Hơn
200 người ký kiến nghị thư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho nhà hoạt động
Nguyễn Thuý Hạnh
RFA
2024.01.29
Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh trước khi bị bắt
FBNV/ RFA Edited
Nói việc "điều trị bệnh trầm cảm và bệnh ung
thư cần có sự kết hợp giữa phác đồ điều trị của cơ sở y tế và
liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp tâm lý tốt nhất chính là tình yêu thương,
sự chăm sóc của gia đình," hàng trăm cá nhân trong
và ngoài nước đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội miễn trách nhiệm hình sự
đối với nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh.
Bà Hạnh, người sáng lập Quỹ 50K chuyên hỗ trợ cho những
người hoạt động bị kiểm nguy, bị bắt tạm giam ngày 07/4/2021 để điều tra với
cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Một năm sau, bà bị đưa đến Viện Pháp y Tâm thần Trung
ương để buộc chữa bệnh trầm cảm mà bà đã mắc phải trước khi bị bắt. Đầu tháng
này, bà lại bị phát hiện mắc bệnh ung thư cổ tử cung và đang được điều trị.
Ngày 27/1, cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ đăng tải kiến
nghị thư gửi Viện Kiểm sát Nhân dân và Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành
phố Hà Nội, đồng thời thu thập chữ ký trực tuyến.
Đến chiều ngày 29/1, thống kê trên tài khoản Facebook Huệ Như đã có hơn 200 người
trong và ngoài nước đồng ý ký vào bản kiến nghị này.
Bà Huệ nói với RFA về lý do nhóm của bà viết thư:
“Việt Nam đang lên tiếng rất mạnh trong việc bảo đảm
nhân quyền cho công dân cũng như là tham gia vào các diễn đàn của Liên Hiệp Quốc
về nhân quyền, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần khẩn cấp đình chỉ điều tra đối với
chị Nguyễn Thuý Hạnh để chị chữa trị bệnh.”
Bà Huệ cho biết, việc thu thập chữ ký trực tuyến sẽ kéo
dài đến ngày 2/2/2024 và sau đó sẽ gửi kiến nghị qua đường bưu điện kèm các chữ
ký đến các cơ quan chức năng liên quan.
Chồng của bà Hạnh là ông Huỳnh Ngọc Chênh cho hay, hôm
25/1, bà đã được xạ trị bữa đầu tiên tại bệnh viện K Hà Nội, việc chữa trị kết
hợp giữa hoá trị và xạ trị sẽ kéo dài trong ba tháng theo diện ngoại trú.
Bình thường vẫn tiếp tục ở tại khoa chữa bệnh bắt buộc của
Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, mỗi lần điều trị sẽ được xe của viện đưa qua bệnh
viện K Hà Nội, xong rồi quay lại.
Một kiến nghị khác của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tập hợp
những nhân sĩ - trí thức tên tuổi, "đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam với
tinh thần tôn trọng Nhân quyền và chính sách Nhân đạo, hãy giao trả bà Nguyễn
Thúy Hạnh về gia đình để có điều kiện chăm sóc và điều trị tốt hơn."
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi thay mặt câu lạc bộ này
khẳng định nếu nhà cầm quyền làm như vậy "sẽ được đông đảo dư luận trong
nước và quốc tế ủng hộ, hoan nghênh."
Căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự
Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ở Hà Nội hôm 25/1 gửi
một kiến nghị độc lập tới các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị miễn trách nhiệm
hình sự đối với bà Thuý Hạnh (61 tuổi), trong đó có dẫn quy định tại Điều 2 của
Luật người cao tuổi năm 2009, bên cạnh các điều khoản nhân đạo khác của pháp luật
Việt Nam.
Kiến nghị nói:
“Đối với bà Nguyễn Thuý Hạnh, chúng tôi có mong muốn
các cơ quan tiến hành tố tụng cần cân nhắc, xem xét về trường hợp một
phụ nữ cao tuổi đang mang trong mình nhiều bệnh tật (bao gồm cả bệnh
hiểm nghèo) như trên thì rõ ràng là không còn và không thể có ‘… khả năng
gây nguy hiểm cho xã hội nữa…’ và cần được áp dụng các quy định nhân đạo
nhất đã được quy định tại Bộ luật Hình sự.”
Kiến nghị được đăng trên trang Facebook cá nhân của luật
sư Nguyễn Hà Luân, người đứng đầu
Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ngày 25/1, nhận được
hàng trăm lượt Thích và hàng chục lượt Chia sẻ. Văn phòng này cũng đã ký hợp đồng
trợ giúp pháp lý cho bà Hạnh.
Kiến nghị căn cứ vào Điều 31 của Hiến pháp hiện hành của
Việt Nam quy định "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi
được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có
hiệu lực pháp luật, trong khi theo luật sư Luân "bà Hạnh mới chỉ bị xác
định là nghi can chứ chưa bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp
luật nên bà được coi là không có tội."
Một luật sư nhân quyền ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý
do an ninh, cho RFA biết bà Hạnh hoàn toàn thuộc trường hợp được miễn truy cứu
trách nhiệm hình sự chiếu theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, ở
cả khía cạnh pháp lý và nhân đạo.
Tuy nhiên, ông không lạc quan về khả năng nhà chức trách
thủ đô sẽ áp dụng tinh thần nhân đạo trong trường hợp bà Hạnh và đánh giá “hầu
như có ít cơ hội, ” tuy nhiên, theo luật sư này các nhà hoạt động nhân quyền và
cộng đồng vẫn phải lên tiếng cho bà Hạnh.
Theo điểm b, khoản 2, Điều 29 của Bộ luật hình sự 2015,
căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội đó là "Khi
tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến
không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa," do đó việc
phóng thích bà Hạnh vì lý do nhân đạo là hoàn toàn hợp lý, theo kiến nghị thư.
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự lại không định nghĩa "bệnh
hiểm nghèo" hay "bệnh nặng" là bệnh cụ thể gì.
Nghị quyết số 02 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án
Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, định
nghĩa mắc bệnh hiểm nghèo là "trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện
quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh
nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối..."
Trong khi đó, khoản 4 Điều 3 của Nghị định 140 năm 2021 của
Chính phủ quy định "chế độ áp dụng biện pháp xử hình hành chính đưa vào
trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc,"
xem ung thư giai đoạn cuối là một trong những bệnh nguy
hiểm đến tính mạng.
Ung thư cũng là một trong 42 loại bệnh hiểm nghèo quy định
trong Phụ lục 4 Danh mục bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Nghị định 134 năm
2016 của Chính phủ.
Bà Hạnh là một trong những người hoạt động nhân quyền nổi
tiếng ở Việt Nam. Quỹ 50K của bà được nhiều người trong và ngoài nước ủng hộ,
trợ giúp cho hàng trăm nhà hoạt động.
Bà từng tham gia ứng cử đại biểu quốc hội trong kỳ bầu cử
năm 2021 với lời hứa sẽ vận động cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền của
người phụ nữ.
No comments:
Post a Comment