆT NAM TÍNH CẤM TIỆT LÁI XE CÓ RƯỢU BIA : CẦN THIẾT hay HÀ KHẮC? (VOA Tiếng Việt)

 



Việt Nam tính cấm tiệt lái xe có rượu bia: cần thiết hay hà khắc?

VOA Tiếng Việt

 02/02/2024

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tinh-cam-tiet-lai-xe-co-ruou-bia-can-thiet-hay-ha-khac-/7467027.html

 

Việt Nam cân nhắc cấm tuyệt đối hành vi lái xe có hơi men trong khi việc xử lý quyết liệt các lái xe say xỉn trong thời gian qua đã làm giảm hẳn tai nạn giao thông cũng như đang thay đổi thói quen của một bộ phận người dân, theo tìm hiểu của VOA.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-330b-08dc10586a55_w650_r1_s.jpg

Công an Việt Nam đang quyết liệt kiểm tra nồng độ cồn trong dịp Tết

 

Luật giao thông đường bộ hiện hành của Việt Nam không cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe mà quy định ngưỡng nồng độ cồn bị cấm là trên 50 miligam/100 mililít máu hoặc trên 0,25 miligam/1 lít khí thở. Quy định này áp dụng đối với cả xe hơi và xe gắn máy.

Tuy nhiên, để tương thích với một điều luật khác về phòng chống tác hại của rượu bia vốn có hiệu lực từ năm 2020, Quốc hội Việt Nam đang cân nhắc sửa đổi Luật giao thông đường bộ theo hướng đưa ngưỡng nồng độ cồn được phép khi lái xe về 0, báo chí trong nước cho biết. Luật mới này sẽ mở rộng cho tất cả các phương tiện giao thông, kể cả xe đạp và dự kiến sẽ được thông qua vào giữa năm nay.

Mức 0 là cực đoan?

Ngưỡng nồng độ cồn bằng 0 này đã gây nhiều phản ứng ở trong dư luận ở Việt Nam – đất nước mà uống rượu bia rồi lái xe lâu nay là điều bình thường. Ngay tại diễn đàn Quốc hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình với quy định này và cho rằng nên quy định một ngưỡng nào đó thay vì kéo về 0.

Khi tranh luận về điều luật này tại phiên họp hồi cuối tháng 11 năm ngoái, ông Lê Hữu Trí, đại biểu Khánh Hòa cho rằng mức 0 là ‘không hợp văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học’, cổng thông tin của Quốc hội Việt Nam cho biết.

Đại biểu Vĩnh Long, ông Trịnh Minh Bình, thì dẫn ra những trường hợp uống nước trái cây có lên men vẫn sẽ có nồng độ cồn, như vậy mà bị xử phạt thì sẽ không hợp lý, trang mạng VnExpress tường thuật.

Một đại biểu khác là ông Bế Trung Anh thì lập luận rằng ‘uống rượu bia quá nhiều mới ảnh hưởng đến năng lực hành vi, chứ uống ít hay nếm chút thì vẫn ổn và có lẽ chưa ảnh hưởng’, cũng theo VnExpress.

Bên cạnh quy định nồng độ cồng bằng 0, nhà chức trách Việt Nam còn tính phạt tù những tài xế nào bị phát hiện chạy xe khi có nồng độ cồn ‘ở mức đặc biệt nghiêm trọng’ mặc dù tai nạn chưa xảy ra, VnExpress đưa tin tại một hội thảo do Bộ Công an và Bộ Y tế tổ chức về tác hại của rượu bia đối với giao thông hôm 29/1.

Trao đổi với VOA từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho biết với mức nồng độ cồn bằng 0 này thì ‘nhiều lái xe hôm trước chỉ uống chút bia mà hôm sau bị kiểm tra thì vẫn bị phạt (tức là hơi men không tan hết sau một đêm)’.

“Như thế coi như đánh úp các nhà hàng, vì chỉ uống bia thôi khách phải nghỉ hai ngày không đi xe máy hay ô tô – ngày đi uống và ngày hôm sau,” luật sư Hải lập luận. “Vậy ai muốn đi ăn nhà hàng nữa? Nền kinh tế nhà hàng chắc chắc tiêu điều.”

Ông cho biết ông quan sát tình hình các nhà hàng, các quán nhậu ở Việt Nam trong dịp cận Tết vốn rất tưng bừng trong những năm trước nay rất đìu hiu.

Vị luật sư này cho biết người dân Việt Nam ‘ủng hộ hạn chế rượu bia’ nhưng ‘không đến mức cực đoan’.

“Họ cũng cần sống và làm việc vui vẻ mà không quá đà. Nếu uống vừa vừa mà hôm sau vẫn đi xe máy, đi ô tô được thì họ chắc chắn không phản đối. Còn sau khi đi nhậu đi Grab hay xe GSM Xanh, Bee cũng OK mà,” ông nói thêm.

Khi được hỏi ngoài việc quy định mức nồng độ cồn, Việt Nam có nên tăng nặng mức hình phạt đối với hành vi lái xe có rượu bia hay không, ông Hải cho rằng hình phạt hiện nay ‘đã là quá nghiêm khắc rồi’ nên ‘ai mà bị phạt một lần chắc cũng nhớ đời’.

Hiện tại, mức phạt nặng nhất – cho nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu hay trên 0,4 miligam/1 lít khí thở - là phạt tiền 8 triệu đồng và bị tước bằng lái 24 tháng đối với xe gắn máy, phạt tiền 40 triệu đồng và tước bằng lái cũng 24 tháng đối với xe hơi. Ở những mức nồng độ cồn thấp hơn sẽ có mức phạt nhẹ hơn, nhưng đều bao gồm đóng tiền phạt và bị tước bằng.

Tăng cường truy quét

Trong năm 2023, Bộ Công an đã chỉ đạo công an giao thông các tỉnh, thành mở các đợt cao điểm truy quét các vi phạm giao thông, VnExpress cho biết, và chỉ trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10 đã phạt hơn 6.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Sang năm 2024, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục tập trung bắt vi phạm nồng độ cồn.

Anh Lê Thành Nhân, công nhân quét đường sống tại Nhà Bè và làm việc tại Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, kể với VOA một lần anh bị ‘hốt’ khi đang chạy ngang qua chốt cứng tại ngã tư Nguyễn Văn Cừ-Trần Hưng Đạo ở Quận 5.

“Bữa đó tôi uống 6 lon bia. Khi chạy qua chốt, công an ở đó thấy nghi ngờ nên họ chạy theo dí tôi sát vào lề. Họ bắt tôi thử nồng độ cồn nhưng tôi không chịu,” anh kể.

Tuy nhiên, do bữa đó anh đi nhậu và đi về cùng với công an nên được xin tha. “Mấy ổng nói ‘Đây là thằng em đi sinh nhật chung về thôi mấy anh thông cảm’. Giao thông mới hỏi ở đơn vị nào xong rồi cho đi luôn.”

“Trước khi đi nhậu về, mấy ổng có dặn hết rồi. Nếu mà có bị công an bắt thì đừng có thổi nồng độ cồn để có gì mấy ổng nói,” anh Nhân nói thêm.

Anh Nhân cho biết mấy tháng nay anh đi nhậu xong không dám chạy xe máy về mà ‘toàn bắt Grab’. “Từ Nhà Bè lên Quận 10 hết 100 ngàn đồng, đi hai lượt hết 200 ngàn, vẫn còn đỡ tốn hơn nộp phạt 7-8 triệu rồi bị giam bằng 24 tháng,” anh trình bày và cho biết hiện giờ ở thành phố công an giao thông đi tuần ngoài đường ‘đông lắm’.

Anh nói Tết này nếu có đi lai rai với bạn bè thì anh cũng sẽ để xe lại cho quán giữ giùm vì hiện giờ bất cứ quán nhậu nào ở Sài Gòn cũng có dịch vụ trông giữ xe qua đêm cho khách.

“Bây giờ uống một ly rượu Tây cũng không dám chạy xe vì nghe nói mấy ông quy định nồng độ cồn bằng 0. Mấy bữa nay tất niên linh đình mà có dám nhậu đâu,” anh bày tỏ.

Anh cho biết mặc dù anh nắm rõ công an thường đứng chốt ở những điểm nào nhưng anh ‘không né được’ vì công an thường đứng ‘canh me’ ở đối diện các quán nhậu và cho dù có chạy vô đường hẻm, đường nhánh cũng bị công an dí theo.

Theo lời kể của anh năm nay mặc dù giáp Tết nhưng các nhà hàng, quán nhậu ‘ế ẩm nhiều lắm’. “Nếu lúc trước thường không còn bàn trống thì giờ còn được 2-3 phần,” anh nói.

Trong trường hợp không muốn bị lập biên bản, anh Nhân kể các tài xế bị thổi nồng độ cồn ‘có thể chung chi 4-5 triệu thì công an sẽ thả mình đi’.

“Nếu công an thấy đang đứng trước nhà dân có camera thì nó sẽ kéo mình đến chỗ nào tối tối để mình chung chi. Trường hợp không có tiền mặt thì nó cho mình bắt Grab đi rút tiền luôn,” anh kể và cho biết do anh làm việc ngoài đường phố nên ‘chứng kiến rất nhiều’.

Nếu không nhận tiền chung chi, thì với mỗi biên bản được lập với hành vi vi phạm nồng độ cồn thì công an sẽ nhận được 70-80% số tiền phạt nên ‘họ đang tích cực lập biên bản và lụm tiền quá trời luôn’, anh nói.

Cũng giống như Luật sư Trần Vũ Hải, anh Lê Thành Nhân cho rằng không nên quy định nồng độ cồn bằng 0 mà nên nâng lên một ngưỡng nào đó. Tuy nhiên, anh ủng hộ cách xử lý khắt khe đối với hành vi say xỉn lái xe.

“Hồi trước nhiều người chạy xe bị té chấn thương sọ não nhiều lắm,” anh cho biết. “Có mấy ông anh làm ở bệnh viện Chợ Rẫy cho biết dạo này tai nạn giảm hẳn luôn. Khoa cấp cứu hồi đó kẹt cứng giường bây giờ lại trống.”

VnExpress dẫn lời Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông, cho biết trong năm 2023 họ xử lý 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên cả nước, cao gấp rưỡi năm 2022 và nhiều hơn ba năm 2020-2022 cộng lại.

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2023, số tai nạn giao thông do rượu bia đã giảm gần 26%, số người chết giảm 50%, số người bị thương giảm gần 23% so với cùng kỳ năm 2022, cũng theo lời Đại tá Nhật nói với VnExpress.

 

 


No comments:

Post a Comment