Wednesday, January 31, 2024

KIÊN GIANG PHẠT 4 NGƯỜI 23 NĂM TÙ VÌ ĐÁNH BẮT TRÁI PHÉP TRÊN BIỂN MALAYSIA, INDONESIA (VOA Tiếng Việt)

 



Kiên Giang phạt 4 người 23 năm tù vì đánh bắt trái phép trên biển Malaysia, Indonesia

VOA Tiếng Việt

30/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/kien-giang-phat-4-nguoi-23-nam-tu-vi-danh-bat-trai-phep-bien-malaysia-indonesia/7462781.html

 

Tòa án ở tỉnh Kiên Giang của Việt Nam vào ngày 29/1 tuyên phạt 4 người các mức án tù tổng cộng lên đến 23 năm vì họ đưa hàng chục người đi đánh bắt trái phép ở các vùng biển của Malaysia và Indonesia hồi năm 2022.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-9bda-08dc213b2dfc_cx0_cy0_cw96_w650_r1_s.jpg

Tòa án ở Kiên Giang kết án 4 người vì tổ chức đánh bắt trái phép ở biển ước ngoài, 29/1/2024

 

Theo tường thuật của Tiền Phong, Vietnamnet và VOV, đây là lần đầu tiên Việt Nam đem ra xét xử một vụ đưa tàu trong nước sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, vi phạm các quy tắc quốc tế về hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU).

 

Những người vừa phải nhận án tù trong phiên tòa ở Kiên Giang đều sống trong tỉnh, đó là Trần Văn Luyến, 43 tuổi, chịu án 8 năm tù; Phạm Chí Dũng, 59 tuổi, 7 năm tù; Trần Minh Tâm, 40 tuổi, 7 năm tù; và Trần Văn Nhựt, 37 tuổi, 1 năm tù; Tiền Phong, Vietnamnet và VOV cho biết.

 

Tại tòa, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Kiên Giang lưu ý rằng hành vi của 4 bị cáo “rất liều lĩnh, xem thường pháp luật, làm mất an ninh trật tự trên vùng biển”.

 

Cáo trạng được đưa ra tại phiên tòa và được báo chí dẫn lại cho thấy hồi giữa tháng 5/2022, Trần Văn Luyến làm chủ 2 con tàu, đi khai thác hải sản trái phép và bị nhà chức trách Malaysia bắt giữ.

 

Sau đó, Luyến và Tâm tính kế thay đổi số hiệu của cặp tàu nói trên, theo đó, Tâm làm việc với một cán bộ đăng kiểm để lập ra 2 bộ hồ sơ tàu mới với chi phí là 400 triệu đồng.

 

Đến cuối tháng 8/2022, Luyến, Tâm và một người khác đi qua Malaysia để chuộc 2 con tàu bị nhà chức trách Malaysia bắt giữ. Khi tàu chạy về tỉnh Cà Mau, họ xóa số hiệu cũ, sơn số hiệu mới lên.

 

Dũng được Tâm giới thiệu làm thuyền trưởng cho tàu của Luyến để quay lại vùng biển Malaysia đánh bắt trái phép. Luyến phân công Dũng tuyển mộ ngư phủ và tìm mua thông tin về việc hải quân Malaysia ra vào tuần tra để biết đường trốn tránh.

 

Vào đầu tháng 9/2022, Phạm Chí Dũng và Trần Văn Nhựt trực tiếp và gián tiếp “rủ rê” được 24 người đi trên cặp tàu đã thay đổi số hiệu sang Malaysia khai thác hải sản trái phép, theo cáo trạng được Tiền Phong, Vietnamnet và VOV trích đăng.

 

Sau hơn 1 tháng, đến ngày 18/10/2022, Dũng điều khiển cặp tàu chạy vào tỉnh Cà Mau để bán cá. Ông này bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra và phạt gần 28 triệu vì thiếu giấy khai thác hải sản, thiếu phao cứu hộ và thiếu bằng thuyền trưởng.

 

Khoảng một tuần sau, Dũng tiếp tục điều khiển 2 tàu nói trên sang vùng biển Malaysia đánh bắt trái phép. Vào một thời điểm, cặp tàu phải chạy trốn lực lượng Hải quân Malaysia tuần tra và đi vào vùng biển Indonesia khai thác hải sản. Lúc này, họ bị Hải quân Indonesia phát hiện, bắt giữ và đưa về giam tại trại Batam.

 

Từ những diễn biến kể trên, theo tin của Tiền Phong, Vietnamnet và VOV, công an Kiên Giang trong các tháng 10, 12/2023 và 1/2024 đã khởi tố các bị can Luyến, Dũng, Tâm và Nhựt.

 

Tin cho hay viện kiểm sát của Kiên Giang hiện tiếp tục thẩm tra, xác minh và sẽ xử lý một cán bộ đăng kiểm liên quan đến vụ việc. Danh tính của người này chưa được công bố.

 





No comments:

Post a Comment