Wednesday, January 31, 2024

KHẾ KHÔNG CHÍN RỤNG TRONG MỘT ĐÊM (Nguyễn Nhơn, Blog RFA)

 



Khế không chín rụng chỉ trong một đêm

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn
2024.01.30

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/star-fruit-ripe-not-over-night-01302024123043.html

 

Trong khoảng gần bốn mươi năm trước, ông Nguyễn Công Khế là một tổng biên tập sắc nét trong làng báo Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/star-fruit-ripe-not-over-night-01302024123043.html/@@images/6dda22fe-0766-480a-80e9-a9b8973a9b8e.jpeg

Ông Nguyễn Công Khế - nguyên TBT báo Thanh Niên  (Thanh Niên)

 

 

Một cây bút siêng năng

 

Tờ báo Thanh Niên lúc đó mới chỉ xuất bản hàng tuần, là tờ báo nhỏ. Trên mỗi số báo, ở trang đầu tiên có một mục nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1/6 trang báo nhưng cực kỳ quan trọng. Lâu quá rồi, tôi không nhớ rõ nhưng hình như nó có tên là Thư Tổng biên tập, hay Câu chuyện hôm nay gì đó. Đại loại, nó là chính kiến của tờ báo với một vấn đề quan trọng đang là thời sự của xã hội, thường trong các lĩnh vực chính trị-xã hội-pháp luật-văn hóa và thường được một số cây bút cốt cán của tờ báo thay phiên viết.

 

Người đọc báo của khoảng mười mấy năm trở lại đây chắc không ít phần ngạc nhiên và xa lạ với việc một tờ báo (dám) bày tỏ chính kiến rõ ràng và dứt khoát. Nhưng vào thời hoàng kim của báo chí chính trị/xã hội Việt Nam, chính kiến, thái độ, thông điệp của một tờ báo trước các vấn đề xã hội nóng bỏng chính là thang đo thứ bậc, vị thế của tờ báo đó trong làng báo, trong sự đánh giá của chính quyền cũng như của độc giả.

 

Ông Nguyễn Công Khế là tổng biên tập hiếm hoi trực tiếp viết đều đặn trên chuyên mục nói trên của báo Thanh Niên. Tư duy của ông không quá độc đáo, diễn đạt cũng bình thường, nhưng ông luôn đề cập đến các vấn đề nóng của xã hội một cách trực diện, thẳng tuột, không vòng vo quanh co. Sức viết của ông Khế là điều đáng nể trong số các tổng biên tập.

Trong một nền báo chí mà không phải tổng biên tập nào cũng là nhà báo, hay nói cho chính xác thì đa số tổng biên tập không phải là nhà báo, thì gần như suốt giai đoạn làm tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Khế đã chứng tỏ mình là nhà báo thực thụ.

 

Viết báo được, nhưng tài năng của ông Khế có lẽ trội hơn hết ở khả năng điều hành, dẫn dắt, phát triển tờ báo.

 

 

Một người kinh doanh tài ba

 

Thời kỳ đó, hầu như tất cả báo chí của các Hội đều đặt tòa soạn ở Hà Nội cho gần với cơ quan chủ quản. Báo Nhà nước, được cấp kinh phí để hoạt động thì lúc nào cũng phải sát bên mẹ để còn dễ đòi bú chứ. Riêng tòa soạn báo Thanh Niên, tờ báo trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lại đặt ở phía Nam, TP HCM-mảnh đất vàng của báo chí.

 

Đó là quyết định khó hiểu với các tờ báo trực thuộc hội đoàn phía Bắc nhưng là quyết định đúng đắn nhất đối với báo Thanh Niên-có lẽ cho đến tận khi nào tờ báo này còn tồn tại.

 

Hầu hết các tờ báo Hội đều làng nhàng, ậm ờ, vô dụng y hệt nhau, nhưng ở thời hoàng kim của báo chí Việt Nam, Thanh Niên đã nổi lên như tờ báo chính trị xã hội số một, số hai. Tờ kia là Tuổi Trẻ. Hai tờ báo này cùng đối tượng bạn đọc và luôn cạnh tranh với nhau. Nếu Tuổi trẻ có slogan nội bộ là “Trẻ” “Đỏ” và “Sài Gòn” thì Thanh Niên khai thác tin tức rộng khắp cả nước, cách thức diễn đạt bình dân, lại có nhiều tin tức văn hóa văn nghệ là cái nhiều người thích đọc và tò mò. Do vậy, tuy tổng số phát hành không cao bằng nhưng Thanh Niên có thể phát hành rộng rãi ở nhiều tỉnh, khắp các miền chứ không chỉ giới hạn ở Sài Gòn như Tuổi Trẻ. Đặc biệt, ở Đà Nẵng thủ phủ miền Trung, một dải quê hương của ông Khế (ông Khế quê Quảng Nam) thì Thanh Niên gần như độc chiếm. Tuổi Trẻ lo đánh chiếm thị phần Sài Gòn, không có cửa so sánh với Thanh Niên ở đó.

 

Ông Khế cũng được biết đến là vị tổng biên tập yêu văn nghệ. Nhưng đến khi Chương trình biểu diễn nghệ thuật (ca nhạc, thời trang, tạp kỹ tổng hợp) mang tên Duyên dáng Việt Nam ra đời vào năm 1994 với mục đích được thông báo là gây quỹ cho học bổng Nguyễn Thái Bình thì nhiều người chưa từng biết ông Khế là ai cũng phải thán phục sức nghĩ và khả năng kinh doanh của vị này. Do một tờ báo có tiếng thuộc loại bậc nhất làng báo tổ chức, lại vào thời điểm có rất ít chương trình nghệ thuật mang tính giải trí lớn trên sân khấu nên Duyên dáng Việt Nam thời đó quy tụ gần như tất cả các gương mặt sáng giá nhất trong làng biểu diễn, bao gồm từ đạo diễn, nhạc sĩ, âm thanh ánh sáng đến ca sĩ, người mẫu… Nó sáng chói lên trong danh mục các chương trình nghệ thuật giải trí, là niềm ao ước của rất nhiều người trong giới biểu diễn. Thậm chí khán giả có thể không biết báo Thanh Niên, chưa bao giờ đọc báo Thanh Niên nhưng nhắc tới Duyên dáng Việt Nam thì rất nhiều người biết.

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/star-fruit-ripe-not-over-night-01302024123043.html/ddvn-nb_flnd.jpg/@@images/2e72a3e1-b933-4dba-905f-13370767c923.jpeg

Ấn phẩm Duyên Dáng Việt Nam của báo Thanh Niên. Hình: Thanh Niên

 

 

Một tổng biên tập cứng đầu

 

Ông Khế còn là một tổng biên tập cứng đầu. Trong đại án PMU 18 (Ban quản lý các dự án) năm 2006, có nhiều quan chức cấp cao bị tố cáo tham gia chạy án cho các bị can. Có những tin đồn vụ án dây dưa đến cả thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ… Thực tế, có những sức cản ghê gớm khiến thông tin về vụ án nhiều khi đi vào ngõ cụt, và chính vì thế nó biến thành thách thức khiến các tờ báo lớn quyết tung quân tự điều tra phanh phui. Điều này có những thời điểm xung đột mạnh mẽ với cuộc điều tra chính thức, hoặc với những người có thể có ảnh hưởng đến cuộc điều tra chính thức.

 

Đỉnh điểm, có hàng chục nhà báo được cơ quan điều tra mời đến yêu cầu khai báo về quá trình điều tra và nguồn thông tin trong các bài báo của họ.

 

Ngày 12/5/2008, nhà báo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi trẻ và nhà báo Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh niên bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Lý do là họ đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

Tin tức này lập tức khiến làng báo rúng động.

 

Ngày hôm sau, số lượng tin tức tự điều tra về PMU 18 trên mặt các báo giảm tụt dốc.

Sáng 14/5/2008, trang bìa báo Thanh niên chạy hàng tít lớn: “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”.

 

Big Bang! Một quả bom! Một cái tát vào thẳng mặt cơ quan an ninh điều tra của hẳn Bộ Công an.

 

Người đọc phổ thông rất sướng, rất đã. Còn các đồng nghiệp làng báo của ông Khế và những người hiểu biết sâu hơn về thói quen quản lý xã hội của chính quyền Việt Nam thì toát mồ hôi giùm cho ông. Mẹ cha, tay tổng biên tập này gan lớn bằng trời! Không biết sợ à mà dám vỗ mặt hùm như thế?

 

Như phần trên đã nói, vào thời ấy, ngoài các bài phân tích/bình luận chính trị xã hội của các tay bút kỳ cựu thì nắm đấm của các tờ báo chính trị xã hội là các phóng sự điều tra. Thể loại này chủ yếu phanh phui các ngóc ngách đen tối và phạm pháp của những người có thế lực, các quan chức tai to mặt lớn .v.v.. Do đặc thù đó, nó luôn có rất nhiều cạm bẫy và đe dọa, đòi hỏi sự đồng lòng và lý tưởng của cả một tờ báo, từ các lãnh đạo cao nhất cho đến bộ máy “CEO” trực tiếp vận hành tờ báo (trong nghề có tên là Tòa soạn) đến các phóng viên, cộng tác viên to nhỏ của báo.

 

Các tổng biên tập không lạ gì những cú điện thoại nhắc nhở, “lưu ý”, nặng hơn là đe dọa, nhẹ hơn là xin xỏ… từ Ban tuyên giáo, từ các lãnh đạo địa phương về các vấn đề “nhạy cảm”, cho đến những cá nhân/doanh nghiệp đang bị báo phê phán hoặc phanh phui chuyện tiêu cực.

 

Giải thích một chút, các vấn đề “nhạy cảm” theo ngôn ngữ của Ban tuyên giáo các cấp thường là những sự việc/sự kiện liên quan đến chính trị, ngoại giao, cho đến kinh tế, thể thao, văn hóa… mà theo phán đoán của họ thì dễ gây ra các bình luận không tốt của độc giả về khả năng quản lý của nhà nước. Nhiều khi, đó là những loạt bài điều tra tiêu cực của các cơ quan, doanh nghiệp. Báo đang đăng lên dở dang thì bị can thiệp từ đủ mọi hướng, yêu cầu dừng loạt bài lại hoặc không tiếp tục đưa tin về sự việc đó nữa.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/star-fruit-ripe-not-over-night-01302024123043.html/000_hkg1760355.jpg/@@images/23a3357e-c4ef-4f62-91e5-14864f2063aa.jpeg

Một người cầm tờ báo Thanh Niên đợi bên ngoài tòa án ở Hà Nội nơi xử án các nhà báo viết bài điều tra về một vụ án tham nhũng. Phiên tòa diễn ra hôm 15/10/2008. AFP

 

Để đối phó, các tổng biên tập cũng thủ nhiều chiêu để giữ vững lập trường của mình.

 

Một đề tài điều tra được duyệt đều rất cam go. Tác động và ảnh hưởng của nó đến xã hội như thế nào, chứng cứ đến đâu, độ tin cậy của nguồn cung cấp đến mức nào, cần kéo theo những vị có chức quyền và sức ảnh hưởng xã hội nào lên tiếng, nên tung ra bao nhiêu luận điểm và chứng cứ, vào thời điểm nào để đạt hiệu quả nhất… tất cả đều phải trải qua thẩm duyệt, mổ xẻ phân tích, xem xét từ tất cả các mặt trong hội đồng biên tập và tòa soạn báo. Trong 100 chứng cứ đưa ra, chỉ một chứng cứ thiếu vững chắc đã đủ để bên kia đâm đơn kiện tờ báo ra tòa. Khi bài đã lên mặt báo và thu hút độc giả, đó là trận chiến không có lối về. (Nói cho chính xác thì có lối về, nhưng đó lại thuộc về một sự thật khác trong làng báo. Xin hầu quý vị ở bài báo sau).

 

Rút hoặc dừng ngang loạt bài điều tra đều sẽ dấy lên những thắc mắc không thể giải thích cho độc giả và dư luận xã hội nói chung, mà hậu quả trực tiếp là gây sụt giảm số phát hành và uy tín của cả tờ báo. Người đọc hầu hết sẽ nghi ngờ tờ báo đã bị “mua”.

 

Nên, khi phán đoán một bài/loạt bài tung ra sẽ có thể gây các phản ứng như vậy, các tổng biên tập và phó tổng trực thường tìm cách né. Họ tắt điện thoại, lấy lý do đi công tác, điện thoại hư hỏng, hết pin, số báo này do người khác trực…v.v Miễn có lý do để không nhận cuộc điện thoại yêu cầu dừng loạt bài thì cứ thế đăng tiếp. Tuyên giáo có bực tức (thằng này bướng!) thì cũng là chuyện đã rồi. Nếu không vi phạm chính trị đến mức bị ngừng phát hành thì trừ vài câu nghiêm khắc phê bình kiểm điểm, cũng không thể làm gì được tờ báo.

 

Ông Nguyễn Công Khế từng là một tổng biên tập cứng đầu như vậy.

 

Nhưng trước đó…

 

 

“Anh Võ Văn Thưởng đi cơ sở”

 

Năm 2007, ông Võ Văn Thưởng (hiện nay là chủ tịch nước, được bầu từ tháng 3/2023), ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa X), Bí thư thường trực Ban chấp hành trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (khóa VIII)… được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

 

Trang nhất báo Thanh niên căng một tấm ảnh to hết cỡ cùng dòng tít không thể gây hoang mang hơn: “Anh Võ Văn Thưởng đi cơ sở”.

 

Người đọc phổ thông không nhìn ra điều gì, nhưng đồng nghiệp làng báo thì ngã ngất.

 

Đi cơ sở để nắm tình hình thực tế, trực tiếp khen ngợi hay phê bình tổ chức ở cơ sở, nghe trình hoặc triển khai ý tưởng nào đó của mình… là hoạt động bắt buộc của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo. Vì vậy nó bình thường đến mức tuyệt đối. Đi cơ sở để làm gì thì là tin tức, còn bản thân việc đi cơ sở thì tuyệt chẳng có gì để đưa tin cả.

 

Thế mà báo Thanh niên lại đưa cái tin vô bổ ấy cực kỳ trịnh trọng, ngang hàng với những tin tức quan trọng, cấp bách, có ảnh hưởng to lớn nhất đến xã hội.

 

Gọi việc làm đó là gì?

 

Thì, là nịnh bợ chứ còn gì nữa!

 

 

Đám tang mẹ-lời chia buồn của hầu như tất cả các lãnh đạo quốc gia

 

Vẫn năm 2007. Mẹ của ông Khế-cụ bà Lê Thị Liễu, qua đời.

 

Lần này không chỉ đồng nghiệp mà toàn bộ người đọc đều mắt dán lên trán vì sửng sốt.

Toàn bộ trang 10 của báo Thanh niên số ra ngày 5/9/2007 in kín mít lời cảm tạ của gia đình ông Khế với gần 200 cá nhân và các đơn vị, cơ quan đến “thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu”. 

 

Một phần danh sách in trên báo gồm: ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng; ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình; ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng và gia đình; bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương; ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương; Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy TP HCM và gia đình… rồi Thống đốc Ngân hàng nhà nước, các bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, các Hội v.v và v.v.

 

Một nhà báo kỳ cựu bình luận: “Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế”

 

Nghề báo có ưu thế để tạo ra và duy trì các mối quan hệ với tất cả mọi người, tất cả mọi vị trí trong xã hội, từ tổng thống cho đến tận đáy xã hội. Nhưng một người làm báo chân chính phân biệt rất rõ đâu có thể phát triển thành mối quan hệ cá nhân, còn đâu là các quan hệ sinh ra và tồn tại chỉ nhờ vị thế và nghề nghiệp đặc biệt của tờ báo. Một khi vị thế đó không còn, lập tức các mối quan hệ phát sinh từ nó cũng tự biến mất. Ngoài nghề, không nhiều người hiểu được điều này, còn người trong nghề thì có vô số kẻ hết sức lợi dụng nó để gây thanh thế, dựa hơi, kiếm tiền, kiếm quyền, ít nhất cũng là thỏa mãn tâm lý hư danh của bản thân.

 

Ông Khế cố ý mắc dính tên tuổi những lãnh đạo chóp bu của cả hệ thống chính quyền vào một việc hoàn toàn cá nhân, chắc chắn không vì để cảm ơn họ đã bỏ công đến chia buồn với gia đình mình. Nếu thành thật chỉ để cảm ơn thì cứ yên lặng làm trong kín đáo là được.

Mà-điều này nhìn vào ai cũng biết, là để phô trương mối quan hệ, khuếch trương thanh thế, rất dọa người. Một tổng biên tập có mối quan hệ cá nhân mật thiết đến như vậy với hầu như tất cả lãnh đạo tối cao của quốc gia, thì vị trí vững chắc đến dường nào, quan lộ thênh thang đến mức nào chứ? Nhấn mạnh, ông Khế khẳng định mối quan hệ cá nhân chứ không thừa nhận đó là ăn theo từ vị thế của cả tờ báo, công trình tập thể của hàng trăm, hàng ngàn người qua nhiều năm.

 

Vài việc lộ ra công khai như vậy khiến làng báo và cả người ngoài nghề nhận ra: Nguyễn Công Khế có tài, nhưng cũng chính là một tay ngụy quân tử, chí ít là ở vài thời điểm.

Những người ngụy quân tử như ông Khế trong làng báo không hề ít. Bọn họ vừa có thể vô cùng phẫn nộ với cái ác, cái xấu trong xã hội, đặc biệt với tham nhũng, với bè phái, bợ đỡ, lập luận sắc bén về yêu cầu tự do dân chủ… vừa vẫn bày mưu tính kế để hốt của công về túi mình, đồng thời khom lưng uốn gối trước những tai to mặt lớn khác.

 

 

Khế không chín rụng chỉ sau một đêm

 

Nguyên do bị bắt tạm giam vừa rồi của ông Khế nghe có vẻ rất nhỏ: chỉ là bị quy kết có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP HCM. Cụ thể là phù phép sang tay mảnh đất kim cương giữa trung tâm Sài Gòn vốn là của nhà nước, trở thành tài sản tư nhân.

 

Với cái đầu lão luyện của ông Khế, có lẽ đó mới chỉ là một mảnh nhỏ của núi băng chìm.

 

Nhưng dù là khế hay quýt, cam, bòng, bưởi, đều không thể chín rụng chỉ sau một đêm. Ngụy quân tử thì cũng có một phần quân tử. Ông Khế lại có thể liệt vào loại “hạt giống đỏ”: cha của ông là cán bộ tập kết, bản thân ông hoạt động trong phong trào sinh viên chống chế độ miền Nam cũ. Những người như vậy thường sống với lý tưởng cộng sản cao cả có thể đến mức không tưởng, cho dù chỉ trong một giai đoạn. Có một sự thật là với một số người ở vị trí có quyền lực và ưu thế hiểu biết rõ cơ chế vận hành của bộ máy tham nhũng, nếu lý tưởng của họ liên tục bị phản bội vì thực tế xấu xa thì chính họ có thể tự đổi màu vô cùng thuần thục.

 

Nếu có thể khám phá thì hành trình tự chín rụng đó có lẽ sẽ rất đáng để đưa vào các sách chống tham nhũng.

__________

Tham khảo:

 

https://thanhnien.vn/phai-tra-tu-do-cho-cac-nha-bao-chan-chinh-185197670.htm

 

https://thanhnien.vn/2-nha-bao-thanh-nien-va-tuoi-tre-bi-bat-vi-dua-tin-vu-pmu-18-185197941.htm

 

----------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

 

Quê hương có còn là “chùm Khế ngọt”?

 

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước. 

 

 




No comments:

Post a Comment