Đảng
Cộng sản Việt Nam 94 tuổi: Dân tộc bị bắt làm con tin đến bao giờ?
Bình
luận của Trần Hiếu Chân
2024.02.05
Cờ
Đảng CSVN treo trên phố ở Hà Nội hôm 22/1/2021 (minh hoạ) . AFP
“Mừng
Đảng, mừng Xuân…” mà chẳng thấy mừng Dân tộc? Ngày
Tết, không đoái hoài đến lương dân, nên chưa
mường tượng ra ‘đẳng cấp’ này được/bị Đảng xếp loại mấy? ‘Hỡi ai
cực khổ bần hàn’ đã từng tin rằng, ‘đấu tranh này là trận cuối cùng…’ giờ này
chắc đang vỡ mộng. Tuy nhiên, người dân nào thì chính quyền ấy, cho nên ‘cũng
đừng trách lẫn trời gần trời xa’ (Nguyễn Du)
---------------------------------
‘Bộ quần
áo mới của Hoàng đế’
Bài viết nhân ngày ĐCSVN ra đời do Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng đứng tên dài 14.400 chữ (1). Sau tuần lễ ẩn ẩn – hiện hiện trên chốn
công đường và những lần vào – ra bệnh viện như hiện thời, với ‘long thể’ ấy mà
Tổng bí thư vẫn duyệt nổi và cho posting lên một bài viết ‘tuôn trào’ như thế
thì quả thực ‘Đảng ta vĩ đại thật!’
Chưa
cần treo giải thưởng, lập tức đã có hàng tá bài phụ họa từ các báo ‘lề phải’ và
các trang mạng ‘chân rết’ từ trung ương lẫn các địa phương khắp trong cả nước
tới tấp tụng ca đến chóng mặt ‘bài bỉnh bút’ thượng dẫn theo kiểu khen ‘bộ quần
áo mới của Hoàng đế’ (Truyện từ đại văn hào Hans Christian Andersen)
(2). Chính cái tâm lý bầy đàn và sợ hãi những điều khác biệt đã khiến
không ít ‘thần dân’ chúng ta ngộ nhận những điều trái với các vận động khách
quan của lịch sử.
Các
trang báo và trang mạng tung hô ‘Đảng ta vĩ đại thật’, lâu dần đã trở thành một
diễn ngôn về sự ngụy biện lớn nhất trong truyền thông xưa nay ở Việt Nam. Sự
ngụy biện ấy có thể giải thích bằng khái niệm ‘pluralistic ignorance’ (sự vô
minh của các nhóm người khác nhau). Đấy chính là một tình huống ‘không ai tin
ai, nhưng mọi người đều hiểu rằng tất cả ai ai cũng buộc phải giả vờ tin’. Hay
nói cách khác, tất cả mọi người đều hiểu lơ mơ về việc Đảng ta có thật sự vĩ
đại hay không, nhưng trên thực tế, ngày càng nhiều công dân xứ Đông Lào, kể cả
một số đảng viên ‘bốn tốt’, không phải là không nhận thức ra điều ngược lại
(3).
Giống
hệt như những thần dân và các quan lại triều đình từ câu chuyện về ‘bộ quần áo
mới của hoàng đế’, các thành viên của ‘vòng trong kề cận Đảng’ không sẵn lòng
bộc lộ sự thiếu hiểu biết của mình bằng cách nhận chân thực tế nghiệt ngã trong
cuộc mưu sinh của người dân và doanh nghiệp trong cơn khốn khó hiện nay. Tất cả
đều ngậm miệng (ăn tiền) và kìm nén mọi sự hoài nghi cũng như sự hiểu biết trên
thực tế, thậm chí còn giả vờ thông thái tỏ ra tin tưởng vào các điều bịa đặt,
mặc dầu trong thâm tâm dần dà họ hiểu được sự vô nghĩa và giả dối của những
‘bản thánh ca phi sự thật’ ấy.
‘Đảng
ta vĩ đại thật’ bởi các chiêu tung hô kiểu này: Chưa đầy một tuổi, Đảng lãnh
đạo cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931). Tiếp đó là thử thách, vươn mình
qua các thời kỳ 1936 – 1939 và 1939 – 1945. Để rồi, 15 tuổi, với gần 5.000 đảng
viên, lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám’, khai
sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), đưa Việt Nam đứng vào hàng ngũ
các dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, vì
hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội (4).
Nhưng
thực tế lịch sử thì sao? Cái gọi là ‘cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh’ mà có lúc Đảng
đã muốn ví nó với ‘Công xã Paris’ thực chất là câu chuyện về ‘Cao Biền dậy
non’, do tuân theo lệnh của Quốc tế Cộng sản, ‘xúi dục công nông’ nổi lên trong
điều kiện khách quan và nguồn lực chưa chín muồi, để cuối cùng bị thảm bại. Còn
tính chính danh của các cuộc kháng chiến ‘long trời lở đất’ cũng bị thách thức
trước nhiều dữ liệu mới. Những bất đồng giữa Hồ Chí Minh với các ‘đồng chí’
hoạt động trong nước, giai đoạn trước 1945: Cụ Hồ vẫn hy vọng vào các biện pháp
ngoại giao, kể cả một số thỏa hiệp với Pháp. Nhưng ở miền Nam các đồng chí của
Cụ đã chủ động nổ súng trước… Rồi ngay cả cuộc đồng khởi ở Bến Tre năm 1960
trong bối cảnh Liên hợp quốc đã có Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và
các dân tộc thuộc địa cũng là một vấn đề bảo lưu của lịch sử (5).
Hình
chụp hôm 4/12/1953 ở Hà Nội: Chủ tịch Bắc Việt Nam Hồ Chí Minh phát biểu tại
Đại hội Đảng Lao động Việt Nam. AFP
Bị bắt làm
con tin đến bao giờ?
Hẳn
nhiên, sẽ không công bằng nếu như đổ dồn tất cả lên đôi vai một ông già – tuy
có ‘bệnh’ tham quyền cố vị, giống như mọi nhà độc tài trên thế giới nhưng đang
bước sang tuổi 80 – những trọng trách lịch sử của ĐCSVN suốt 94 năm qua. Những
khuôn mặt điển hình của xã hội dân sự trong nước bị Đảng coi như kẻ thù ‘không
đội trời chung’ như Nguyên Ngọc, tác giả của ‘Đất nước đứng lên’, Nguyễn Quang
A, Viện trưởng IDS (đã buộc phải tuyên bố tự giải tán), Hoàng Ngọc Giao, Viện
trưởng Viện PLD (hiện đang thụ án sau khi bị xử kín)… Tất cả những thành viên
của các think-tank này qua các cuộc thảo luận trước đây, họ đều đau đáu một câu
hỏi, ‘Đảng ta’ mắc sai lầm từ bao giờ?
Trong
bài viết ngắn trên Facebook của mình, nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) kể lại:
‘Một lần, cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi ‘Chúng ta bắt đầu sai từ
bao giờ?’ Nhà văn Nguyên Ngọc trả lời: ‘Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại
hội Tua’ [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại thành phố Tours,
năm 1920]. Cách hỏi của bà Bình cho thấy bà đã nhận thức ra ĐCSVN và những
người ủng hộ đường lối của Đảng biết là có sai lầm, nhưng không chắc sai từ
thời điểm nào. Cách trả lời của nhà văn Nguyên Ngọc cho thấy, ông cũng biết sai
như bà Bình, nhưng chính xác hơn khi nhấn mạnh sai từ lúc Hồ Chí Minh đưa tay
gia nhập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản tại Đại Hội Tours, nói rõ hơn là
sai từ khi Hồ Chí Minh trở thành người theo chủ nghĩa chuyên chế của Lenin.
Đường lối ấy, ‘sắt máu’ hơn các chính sách của các đảng Dân chủ xã hội sau này
(6).
Từ
sai lầm gốc nói trên, Đảng đã đẻ ra những lãnh tụ nông dân, tả khuynh,
chịu ảnh hưởng của đường lối chuyên chế và các biện pháp cưỡng bách
khác. Họ chủ trương lấy việc ‘cướp chính quyền’ làm cứu cánh, còn tất cả chỉ là
phương tiện, kể cả hàng triệu sinh mạng của quân và dân trong các cuộc nội
chiến Bắc – Nam. Do nghề nghiệp, nhà báo Lê Phú Khải có nhiều cơ hội chứng kiến
quyền uy của giới lãnh đạo này. Ông Khải kể ‘Lê Duẩn mắng mỏ những đồng chí của
mình như mắng gia nhân đầy tớ trong nhà’. Và những nhà lãnh đạo sau Lê Duẩn thì
lại cùng ‘cá mè một lứa’. Phan Văn Khải khích bác Trần Đức Lương (bố đẻ Trần
Tuấn Anh vừa bị Đảng loại), hãy trả lại những quả đồi cướp được của dân để xây
biệt phủ, thì Trần Đức Lương mắng át Phan Văn Khải ‘mày về bảo thằng con mày
đừng giết người nữa, rồi hẵng bảo tao trả lại mấy quả đồi’. Lê Phú Khải nhận
xét, họ mắng chửi nhau còn hơn hàng tôm, hàng cá nhưng lại khuyên nhau ‘vì sự
ổn định đất nước’, ‘vì sự nghiệp lớn, hãy gác lại mọi chuyện’, rồi hỷ hả với
nhau, đâu lại vào đó! (7)
Cũng
do đường lối độc tài và chuyên chế mang từ Liên Xô và Trung Quốc về, cho đến
nay, cách nhìn của ĐCSVN đối với một số vấn đề quốc tế lẫn quốc nội hầu như vẫn
bế tắc. Đảng cũng không chịu nhận bất cứ trách nhiệm lịch sử nào trước những
vấn nạn hiện nay của đất nước, ít nhất là về mặt đạo lý dân tộc. Đảng kêu gọi
kiều bào cùng chung tay xây dựng Tổ quốc. Đảng trân trọng lượng kiều hồi hàng
năm đổ về nước ngày càng tăng, nhưng như TS. Nguyễn Hữu Liêm từng phân tích:
‘Nghị quyết 36 không đề cập gì đến những sai lầm lớn lao và tàn độc của Đảng
Cộng sản sau năm 1975 đối với quân dân chính miền Nam, nhất là đối với người
dân Sài Gòn. Từ học tập cải tạo dã man, đến đánh tư sản, đánh Hoa kiều, từ chế
độ lý lịch hà khắc đến chính sách lùa dân thành thị lên các vùng kinh tế mới
rừng thiêng nước độc, xua đuổi và cướp nhà cửa, tài sản, khiến hàng trăm ngàn
dân phải vượt biển, vượt biên đường bộ, để rồi bị cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết
khát, chết đói, chết vì mìn bên Campuchia’ (8).
Trở
lại bức tranh kinh tế – xã hội trước Tết, theo phóng sự do Đài RFA dẫn lại nhận xét của TS. Nguyễn Huy Vũ, từ Na
Uy, để giải quyết những bài toán lớn của quốc gia thì đòi hỏi người cầm quyền
không phải chỉ có giấc mơ lớn, mà người cầm quyền cần phải có năng lực. Năng
lực ở đây phải là tạo ra môi trường và cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp thăng
hoa và người dân thăng tiến trong cuộc sống. Nhưng thực tế ở Việt Nam hiện đang
cho thấy điều ngược lại. Người dân bị áp bức, đất đai bị tước đoạt, tiếng nói
bị bóp nghẹt, giáo dục bị nhồi sọ, thông tin bị kiểm duyệt, doanh nghiệp thì bị
nhũng nhiễu, thuế cao, giấy tờ phức tạp, luật pháp nhập nhằng, tham nhũng tràn
lan. Điều này chỉ là một vài trong vô số những điều hiện đang kềm hãm sự phát
triển của dân tộc. Nhà cầm quyền hiện đang cố tình áp đặt, nhằm bám giữ chiếc
ghế quyền lực cho chính mình, đánh đổi lại là cả một xã hội bị kềm nén, ngột
ngạt, mất niềm tin, và một quốc gia phát triển không có định hướng và chiến
lược (9). Câu hỏi được đặt ra trước hiện trạng này là, ĐCSVN còn muốn bắt giữ
dân tộc này làm con tin cho những tham vọng quyền lực của Đảng đến bao
giờ?
______________
Tham
khảo:
(4) https://vietnamnet.vn/dang-ta-la-dao-duc-la-van-minh-dang-ta-that-la-vi-dai-2246673.html
(5) https://www.youtube.com/watch?v=hVqCZQCm5YU (Ủy
viên BCT Trần Tuấn Anh thôi chức giữa lúc ĐCSVN đánh dấu 94 năm thành lập | VOA
Tiếng Việt)
(7) https://phanba.files.wordpress.com/2017/01/hoikylephukhai.pdf
(8) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd12z9pw073o
----------------------------------------------------------------
* Bài
viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
*
Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham
gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho
Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và
đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.
No comments:
Post a Comment