Thỏa
thuận cảnh sát biển Việt Nam-Philippines: vì sao Bắc Kinh tức tối?
01/02/2024
Mặc dù Hà Nội và Manila khó giải tỏa những
tranh chấp riêng giữa hai nước trên Biển Đông, nhưng việc họ xích lại gần nhau
và phối hợp hành động trước Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh cảm thấy khó chịu, các
nhà phân tích cho biết.
https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-4882-08dc214b5e0c_w650_r1_s.jpg
Tổng thống Philippines Marcos Jr được Việt
Nam tiếp đón với 21 phát đại bác chào mừng
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống
Ferdinand Marcos Jr đến Hà Nội hôm 30/1, Việt Nam và Philippines đã ký thỏa thuận
hợp tác cảnh sát biển giữa hai nước để ngăn chặn và xử lý các sự cố trên các
vùng biển tranh chấp.
Thỏa thuận này giúp ‘tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước,”
văn phòng ông Marcos cho biết trong một thông cáo.
Theo thảo thuận, bộ chỉ huy cảnh sát biển hai bên sẽ tăng cường liên lạc và sẽ
có những biện pháp để đảm bảo an toàn cho ngư dân của hai nước.
Cả Hà Nội và Manila đều có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong thời gian qua, nhất là sau khi Tổng thống Marcos lên nắm quyền, căng thẳng
giữa Manila và Bắc Kinh đã dâng cao khi Trung Quốc liên tục quấy rối tàu bè của
Philippines hoạt động trrong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
‘Đừng bắt tay chống Trung Quốc’
Phía Trung Quốc đã có phản ứng tiêu cực từ khi có thông tin về thỏa thuận cảnh
sát biển Việt Nam-Philippines sẽ được ký kết trước chuyến công du của ông
Marcos.
Hôm 26/1, tức 4 ngày trước khi ông Marcos đến Hà Nội, tờ Hoàn cầu Thời báo, phụ
bản của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh
báo Hà Nội và Manila đừng có tìm cách loại Trung Quốc ra trên vấn đề Biển Đông.
Tờ báo này dẫn lời ông Từ Lệ Bình, giám đốc Trung tâm
Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng cho dù
thỏa thuận này được cho là ‘sẽ giúp hai nước quản lý tốt xung đột trong vùng biển
tranh chấp’ nhưng một số tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Philippines trên
Biển Đông ‘không thể nào dung hòa được’.
“Bất kỳ giải pháp nào cho tranh chấp Biển Đông cũng không
thể đạt được nếu không có Trung Quốc,” ông Từ được dẫn lời nói. “Tìm cách loại
Trung Quốc ra và tạo thành các hội nhóm nhỏ để giải quyết vấn đề Biển Đông sẽ
chỉ làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.”
Cũng trên Hoàn cầu Thời báo, ông Cố Hiểu Tùng, viện trưởng Viện Nghiên cứu
ASEAN của Đại học Đại dương Nhiệt đới Hải Nam, nói hôm 29/1 rằng: “Việc ký kết
thỏa thuận cảnh sát biển giữa hai nước nếu là để duy trì hòa bình và ổn định ở
Biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ đón nhận. Tuy nhiên, nếu nó được dùng để chống lại
Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối”.
Ông Trần Tương Miểu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải quân Thế giới tại Viện
Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia, giải thích với Hoàn cầu Thời báo rằng hợp tác cảnh
sát biển Philippines và Việt Nam dựa trên sự công nhận lẫn nhau về việc quyền
chấp pháp trên biển ‘có nghĩa là đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc bị loại ra’.
“Nếu các tàu đánh cá Trung Quốc chạy vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ
quyền, mà Philippines và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, thì nó sẽ tạo thêm
áp lực và tăng thêm cái giá cho Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền trên biển
của chúng tôi, bởi vì lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Philippines có thể
chia sẻ thông tin và hợp tác chấp pháp trong khuôn khổ thỏa thuận,” ông Trần
phân tích.
Tuy nhiên cả ông Cố và ông Trần đều thể hiện sự tin tưởng rằng Việt Nam khó mà
đi theo Philippines để có lập trường chung chống Trung Quốc.
Cả hai nước (Việt Nam và Trung Quốc) đều có Đảng Cộng sản lãnh đạo và có tình hữu
nghị láng giềng tốt đẹp, nên Việt Nam khó mà bắt tay với các nước khác chống lại
Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông, ông Cố nói trên Hoàn cầu Thời báo.
Còn ông Trần lưu ý rằng bất chấp Việt Nam có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc,
chính sách Biển Đông của Việt Nam cũng nhấn mạnh hợp tác với Trung Quốc. “Không
nghi ngờ gì quan hệ căng thẳng với Trung Quốc không có lợi cho sự phát triển
kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam” ông Cố cảnh báo.
“Philippines có liên minh quân sự với Mỹ, và họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ,”
ông Trần lưu ý. Ông cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của
Việt Nam và cho rằng ‘khó có khả năng Việt Nam sẽ bị Philippines dẫn dắt trong
vấn đề Biển Đông’.
Mặt trận chung?
Trao đổi với VOA, ông Raymond Powell, đại tá về hưu hiện đang là lãnh đạo dự án
Myoushu vốn theo dõi các hoạt động trên Biển Đông thuộc trung tâm Gordia Knot về
Sáng tạo An ninh Quốc gia, Đại học Stanford, Mỹ, nhận định rằng thỏa thuận cảnh
sát biển ‘sẽ không giúp giải quyết được tranh chấp giữa Việt Nam và Philippines
trên Biển Đông’.
“Nhưng nó sẽ là bước đi tích cực để tránh xung đột không cần thiết. Chẳng hạn,
ngư dân Việt Nam thường xuyên đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines để
tìm nguồn cá dồi dào hơn. Nếu hai nước có thể đồng ý làm việc cùng nhau để giảm
thiểu điều này thì nó sẽ là bước tiến quan trọng,” ông Powell chỉ ra.
Quan trọng nhất, thỏa thuận này có thể tạo ra mặt trận thống nhất để đối phó với
nước gây hấn chính trong khu vực là Trung Quốc, cũng theo lời chuyên gia này.
“Bắc Kinh gần như coi tất cả sự hợp tác và hành động tập thể của các nước khác ở
Biển Đông là sự bác bỏ tuyên bố chủ quyền của họ,” ông nói.
Trả lời câu hỏi tại sao Bắc Kinh thời gian qua liên tục gây hấn với Philippines
trên Biển Đông, ông Powell lý giải là ‘do Manila tái khởi động liên minh quân sự
với Mỹ’ sau thời gian lạnh nhạt với Washington dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo
Duterte. Ngoài ra, chiến dịch kiên quyết minh bạch của Manila để công khai các
hành động gây hấn của Trung Quốc đã gây tổn hại lớn cho danh tiếng của Trung Quốc
và làm suy yếu hình ảnh mà Bắc Kinh muốn xây dựng như là nước bênh vực cho các
nước thứ ba, ông nói thêm.
Trên mạng xã hội X, bà Lê Thu Hương, phó giám đốc châu Á của tổ chức phi lợi
nhuận Crisis Group nhận định thỏa thuận này là ‘động thái xây dựng mặt trận thống
nhất giữa các nước dính vào tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trên Biển Đông’.
Ông Julio Amador, Giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu Amador Research
Services ở Philippines, lưu ý thỏa thuận này là ‘kết quả các hành động hung
hăng của Trung Quốc’ vốn buộc hai nước phải phối hợp chặt chẽ hơn.
Còn ông Collin Koh, học giả về các vấn đề
trên biển tại Đại học Công nghệ Nanyang, viết trên X rằng thỏa thuận này có thể
khiến Trung Quốc bực bội. Tuy nhiên, ông tin rằng thỏa thuận này sẽ được các nước
trong khu vực nhìn nhận là ‘sẽ giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển
Đông’.
=============================================
Toàn
văn Tuyên bố Báo chí chung Việt Nam-Philippines
TTXVN/Vietnam+
30/01/2024 10:55
https://www.vietnamplus.vn/toan-van-tuyen-bo-bao-chi-chung-viet-nam-philippines-post923827.vnp
TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn: "Tuyên bố báo
chí chung Việt Nam-Philippines nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng
thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr.".
No comments:
Post a Comment