Saturday, January 27, 2024

LIÊN HIỆP QUỐC : ISRAEL PHẢI CHẤM DỨT DIỆT CHỦNG, NHƯNG KHÔNG CẦN NGỪNG BẮN (Người Việt)

 



LHQ: Israel phải chấm dứt diệt chủng, nhưng không cần ngừng bắn

Người Việt

January 26, 2024

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/lhq-israel-phai-cham-dut-diet-chung-nhung-khong-can-ngung-ban/


THE HAGUE, Hòa Lan (NV) – Hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Giêng, tòa án hàng đầu của Liên Hiệp Quốc ra lệnh cho Israel làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự chết chóc, sự tàn phá và bất kỳ hành động diệt chủng nào trong cuộc tấn công quân sự của quốc gia này tại Gaza, nhưng lại không ra lệnh ngừng bắn, hãng thông tấn AP loan tin.

 

Nam Phi cáo buộc chiến dịch tấn công đổ bộ của Israel tại vùng đất ven biển nhỏ bé Gaza dẫn tới tội ác diệt chủng, vốn là cốt lõi của một trong những cuộc xung đột khó giải quyết nhất thế giới và yêu cầu tòa án ra lệnh cho Israel chấm dứt hành động này.

 

Dẫu cho phán quyết này không nêu ra vấn đề đó, nhưng nó vẫn tạo nên một sự khiển trách kịch liệt trước hành vi thời chiến của Israel và làm tăng thêm áp lực quốc tế nhằm ngăn chặn cuộc tấn công vốn đã sát hại hơn 26,000 sinh mạng Palestine, tàn phá những vùng đất rộng lớn ở Gaza và làm cho gần 85% trong tổng số 2.3 triệu dân tại đó bị mất nơi ăn chốn ở.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/01/GettyImages-1955008384-1536x1024.jpg

Người Palestine chạy nạn về phía Nam, chờ đợi trước cổng đại học Al-Aqsa hôm 26 Tháng Giêng, 2024 (Hình: AFP/Getty Images)

 

Trong quyết định rất được trông đợi của một hội đồng gồm có 17 thẩm phán, Tòa Án Công Lý Quốc Tế quyết định không bãi bỏ vụ án – và ra lệnh thực hiện sáu biện pháp tạm thời nhằm bảo vệ người Palestine ở Gaza.

 

“Tòa án nhận thức rõ ràng về mức độ thảm kịch về nhân đạo đang diễn ra trong khu vực và lo ngại sâu sắc về tình trạng mất mát nhân mạng và đau khổ không dứt của con người,” Joan E. Donoghue, chủ tịch tòa án cho biết.

 

Các biện pháp tạm thời của tòa án thế giới có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng chưa rõ liệu Israel có tuân thủ hay không.

 

Sau phán quyết, Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết việc tòa án rắp tâm thảo luận về cáo buộc diệt chủng là một “vết nhơ xấu hổ sẽ không thể xóa bỏ qua nhiều thế hệ,” và ông thề sẽ tiếp tục cuộc chiến.

 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để bảo vệ đất nước và người dân của chúng tôi,” ông nói. “Như những quốc gia khác, Israel có quyền căn bản để tự vệ. Tòa án ở The Hague từ chối một cách chính đáng lời yêu cầu đầy sỉ nhục về việc tước bỏ quyền tự vệ của chúng tôi.”

 

Quyết định hôm Thứ Sáu chỉ là quyết định tạm thời; có thể mất nhiều năm để tòa án suy xét giá trị của cáo buộc diệt chủng của Nam Phi. Israel bác bỏ cáo buộc này.

 

Trong khi vụ án đang được xét xử, Nam Phi yêu cầu các thẩm phán áp dụng “cấp bách” các biện pháp tạm thời.

 

Đứng đầu các yêu sách của Nam Phi là yêu cầu tòa án ra lệnh cho Israel “ngay lập tức chấm dứt các hoạt động quân sự bên trong và chống lại Gaza.” Nhưng tòa án từ chối làm điều đó.

 

Tòa án phán quyết rằng Israel phải làm tất cả những gì trong tầm tay để ngăn chặn nạn diệt chủng, gồm có cả việc kiềm chế sát hại người Palestine hoặc làm tổn thương họ. Tòa án cũng ra phán quyết rằng họ cần khẩn cấp viện trợ căn bản cho người dân tại Gaza và Israel nên ngăn chặn và trừng phạt bất kỳ hành vi kích động diệt chủng nào, cùng với các biện pháp khác. Tòa án cho biết Israel nên nộp phúc trình về các biện pháp cần được thực hiện trong vòng một tháng.

 

Ngoại Trưởng Palestine Riyad al-Maliki hoan nghênh “mệnh lệnh cần thiết.”

 

Bộ Trưởng Bang Giao Quốc Tế Nam Phi, Naledi Pandor, phát biểu bên ngoài tòa án rằng Israel không thể thực hiện hiệu quả các biện pháp như đã ra lệnh nếu không có lệnh ngừng bắn.

 

Israel thường tẩy chay các tòa án quốc tế và các cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc, cho rằng chúng không công bằng và thiên vị. Nhưng lần này, họ thực hiện một bước đi hiếm hoi là cử một nhóm pháp lý cấp cao tới – một dấu hiệu cho thấy họ coi vụ kiện này nghiêm trọng tới dường nào.

 

Israel phát động không kích và tấn công đổ bộ quy mô lớn nhắm vào Gaza sau khi dân quân Hamas xông vào các cộng đồng Israel ngày 7 Tháng Mười, tàn sát khoảng 1,200 người, phần đông là thường dân và bắt cóc 250 người khác.

 

Bộ Y Tế Palestine do Hamas điều hành cho biết hơn 26,000 người Palestine thiệt mạng. Bộ Y Tế Palestine không phân biệt số người chết giữa các chiến binh và thường dân, nhưng cho biết khoảng hai phần ba số người chết là phụ nữ và trẻ em.

 

Quân đội Israel tuyên bố ít nhất 9,000 người mất mạng trong cuộc xung đột kéo dài gần bốn tháng là dân quân Hamas.

 

Cách thức mà Hoa Kỳ, đồng minh hàng đầu của Israel, phản ứng với bất kỳ mệnh lệnh nào sẽ là mấu chốt vấn đề, vì quốc gia này có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và do đó có thể ngăn chặn các biện pháp tại đó nhằm buộc Israel phải tuân thủ.

 

Vụ án diệt chủng đánh vào căn cước quốc gia của Israel, được thành lập như một nhà nước Do Thái sau khi Đức Quốc Xã cuồng sát 6 triệu dân Do Thái trong Đệ Nhị Thế Chiến.

 

Căn cước quốc gia Nam Phi cũng đóng vai trò chính yếu trong việc kiện Israel ra tòa quốc tế. Đảng cầm quyền của Nam Phi, Đại Hội Dân Tộc Châu Phi, từ lâu vốn so sánh các chính sách của Israel ở Gaza và Bờ Tây với lịch sử của chính họ dưới chế độ kỳ thị chủng tộc do dân da trắng thiểu số cai trị, vốn cấm đoán hầu hết người da đen “hồi hương” trước khi chấm dứt chuyện này vào năm 1994. (TTHN)

 





No comments:

Post a Comment