Wednesday, February 7, 2024

KIỀU BÀO TRƯỚC LỜI KÊU GỌI HẰNG NĂM NHÂN DỊP XUÂN VỀ : ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC (Diễm Thi, RFA)

 



Kiều bào trước lời kêu gọi hằng năm nhân dịp Xuân về: đóng góp xây dựng đất nước!

Diễm Thi, RFA
FEB 06, 2024 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-people-abroad-responded-to-vovanthuong-call-to-build-the-country-02062024133614.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-people-abroad-responded-to-vovanthuong-call-to-build-the-country-02062024133614.html/@@images/2dbf25b4-b709-4cfa-a19c-0e5f6b3571cd.jpeg

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (trái) và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng (thứ 2 từ trái) xem làm bánh chưng ở Hà Nội vào ngày 30 tháng 1 năm 2024.  AFP

 

Báo Chính phủ hôm 2 tháng 2 năm 2024 đăng nguyên văn bài phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước Việt Nam, tại Chương trình “Xuân Quê hương 2024” diễn ra tại thành phố Sài Gòn.

 

Theo ông Thưởng, người Việt Nam ở nước ngoài, dù thuộc thế hệ nào, ở bất cứ nơi đâu, đã là con Lạc - cháu Hồng đều luôn là một phần máu thịt, một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc, luôn hiện hữu trong trái tim, tình cảm của đất nước, dân tộc Việt Nam. Ông Thưởng đồng thời kêu gọi “kiều bào hãy đoàn kết một lòng, tin tưởng vững chắc vào mục tiêu đi tới của dân tộc, cùng chung tay xây đắp cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, để Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta vững vàng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

 

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái ở Hoa Kỳ nêu quan điểm của ông với RFA về lời kêu gọi này:

 

“Cá nhân tôi thì tôi không tin vào lời kêu gọi của ông Võ Văn Thưởng, bởi từ ngày những người cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc trước năm 1975, và toàn cõi Việt Nam sau 1975 cho thấy, tất cả những lời kêu gọi đó chỉ vì quyền lợi của đảng của họ, quyền lợi đất nước thì không nhiều.

Trong thời qua có những người Việt Nam nghe lời kêu gọi của lãnh đạo Hà Nội trở về nước làm ăn. Khi về Việt Nam họ chung tay tiếp sức để xây dựng cơ đồ như cách nói của ông Võ Văn Thưởng. Sau đó họ hoàn toàn thất vọng bởi họ thấy cách mà những người điều hành ở Việt Nam bây giờ. Có người họ thành công thì sau đó họ bị những biện pháp của nhà nước chiếm đoạt thành quả của họ khiến họ phải tìm cách ra đi lần nữa”.

 

Ông Thái nhắc lại câu chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, một triệu phú ở Hà Lan đã đem hơn ba triệu đô la Mỹ về Việt Nam làm ăn và đầu tư trong nước vào cuối năm 1987. Đến năm 1999, ông bị tịch thu tài sản và lãnh án 11 năm tù. Ông đã bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại, ông Bình đã tìm cách trốn thoát khỏi Việt Nam.

 

Trước khi kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài về chung tay xây dựng đất nước, ông Võ Văn Thưởng nói rằng: “Dù ở bất cứ nơi đâu, trong điều kiện nào, lứa tuổi nào, quốc tịch nào, là người mang dòng máu Việt Nam, là người Việt Nam yêu nước thì đều có thể đóng góp cho Tổ quốc theo cách riêng của mình. Bởi tình yêu Tổ quốc là một điều giản dị, gần gũi và tự nhiên, một nhu cầu, khao khát tự nhiên và chính đáng”.

 

Bà Phương Diên ở Úc nói với RFA:

 

“Thể chế chính trị của Việt Nam là độc đảng, chỉ có một đảng cai trị. Khi Đảng Cộng sản quyết định mọi thứ thì không bao giờ có sự công bằng, không có chuyện trở về xây dựng đất nước. Đơn giản vậy thôi!

 

Nếu có đa đảng thì mới có sự cạnh tranh thì đất nước mới tốt đẹp lên được. Chừng nào có sự công bằng, bình đẳng trong xã hội thì chúng tôi mới trở về xây dựng đất nước. Cái đảng này họ chỉ muốn quyền lợi cho họ thôi. Họ muốn có thêm quyền lực trong tay. Họ không xây dựng đất nước đâu. Họ chỉ xây dựng đảng của họ thôi. Do đó, khi kiều bào về xây dựng uy tín cho đất nước, là họ xây dựng uy tín cho đảng cầm quyền mà thôi. Chúng tôi về đóng góp xây dựng đất nước là chỉ xây dựng cho Đảng của họ thêm lớn mạnh thôi.” 

 

Hôm 3 tháng 2 năm 2024, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” được truyền thông nhà nước đăng tải.

 

Trong bài viết, ông Trọng trước hết ca ngợi những thành tích đạt được "nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng". Sau cùng, ông Trọng thừa nhận những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt.

 

Chẳng hạn như thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, sức ép lạm phát còn lớn; hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng…

 

Ông Trọng không quên nhắc nhở “các thế lực xấu, thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ chúng ta nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.”

 

 

 Qua bài viết của ông Trọng và lời kêu gọi của ông Thưởng, bà Song Chi ở Anh Quốc nhận định:

 

“Tại sao Đảng phải kêu gọi như thế? Thứ nhất là vấn đề tiền, là khó khăn về kinh tế. Rõ ràng là sau đại dịch COVID-19 và những chiến tranh trên thế giới, những nước còn nghèo và kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư của nước ngoài, cộng thêm quản lý kém và nạn tham nhũng nặng nề như Việt Nam thì khó khăn càng lớn.

 

Thứ hai nữa, năm vừa qua là một năm nhân quyền Việt Nam rất u ám. Họ bắt cả những người hoạt động môi trường, những YouTuber, những Facebooker… là những người không đáng bị bắt. Như vậy, câu hỏi cho tất cả những người muốn về làm ăn, đóng góp xây dựng đất nước, liệu có làm việc được trong một môi trường luật pháp như Việt Nam không? Họ phải đút lót, phải hối lộ, phải vi phạm pháp luật, rồi một ngày nào đó nếu nhà nước muốn bắt thì sẽ bắt bằng bất cứ cớ nào.

 

Ai cũng muốn đóng góp cho đất nước, ai cũng muốn đất nước mình giàu mạnh. Nhưng trước hết phải nhìn vào cái chính sách, cái tư tưởng, cái đường lối, luật pháp ở Việt Nam để thấy họ không thay đổi. Đó là điều mọi người cần suy nghĩ khi quay trở về đóng góp cho đất nước.”

 

 

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc thì cho rằng, muốn người Việt ở nước ngoài chung tay xây dựng đất nước, việc đầu tiên là những người lãnh đạo phải thấy những sai lầm của họ khi đối xử với những người từng ở chế độ VNCH. Ông nói tiếp:

 

“Vào nghĩa trang Biên Hòa xem họ đối xử với những người đã mất ra sao? Với những người lên tiếng phản biện mong đất nước tốt đẹp hơn, họ đối xử ra sao? Những người phản biện này cũng xây dựng đất nước đấy. Có lẽ không cần phải dẫn chứng những người đang ở trong tù. Xây dựng đất nước không có nghĩa phải mang tiền về.

 

Phải làm sao thay đổi tận gốc đường lối quản trị. Hay nói thẳng ra là phải thay đổi cả mô hình về chính trị. Tất cả sự bất công, tất cả những cái xấu ngáng trở sự tiến lên của đất nước là từ thể chế chính trị mà ra. Tôi nghĩ rằng, khi Việt Nam thực sự thay đổi thì không cần các ông ấy kêu gọi, rất nhiều người Việt trên thế giới sẽ bỏ trí tuệ, công sức và vật chất về xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.”

 

 

Không chỉ vào mỗi dịp Xuân về, khi nào đất nước rơi vào tình huống khó khăn, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Hà Nội lại khơi gợi lòng yêu nước của người dân và đồng bào ở hải ngoại đóng góp cho sự tồn vong, phồn vinh của quê hương, đất nước. Đơn cử như trong dịch COVID-19, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Phạm Minh Chính hô hào mọi người đóng góp để Chính phủ mua vắc-xin tiêm chủng cho người dân. Khoản đóng góp cho quỹ này tính đến cuối tháng 6 năm 2021 gần 8.000 tỷ đồng.

 

---------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Tết nghèo của người lao động!

 

Một Việt kiều bị câu lưu, tra hỏi suốt bốn ngày đêm khi về thăm quê

 

Lễ Hội đầu năm, hô hào hạn chế vẫn không hiệu quả?

 

Đập nát hoa ế: Hành động này nói lên điều gì?

 

Thiết kế mèo bị gỡ bỏ ở Đà Nẵng: “Văn hóa về sở hữu trí tuệ còn quá thấp”

 





No comments:

Post a Comment