Monday, February 5, 2024

PHIÊN DỊCH : "BÀ ĐỠ" CỦA VĂN HỌC TRUNG QUỐC (Nguyễn Hải Hoành / Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



 

Phiên dịch: “Bà đỡ” của văn học Trung Quốc

Nguyễn Hải Hoành

05/02/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/02/05/phien-dich-ba-do-cua-van-hoc-trung-quoc/

 

Trung Quốc hiện nay có số lượng nhà văn và tác phẩm văn học nhiều nhất thế giới, tuy vậy thế giới lại ít biết về văn học nước này. Nền văn hoá, văn học Trung Quốc có lịch sử lâu đời mấy nghìn năm mà vẫn chưa có tác giả và tác phẩm văn học nổi tiếng toàn cầu. Trước năm 2012 nước này chưa có nhà văn Trung Quốc nào được trao giải Nobel Văn.

 

Có nhiều nguyên nhân làm cho thế giới ít biết về văn học Trung Quốc, trong đó một phần là do quá nhiều tác phẩm của họ chưa được giới thiệu ra thế giới. Mọi người đều biết, người Trung Quốc sử dụng hệ thống ngôn ngữ chữ viết độc đáo, khác với ngôn ngữ chữ viết của hầu hết các dân tộc còn lại trên thế giới. Hán ngữ là một trong số vài ngôn ngữ đơn lập (đơn âm tiết, monosyllabic), mỗi tiếng một âm tiết. Chữ Hán là loại chữ viết biểu ý (chữ ghi ý, ideograph) không liên quan tới tiếng nói. Trong khi đó ngôn ngữ của hầu hết các dân tộc còn lại đều là ngôn ngữ đa lập (đa âm tiết, multisyllabic) và dùng chữ viết biểu âm (chữ ghi âm, phonograph). Chữ Hán khó học, khó nhớ, khó viết, khó dùng. Vì thế việc phiên dịch các văn bản chữ Hán ra ngoại ngữ — người Trung Quốc gọi là “Trung dịch ngoại” — là việc rất khó, chủ yếu do người nước ngoài thực hiện, mà số lượng dịch giả như vậy còn quá ít.

 

Xưa nay người Trung Quốc chỉ chú trọng phiên dịch các văn bản ngoại ngữ thành chữ Hán, tức “ngoại dịch Trung”. Họ đã dịch hầu hết các tác phẩm văn học chủ yếu của thế giới, trong khi rất ít tác phẩm văn học Trung Quốc được dịch ra ngoại ngữ. Ông Howard Goldblatt, chuyên gia phiên dịch Trung-Anh số một thế giới hiện nay, nói: Ông không tán thành quan điểm của nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin cho rằng văn học đương đại Trung Quốc không có tác phẩm hay, mà chỉ là nhiều tiểu thuyết Trung Quốc chưa được phiên dịch, do có quá ít dịch giả đạt yêu cầu.

 

Hơn nữa, quan điểm giá trị, quan điểm thẩm mỹ văn học của người Trung Quốc dường như xa lạ với người Âu Mỹ. Ví dụ tiểu thuyết “Thuỷ Hử” được họ yêu thích, ca ngợi, nhưng lại bị nhiều bạn đọc phương Tây chê là tuyên truyền cho bạo lực. Hoặc “Tô-tem sói” bị chê là có tư tưởng phát xít.

 

Ông Hoàng Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Phiên dịch Trung Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phiên dịch Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Ngoại văn Trung Quốc, nói thời nay tiếng Anh là ngôn ngữ dẫn đầu thế giới, cho nên Trung Quốc bị thiệt thòi. Goldblatt nói: Tạp chí Mỹ “The New Yorker” chưa đăng một tiểu thuyết Trung Quốc nào, trong khi đã đăng hơn chục tác phẩm của nhà văn Nhật Murakami Haruki. Qua đó có thể thấy văn học Trung Quốc còn bị thế giới tiếng Anh lạnh nhạt. Chỉ khi nào phần lớn tác phẩm của nhà văn Trung Quốc được dịch ra tiếng Anh thì văn học nước này mới có thể mở mày mở mặt, có ảnh hưởng toàn cầu.

 

Sự kiện ngày 11/10/2012 Uỷ ban Bình xét giải Nobel thuộc Viện Văn học Thuỵ Điển công bố nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn học 2012 đã làm cho dư luận nước này vô cùng phấn khởi, nô nức đưa tin, bình luận, tranh cãi. Qua đây người ta thấy được một số vấn đề ít người quan tâm. Trong đó có vấn đề dịch tác phẩm văn học Trung Quốc ra ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Thuỵ Điển, tiếng Pháp … là những thứ tiếng mà các vị trong ban bình chọn giải Nobel Văn thành thạo. Hầu hết các vị ấy không biết chữ Hán, trừ ông Goran Malmqvist, nhà Hán học nổi tiếng người Thuỵ Điển, giỏi cả tiếng Anh, từng dịch “Tây du ký”, “Thuỷ hử” sang tiếng Thuỵ Điển. Vì vậy, họ chủ yếu đọc và đánh giá tác phẩm văn học Trung Quốc qua bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Thuỵ Điển. Dĩ nhiên khi đó chất lượng bản dịch trở nên rất quan trọng.

 

Giải Nobel Văn 2012 vừa tôn vinh Mạc Ngôn, vừa làm nổi bật vai trò của các dịch giả đã chuyển ngữ tác phẩm của ông; họ trở thành nhân vật có đóng góp đáng kể vào sự kiện lần đầu tiên nhà văn Trung Quốc được trao giải Nobel. Sự kiện này cũng cho thấy Mạc Ngôn chẳng những giỏi viết văn mà còn giỏi tổ chức việc phiên dịch tác phẩm của mình ra tiếng Thuỵ Điển và tiếng Anh – hai ngoại ngữ có ảnh hưởng nhất tới việc bình chọn giải Nobel Văn. Cho đến năm 2012, Mạc Ngôn là nhà văn Trung Quốc có nhiều nhất tác phẩm được dịch ra hai ngoại ngữ trên.

 

Dư luận nói nhiều tới bà Anna Gustafsson Chen, tên chữ Hán là Trần An Na, một nhân viên giữ thư viện người Thuỵ Điển. Bà An Na sinh năm 1965, học Trung văn tại Học viện Đông Á, Đại học Stockholm, thầy học là Viện sĩ Goran Malmqvist, nhà Hán học nổi tiếng, thành viên suốt đời của Ban Bình chọn giải Nobel Văn. Bà nhận học vị Tiến sĩ văn học năm 1997. Từ thập niên 1980, bà chuyên dịch sang tiếng Thuỵ Điển các tiểu thuyết Trung văn của gần 20 nhà văn Trung Quốc. Bà lấy chồng là Trần Mại Bình (Chen Mai-Ping), một nhà văn Thuỵ Điển gốc Hoa. Có lẽ ông chồng người Trung Quốc đã giúp hiệu đính các bản dịch của vợ. Bà từng được tặng giải thưởng văn học dịch hay nhất Thuỵ Điển.

 

Thuỵ Điển là một nước nhỏ nhưng bản tiếng Thuỵ Điển các tác phẩm của Mạc Ngôn do Trần An Na dịch đã có ảnh hưởng lớn tới việc bình chọn giải Nobel Văn. Ông Hoàng Hữu Nghĩa kể: Có lần bà Phó Chủ tịch Hội phiên dịch quốc tế nói: Các vị cứ dịch văn học Trung Quốc ra tiếng Bắc Âu là sẽ có thể giành được giải Nobel Văn. Tính đến năm 2004, Mạc Ngôn là nhà văn Trung Quốc được dịch ra ngoại văn nhiều nhất, nhất là ở Bắc Âu.

 

Ngay từ những năm 1980, sau khi đọc bản tiếng Anh các tác phẩm của Mạc Ngôn, Trần An Na quyết tâm dịch ra tiếng Thuỵ Điển các tiểu thuyết của Mạc Ngôn như “Cao lương đỏ”, “Bài ca củ tỏi Thiên đường”, “Mệt mỏi sống chết”, “Con ếch”. Bà đánh giá Mạc Ngôn là “Márquez của Trung Quốc”.[1]

 

Còn một dịch giả nổi tiếng nữa, được gọi là “Bà đỡ” số một của Mạc Ngôn. Đó là giáo sư Howard Goldblatt, người Mỹ, sinh năm 1939, học tiếng Trung Quốc tại Đài Loan từ những năm 1960, sau đó chuyên nghiên cứu Hán ngữ, nhận bằng Tiến sĩ văn học Trung Quốc tại Đại học Indiana, trở thành nhà Hán học số một nước Mỹ, dịch giả văn học tiếng Trung số một thế giới. Goldblatt có vợ là giáo sư Sylvia Li-chun Lin (Lâm Lệ Quân), người Mỹ gốc Hoa, cũng là nhà phiên dịch.

 

Howard Goldblatt đã dịch gần 60 tác phẩm của hơn 20 nhà văn Trung Quốc đương đại, nhiều hơn bất cử dịch giả nào. Ông đã dịch Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Lưu Hằng, Tô Đồng, Vương Sóc, A Lai. Goldblatt đã chuyển ngữ hơn chục tiểu thuyết của Mạc Ngôn. Bản tiếng Anh các tác phẩm ấy được Uỷ ban Bình chọn giải Nobel Văn dùng làm căn cứ để xét thưởng. Nhà Hán học Kubin nói Goldblatt là người có công nhiều nhất trong việc giúp Mạc Ngôn giành giải Nobel Văn. Ông Hoàng Hữu Nghĩa nói việc tác phẩm của Mạc Ngôn được dịch ra nhiều thứ tiếng là nhân tố quyết định Mạc Ngôn đoạt Nobel Văn 2012.

 

Ngoài ra còn có các dịch giả tiếng Pháp Noel Dutrait và Chantal Chen Andro từng dịch nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc.

 

Một năm sau ngày Mạc Ngôn nhận giải Nobel Văn, Howard Goldblatt xuất hiện trước công chúng Trung Quốc tại Hội thảo “Văn học Trung Quốc đi ra thế giới: Thách thức và cơ hội”, tổ chức tại Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải ngày 30/10/2013. Tại đây ông trình bày đề tài “Author and Translator: An Uneasy, Mutually Rewarding, Sometimes Fragile Relationship” (Tác giả và dịch giả: Mối quan hệ khó chịu, hai bên cùng có lợi nhưng đôi khi mong manh).

 

Dư luận bàn nhiều về chuyện các dịch giả tiếng Anh khi dịch văn học Trung Quốc đã “sáng tạo” nhiều, giới dịch giả gọi là “nửa dịch nửa viết” hoặc “vừa dịch vừa sửa”; có người nói dịch văn học Trung Quốc gần như là dùng ngoại ngữ viết lại tác phẩm. Nhưng đây là cách dịch khôn ngoan, “khoác cho văn học Trung Quốc chiếc áo màu sắc văn học Anh Mỹ”, giúp thế giới nói tiếng Anh ưa thích văn học Trung Quốc, có thể làm chức năng “Bà đỡ” cho các nhà văn Trung Quốc.

 

Goldblatt được cho là dịch giả có phong cách “nửa dịch nửa viết”, đôi khi ông điều chỉnh cả kết cấu và nội dung tác phẩm, tăng giảm các chi tiết để cho tác phẩm hợp với quan điểm thẩm mỹ của bạn đọc Anh ngữ. Ông giải thích: Anh ngữ và Hán ngữ là hai ngôn ngữ khác nhau một trời một vực, nếu dịch đối chiếu từng chữ một thì e rằng người đọc sẽ không thể đọc tiếp, dịch như vậy sẽ không xứng đáng với nguyên tác và với tác giả. Ông nói “I love the tension between Creativity and Fidelity, even the inevitable compromises” (Tôi thích mối quan hệ căng thẳng giữa sáng tạo với trung thành với nguyên bản, thậm chí là sự thoả hiệp không tránh khỏi giữa hai yếu tố đó). Phong cách dịch mạnh dạn “nửa dịch nửa viết” của Howard Goldblatt được nhiều học giả cho là một nguyên nhân không thể thiếu giúp đẩy tác phẩm của Mạc Ngôn tiến tới giải Nobel văn 2012.

 

Nói chung người dịch văn học Trung Quốc sang ngoại ngữ đều dịch một cách sáng tạo. Họ nói, tôi hiểu tác phẩm thế nào thì tôi dịch thế ấy. Khi biết tác phẩm của mình được các dịch giả nhào nặn ra trò, Mạc Ngôn không hề phàn nàn. Ông nói “Dịch là sáng tạo!” Howard Goldblatt kể: Làm việc với Mạc Ngôn bao giờ cũng vui vẻ. Tác giả bảo dịch giả: “Tôi không biết tiếng Anh, ông cứ dịch tác phẩm của tôi đi. Bản dịch là tác phẩm của ông”.

 

Mạc Ngôn nói Goldblatt là một dịch giả tài hoa và có tác phong nghiêm cẩn. Goldblatt cực kỳ yêu nghề phiên dịch; ông nói “Phiên dịch là một dạng lao động của tình yêu (labor of love)”

 

Điều thú vị là việc Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn 2012 đã khiến cho danh tiếng của Howard Goldblatt càng nổi hơn nhưng đồng thời giải này cũng kéo theo những tranh cãi mới. Một số người bắt đầu lấy tác phẩm bản gốc ra để so sánh và nghiên cứu bản dịch của Goldblatt; họ cho rằng ông đã “xóa, sửa, làm hỏng tác phẩm của người khác”. Kể từ lần dịch “Con ếch”, Goldblatt đã chọn biện pháp thoả hiệp trước sức ép của dư luận.” Ông nói: “Lần dịch này tôi không sửa một từ nào của tác giả.” Cho tới lúc ấy ông đã dịch xong 10 tác phẩm của Mạc Ngôn.

 

Giáo sư Howard Goldblatt thẳng thắn vạch ra: “Văn học Trung Quốc còn chưa có con đường riêng của mình, ngay các nhà văn Trung Quốc đều còn chưa rõ lắm nên đi về phía nào. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất không phải là kỹ xảo mà là phải tìm được tiếng nói của mình.” Ông nhắc các nhà văn Trung Quốc “Mở đầu không tốt, viết quá dài, quá nhanh”, “Nên viết ngắn một chút, tiểu thuyết 400 nghìn chữ là quá dài, người Mỹ không có hứng thú đọc tiểu thuyết nước ngoài quá dài.”

 

Giới dịch giả nước ngoài đã dày công chuyển ngữ những tiểu thuyết dầy cộp của Mạc Ngôn. “Mệt mỏi sống chết” (Life and Death are wearing me out) 550 nghìn chữ Hán, Mạc Ngôn viết trong có 43 ngày, nhưng người dịch bản tiếng Anh phải làm trong mấy năm! “Phong nhũ phì đồn” (Vú đầy mông béo/ Big breasts and wide hips; bản tiếng Việt của Trần Đình Hiến dịch là “Báu vật của đời”), 585 nghìn chữ, vợ chồng Dutrait mất gần 2 năm mới làm xong bản dịch tiếng Pháp.…

 

Để giành giải Nobel Văn, Mạc Ngôn đã coi trọng khâu phiên dịch, làm rất tốt khâu chuyển ngữ tác phẩm, hào phóng chọn một người nước ngoài làm “Người đại diện văn học” cho mình. Người này thay mặt tác giả liên hệ với các nhà xuất bản và dịch giả, giải quyết những công việc mà nhà văn Trung Quốc không làm được. Và họ đã không phụ lòng mong mỏi của Mạc Ngôn.

 

Ngày nay Trung Quốc đã là nền kinh tế số hai thế giới, nhưng sức mạnh mềm của họ chưa tương xứng với sức mạnh cứng, văn hoá Trung Quốc chưa có ảnh hưởng lớn như văn hoá phương Tây. Để thực thi chiến lược “Đưa văn hoá Trung Quốc đi ra ngoài”, Bắc Kinh đang ra sức đề cao vai trò công tác phiên dịch đối với việc tăng cường sức mạnh mềm của nước họ. Phiên dịch là cầu nối các nền văn hoá với nhau; không có phiên dịch thì không có sự trao đổi văn hoá giữa các dân tộc.

 

Từ những tình hình nói trên suy ra có lẽ giới nhà văn Việt Nam cũng nên chú trọng khâu phiên dịch tác phẩm ra tiếng Anh và tiếng Thuỵ Điển. Chúng ta từng có những tác phẩm văn học xứng đáng đề cử trao giải Nobel Văn, như tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Nếu bản dịch tiếng Anh, tiếng Thuỵ Điển của tác phẩm này có chất lượng cao thì rất có thể Bảo Ninh nói riêng và giới nhà văn Việt Nam nói chung có thể sẽ lọt vào mắt xanh của Ban Bình chọn Giải Nobel Văn.

 

—————————–

 

[1] Gabriel José García Marquez là nhà văn người Colombia, nổi tiếng với tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”.

 

 





No comments:

Post a Comment